Thi trắc nghiệm gây nhiều tranh cãi ở Mỹ
Một hạn chế của các đề thi trắc nghiệm là nó thất bại trong việc chuẩn bị cho học sinh đối diện với phương thức giải quyết vấn đề mà họ sẽ bắt gặp trong các lớp toán, khoa học và trong những nghề nghiệp tương lai.
Biểu tình phản đối thi trắc nghiệm ở phổ thông để đánh giá chất lượng giáo viên và
các trường học. Có một em học sinh giơ tấm biển: “Em không chỉ là điểm số”.
Gần đây có nhiều cuộc thảo luận ở Việt Nam về việc làm thế nào để đánh giá năng lực toán học của học sinh và có rất nhiều tranh cãi về ý tưởng sử dụng các đề thi trắc nghiệm. Hội Toán học Việt Nam đã cảnh báo việc sử dụng những đề thi như thế này sẽ khiến học sinh nhớ các tiểu xảo hơn là phát triển một hiểu biết logic về môn học này. Tôi muốn bình luận về vấn đề trên dựa vào kinh nghiệm của chúng tôi ở Mỹ.
Thi trắc nghiệm từ bậc phổ thông “là một thất bại”
Tại Mỹ, ở cấp tiểu học và trung học, học sinh cũng làm các bài kiểm tra trắc nghiệm khách quan định kỳ. Lý do là bởi vì việc chấm điểm và các so sánh tương quan có thể dễ dàng được thực hiện bằng máy tính. Tuy nhiên, việc sử dụng kết quả những bài kiểm tra này là để đánh giá giáo viên và các trường học thay vì học sinh. Một trường học hoặc giáo viên có nhiều học sinh học kém hơn mức trung bình và không tăng điểm qua từng năm sẽ bị “phạt” bằng nhiều cách và trong một số trường hợp, trường học có thể bị đóng cửa.
Việc sử dụng những bài thi trắc nghiệm gây ra rất nhiều tranh cãi ở Mỹ và bị phản ứng mạnh mẽ bởi hiệp hội giáo viên và các chuyên gia giáo dục. Ở những trường hàng đầu, phụ huynh và giáo viên tin rằng họ có thể là những người đánh giá tốt việc học của học sinh và không cần phải nhờ sự trợ giúp của các bài kiểm tra trắc nghiệm. Kết quả là, họ từ chối triển khai những kì thi trắc nghiệm này.
Chính sách đánh giá giáo viên và trường học dựa trên kết quả của học sinh làm các đề kiểm tra trắc nghiệm bắt đầu từ 15 năm trước trong suốt nhiệm kỳ của Tổng thống Bush và kéo dài suốt nhiệm kỳ của Tổng thống Obama. Chính sách này đã tạo ra một áp lực rất lớn lên các giáo viên trong việc “dạy để thi” và ngăn cản việc dạy sâu, dạy theo bối cảnh. Trong nhiều trường hợp, nó còn dẫn đến những hành vi sai trái và gian lận (giáo viên và ban giám hiệu sửa đáp án của học sinh nhằm tăng điểm cho các em). Hầu hết các nhà khoa học và giáo dục tin rằng chính sách này là một thất bại và chất lượng các trường phổ thông của Mỹ không những không cải thiện mà thậm chí còn giảm sút trong suốt thời kì này. Trong một cuốn sách bán chạy được xuất bản vào năm 2010, chuyên gia giáo dục Diane Ravitch, một cán bộ giáo dục hàng đầu trong thời kỳ đương nhiệm của Tổng thống Bush và từng ủng hộ các kỳ thi trắc nghiệm, đã thay đổi quan điểm của mình. Bây giờ bà là một người dẫn đầu nhóm phản đối việc sử dụng các kỳ thi trắc nghiệm ngày một phổ biến.
Không chỉ dựa trên kết quả thi trắc nghiệm để tuyển sinh đại học
Ở Mỹ, bài kiểm tra đánh giá năng lực (Scholastic Aptitude Test – SAT1) được sử dụng như một phần của quá trình tuyển sinh đại học. Ban đầu SAT hoàn toàn là một bài kiểm tra trắc nghiệm khách quan. Nhưng cách đây khoảng 7-10 năm, nhiều trường ngưng sử dụng kết quả SAT cho việc tuyển sinh của mình vì họ cảm thấy thi trắc nghiệm không phải là một cách hữu ích để lựa chọn sinh viên. Từ đó, công ty ra đề SAT, Công ty dịch vụ kiểm tra đánh giá giáo dục ETS (Educational Testing Service) đã đưa phần viết luận vào đề thi để hầu hết các trường có thể tiếp tục sử dụng SAT.
Một điều rất quan trọng cần nhấn mạnh, đó là các trường đại học của Mỹ không bao giờ chỉ dựa trên kết quả thi cử để tuyển sinh. Các cán bộ tuyển sinh ở trường đại học tin rằng thông qua việc sử dụng nhiều công cụ, họ có thể có một cách đánh giá các ứng viên tốt hơn là chỉ dựa vào kết quả của kỳ thi đầu vào.
