Thương mại hóa giáo dục: Thương mại hóa cái gì?

Trong số các vấn đề về giáo dục mà cả thực tiễn lẫn lý thuyết phải đương đầu là vấn đề có nên thương mại hóa giáo dục hay không? Đây không chỉ là câu hỏi cho giáo dục Việt Nam, mà còn là câu hỏi chung cho nên giáo dục của tất cả nền giáo dục khác.

Đây cũng không phải là câu hỏi đến bây giờ mới được đặt ra, mà đã đươc đặt ra từ lâu trên thế giới. Nhưng câu trả lời của nó vẫn chưa rõ ràng, cả trên thực tế lẫn lý thuyết. Do vậy, bài viết này không có tham vọng trả lời câu hỏi có nên thương mại hóa giáo dục hay không, mà định hướng đến một câu hỏi nhỏ hơn: Nếu có thể thương mại hóa giáo dục, thì thương mại hóa cái gì? Và để trả lời câu hỏi này, cần có một hình dung tổng thể về giáo dục, để xem cấu trúc của nó ra sao, gồm những thành phần nào, và trong số các thành phần đó, cái nào có thể thương mại hóa được.

Một hình dung về giáo dục

Về đại thể, nếu coi giáo dục như một ngôi nhà, thì ngôi nhà đó sẽ có nền móng, các trụ cột chính, và mái như mô tả trong hình bên dưới:

Trong đó, nền móng của giáo dục gồm hai tầng. Tầng sâu nhất là tầng văn hóa đại chúng, tức văn hóa đặc thù của mỗi dân tộc, là sản phẩm hình thành từ các điều kiện lịch sử cụ thể về địa lý, kinh tế, tôn giáo… Tầng này thường chìm khuất, nhưng có ảnh hưởng âm thầm và bền bỉ đến mọi hoạt động của giáo dục, gián tiếp định hình nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy, mục tiêu cần đạt, của hệ thống giáo dục. Chẳng hạn, với một nước nông nghiệp lạc hậu, sản xuất nhỏ lẻ, thì văn hóa đại chúng là văn hóa tiểu nông. Vì thế, các hoạt động của việc dạy và học dừng ở mức độ tương tự, và về cơ bản cũng phù hợp với phông văn hóa chung này. Đó là lý do tại sao trong suốt hàng nghìn năm phong kiến phương Đông, nền giáo dục về cơ bản là giậm chân tại chỗ và nặng về thơ phú văn chương. Khi đó, văn hóa đại chúng không thay đổi gì đáng kể, hình thái kinh tế cũng không có phát triển gì đột phá, nên giáo dục không có nhu cầu phải đổi mới. Nhưng với các nước công nghiệp, sản xuất đại quy mô, thì văn hóa công nghiệp và dịch vụ của một lối sống nhanh, nặng về tiêu thụ vật chất, trở thành chủ đạo. Khi đó, về đại thể thì toàn bộ nội dung, phương thức và mục tiêu giáo dục cũng phù hợp, và đáp ứng đòi hỏi của loại hình văn hóa này một cách tự nhiên. Sự ra đời của các trường khoa học, kỹ nghệ, quản trị…, tức các loại hình đào tạo hoàn toàn khác với giáo dục truyền thống ở phương Đông, là một đáp ứng tự nhiên sự đòi hỏi của nền văn hóa công nghiệp này.

Tầng nền thứ hai là hệ tư tưởng chủ đạo đang thịnh hành trong xã hội. Đây là tầng có ảnh hưởng rõ nét và quyết định đến mọi hoạt động dạy và học. Nếu trong các xã hội phong kiến, hệ tư tưởng chủ đạo là Khổng giáo, nên mọi hoạt động giáo dục đều được tổ chức dưới sự chỉ đạo của hệ tư tưởng này. Đến lượt nó, các hoạt động giáo dục cũng có vai trò củng cố mạnh thêm hệ tư tưởng chủ đạo này.

Ở một số nước Trung Á, hệ tư tưởng chủ đạo là đạo Hồi. Điều này đã ảnh hưởng quyết định đến việc tổ chức các hoạt động giáo dục, mà rõ nét nhất là việc ai được quyền tham gia giáo dục, tham gia ở mức độ nào, và nhà trường sẽ dạy những gì, dạy như thế nào để phù hợp với giáo lý của Hồi giáo, v.v.

