Tìm sức sống cho môn lịch sử

Ngày nay, tri thức lịch sử mà con em chúng ta học được ở trường lớp bị than phiền là nhàm chán, khô cứng, và phần lớn nhanh chóng rơi vào quên lãng sau mỗi lần thi cử. Nguyên nhân chính là vì thứ tri thức ấy quá lỏng lẻo, rời rạc, vừa không toát lên một cách sống động những số phận con người và cộng đồng, vừa thiếu công bằng và khách quan, không giúp người học bắt nhịp và gắn kết được với thực tế đời sống phong phú mà họ đối diện hằng ngày.

Khi người học hóa thân vào lịch sử

Một bức tranh lịch sử chỉ sinh động khi nó dựng lại được đầy đủ các yếu tố phong phú đặc thù của các bối cảnh, khiến người học dễ dàng hóa thân trong không gian của những bối cảnh ấy, từ đó đồng cảm được với con người của quá khứ.

Tính nhân văn ấy vừa là giá trị cốt lõi của lịch sử – một bộ môn nhân văn – vừa là sức sống giúp lịch sử tồn tại bền vững qua thời gian. Ngày nay, đa số chúng ta không thể nhớ chính xác từng sự kiện dẫn dắt tới chiến thắng quân Nguyên Mông của dân tộc, nhưng hầu như không ai có thể quên sự kiện Hội nghị Diên Hồng. Bởi vì tất cả chúng ta đều ít nhất một lần hóa thân mình vào sự kiện ấy, lồng ghép xúc cảm riêng của mình vào trong sự kiện, thậm chí đặt ra câu hỏi mình sẽ nói gì, làm gì nếu trong tương lai lại diễn ra một sự kiện tương tự thứ hai như thế.

Khi đặt ra yêu cầu lịch sử phải toát lên thân phận con người và cho phép người học dễ dàng hóa thân vào bối cảnh sự kiện, chúng ta mới thấy rằng con em mình đang quá thiệt thòi vì không được hấp thụ những tinh hoa của nhân loại và dân tộc. Các em có thể được học về Galileo, nhưng có lẽ hiếm có thầy cô nào dạy cho các em hình dung sống động về số phận của ông, để từ đó cảm nhận– và từ đó khơi dậy – lòng quả cảm đi tìm chân lý. Cũng không có ai giảng cho các em về sức mạnh của lòng nhân ái và khoan dung của Gandhi, điều đã giúp một con người nhỏ bé và một dân tộc lạc hậu giành chiến thắng phi bao lực trước đế quốc Anh hùng mạnh, và sẽ còn tiếp tục truyền cảm hứng cho các thế hệ mai sau. Đối với lịch sử trong nước, không ai dạy cho các em về lòng khao khát đi tìm cái đẹp của danh họa Nguyễn Gia Trí, hay niềm mong mỏi khai sáng văn hóa của Phạm Quỳnh, và nhiều tấm gương sáng đáng tự hào khác.

Mọi sự cải cách trong nội dung giảng dạy lịch sử đều cần phải hướng tới cải thiện độ chân thực và giá trị nhân văn nếu muốn thực sự đi vào lòng người.

Sự học thông qua trạng thái đồng cảm với những tấm gương cá nhân là phương pháp hiệu quả để rèn luyện phẩm cách, bởi khả năng hóa thân là bản năng ít nhiều đều sẵn có trong mỗi con người, và chỉ thông qua hóa thân chúng ta mới thực sự cảm nhận được động lực thôi thúc các vị tiền bối nỗ lực vượt qua những nghịch cảnh để đạt được những kết quả tiến bộ cho bản thân và đồng loại. Và có cảm nhận được những nỗ lực khó khăn như vậy của đồng loại, chúng ta mới thực sự định vị được bản thân mình trong thế giới và trân trọng những giá trị của cuộc sống.

Trong khi đó, những tri thức lịch sử hiện có trên ghế nhà trường của chúng ta quá ít chân dung, và có chăng chỉ tồn tại trong diện hẹp ở một vài lĩnh vực. Đây là điều bất cập, không phản ánh đúng toàn cảnh thực tế phong phú của đời sống, trong khi chúng ta cần khích lệ, khơi dậy những niềm mơ ước và những phẩm cách tốt đẹp trong con em mình trên tất cả mọi lĩnh vực, và mỗi lĩnh vực đều xứng đáng là một chân trời để các em vươn đến.

Trung thực và công bằng khách quan

Sự thật lịch sử hiếm khi là lời kể của một cá nhân, một góc nhìn duy nhất, mà thường là quan điểm của nhiều sử gia khác nhau và khác biệt giữa những quan điểm này là điều thường xảy ra. Công việc của giới sử gia là dựa trên những căn cứ các bên thu thập được để phân định ra đâu là dòng quan điểm chủ lưu. Nhưng khi những quan điểm và cách lý giải khác biệt với dòng chủ lưu có những cơ sở tối thiểu nhất định thì những quan điểm và cách lý giải này cần phải được tôn trọng và đưa vào sách giáo khoa lịch sử.

