Thụ đắc ngôn ngữ thứ nhất: Những thắc mắc thường gặp (Kỳ 3)
Sự phát triển ngôn ngữ của trẻ có những thời kì then chốt, nhạy cảm, có tác dụng quyết định chất và lượng của vốn và kĩ năng ngôn ngữ sau này. Thời kì then chốt trong sự phát triển ngôn ngữ của trẻ là thời kì nào?
Mùa xuân thì con người gieo hạt, mùa đông thì cây khô lá vàng, việc gì cũng có thời điểm của nó. Sự phát triển ngôn ngữ của trẻ cũng phải thuận theo quy luật, phải trải qua những giai đoạn phát triển kế tiếp nhau nhất định. Song không vì thế mà mọi giai đoạn phát triển lại có vai trò như nhau. Từ các quan sát và nghiên cứu thực tế, tâm lí học phát triển và sinh học phát triển đã phát hiện ra rằng có những loài động vật mà hệ thần kinh của chúng ở những giai đoạn hay thời điểm xác định nào đó rất nhạy cảm với các kích thích từ môi trường bên ngoài. Vì một lí do nào đó mà những loài động vật này trong thời kì nhạy cảm lại không nhận hoặc cảm nhận được các kích thích đầy đủ và phù hợp từ môi trường bên ngoài để học một số kĩ năng (như nghe, nhìn, vận động) hay hình thành các đặc điểm, tập tính xác định thì chúng rất khó có thể hay không thể hình thành và phát triển thành công được một số chức năng sinh học hoặc xã hội xác định trong suốt quãng đời còn lại. Chẳng hạn, những chú vịt con lúc mới đẻ dễ dàng có thể thiết lập được mối quan hệ thân tình đặc biệt với những con vật mà chúng được tiếp xúc từ đầu, khả năng thiết lập mối quan hệ thân tình này sẽ mất đi trong quãng vài ba ngày sau khi nở.
Sự phát triển ngôn ngữ của trẻ cũng vậy, cũng có những thời kì then chốt, nhạy cảm, có tác dụng quyết định chất và lượng của vốn và kĩ năng ngôn ngữ sau này. Trong giai đoạn then chốt này, nếu trẻ không được tiếp xúc với môi trường ngôn ngữ tự nhiên thì về sau này chúng không thể hoặc rất khó có thể có được một năng lực ngôn ngữ bình thường. Câu chuyện về những em bé lớn lên trong môi trường hoang dã hay bị tước bỏ môi trường giao tiếp ngôn ngữ thông thường là những ví dụ tự nhiên nhất để minh chứng cho điều này. Thời kì then chốt đối với sự phát triển ngôn ngữ của trẻ có thể dài ngắn khác nhau ít nhiều đối với những đứa trẻ khác nhau, nhưng nói chung không vượt quá thời điểm bắt đầu bước vào tuổi dậy thì.
Thời kì then chốt hay thời kì nhạy cảm là một khái niệm quan trọng trong việc nghiên cứu sự hình thành và phát triển ngôn ngữ tự nhiên của trẻ. Câu chuyện năng lực ngôn ngữ hay ngôn ngữ có di truyền hoặc có tính bẩm sinh hay không là một câu chuyện khá phức tạp và còn gây nhiều tranh cãi, nhưng câu chuyện trẻ có năng lực học ngôn ngữ một cách bẩm sinh là câu chuyện, cố nhiên, không nhất thiết phải bàn cãi nhiều: đứa trẻ nào cũng có năng lực học ngôn ngữ một cách bẩm sinh trong những năm đầu đời từ lúc sinh ra cho đến khi kết thúc tiểu học hoặc bắt đầu dậy thì (quãng 11 hay 12 tuổi) đặc biệt là giai đoạn trước tuổi bước chân vào lớp Một (0 – sáu tuổi). Điều này không chỉ đúng với việc học ngôn ngữ tự nhiên mà còn đúng với cả việc học ngôn ngữ kí hiệu. Nếu một đứa trẻ không có hay có năng lực thính giác kém mà không được tiếp xúc hay dạy dỗ ngôn ngữ kí hiệu từ sớm thì về sau này cũng rất khó có thể sử dụng ngôn ngữ kí hiệu một cách thành thạo. Cũng cần biết thêm rằng, về mặt cơ sở sinh học, ở vào thời điểm cuối của giai đoạn phát triển ngôn ngữ then chốt, bộ não của trẻ, về cơ bản, đã như bộ não người lớn. Thời kì bộ não phát triển và hoàn thiện nhanh nhất (0 đến sáu tuổi) cũng là thời kì mà ngôn ngữ của trẻ phát triển và hoàn thiện nhanh nhất. Sự phát triển ngôn ngữ trong giai đoạn này góp phần vào việc phát triển bộ não (việc hình thành các mối liên kết giữa các tế bào thần kinh), theo đó, là sự phát triển năng lực nhận thức.
