Thiên nhiên, người thầy ưu việt (Kỳ 2)

Hiện nay vẫn chưa có lý thuyết hàn lâm nào làm nền tảng cho thiết kế sân chơi, trong khi người ta đã có lý thuyết thiết kế nghĩa trang.


Học để chơi, chơi để học


Ngày nay, bất kỳ một không gian đô thị nào được trang bị cầu trượt và xích đu đều được gọi là sân chơi. Phần lớn những không gian như thế do các kiến trúc sư cảnh quan thiết kế. Hiện nay vẫn chưa có lý thuyết hàn lâm nào làm nền tảng cho thiết kế sân chơi, trong khi người ta đã có lý thuyết thiết kế nghĩa trang. Các kiến thức về hành vi của trẻ em do các nhà giáo dục, tâm lý học và thần kinh học tổng kết lại không có nội dung thiết kế sân chơi, vì vậy phần lớn các không gian này không khuấy động được trẻ em hứng thú chơi đùa và cũng không giúp trẻ em phát triển về mặt thể chất, tình cảm, xã hội và tâm lý như mục đích đặt ra cho chúng.

Sáu nguyên tắc cho không gian vui chơi

* Hãy chắc chắn rằng đó là nơi hấp dẫn mà trẻ muốn ở lại chứ không phải một sân tập luyện hay một khu trưng bày những cấu trúc chỉ dành cho khẩu vị của người lớn.

* Để cho mọi thứ chỉ phơi bày với những ai tìm kiếm chúng, ví dụ một hốc tường rào.

* Tạo cơ hội để trẻ em thử thách sự tự chủ, trước những rủi ro rõ ràng có thể kiểm soát được, chẳng hạn như việc rèn luyện kỹ năng leo trèo ở các cấp độ khác nhau.

* Giúp các nhóm trẻ khác nhau tìm được những địa điểm phù hợp với cảm xúc, mối quan tâm hay nhu cầu riêng.

* Có nơi kín đáo để tránh gió, tiếng ồn và tránh bị người lạ quan sát.

* Tránh việc cấm đoán bừa bãi.

Nhà thiết kế được đào tạo về sáng tạo và giải quyết các vấn đề, về khoa học vật liệu và khoa học sản xuất. Nhưng để tạo ra một môi trường cho trẻ em, bạn cần phải hành xử như một nhà nhân chủng học, tôn trọng “sự khác biệt” của mỗi đứa trẻ. Bạn học làm việc đó bằng cách quan sát và đối chiếu để khám phá nhu cầu, khả năng và mục đích của trẻ. (xem “Sáu nguyên tắc cho không gian vui chơi”)

Là trẻ con nghĩa là thay đổi liên tục, không ngừng nghỉ. Những gì một đứa trẻ làm được ngày hôm nay không giống với những gì nó có thể làm ngày hôm qua, và cũng không giống những gì nó có thể làm vào ngày mai. Quá trình làm mới và thay đổi tâm lý một cách liên tục này đến thành từng đợt như những lớp sóng, và không có nhịp điệu nhất định. Một số thay đổi đến sớm, số khác thì đến muộn.

Sự thay đổi liên tục của cơ thể và tâm trí dẫn đến một kiểu diễn giải liên tục tùy theo khả năng của đứa trẻ. Chơi đùa thực sự nghĩa là tự chiêm nghiệm để tìm ra những khả năng ấy, để sử dụng trí tưởng tượng, óc sáng tạo và tính tò một cách ngẫu nhiên không thiên lệch. Đó là nguồn gốc của việc học, không phải chỉ bằng trí não mà còn là kết hợp với trực giác và cảm xúc, với cả cơ thể: học tập với tất cả bản thể trọn vẹn. Đó là sự khám phá không cần mục tiêu thông qua trải nghiệm, trong một thế giới nơi đứa trẻ là người ra quyết định chứ không phải nhờ người khác quyết định hộ. Với kiểu học này, đứa trẻ cần thời gian, sự tự do chọn lựa và không gian. Và đối với các cộng đồng ngày càng bị đô thị hóa thì không gian ấy là sân chơi.

Các đặc tính của cộng đồng sẽ quyết định việc thiết kế sân chơi ở một mức độ nào đó. Các khu dân cư khác nhau về kinh tế xã hội và nhân khẩu học cũng như về địa hình, cơ sở hạ tầng và mức độ đô thị hóa. Bên trong không gian vui chơi, cách bố trí và bản chất của các công năng sẽ xác định hành vi của trẻ em, và do đó đòi hỏi thiết kế phải đáp ứng các nhu cầu, mong muốn của các em, cá nhân cũng như tập thể.