Người học có thể sẽ phân vân trước hai cách lý giải khác nhau như vậy về một sự vật lịch sử, nhưng giá trị vô giá mà người học thu được là tư duy khoa học đa chiều, và thái độ nghiêm túc, công tâm, không chủ quan và áp đặt cứng nhắc khi tiếp cận các vấn đề trong thực tiễn đời sống. Sau này, người học có thể quên đi những thông tin cụ thể, nhưng ý thức về tư duy và thái độ cẩn trọng khách quan sẽ đi theo suốt chặng đường đời.

Sự học thông qua trạng thái đồng cảm với những tấm gương cá nhân là phương pháp hiệu quả để rèn luyện phẩm cách.

Trái lại, nếu chúng ta tiếp cận lịch sử bằng cái nhìn mang tính đơn tuyến một chiều thì chẳng những người học chỉ thu nhận được một phần chân tướng sự vật, mà kéo theo đó là nhiều hệ lụy tai hại. Phổ biến là tình trạng người học sử bị giới hạn trong phần sự thật được phơi bày, không có ý thức tìm hiểu một cách khách quan phần bị khuất, thậm chí xem thường những giá trị tiềm ẩn trong phần bị khuất. Không ít người đã từng không trân trọng đúng mức công lao của các vua Gia Long và Minh Mạng trong việc xác định cương thổ và thiết lập bộ máy quản lý nhà nước trên toàn đất nước. Hay chẳng nói đâu xa, gần đây những ý kiến quy chụp rằng di tích Đàn Xã Tắc là tàn tích phong kiến không đáng phải bảo tồn, hẳn xuất phát từ cái nhìn đơn tuyến của một thời kỳ chúng ta cực lực phê phán chế độ phong kiến, thậm chí phá hủy đi một số di sản đình, chùa, mà không lưu tâm tới thực tế khách quan hiển nhiên là với bất kỳ một thể chế nào tồn tại qua nhiều thế kỷ thì bên cạnh các nhược điểm đều có một số ưu điểm nhất định (ít ra là so với thể chế và mô hình xã hội tồn tại trước nó), và đều đạt được những thành tựu văn hóa đáng trân trọng. Chúng là những di sản minh chứng cho những ước mơ, hay phẩm cách cao đẹp của cộng đồng trong một thời kỳ. Nhưng khi chúng ta không thừa nhận đúng mức những giá trị này, tức là chúng ta không khách quan công bằng với lịch sử, và cái giá phải trả chính là sự đứt đoạn, vùi lấp của những tinh hoa không được kế thừa.

Vấn đề hội nhập và bản sắc văn hóa dân tộc

Trước thực trạng nhiều học sinh phổ thông ngày nay không ham thích học lịch sử, đã có nhiều người lên tiếng đề nghị thay đổi nội dung sách giáo khoa môn sử theo xu hướng giản lược, thậm chí nên giảm bớt phần nội dung lịch sử thế giới, coi lịch sử thế giới chỉ là bối cảnh để hiểu lịch sử dân tộc.

Người học có thể sẽ phân vân trước hai cách lý giải khác nhau như vậy về một sự vật lịch sử, nhưng giá trị vô giá mà người học thu được là tư duy khoa học đa chiều, và thái độ nghiêm túc, công tâm, không chủ quan và áp đặt cứng nhắc khi tiếp cận các vấn đề trong thực tiễn đời sống.

Tuy nhiên, những giải pháp như vậy chỉ thuần túy mang tính giải quyết vấn đề trên bề nổi, đó là cốt sao giảm bớt lượng thông tin để giúp người học dễ nhớ hơn, trong khi chẳng mấy giúp ích nếu không muốn nói là làm thất bại mục đích cơ bản đầu tiên của việc giáo dục nói chung và giáo dục lịch sử nói riêng: cung cấp cho người học những tri thức giúp xây dựng sự am hiểu và cảm nhận toàn diện và thấu đáo nhất về con người, và làm điểm tựa đáng tin cậy để tiếp tục khám phá trong quá trình tương tác với thực tiễn đời sống.

Trong bối cảnh đất nước bước vào thời kỳ hội nhập, làm sao con em của chúng ta tự tin bước ra trước thế giới nếu không am hiểu về nó? Với lối giáo dục lịch sử hiện nay ở Việt Nam, con em chúng ta sẽ bước ra cuộc sống với mớ thông tin học thuộc lòng về các cuộc chiến tranh, các trận đánh. Các em sẽ tự hào rằng dân tộc ta kiên cường bất khuất, nhưng khi va đập với thế giới hội nhập vốn cần đến những phẩm chất quan trọng khác như óc sáng tạo để phát triển thương mại và công nghệ, hay tinh thần kỷ luật trong lao động, v.v, không ít em nản chí trước khó khăn thách thức, rơi vào trạng thái tự ti gắn với những thiên kiến dễ dãi, rằng dân tộc chúng ta mang bản chất cố hữu là nhược tiểu, tiểu nông, tản mạn v.v. Cứ lướt một vòng trên các mạng xã hội, chúng ta sẽ thấy những thiên kiến ấy phổ biến nhường nào, và cái thiên kiến trong tư tưởng ấy nhanh chóng biến thành những hạn chế trong thực tế, khi mà người ta tự đặt ra phía trước mình một rào cản vô hình không thể vượt qua.

