Thời đại kỹ thuật số: Khoa học xã hội sẽ trao cho học sinh những cơ hội gì?

Thời đại kỹ thuật số đã mở ra những cơ hội – và cả thách thức mới – cho nền giáo dục và các ngành khoa học xã hội. Giờ đây, chúng ta có thể truy cập nhanh chóng vào các nguồn thông tin đa dạng, cũng như các công cụ thiết lập và phân tích thông tin một cách dễ dàng. Đồng thời, vì thao tác quá dễ dàng như vậy, việc hướng dẫn học sinh cách chọn lọc nguồn thông tin càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Trong khi đó, quá trình toàn cầu hóa không chỉ dừng lại ở văn hóa, kinh tế, mà còn cả bệnh tật, đã khiến việc quản lý xã hội càng khó khăn hơn. Tuy nhiên, đằng sau những phương tiện truyền thông, những công cụ tương tác mới mẻ này, là một mối quan tâm kinh điển: Tầm quan trọng của công bằng và hòa hợp; sự cần thiết phải đưa ra quyết định dựa trên bằng chứng; và nhu cầu thấu hiểu giữa người với người.


Một tiết địa lý ứng dụng phương pháp dạy học theo dự án của Trường THPT Trần Khai Nguyên (Tp.HCM). Các em sẽ chia thành các nhóm Quỹ dân số Liên hiệp quốc, Hội kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, Ủy ban văn hóa giáo dục thanh thiếu niên nhi đồng,… để thảo luận về chủ đề  “Dân số và phát triển bền vững”. Ảnh: Trường THPT Trần Khai Nguyên.

Thời đại mới, vấn đề cũ 

 
Rõ ràng, thời đại kỹ thuật số đã mang đến cho nền giáo dục một diện mạo mới, một lượng lớn thông tin luôn có sẵn trong mọi lúc, học sinh và giáo viên có thể sử dụng công cụ trực tuyến để phân tích thông tin và thảo luận với nhau dễ dàng. Nhiều nhà giáo dục đã lưu ý, điều này có nghĩa là một số quan điểm truyền thống về giáo dục không còn phù hợp với ngày nay: người thầy và cuốn sách giáo khoa không còn là chân lý, ghi nhớ kiến thức không còn là phương pháp hiệu quả, và những bài luận không thể đánh giá toàn diện khả năng của học sinh.  
Quá trình toàn cầu hóa còn ảnh hưởng đến giáo dục. Học sinh là một phần của mạng xã hội và mạng lưới kinh tế, các em không còn bị giới hạn trong cộng đồng địa phương và quốc gia nơi mình sinh sống. Điều này mở ra cho các em những triển vọng học tập và phương thức tương tác mới. Học sinh có thể giao tiếp dễ dàng với những cá nhân có bối cảnh, kinh nghiệm và niềm tin khác với họ, và như thế trường học không phải lúc nào cũng có thể bảo vệ các em trước những luồng quan điểm nhập nhằng và đối nghịch, những niềm tin và hành vi mù quáng. Cùng với đó, khi quá trình hội nhập kinh tế khu vực và toàn cầu ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của chúng ta, nhà trường cần trang bị cho các em các kỹ năng và tri thức cần thiết, vượt ra khỏi các hoạt động và lối sống địa phương.  
Tuy nhiên, bất chấp toàn cầu hóa và sự xuất hiện của công nghệ mới, nhiều khía cạnh cơ bản nhất của giáo dục vẫn phải giữ nguyên, nhất là trong lĩnh vực khoa học xã hội. Các vấn đề xã hội mà con người đang phải đối mặt ngày nay có thể đã và đang diễn ra dưới một hình thức mới, nhưng suy cho cùng, chúng chẳng khác gì các cuộc đấu tranh của loài người trong suốt lịch sử: Một nhóm người hoặc quốc gia bóc lột một nhóm người hoặc quốc gia khác, và những người bị áp bức thường nổi dậy đấu tranh, có thể thành công hoặc thất bại. Người dân, các nhóm và các quốc gia tranh chấp nguồn tài nguyên và quyền lực, họ thường kéo dân chúng vào những cuộc xung đột này, đôi khi kết quả thật tàn khốc. Loài người còn khai thác môi trường để phục vụ cho mục đích của mình, biến đổi nó – theo cách tiêu cực và ngoài ý muốn. Vì xung đột, nghèo đói, hoặc môi trường thay đổi, người dân phải di cư đến những vùng đất, và ở đó họ phải đối mặt với những thách thức. Ngoài ra, nhiều người bị tước đoạt quyền con người, như an ninh, giáo dục, quyền tự do ngôn luận, hoặc một cuộc sống ấm no, trong khi những người khác đấu tranh để giải quyết những thiếu sót này – với tư cách cá nhân, nhóm hay tổ chức chính trị, và nhiều người khác ngăn cản họ trên con đường đấu tranh ấy. Những hiện tượng xã hội này sẽ không biến mất, chúng chỉ khoác lên mình một lớp áo mới mà thôi.  
Bất kể bây giờ, và trong tương lai, học sinh sẽ nắm trong tay những nền tảng công nghệ mới gì và bất kể họ sẽ là một phần của một thế giới to lớn như thế nào, họ vẫn phải đối mặt với các vấn đề xã hội tương tự như trên, đồng thời bị đặt trong tình thế bắt buộc phải đưa ra một quyết định phù hợp. Làm thế nào để hợp tác cùng mọi người nhằm xây dựng một xã hội tốt hơn? Làm thế nào để khai thác môi trường theo hướng bền vững? Làm thế nào để bảo đảm quyền lợi của người dân, và đấu tranh vì chính họ? Đây không đơn giản là những câu hỏi riêng lẻ về việc hòa hợp với mọi người, mà chúng là những vấn đề xã hội. Học sinh cần hiểu cơ chế hoạt động của pháp luật, chính sách và thể chế trong hỗ trợ hoặc ngăn cản mục tiêu xã hội, các em cũng cần biết rõ mình có thể làm gì để tác động đến những thứ đó. Đây là nhiệm vụ của khoa học xã hội: Giúp học sinh phản ứng thông minh trước “câu hỏi về quyền công dân trong thời đại của chúng ta” – theo nhà giáo dục xã hội Hoa Kỳ Walter Parker. Đó là câu hỏi: Làm thế nào để xây dựng một xã hội công bằng? Dù cho đây là câu hỏi cốt lõi của môn giáo dục công dân, nhưng những môn khoa học xã hội khác cũng góp phần giải đáp câu hỏi đó.

