THỰC TIỄN LÀ TIÊU CHUẨN CỦA CHÂN LÝ (Về một số ý kiến của ông Văn Như Cương trên tạp chí Tia Sáng)

Mới đây tác giả Văn Như Cương có bài “Phản biện nhà phản biện giáo dục” đăng trên mạng Tạp chí Tia Sáng ngày 5/12/2006 xoay quanh việc biên soạn và xuất bản sách giáo khoa. Dù không bất ngờ về những vấn đề ông Văn Như Cương nêu ra, nhưng thấy cần phải có đôi lời đáp lại để góp phần khỏi làm nhiễu thông tin, với mục đích chung là làm sao cho sớm có chương trình và SGK chuẩn, ổn định được hoạt động giáo dục.

Thưa ông Văn Như Cương
1. Quyển sách hình học Euclid mà tôi đã nói đến đúng là bộ “Cơ sở” (Elements) như ông hiểu. Nó là bộ sách kinh điển, có vai trò quan trọng trong mọi lĩnh vực khoa học giáo dục và sản xuất. Abraham Lincoln đã viết “Cuốn sách dạy tôi làm tổng thống là cuốn hình học Euclid” trong lời giới thiệu khi nó được xuất bản ở Mỹ. Nó được các nhà khoa học coi là kinh thánh và là tài sản trí tuệ chung của nhân loại. Nó vẫn được sử dụng làm tài liệu gốc để giảng dạy suốt 2.300 năm nay, khắp các nước trên thế giới. Với bộ sách này chỉ cần một GS giỏi và một vài cộng sự biên soạn lại trong vài tháng là được một bộ sách giáo khoa chuẩn. Tôi nói thế chẳng lẽ ông Cương không thấy đúng hay sao? Đằng này ông gán bừa là tôi đã nói: “nên bê nguyên bộ đó cho học sinh học”, rồi từ đó tranh biện như kiểu một học giả lão luyện nói chuyện với một anh mới bước vào nghề. Tôi biết ông cũng hiểu, bộ Cơ sở có giá trị là ở chỗ, nó đã tìm đúng được những “yếu tố cơ bản” của hình học, sắp xếp chúng theo một “trình tự logic và chặt chẽ”. Ai chẳng biết là hơn hai ngàn năm, trí tuệ của nhân loại đã phát triển hơn thời Euclid rất nhiều, nhưng chúng ta chỉ nên thêm vào và chắt lọc chứ không phải là đánh tráo thứ tự, thay đổi phần cốt lõi, bỏ bớt hoặc hạ thấp tính cơ bản của những gì đã có. Đằng này, làm ngược với tư duy thông thường, từ năm 1981 đến nay, nội dung cuốn sách đã bị chia nhỏ thành nhiều phần cho nhiều người biên soạn lại, và  nhóm nọ không biết nhóm kia. Kết quả, giá trị cơ bản bị hạ thấp, như định lý Talét bị đưa xuống phần Bài tập (Văn Như Cương-chủ biên, Trần Đức Huy, Nguyễn Mộng Hy; Hình lớp 11, NXBGD năm 2000, trang 37 bài tập 6), thứ tự bị xáo trộn, có khi làm phần nọ vênh với phần kia đến 2 lớp, như định lý Pitago được đưa vào SGK lớp 7 nhưng phép khai căn và số vô tỷ lại ở SGK lớp 9, mặc dù hai phần này có “mối quan hệ hữu cơ” trong nhận thức để  dạy và học. [Phan Đức Chính (Tổng chủ biên) Tôn Thân (Chủ biên), Vũ Hữu Bình, Phạm Gia Đức, Trần Luận, Toán 7, Định lý Pitago trang 129.  NXBGD (2006); Phan Đức Chính (Tổng chủ biên) Tôn Thân (Chủ biên), Vũ Hữu Bình –Trần Phương Dung– Ngô Hữu Dũng, Lê Văn Hồng –Nguyễn Hữu Thảo, tập 1, Toán 9, Căn bậc hai, trang 4, NXBGD, 2005]. Vô tình, sản phẩm trí tuệ của nhân loại bị đảo lộn. Việc cắt khúc chương trình và cuốn chiếu khi triển khai là nguyên nhân sâu xa, mà 25 năm qua CT-SGK chuẩn chưa hề có. Lãng phí tiền bạc còn có thể tính được, nhưng kiến thức không chuẩn của các thế hệ học sinh, thưa ông Cương cái giá phải trả là không hề nhỏ. Nước láng giềng, được di huấn lại, sai trong giáo dục là có tội với lịch sử và hỏng một việc lớn của Quốc gia.