Quãng thời gian then chốt đối với sự phát triển ngôn ngữ tự nhiên của trẻ có thể được tiếp tục chia nhỏ thành những giai đoạn khác nhau với tầm quan trọng khác nhau. Trước giai đoạn trẻ bập bẹ nói (quãng bảy đến mười tháng), trẻ đầu tư “vốn liếng nghe” của mình vào việc cảm nhận và phân định các đơn vị âm thanh của ngôn ngữ tự nhiên, mà trước hết là ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Trước một tuổi, đây là thời kì then chốt cho việc rèn luyện năng lực nghe ngôn ngữ tự nhiên của trẻ. Từ một tuổi đến hai tuổi là giai đoạn trẻ tập trung vào việc kết nối các vỏ âm thanh đã được phân định ở thời kì trước với các ý nghĩa (vật, hành động,…) để tạo từ, và bắt đầu kết nối các khối âm – nghĩa ấy với nhau để tạo câu. Hai tuổi là mốc thời gian đánh dấu sự bùng nổ về mặt từ vựng của trẻ. Ba tuổi đánh dấu sự tiến bộ rõ rệt về ngữ pháp. Quãng hai, ba tuổi đến sáu tuổi là thời kì quan trọng để trẻ phát triển vốn từ vựng và các kĩ năng ngữ pháp. Cuối giai đoạn này, về cơ bản, trẻ đã chiếm lĩnh được toàn bộ cơ cấu ngữ pháp của ngôn ngữ và hệ thống từ vựng tích cực của ngôn ngữ. Và từ đây trở đi cho đến 11, 12 tuổi, sự tiến bộ về mặt ngữ dụng của trẻ trên vốn từ vựng, ngữ pháp đã có từ giai đoạn trước được nhìn thấy rõ. Thời điểm 11, 12 tuổi là cái mốc đánh dấu quá trình phát triển ngôn ngữ vô thức một cách mạnh mẽ của thời kì then chốt chấm dứt để chuyển sang thời kì phát triển ngôn ngữ phụ thuộc chủ yếu vào quá trình học hữu thức một cách chậm chạp. Điều này cũng góp phần giải thích tại sao người lớn chúng ta, hoặc chính xác hơn là khi chúng ta đã trên quãng 12 tuổi, gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình học một ngoại ngữ dẫu rằng cái nỗ lực hữu thức của chúng ta và kinh nghiệm sống của chúng ta là rất lớn so với trẻ, dẫu rằng sự hấp dẫn về mặt lợi ích khi học ngoại ngữ của người lớn là vô cùng lớn so với trẻ, dẫu rằng sự vận hành các cơ quan cấu âm và kinh nghiệm phán đoán các giá trị âm thanh hay các âm thanh có nghĩa của người lớn tốt hơn trẻ,… Hiểu đúng được vị trí và vai trò quan trọng của thời kì then chốt này thì chúng ta mới có thể tác động đúng, nhanh chóng và thực sự “năng suất” đến tiến trình và kết quả của tiến trình phát triển ngôn ngữ của trẻ. Sự tác động không đúng cách của cha mẹ đến sự phát triển ngôn ngữ của trẻ giống như những người thợ rèn vụng về không biết điều chỉnh ngọn lửa và theo đó là nhiệt độ của chiếc lò cho phù hợp, rất khó có thể đem lại kết quả như sự mong muốn rất chính đáng của chúng ta.
Tại sao lúc bắt đầu học nói trẻ lại lặp đi lặp lại một âm thanh nào đó?