Lòng trắc ẩn

 
Để đáp ứng được những yếu tố cần thiết trong quá trình xây dựng một xã hội công bằng, học sinh sẽ phải phát triển những kỹ năng, kiến thức và thái độ phù hợp. Trước tiên, đó là lòng nhân từ xuất phát từ một trái tim trắc ẩn. Việc đối xử công bằng với mọi người – hoặc hỗ trợ các chính sách công hướng đến thực thi công lý – đòi hỏi phải đặt lợi ích riêng của bản thân sang một bên để lắng nghe nhu cầu của người khác, cũng như hành động dựa trên những nhu cầu này; đây là cốt lõi của lòng nhân từ. 
Lòng trắc ẩn và lòng nhân từ nảy mầm khi một người thực sự quan tâm đến hoàn cảnh của người khác – đồng cảm với nỗi đau và vui mừng cho thành công của mọi người, chứ không phải là một sản phẩm mà các nhà giáo dục cần phải tạo ra. Dường như chúng là bản năng, vì các nhà triết học đã nhận ra từ lâu và các nghiên cứu gần đây đã xác nhận quan điểm này là chính xác. Đây là điều mà nhà Nho, nhà tư tưởng Mạnh Tử gọi là một “trái tim biết thương xót” hay một “trái tim không nỡ làm hại người” (不忍人之心 – bất nhẫn nhân chi tâm). Nhưng các nhà triết học còn chỉ ra rằng những cảm xúc này nảy sinh rất tự nhiên trong chúng ta, dành cho tất cả mọi người, trong mọi tình huống. Sự quan tâm càng sâu sắc hơn khi đối tượng là những người gần gũi với ta, và do đó, cảm xúc bản năng của chúng ta đơn giản là “hạt mầm” của lòng nhân từ, theo Mạnh Tử. Để hoàn thiện bản thân, chúng ta cần mở rộng cánh cửa trái tim mình đến nhiều người hơn nữa. 
Và nhiệm vụ đầu tiên của giáo dục, đó là giúp học sinh mở rộng lòng nhân ái và sự trắc ẩn trong tim mình đến những người dù không cùng thời hay cách xa ta về địa lý. Để làm được điều đó, cần hiểu rõ về hoàn cảnh sống, cách chiến tranh, biến đổi khí hậu, làn sóng di cư… tác động đến đời sống của họ. Đây chính là điểm mà công nghệ kỹ thuật số có thể hỗ trợ cho các nhà giáo dục. Công nghệ trao cho học sinh phương tiện để các em không chỉ đọc, mà còn nhìn thấy và lắng nghe những câu chuyện và trải nghiệm của mọi người ở các địa điểm xa xôi, thường là dưới những hình thức sinh động, đầy hấp dẫn.