Còn tầng nền nổi trên nhất thì có thể nhìn nắm, sờ mó được. Đó chính là hệ thống cơ sở vật chất của giáo dục, như trường sở, thư viện, thiết bị dạy và học, tài liệu tham khảo, thiết bị nghiên cứu v.v. Nếu hệ thống cơ sở vật chất này càng đầy đủ, hiện đại, thì các hoạt động giáo dục sẽ càng phong phú, hiệu quả. Đây là tầng có thể đo đạc định lượng và so sánh được.

Phía trên nền móng là bốn trụ cột của giáo dục. Đó là bốn thành tố liên quan mật thiết với nhau trong mọi hoạt động của giáo dục: Dạy – Chương trình – Học – Nghiên cứu. Trong đó, Dạy là hoạt động chính của đội ngũ giáo viên/giảng viên; Học là hoạt động chính của học viên (học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh, thực tập sinh…); Chương trình là nội dung giảng dạy và đào tạo được người dạy sử dụng để truyền đạt tri thức, huấn luyện kỹ năng cho người học; Nghiên cứu là hoạt động tìm kiếm, khai phá tri thức, thường gắn liền với các hoạt động giáo dục ở đại học, nhằm không chỉ làm giàu thêm kho tàng tri thức, mà còn thông qua đó, giúp hoạt động đào tạo được hiệu quả và thực chất hơn.

Trên cùng, tức nóc của tòa nhà là tầm nhìn về giáo dục được xác lập cho cả hệ thống, hoặc cho từng cơ sở giáo dục, hay cá nhân cụ thể, tùy vào từng trường hợp cụ thể. Nhưng nếu xét tổng quát thì tầm nhìn này trước hết là của nhà nước – chủ thể của các quyết sách lớn về giáo dục, sau đó mới đến tầm nhìn của các cơ sở giáo dục và các cá nhân. Thông thường, tầm nhìn của các cơ sở giáo dục về đại thể là phù hợp với tầm nhìn đã được xác lập chung cho cả hệ thống bởi nhà nước, nhưng có thể khác nhau về tiểu tiết hoặc cách thức tiếp cận. Còn với cá nhân, tầm nhìn giáo dục có thể tự do hơn, nhưng vẫn bị ràng buộc và chi phối bởi tầm nhìn giáo dục của cơ sở giáo dục mà anh ta tham gia, và rộng hơn là cả hệ thống giáo dục mà anh ta thuộc về.

Với các cơ sở giáo dục, tầm nhìn riêng của họ sẽ có tác dụng tạo ra bản sắc hoặc sự xuất sắc riêng biệt. Nhưng nói chung, tầm nhìn của các cơ sở thường khó vượt quá xa so với tầm nhìn chung, đặc biệt là ở các xã hội mà giáo dục được quản lý chặt chẽ và tự do chưa được coi là tự nhiên như hơi thở của các công dân.

Với mỗi người tham gia vào hệ thống giáo dục, dù là dạy hay học hay nghiên cứu, thì tầm nhìn ở quy mô cá nhân cũng tham gia vào việc đưa ra các lựa chọn trong một số khâu cụ thể, như: dạy cái gì và như thế nào, học cái gì và học để làm gì, nhưng về đại thể, luôn bị khống chế bởi tầm nhìn của nhà nước và của cơ sở giáo dục mà anh ta tham dự vào. Trong đó, quan trọng nhất là tầm nhìn của Bộ Giáo dục, cơ quan chịu trách nhiệm chính về giáo dục. Tầm nhìn này lại phụ thuộc cụ thể hơn nữa vào tầm nhìn và sự hiểu biết về giáo dục của các lãnh đạo ngành, những người làm chính sách giáo dục đặc biệt là của người đứng đầu, tức Bộ trưởng Bộ Giáo dục.

Đó là mô tả sơ bộ về các thành phần của giáo dục, khi được sắp xếp theo cấu trúc của một ngôi nhà.

Thương mại hóa cái gì?

Dù với bất cứ cách hiểu nào thì tiền, hay lợi nhuận, vẫn nằm ở trung tâm của mọi quá trình  thương mại. Do đó, ở mức thô sơ nhất, thương mại hóa giáo dục có thể hiểu là hoạt động kinh doanh giáo dục để thu lợi.

Với sự thống nhất sơ bộ đó, chúng ta sẽ đi vào từng cấu phần cụ thể của ngôi nhà giáo dục, xem phần nào có thể mang ra để kinh doanh thu lợi được.