Ngôn ngữ là một món quà vô cùng quý giá mà tự nhiên đã ban tặng cho con người. Vì thế mà trong quá trình phát triển ngôn ngữ tự nhiên của trẻ có những thời điểm xác định trẻ vô cùng thích thú lặp đi lặp lại một âm thanh nào đó cho đến khi chán thì thôi. Có hai thời điểm mà trẻ thích lặp lại các âm thanh xác định. Thứ nhất, đó là lúc trẻ tự phát và rất ngẫu nhiên phát ra các âm đơn giản như ma ma, pa pa, mạ mạ, chạ chạ,… trong giai đoạn tiền ngôn ngữ; những âm thanh này thực chất chưa có nghĩa vì chưa được kết nối với một hành vi chủ đích nào cả. Những âm thanh như thế này thường được trẻ phát ra trong những lúc vui vẻ, tự chơi một mình và như nhau đối với cả các ngôn ngữ khác nhau. Thứ hai, đó là lúc mà vào một ngày nào đó các bậc cha mẹ chợt nhận ra rằng trẻ dường như đang cố tình thử nghiệm một âm có nghĩa nào đó. Âm thanh mà trẻ đang cố tính thử nghiệm này là một thứ âm thanh được phát ra một cách tự giác, do trẻ bất ngờ nhận ra được rằng cái âm thanh đó mang lại cho mình một kết quả tích cực, thú vị. Điều này cũng có nghĩa là trẻ đã tự mình kết nối được cái âm thanh mà trẻ phát ra với một sự vật, sự việc xác định. Chẳng hạn, trẻ chợt nhận ra được rằng khi trẻ kêu lên mẹ, mẹ hay bà, bà, thì mẹ của trẻ quay ra cho trẻ uống sữa, mẹ giơ tay đón trẻ, mẹ với tay lấy giúp trẻ món đồ chơi ở trước mắt mà trẻ đang cần, mẹ mắng yêu chú gấu bông do làm trẻ vấp ngã, bà giơ tay bế lấy trẻ để cưng nựng, bà giúp trẻ gắng sức bước lên các bậc cầu thang,… Thời điểm mà trẻ bắt đầu bi bô nói là thời điểm trẻ hay lặp đi lặp lại loại âm thanh thứ hai này. Loại âm thanh này là âm thanh riêng, vốn có của từng ngôn ngữ. Thời điểm này, xét về mặt sinh học, cũng chính là thời điểm mà thanh quản của trẻ bắt đầu tụt xuống để có thể tạo ra một khoang cộng hưởng đủ lớn giúp trẻ có thể phát ra các âm thanh ngôn ngữ chân chính. Thời điểm này là thời điểm trẻ chuyển từ giai đoạn tiền ngôn ngữ sang giai đoạn ngôn ngữ. Việc trẻ tự lặp lại những âm thanh như thế này, về bản chất, cũng giống như trẻ tự bắt chước ngôn ngữ người lớn: đó là một cơ chế học hỏi và rèn luyện, khám phá vả hoàn thiện ngôn ngữ quan trọng nhất của trẻ.
Tại sao trẻ lại thích lẩm bẩm hay nói chuyện một mình?
Ngôn ngữ là một quyền năng đặc biệt. Ngôn ngữ giúp người ta thiết lập, duy trì hay huỷ bỏ các quan hệ xã hội, giúp người ta bày tỏ xúc cảm, truyền đạt ý chí, khai thác thông tin, kiến trúc những thiết chế tinh thần,… Khi trẻ thực hiện một hành vi ngôn ngữ nhất định nào đó với người lớn thì trẻ đạt được một lợi ích hay được thoả mãn một nhu cầu nào đó. Trẻ vô cùng sung sướng về điều này. Trẻ sẽ loại suy việc làm này đối với các đồ vật khi tự chơi với chúng. Một bé gái sẽ lẩm bẩm một mình với cô bé búp bê dễ thương trong lúc chơi trò chơi bán hàng mà mẹ đã dạy. Một bé trai sẽ nói lên những lời thể hiện sự cáu giận trong lúc đập phá chiếc ô tô,… Thời điểm trẻ hay lẩm bẩm một mình là thời điểm trẻ đang hình thành ngôn ngữ cái tôi của mình và đang hình thành ý thức sở hữu của mình (quãng ba đến bốn tuổi). Ở vào giai đoạn phát triển này, nói chung, trẻ đã có được một vốn từ vựng và quan hệ ngữ pháp, ngữ nghĩa tương đối để có thể cho trẻ một cái cớ để ra sức tự luyện tập. Vì thế mà trẻ sẽ yêu thích thể hiện ngôn ngữ cái tôi của mình đó để đòi hỏi, khám phá (qua việc trẻ trẻ rất hay hỏi của ai, để làm gì,…), biểu hiện những kết quả khám phá về các thực thể, quá trình hay thuộc tính quanh mình. Có lẽ trong suốt đời người, đây là thời điểm mà chúng ta nói nhiều nhất, không ngừng nói và nói không biết mệt mỏi. Người Việt rất có lí khi đã nhận định rất chính xác điều này qua câu tục ngữ Trẻ lên ba cả nhà học nói.
Mọi sự vật, sự việc, quá trình hay tính chất mà trẻ tiếp xúc đều có thể trở thành đề tài của việc tự nói của trẻ. Ở một chiều hướng khác, trẻ cũng luôn đòi hỏi người lớn phải cấp cho trẻ những chủ đề hấp dẫn khác nhau về thế giới xung quanh qua các truyện thần thoại, cổ tích. Cho nên, cũng sẽ dễ hiểu khi mà trước khi đi ngủ trẻ thích trò chuyện hay đòi hỏi mẹ hoặc bà kể chuyện cho nghe.