Tiêu chuẩn của trường đại học đẳng cấp quốc tế

Chẳng riêng gì nước ta, hầu như nước nào cũng mong muốn có một đại học đẳng cấp quốc tế, nhưng ít ai bàn cụ thể một đại học như thế đòi hỏi những gì và phải vận hành ra sao. Theo tôi một trường đại học đẳng cấp quốc tế phải đạt được những tiêu chuẩn hay điều kiện sau đây:

* Giáo sư đẳng cấp quốc tế. Đây là những giáo sư có uy tín cao, có “tên tuổi” trong chuyên ngành, có lượng ấn phẩm khoa học lớn với chất lượng tốt (có nhiều cách để đánh giá), có ảnh hưởng trong chuyên ngành… Có nhiều người hiểu lầm rằng hễ người nào đang giữ chức giáo sư bên Mĩ hay Âu châu là “đẳng cấp quốc tế”. Không phải như thế. Chỉ có một số (có lẽ 10-20%) các giáo sư Âu Mĩ xứng đáng với tầm cỡ quốc tế mà thôi, phần còn lại thì chỉ tầm trung bình. Rất nhiều giáo sư ở Âu Mĩ chỉ là những công tư chức khoa bảng, chứ chẳng có nghiên cứu gì đáng kể; vì thế, không nên nhầm lẫn giữa giáo sư đẳng cấp quốc tế và giáo sư đại học tại các nước Âu Mĩ.
* Nơi nuôi dưỡng những tài năng đẳng cấp quốc tế tương lai. Những ai từng quen thuộc với cơ chế tuyển dụng của các trường đại học lớn ở Mĩ đều biết rằng các giáo sư và nhà nghiên cứu cấp thấp thường được nâng đỡ trong vòng 3 đến 5 năm để họ tự chứng minh khả năng của mình, sau đó họ phải trải qua một quá trình bình duyệt từ bên ngoài, và chỉ có những người xuất sắc với những nghiên cứu đẳng cấp quốc tế mới được giữ lại làm việc.

Mục tiêu xây dựng một cơ sở nghiên cứu và đào tạo khoa học có uy tín quốc tế là chuyện hệ trọng.  Theo ý kiến của tôi, chất lượng nghiên cứu và giảng dạy phải đặt lên hàng đầu, chứ không phải số lượng. Sinh viên cần được chọn lọc gắt gao, nhưng cũng cần tạo cho họ những điều kiện học tập tốt nhất có thể. Qui chế tuyển chọn giáo sư dài hạn hay ngắn hạn cũng là việc tối quan trọng. Làm thế nào tuyển được người xứng đáng, trả lương cho xứng đáng, và tạo điều kiện làm việc đàng hoàng. Ngoài cơ sở hạ tầng không thể thiếu, cần có qui chế để có thể mời khách nước ngoài một cách đều đặn. Việc mời được các giáo sư đầu ngành sang giảng dạy, và tiếp theo gửi học sinh theo học họ là  điều kiện  bắt buộc để từng bước xây dựng một nền khoa học Việt Nam hòa nhập với luồng chính của khoa học thế giới.

(GS. Ngô Bảo Châu-Đại học Paris Sud)

* Một môi trường nghiên cứu với những cơ sở vật chất nghiên cứu đầy đủ. Một đại học ngày nay, cho dù là đại học không phải đẳng cấp quốc tế, khó mà vận hành một cách hữu hiệu nếu không có một hệ thống thư viện và Internet hoàn chỉnh. Do đó, nhu cầu cho một thư viện đẳng cấp quốc tế với hàng triệu sách tham khảo và tạp chí khoa học là một điều kiện hàng đầu.
* Ngân sách nghiên cứu dồi dào. Một đại học đẳng cấp quốc tế mà không có nghiên cứu khoa học thì không xứng đáng với danh xưng đó. Đại học Mahidol của Thái Lan được xem là có đẳng cấp, vì trên 50% các bài báo khoa học từ Thái Lan xuất phát từ trường này. Nghiên cứu phải là những nghiên cứu mang tính khám phá, bởi vì phần lớn những tiến bộ khoa học gần đây đều xuất phát từ những công trình nghiên cứu cơ bản, đặc biệt là công nghệ sinh học. Một công trình nghiên cứu khoa học khám phá trung bình có thể tốn đến một triệu USD trong một năm. Thành ra, không ngạc nhiên khi thấy ngân sách dành cho nghiên cứu tại các trường đại học lớn của Mĩ có khi lên đến con số một tỉ USD. Tại nhiều trường đại học phương Tây ngày nay, trường đại học chỉ cung ứng cho nghiên cứu và trả lương giáo sư trong vòng 3 hay 5 năm, sau thời gian này giáo sư phải tự tìm lấy nguồn tài trợ cho nghiên cứu. Thành ra, dù rằng một phần ngân sách nghiên cứu (có thể là 60%) do nhà nghiên cứu tìm được từ nước ngoài, nhưng trường đại học vẫn phải sẵn sàng cung ứng khi nguồn tài trợ từ nước ngoài gặp khó khăn.
* Lương bổng cho giáo sư.  Không thể kì vọng một giáo sư đẳng cấp quốc tế với hàng trăm công trình khoa học và đang hưởng lương hàng trăm ngàn USD hàng năm lại chịu làm việc tại một đại học đẳng cấp quốc tế Việt Nam với số lương 50 ngàn USD.  Còn nhớ khi Hồng Kông được Anh trao trả về Trung Quốc, rất nhiều giáo sư ngoại quốc rời bỏ các đại học Hồng Kông vì họ không thể sống với lương bổng mới và cách quản lí mới.  Phải cần đến 5 năm các đại học Hồng Kông mới mời các giáo sư này quay lại làm việc.