Cũng phải nói thêm rằng, đến cuối thế kỷ 19, “Cơ sở” của Euclid đã có 15 quyển, chứ không phải là 13 quyển, như ông tuyên bố một cách quá tự tin ấy đâu.
2. Ông Cương quá chủ quan, khi ông khoe “không xin để viết SGK, cũng không tự ứng cử để được làm tác giả” và rồi sau ông nhấn mạnh, “nếu tôi làm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thì tôi không mời ông Hãn  viết SGK, còn nếu ông Hãn  làm Bộ trưởng thì ngay lập tức tôi không viết SGK nữa” cũng là một kiểu suy diễn ở trên trời, để phỉ báng người khác! Xin nhắc lại để ông Cương nhớ rằng, cuốn hình  học lớp 7 do ông biên soạn, đã gây ra sự cố vào đầu năm học 1987: Sách của ông đã không dùng được phải bỏ đi. Để chữa cháy Bộ Giáo dục phải lấy một bản thảo khác, Hình học lớp 7 của ông Phạm Gia Cốc, mặc dù  lúc đó đang làm chuyên gia ở nước ngoài, in ngay sử dụng để thay thế vào cuốn sách  của ông? Cuốn hình học lớp 11 năm 2000 đã kể ở trên, tôi ngờ là cộng sự của ông Cương làm, tuy ông là chủ biên, nhưng không chịu đọc kỹ, vì thế mới xảy ra sai sót nghiêm trọng mà bất cứ một SV đại học bình thường nào cũng không thể lẫn lộn được, là mang Định lý Talét cho xuống phần bài tập! Còn việc ông kể lể về quá trình kỹ thuật để có được bản in, như sửa “bông” một, “bông” hai,…, với bản “can”, bản sửa…, chúng tôi đã từng làm khi còn là SV. Và thưa ông Cương, khi các ông nêu tiền nhuận bút còn chia cho mấy người làm, thì quả thật tôi không hiểu tại sao, việc biên soạn cuốn sách vài ba trăm trang lại cần đông người đến thế?
3. Việc thẩm định CT-SGK có nhiều cách, nhưng cách đơn giản và hiệu quả nhất là so sánh và đối chiếu. Trong giáo dục trên thế giới tồn tại một mặt bằng chung kiến thức, để HS từ nước này có thể chuyển sang nước khác học vì chương trình giáo dục về cơ bản là giống nhau (sự khác nhau nếu có cũng nhanh chóng được khắc phục). Ủy ban VH-GD-TTN-NĐ của Quốc hội, đã yêu cầu Lãnh đạo Bộ GD-ĐT mang CT-SGK của các nước tiên tiến Anh, Đức, Nga, Mỹ, Pháp để so sánh và đối chiếu với CT-SGK của ta đang sử dụng hiện nay, nhưng hàng năm nay vẫn chưa thấy Bộ GD-ĐT mang sang. Xin lưu ý, tôi cũng đã từng đến thư viện của Viện chiến lược Giáo dục kiểm tra trước khi phát biểu chính thức trên công luận. Sự thật là như vậy, mà ông Cương nói là các tác giả có đủ sách tham khảo, và chụp cho tôi cái tội: “Tôi khó hiểu vì ông Hãn lấy ở đâu cái thông tin sai sự thật  như  thế? hay