Học sinh trường Olympia đến thăm các trẻ em mồ côi tại chùa Đức Sơn (Huế) và xây dựng công trình phụ cho trường tiểu học Xuân Lộc tại tỉnh này. Hoạt động nhằm khơi gợi trong các em sự sẻ chia, từ đó đề xuất những phương án giải quyết vấn đề. Ảnh: theolympiaschools.
Thấu hiểu các quan điểm khác nhau
 
Tuy nhiên, nếu chỉ biết dang rộng vòng tay trước những câu chuyện ấy thôi là chưa đủ, bởi hiện nay có rất nhiều tài khoản cung cấp thông tin sai lệch. Một người ngoài có thể tạo tài khoản và đưa tin về cuộc sống của người khác, và dù cho các tài khoản này có tạo được thiện cảm đến đâu, thông tin cũng đã đi qua lăng kính quan điểm riêng và kinh nghiệm của họ. Chính vì vậy, học sinh còn phải lắng nghe thêm các luồng quan điểm khác nhau về vấn đề xã hội. Các em không chỉ nên xem ảnh hưởng của các vấn đề này đến người dân, mà còn lắng nghe phương án họ đưa ra để giải quyết vấn đề này. Việc lắng nghe mang lại hai lợi ích quan trọng: Nó cho phép học sinh vượt ra khỏi các định kiến gắn liền với văn hóa của bản thân, và nó cho thấy tiếng nói của những người sẽ bị ảnh hưởng bởi chính quyết định về sau của các em.  
Khoa học xã hội sẽ góp phần giải quyết điều này; trên thực tế, một trong những lợi thế quan trọng của lịch sử, địa lý và các môn khoa học xã hội khác chính là khả năng giúp học sinh hình dung đời sống của loài người ở những địa điểm và thời gian khác nhau. Và một lần nữa, nỗ lực này càng trở nên khả thi hơn với sự phát triển của công nghệ số hiện nay: học sinh thực sự có thể lắng nghe quan điểm của mọi người về những vấn đề ảnh hưởng đến họ, giải pháp nào theo họ là phù hợp nhất. Tuy nhiên, vấn đề không chỉ nằm ở việc thấu hiểu những người xa lạ; mà việc lắng nghe quan điểm của người dân nơi các em sinh sống cũng có thể hình thành trong các em ý tưởng giải quyết các vấn đề ở địa phương, trong khu vực, và những vùng đất khác. Suy cho cùng, học sinh phải hiểu được tầm quan trọng của việc lắng nghe – đó như là một bản hướng dẫn hành động. Trong tiếng Hán, chữ hiền nhân (聖 – thánh) bao gồm bộ khẩu (miệng) và bộ nhĩ (tai), hàm ý rằng người khôn ngoan hoặc người trị vì đừng chỉ nói mà còn phải biết lắng nghe.
“Sự khôn ngoan thực tiễn”
 