Yêu cầu các viện, trường, cơ quan nghiên cứu khoa học khi muốn có sự hỗ trợ kinh tế của nhà nước  phải có báo cáo thường niên về hoạt động NCKH cho Bộ KH&CN. Báo cáo này phải online ở mức độ nào đó, ghi rõ số bài báo ở các tạp chí thế giới, bằng sáng chế đạt được, và tính hữu ích kinh tế của các đề tài NCKH.  Một danh mục tên các đề tài cùng nguồn kinh phí đã được cấp không phải là thành tích khoa học của một cá nhân hay một cơ quan hoạt động KH nào đó.

Tách việc quản lý của ban chủ nhiệm khoa, ban giám hiệu ra khỏi phạm vi hoạt động của một GS, vì để khuyến khích GS làm việc chuyên môn hơn là tham gia vào quản lý.

Làm được như vậy một mặt sẽ tận dụng được ngay cơ sở vật chất sẵn có ở các Trường, Viện, mặt khác sẽ thành lập được vô số các nhóm nghiên cứu mạnh thông qua cơ chế tự cạnh tranh giữa các GS.

Hải Nam (ĐH Bách khoa HN)

* Cần thời gian. Cần phải nhận thức rằng không phải một sớm một chiều chúng ta sẽ xây dựng được một đại học đẳng cấp quốc tế, một đại học mà nói đến tên, người ta có thể đánh giá ngang cỡ với các đại học danh tiếng khác ở phương Tây. Các đại học danh tiếng như Harvard, Yale, Stanford, Oxford, Cambridge… phải trải qua hàng trăm năm để đạt được vị thế như ngày nay. Ngay cả các đại học mới và danh tiếng “khiêm tốn” hơn như University of Tokyo, Australian National University, National Singapore University… cũng phải phấn đấu qua nhiều thập niên để được xếp hạng trong danh sách các đại học đẳng cấp quốc tế.
Trước những yêu cầu không phải dễ đạt được này, có lẽ nhiều bạn đọc sẽ hỏi trong điều kiện còn nhiều khó khăn hiện nay liệu bao giờ chúng ta mới có một đại học đẳng cấp quốc tế. Vào cuối thế kỉ 19 ở Mĩ, cũng có người đặt câu hỏi đó. John D. Rockefeller từng hỏi Charles W. Eliot (lúc đó là hiệu trưởng Đại học Harvard suốt 40 năm liền) nếu muốn thành lập một đại học đẳng cấp quốc tế cần những điều kiện gì. Eliot trả lời rằng cần 50 triệu USD và 200 năm! Nhưng Eliot đã sai lầm to. Trường Đại học Chicago được thành lập vào đầu thế kỉ 20, với trên 50 USD (do chính Rockefeller trao tặng) nhưng chỉ sau 20 năm hoạt động, đã trở thành một đại học đẳng cấp quốc tế.
Hiện nay, Chính phủ đã khẳng định đến thăm 2020 Việt Nam sẽ có một trường đại học thuộc top 200 của quốc tế. Chúng ta cần quyết tâm để biến mục tiêu đó thành hiện thực.

Nguyễn Văn Tuấn

Tác giả

(Visited 16 times, 1 visits today)