Phần nền móng của giáo dục, bao gồm: Văn hóa đại chúng, Hệ tư tưởng chủ đạo, Cơ sở vật chất. Trong số ba yếu tố này thì rõ ràng là về lý thuyết: Văn hóa đại chúng chỉ là phần chìm có tác động điều phối ngầm các hoạt động giáo dục, chứ không phải là dịch vụ có thể trao đổi để thương mại hóa. Việc thương mại hóa văn hóa và các hoạt động văn hóa đại chúng là việc của các công ty văn hóa, chứ không phải việc của các cơ sở giáo dục. Hệ tư tưởng chủ đạo không thể thương mại hóa, vì đó là nhận thức chung, có được do tự nguyện hay áp đặt, và không thể định lượng và không đáp ứng nhu cầu giáo dục trực tiếp nào để có thể thương mại hóa được. Cơ sở vật chất thì chỉ có thể đầu tư để phục vụ việc giảng dạy và nghiên cứu chứ không thể mua bán trao đổi để sinh lợi được. Nếu có, thì đó chỉ có thể là cho thuê mướn mặt bằng, thuê mướn máy móc thiết bị để thu lợi riêng, một biến thái phạm pháp chứ không phải là một hoạt động thuộc về giáo dục.

Phần bốn trụ cột của ngôi nhà giáo dục, đó là: Dạy – Chương trình – Học – Nghiên cứu. Về mặt lý thuyết, chỉ có một thành phần có thể thương mại hóa một phần, đó là nghiên cứu. Còn ba thành phần còn lại, đó là Dạy, Học và Chương trình thì không thể, hoặc nếu cố tình thì cũng rất khiên cưỡng và hạn chế. Lý do: Dạy là hoạt động được trả lương của giáo viên và giảng viên. Việc này nên được coi là lao động theo hợp đồng như các loại hình lao động khác, chứ không thể là sự mua bán trao đổi như trong các hoạt động thương mại, vì với người giáo viên, anh ta không có quyền bán các sản phẩm mình làm ra, như bài giảng, hay điểm số, một cách trực tiếp để thu tiền.

Tương tự như vậy, Học cũng là thành phần không thể thương mại hóa, vì người đi học không nhằm mục đích thương mại để thu lợi trực tiếp, mà chỉ coi đó như một hoạt động đầu tư, tuy tốn kém nhưng thu lợi gián tiếp qua việc học hỏi kỹ năng và bổ sung tri thức cho cuộc sống và công việc sau này.

Chương trình, nếu cố tình thì chỉ có thể thương mại hóa rất hạn chế và khiên cưỡng, và về nguyên tắc, phải được cung cấp miễn phí cho người học, hoặc được người học trả phí với một mức rất hạn chế, chủ yếu là cho phần vật chất của chương trình, như tài liệu, sách vở tham khảo v.v. Còn chương trình như một tổng thể chung là một thứ rất khó mang ra mua bán riêng lẻ, vì nó chỉ có tác dụng khi được triển khai đồng bộ trong toàn bộ chuỗi các hoạt động giáo dục.

Tuy nhiên, trên thực tế, đây lại là phần bị thương mại hóa mạnh nhất, chứ không phải là hạn chế và khiên cưỡng. Một bộ phận rất nhỏ của chương trình, đó là hệ thống văn bằng chứng chỉ, hệ thống đánh giá kết quả học tập, đã bị lạm dụng để đưa ra mua bán, trao đổi thu lợi. Nạn bằng giả tràn lan, hay “đổi tình lấy điểm”, là một trong những hệ quả của hiện tượng này. Nhưng, đây có phải là thương mại hóa giáo dục hay không? Câu trả lời dứt khoát là không. Thực tế, đây là một hành động phạm pháp, nếu phát hiện sẽ bị truy tố trước tòa.

Nghiên cứu, chủ yếu là ở các trường đại học, là có thể thương mại hóa một phần. Nói một phần, vì nghiên cứu được chia ra thành hai loại: nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng. Trong đó, nghiên cứu cơ bản nhằm giải quyết, hoặc tìm kiếm, những vấn đề mang tính nền tảng của tri thức. Động cơ của nghiên cứu cơ bản là sự tò mò vô vụ lợi của trí tuệ. Khi tiến hành các nghiên cứu cơ bản, không ai đặt ra câu hỏi “để làm gì?; sẽ bán được bao nhiêu tiền?”, vì nếu có đặt ra thì cũng không ai có thể trả lời được câu hỏi này. Trên thực tế, có những nghiên cứu cơ bản chỉ tìm thấy ứng dụng của mình sau đó hàng trăm năm. Do đó, nghiên cứu cơ bản không thể thương mại hóa ngay được. Nói cách khác, việc thương mại hóa không đặt ra với các nghiên cứu cơ bản. Sản phẩm của nghiên cứu cơ bản thường được coi như một dạng hàng hóa công, nên đầu tư cho cơ bản được coi là đầu tư công, cần thiết cho sự phát triển và phồn vinh lâu dài của xã hội.