Có thể nói, rất khó để thiết kế được một bài thi trắc nghiệm công bằng và hữu ích. Bản thân ETS cũng đầu tư một số tiền lớn mỗi năm để thiết kế các đề thi trắc nghiệm. Khi một bài thi trắc nghiệm được thiết kế tốt, nó có hai lợi thế (1) nó tốn rất ít kinh phí để chữa và chấm điểm vì nó có thể được thực hiện bằng máy, và (2) nó có thể được sử dụng để loại trừ những học sinh có năng lực rất yếu. Có nghĩa là, một học sinh có kết quả rất tệ trong bài thi trắc nghiệm khó có thể là ứng cử viên cho những trường đại học hàng đầu. Tuy nhiên, những kỳ thi trắc nghiệm không thể lựa chọn được những sinh viên xuất sắc.
Một hạn chế của các đề thi trắc nghiệm là nó thất bại trong việc chuẩn bị cho học sinh đối diện với phương thức giải quyết vấn đề mà họ sẽ bắt gặp trong các lớp toán, khoa học và trong những nghề nghiệp tương lai. Trên thực tế, các nhà toán học và các nhà khoa học không giải quyết các vấn đề bằng một đáp án ngắn. Ngược lại, các vấn đề đòi hỏi một đáp án dài, cần nhiều bước giải quyết, trong đó các sinh viên phải đưa ra lời giải đầy đủ của họ là một sự chuẩn bị tốt cho những nghề nghiệp trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.
Ở các cấp học càng cao trong hệ thống giáo dục, các bài thi trắc nghiệm càng ít được sử dụng. Một đại học tốt không bao giờ chỉ dựa vào các đề thi trắc nghiệm để quyết định tuyển sinh. Tuy nhiên, các đề thi trắc nghiệm thi thoảng vẫn có ích ở trình độ cao, ví dụ đề thi sau đại học GRE (Graduate Record Exam) trong Toán học – để xác định và loại ra những sinh viên có học lực rất yếu.
Bởi vậy, nếu Chính phủ Việt Nam cần phải giảm thiểu chi phí chấm điểm các bài thi đầu vào đại học thì có một cách hợp lý để làm điều đó, một sự thỏa hiệp sẽ không ảnh hưởng xấu đến quá trình tuyển chọn. Đề thi tuyển sinh có thể có hai phần: một phần trắc nghiệm và một phần tự luận. Những học sinh có kết quả thấp hơn mức điểm sàn ở phần thi thứ nhất sẽ không đỗ và sẽ không cần chấm phần thi thứ hai của họ nữa. Điều đó có nghĩa là, phần thi đầu tiên sẽ xác định được những học sinh yếu nhất và phần thứ hai là để xác định những học sinh xuất sắc. Điều này sẽ tiết kiệm thời gian và chi phí mà không phải đánh đổi chất lượng của quá trình tuyển sinh.
Con người là chính, máy móc chỉ là thứ yếu
Trường đại học có đề thi đầu vào môn toán tốt nhất mà tôi từng biết là Đại học Cambridge (Anh), được biết đến là một trong những trường hàng đầu thế giới. Bài thi là bước cuối cùng trong quá trình tuyển chọn các học sinh muốn học toán tại Cambridge. Các giáo sư Toán sẽ đưa cho các thí sinh dự tuyển một loạt các bài toán khó và nói với các em rằng họ không yêu cầu các em phải giải được tất cả chúng một cách đầy đủ. Sau khoảng một – hai tiếng, giám khảo sẽ thu lại câu trả lời đầy đủ hoặc một phần câu trả lời của các thí sinh và phỏng vấn các em về quá trình tư duy để đi đến lời giải của họ và đặc biệt là về những điểm mà họ vướng mắc. Một thí sinh có năng lực giải quyết vấn đề và có hiểu biết sâu sắc, tạo ấn tượng tốt với các giám khảo sẽ được tuyển chọn vào Cambridge.
Tôi dạy các em sinh viên năm thứ nhất đại học. Trong khóa học về giải tích, chúng tôi nhấn mạnh phần ứng dụng của Toán học. Bài kiểm tra cuối kỳ của chúng tôi kéo dài trong ba tiếng đồng hồ và có tám câu hỏi, trong đó, một nửa số câu hỏi liên quan đến những vấn đề trong thực tế. Các sinh viên được yêu cầu đưa ra lời giải một cách chi tiết chứ không chỉ đáp án cuối cùng. Ở cấp đại học, các đồng nghiệp và tôi không sử dụng các bài kiểm tra trắc nghiệm để đánh giá học sinh.
Trong giáo dục, yếu tố con người là chính và công nghệ chỉ là thứ yếu. Dĩ nhiên, việc một máy tính có thể chấm hàng triệu bài kiểm tra trắc nghiệm nhanh chóng thì rất tiện lợi. Nhưng chỉ con người mới có thể đưa ra những đánh giá tin cậy về tiềm năng và trí tuệ của ai đó.
Hảo Linh dịch
———
1 SAT là kỳ thi dùng để đánh giá năng lực học tập của học sinh, bao gồm ba phần: đọc hiểu (critical reading), toán và viết luận. Trong đó hai phần đầu là thi trắc nghiệm khách quan.