là chính ông bịa ra đặt ra? Như vậy không khoa học và không trung thực”. Kiểm chứng việc này chẳng khó khăn gì, các cơ quan chức năng đều cụ thể ai cũng có thể gặp! Nhân đây cũng nhờ ông Cương cùng lãnh đạo Bộ GD- ĐT, chuyển CT-SGK chuẩn của nước kể trên, cho các nhà khoa học, nhà giáo sẽ giúp Nhà nước đánh giá CT-SGK hiện nay theo cách so sánh đối chiếu, trong một tháng sẽ có kết luận chuẩn xác. Theo số liệu của Bộ, việc thẩm định CT-SGK hiện nay, đã huy động ba cơ quan Trung ương, một trường đại học khoảng 500 cán bộ TƯ, 2883 cán bộ các cấp quản lý của 14 tỉnh thành, 6630 phụ huynh, học sinh và các chuyên gia nước ngoài hàng trăm cuộc họp từ địa phương đến TƯ trong vài năm nay, mà  vẫn chưa xong!                   
4. Qua cách trình bày, tôi thấy ông tỏ ra khá thông hiểu cách tính toán tiền lãi thay sách mà tôi đã phát biểu nhiều lần. Không rõ ông Cương không hiểu hay cố tình không hiểu, vì sao doanh thu năm đó là 100 triệu, mà tiền lãi cho việc thay sách môn tiếng Việt, NXBGD có  thể thu là 1 triệu USD (con số lãi NXBGD là 190 triệu USD, do ông suy diễn không chuẩn!). Đó không phải là nghịch lý đâu, ông Cương sẽ hiểu được điều này nếu ông hiểu được tính chất của hàm delta do Dirac đưa ra 80 năm về trước. Một tổng vẫn có thể là hữu hạn cho dù trong khoảng đó vẫn tồn tại một giá trị cực lớn, thậm chí vô cùng lớn? Trong số trên 200 triệu bản sách của NXBGD phát hành, lãi thay sách cho một môn học có thể  đạt 1 triệu USD, được xem như là một ví dụ hợp lý dựa trên cơ sở khoa học. Để hình dung ra bản chất, tôi có thể lấy một ví dụ dễ hiểu hơn: Nếu ta lấy một cái kim đặt lên trên tờ giấy, chỉ cần ấn nhẹ vào cái kim, nó đã dễ dàng xuyên thủng tờ giấy đó. Rõ ràng, so với các điểm xung quanh, tại điểm của mũi kim giá trị xung lực rất lớn. Nếu biểu diễn bằng đồ thị, tại đó sẽ là một cái đỉnh rất cao nhưng mảnh về bề rộng. Tổng áp lực vào tờ giấy là nhỏ và hữu hạn, chỉ bằng lực ấn nhẹ của tay ta.
5. Căn cứ vào kinh nghiệm các thế hệ đi trước, các bộ CT-SGK sẵn có trong ngoài nước, một lần nữa xin khẳng định rằng: chương trình và SGK chuẩn sẽ được hoàn thành trong vài tháng để sang năm thay đồng loạt từ lớp 1 đến lớp 12. Giải pháp này tôi đã được trình bày hai lần tại Hội đồng Quốc gia Giáo dục do Thủ tướng làm Chủ tịch. Lần thứ nhất vào ngày 29/12/1999, cả Hội đồng chăm chú ngồi nghe, lần thứ hai ngày 28/3/2003, đại bộ phận thành viên ủng hộ, không ai phản đối, nhưng rất tiếc không ai quyết việc này. Thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý. Cách làm tập trung, triển khai đồng bộ trong toàn hệ thống trong giải pháp của chúng tôi, đã được thực tiễn khẳng định thành công ba lần vào các năm 1945, 1955 và 1975 ở nước ta.

——–
* ĐHQG Hà Nội


Nguyễn Xuân Hãn*

Tác giả

(Visited 7 times, 1 visits today)