Ngược lại, nghiên cứu ứng dụng có mục đích nhắm đến một vấn đề công nghệ cụ thể, thường là một giải pháp công nghệ hay một sản phẩm ứng dụng thực tế. Hình dung về tiềm năng ứng dụng của các nghiên cứu này đã được chỉ rõ trong đề cương nghiên cứu. Kết quả của nghiên cứu ứng dụng có thể được thương mại hóa và mang lại lợi nhuận cho nhà nghiên cứu hoặc chủ đầu tư. Do đó, kết quả của nghiên cứu ứng dụng, trong nhiều trường hợp chỉ được báo cáo nội bộ, hoặc đăng ký bản quyền để được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, từ kết quả nghiên cứu đến lợi nhuận là một chuỗi nhiều hoạt động tổ chức và kinh doanh phức tạp. Do đó, khi một giải pháp công nghệ hay sản phẩm ứng dụng nào đó có thể thương mại hóa, thì chủ sở hữu sẽ lập một công ty riêng để thương mại hóa nó và tách nó ra khỏi môi trường gốc để đi vào thị trường. Đó là mô hình các công ty spin-off rất phổ biến trong các đại học Anh, Mỹ.

Điều đáng lưu ý là sau khi các nghiên cứu ứng dụng, một phần của hoạt động giáo dục đại học, được chuyển sang thương mại hóa bởi các công ty spin-off, thì các công ty này cũng gần như tách rời hoàn toàn giáo dục để trở thành các công ty chuyên nghiệp, hoạt động theo luật pháp chung các doanh nghiệp, chứ không còn dính dáng nhiều đến hệ thống giáo dục nữa. Lý do không chỉ để đảm bảo sự chuyên nghiệp trong hoạt động, mà còn để tránh phải chia sẻ lợi nhuận do sự thương mại hóa các sản phẩm hoặc giải pháp công nghệ – thường đã được đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ – mang lại.

Tầm nhìn về giáo dục. Rõ ràng, tầm nhìn giáo dục là nhận thức chung về vai trò và mục tiêu mà nền giáo dục hướng tới. Đó thường là các ý niệm, triết lý, lý tưởng… chứ không phải là một loại hàng hóa để có thể thương mại hóa được.

Như vậy, trong tám yếu tố chính của ngôi nhà giáo dục, trải dài từ nền móng đến nóc tòa nhà, thì chỉ một phần rất nhỏ nằm trong Nghiên cứu, tức phần nghiên cứu ứng dụng trong các đại học, là có thể thương mại hóa một cách hạn chế. Nhưng khi được thực hiện, hoạt động này sẽ tách ra khỏi giáo dục để nhập vào dòng chảy của thị trường dưới dạng hoạt động của các công ty chuyên nghiệp.

Với các thành phần còn lại, nếu cố tình thương mại hóa thì chỉ có thể biến báo một phần rất nhỏ ở Cơ sở vật chất, dưới dạng cho thuê mướn mặt bằng hoặc trang thiết bị nghiên cứu, đào tạo; và một phần cũng rất nhỏ khác ở Chương trình, đó là hệ thống văn bằng chứng chỉ và đánh giá kết quả học tập để thương mại hóa theo đúng nghĩa đen của từ này. Tiếc thay, sự thương mại hóa này lại là một sự tha hóa của giáo dục, và trên thực tế, là một hành vi phạm pháp.

Đến đây, bạn đọc có thể cho rằng, tuy từng bộ phận của giáo dục không thể, hoặc nếu có thì rất hạn chế và rất rủi ro để có thể thương mại hóa, nhưng xét trong tổng thể thì giáo dục vẫn là một loại hàng hóa hay dịch vụ đặc biệt, nên vẫn có người sẵn sàng trả giá. Vì thế vẫn có thể thương mại hóa giáo dục được. Đây là một lập luận có tính thực tế, vậy xin trả lời trong các bài sau.

Tác giả

(Visited 70 times, 1 visits today)