Yếu tố cần lưu ý thứ ba khi trang bị cho học sinh cách ứng phó trước các vấn đề xã hội chính là “sự khôn ngoan thực tiễn” (practical wisdom), thuật ngữ mà các nhà tư tưởng phương Đông và phương Tây từ lâu vẫn dùng. Đó là khả năng đưa ra quyết định và hành động thích hợp trong một tình huống cụ thể. Điều này đòi hỏi phải tìm hiểu cặn kẽ nguồn cơn của vấn đề xã hội, hậu quả của những biện pháp nhằm giải quyết vấn đề, cả trong hiện tại và quá khứ. Theo một nghĩa nào đó, đây cũng chính là điều mà các môn học xã hội vẫn thường hướng đến: nguồn gốc của các vấn đề xã hội và tác động của con người lên chúng. Chẳng hạn, một cam kết về phát triển bền vững là không đủ để đưa môi trường trở về như trước đây; hay thậm chí việc thay đổi mô hình kinh tế và môi trường dựa trên chia sẻ của những người bị ảnh hưởng cũng không giải quyết triệt để vấn đề. Học sinh cũng phải tìm hiểu động cơ của những mô hình đó, nếu không, các em sẽ hiểu sai về các biện pháp này. 
Đã có nhiều nghiên cứu về tác động của cá nhân và chính phủ trước các vấn đề này được thực hiện, góp phần nâng cao khả năng đánh giá của học sinh về những biện pháp trong tương lai. Các quốc gia đã phản ứng như thế nào trước làn sóng di cư, biến đổi khí hậu, nội chiến, v.v.. và những phản ứng này đã mang lại điều gì? Những thông tin kiểu như vậy đầy rẫy trên Internet, và việc sử dụng những thông tin này đúng cách đòi hỏi học sinh không chỉ có khả năng đặt nghi vấn mà còn biết tìm kiếm câu trả lời, đánh giá độ tin cậy và hữu ích của những dữ liệu họ tìm được, từ đó rút ra kết luận hỗ trợ nguồn thông tin đã có trong tay. 
Quan trọng là học sinh phải nhận ra rằng lòng nhân từ, sự lắng nghe và sự khôn ngoan thực tiễn đều phụ thuộc vào kiến thức có được. Tuy nhiên, các nhà giáo dục cũng phải nhận ra rằng kiến ​​thức không phải là hàng hóa để thu gom; cái thời mà học sinh phải nhồi nhét một lượng thông tin khổng lồ đã qua. Giờ đây, kiến ​​thức là nguồn nguyên liệu thô mà học sinh phải sử dụng để xử lý các vấn đề xã hội; họ phải tương tác với nó để khơi dậy lòng nhân từ, lắng nghe người khác và phát triển sự khôn ngoan thực tiễn. Tương tác và ghi nhớ là hai quá trình rất khác nhau, và theo một cách nào đó có vẻ như là trái ngược nhau. Trong các hình thức giáo dục cũ hơn, học sinh ​​sẽ ghi nhớ một khối kiến ​​thức, để một lúc nào đó trong tương lai họ sẽ rút ra sử dụng trong trường hợp cần thiết. Trong khi đó, với hướng tập trung vào các vấn đề xã hội, việc sử dụng kiến ​​thức được đặt lên hàng đầu và nội dung chương trình giảng dạy được chọn lọc để học sinh có cơ hội vận dụng kiến thức của mình hòng giải quyết các vấn đề đó. Phương pháp này vừa đáp ứng nhu cầu của xã hội, vừa phù hợp với cách học của học sinh ngày nay. 
Những nỗ lực này phải có trọng tâm cụ thể. Rất khó để định hướng học sinh mở rộng lòng nhân từ một cách chung chung, đối với tất cả vấn đề. Rốt cuộc, chúng ta đều biết rằng việc tử tế với tất cả mọi người là bất khả thi. Thay vào đó, chương trình giảng dạy phải giúp hình thành trong học sinh lòng nhân từ trước những chủ đề cụ thể, hơn là mong đợi rằng một khi các em trở nên nhân từ đối với một vấn đề xã hội, các em cũng sẽ có phản ứng tương tự đối với những vấn đề khác. Tương tự như vậy, chúng ta đừng hi vọng có thể giúp học sinh lắng nghe nhiều quan điểm một cách chung chung, hoặc có thể đánh giá thông tin một cách chính xác trong mọi vấn đề, mặc dù điều này có vẻ là một phương pháp giáo dục hấp dẫn. Một lần nữa, tất cả chúng ta đều biết không phải lúc nào các em cũng có khả năng tiếp nhận những quan điểm khác nhau, hoặc suy luận một cách logic trong mọi chủ đề. Chương trình học cần giúp học sinh tiếp cận với những quan điểm và thông tin khác nhau trong các chủ đề cụ thể, cũng như vận dụng kiến thức của mình về các vấn đề đó.  
Thế giới đang thay đổi, và các trường học cũng không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên một số khía cạnh của giáo dục vẫn sẽ khởi nguồn từ những ý tưởng đã cũ, ít nhất là từ thời Khổng Tử hoặc Aristotle. Mặc dù các nhà giáo dục dự kiến ​​sẽ triển khai các công nghệ mới và cập nhật xu hướng mới, nhưng họ không nên bị phân tâm bởi vì đây chỉ là những phương tiện mới và bối cảnh mới, trong cuộc chiến giải quyết những vấn đề vốn vẫn tồn tại trong lịch sử từ xưa đến nay. Khoa học xã hội phải trang bị cho học sinh những kỹ năng và kiến thức cần thiết, để các em có thể cùng nhau chịu trách nhiệm về tương lai của chính mình. □
 