Các công cụ để leo trèo và cân bằng – như thang, dây thừng và cầu treo – sẽ tạo điều kiện cho việc lập kế hoạch, giải quyết vấn đề, phối hợp thể chất, kiểm soát cơ thể, quản lý rủi ro và là cơ hội để rèn luyện thời gian phản ứng, cũng như sự hiểu biết về điểm mạnh yếu của trẻ em. Thiết bị leo trèo phải luôn là một phần của chỉnh thể thống nhất lớn hơn và gắn với mục tiêu cụ thể, chẳng hạn như tạo ra một lối tắt hoặc một cách leo lên một điểm cao. Nếu các công cụ này bị tách rời riêng lẻ, chúng sẽ dễ trở thành đối tượng bị tranh giành giữa bọn trẻ.

Tháp và nhà cao tầng cho trẻ em trải nghiệm được nhìn thấy thế giới một cách khác từ trên cao. Trải nghiệm cảm giác thay đổi này luôn dễ thu hút trẻ, vì vậy mà các công trình cao là rất phổ biến và cần có nhiều cách để trèo lên và xuống cùng lúc. Đồng thời, các công trình như thế phải có kết cấu vững chắc.

Những không gian tập thể để trẻ cùng chơi với nhau giúp phát triển tính quyết đoán và trí thông minh xã hội, nhưng trẻ cũng cần những không gian yên tĩnh để mơ mộng và thư giãn, đem đến cơ hội để chiêm nghiệm, suy nghĩ, hoặc thả lỏng tâm trí. Nhà gỗ nhỏ, hốc trong bụi cây hay những túp lều thấp để chơi các trò chơi nhẹ nhàng nên được đặt cách xa các khu vực có trò chơi tập thể đông người.

Hố cát nên bắt chước những hốc tự nhiên, được xây dưới mặt đất để tránh mất cát. Chúng sẽ khuyến khích trẻ em tìm hiểu các loại vật liệu và khi được kết hợp với các thiết bị như máy xúc và xe goòng dùng để đào và vận chuyển cát, tạo cơ hội cho trẻ rèn luyện thể chất, học hỏi về kỹ thuật và làm việc theo nhóm.

Diện mạo sân chơi không nên quá chú trọng vào tính trang trí, bởi trẻ em không nhất thiết có cùng gu thẩm mỹ của người lớn. Quan trọng hơn, trẻ em quan tâm đến các hình thù đơn giản, có tính cách điệu gợi mở thay vì mô phỏng chính xác các sự vật cụ thể. Những loại đồ chơi như vậy có thể được dùng cho các trò chơi sáng tạo: khúc gỗ có thể thành con ngựa hay xe máy, thùng rác thành tàu vũ trụ.

Không gian chơi hòa nhập cho trẻ em khuyết tật cần được thiết kế riêng. Trẻ em khiếm thính sẽ chỉ dùng được thị giác, vì vậy các thành phần chuyển động phải được thiết kế dễ phân biệt, chẳng hạn như khác màu nhau. Trẻ em khiếm thị cần khu vực an toàn, có rào chắn bao bọc, hoặc bề mặt sân chơi đặc biệt. Sân chơi cho người sử dụng xe lăn đòi hỏi phải lưu tâm đến bề mặt và kích thước, và vị trí của một số thành phần, chẳng hạn như bốt điện thoại ở vị trí thuận tiện trên lối đi lại.

Không có sân chơi nào là hoàn hảo. Khi xem trẻ em chơi trong một sân chơi do tôi thiết kế, tôi thấy các em sử dụng nó theo những cách tôi chưa từng nghĩ đến. Để trẻ em có thể thử nghiệm thoải mái và thỏa mãn trí tò mò khi chơi, các chuyên gia tâm lý và nhà thiết kế sân chơi phải tìm được tiếng nói chung. Thế giới đang trong tiến trình đô thị hóa của chúng ta về cơ bản không phù hợp với trẻ em, vì vậy việc tạo ra các không gian vui chơi phù hợp với nhu cầu của trẻ em và tôn trọng sở thích của các em là hết sức cần thiết.

Hoàng Minh dịch theo nature.com

Đọc thêm:
Thiên nhiên, người thầy ưu việt (Kỳ 1)
http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=113&CategoryID=6&News=8903

Tác giả

(Visited 6 times, 1 visits today)