Đinh Hà dịch
Mạng lưới Giáo dục (EduNet) trực thuộc Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam Toàn cầu (AVSE-Global) khởi xướng chương trình hành động 2019 – 2030 vì “Trường học ngày mai – Công dân tương lai” nhằm đóng góp vào cuộc thảo luận cải cách và đổi mới tư duy giáo dục ở Việt Nam thông qua một cách tiếp cận có cơ sở khoa học và đồng thuận của nhiều tác nhân (người ra chính sách giáo dục, chuyên gia, giáo viên, học sinh và phụ huynh). Trong khuôn khổ đó, năm nay EduNet) cùng phối hợp với Đại học Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) tổ chức Diễn đàn Giáo dục Việt Nam 2020 (diễn ra ngày 9/6) với chủ đề “Trường học ngày mai, Công dân tương lai” để cùng xác định lại phương châm và mục tiêu giáo dục, hiện đại hóa phương pháp sư phạm, tái định nghĩa vai trò của các tác nhân, hướng tới những thay đổi tích cực và bền vững cho giáo dục Việt Nam.
Diễn đàn 2020 nêu ra các chủ đề lớn:
1. Định nghĩa lại những mục tiêu của giáo dục cho thế kỷ 21
2. Hợp tác trong giáo dục, phát triển các ngành khoa học xã hội, gây dựng xã hội học tập
3. Dạy và học, đào tạo giáo viên, vai trò của trường học trong thời đại số hóa.
EduNet hân hạnh được cộng tác với Tia Sáng để gửi đến bạn đọc những tham luận của các diễn giả khách mời, các giáo sư đại học và các chuyên gia giáo dục. Độc giả có thể theo dõi nội dung và đăng ký tham dự trực tuyến tại đây: https://ves.sciencesconf.org/
*Giáo sư Keith C. Barton là giảng viên Đại học Indiana (Hoa Kỳ)
Phó Giáo sư Li-Ching Ho là giảng viên Đại học Wisconsin-Madison (Hoa Kỳ).
 
Nguồn tham khảo:
Barton, K. C., & Ho, L.-C. (in press). Cultivating sprouts of benevolence: A foundational principle for curriculum in civic and multicultural education. Multicultural Education Review. 
Parker, W. C. (2003). Teaching democracy: Unity and diversity in public life. Teachers College Press.
Sen, A. (2009). The idea of justice. Cambridge, MA: Harvard University Press. 
Tu, W. M. (1985). Confucian thought: Selfhood as creative transformation. Albany, N.Y.: SUNY Press.
Van Norden, B. W. (2009). The essential Mengzi: Selected passages with traditional commentary. Indianapolis, IN: Hackett Publishing. 

Tác giả

(Visited 97 times, 2 visits today)