Chúng ta cần phải thổi vào tri thức lịch sử trên ghế nhà trường niềm tin vào bản thân và dân tộc mình. Muốn vậy chúng ta phải công bằng và khách quan với lịch sử. Cần tôn vinh những tấm gương anh hùng không chỉ trong thời chiến, mà cả trong thời bình. Trong đó không chỉ có người Việt Nam mà cần có cả những vĩ nhân của thế giới, thậm chí rất nhiều vĩ nhân trong suốt bề dày lịch sử hùng vĩ của nhân loại. Bởi vì càng cung cấp nhiều cơ hội tiếp cận với những tinh hoa, chúng ta càng đánh động những phẩm cách tốt đẹp trong con người con em mình. Chúng phải được hóa thân để rồi am hiểu và trân trọng các giá trị, lấy đó làm động lực vươn lên. Khi được khơi dậy những phẩm cách tốt đẹp và trải qua quá trình rèn luyện để thấu hiểu những giá trị trong cuộc sống, các em sẽ không cảm thấy mình nhỏ bé trước thế giới bên ngoài, luôn tìm thấy điểm chung để kết nối bản thân với đồng loại từ mọi quốc gia, mọi nền văn hóa.

Làm sao để không nhồi nhét quá tải?

Cách trình bày lịch sử mang tính đa chiều – có dòng chủ lưu và các quan điểm thiểu số – đồng thời đi sâu vào lột tả thân phận con người, cùng với rất nhiều chân dung lịch sử trên các lĩnh vực đa dạng, tất yếu đem lại một lượng tri thức rất lớn. đòi hỏi sự tham gia của không chỉ một vài cá nhân, mà là nhiều tác giả cùng kết hợp biên soạn sách giáo khoa. Đó là công việc không dành cho những chuyên gia soạn sách giáo khoa thông thường, mà phải là các nhà văn hóa lớn, những người đủ tầm vóc đảm đương nhiệm vụ thiết lập nền tảng văn hóa cơ bản cho hơn một thế hệ trong tương lai. Họ phải có năng lực cảm nhận sâu sắc các tri thức tinh hoa của nhân loại để biết cái gì là ưu tiên, nhằm tổ chức thông tin sao cho đơn giản và mạch lạc tối đa, đồng thời phải có sự nhạy cảm về tâm lý để trình bày các nội dung theo cách không gây nhàm chán.

Cần tôn vinh không chỉ có người Việt Nam mà cần có cả những vĩ nhân trong suốt bề dày lịch sử hùng vĩ của nhân loại. Bởi vì càng cung cấp nhiều cơ hội tiếp cận với những tinh hoa, chúng ta càng đánh động những phẩm cách tốt đẹp trong con người con em mình.

Tuy nhiên, dù khéo tổ chức trình bày đến đâu thì nội dung được chuyển tải theo yêu cầu đặt ra trên đây vẫn rất lớn về dung lượng. Ưu điểm là nó sẽ thỏa mãn đáp ứng nhu cầu của những học sinh có xu hướng tìm tòi sâu rộng và yêu thích lịch sử, không làm kìm hãm tiềm năng phát triển con người ở những học sinh này, nhưng nhược điểm là sẽ quá tải nếu bắt buộc đối với những em khác. Làm thế nào để dung hòa khi mỗi học sinh có một cá tính riêng, sở trường riêng?

Có hai phương thức có thể tiến hành song song. Một là cứ để những em có nhu cầu tự hoàn thiện bản thân qua khám phá lịch sử được thoải mái tiếp cận với nguồn thông tin phong phú trong sách giáo khoa, trong khi nội dung các bài kiểm tra và bài thi được soạn theo quy chuẩn chung cho tất cả mọi học sinh chỉ yêu cầu những kiến thức cơ bản là đủ ngưỡng khá giỏi (điểm tuyệt đối dành cho những học sinh am hiểu thêm cả những kiến thức chuyên sâu). Nội dung các bài thi cũng nên chú trọng vào khía cạnh tư duy, như kiểm tra khả năng suy luận khách quan và trình bày mạch lạc tiến trình các sự kiện, thay vì kiểm tra trí nhớ chính xác từng ngày, tháng, năm. 

Hai là chúng ta nên nghiên cứu áp dụng mô hình đào tạo theo tín chỉ đối với các cấp giáo dục trung học, điều phổ biến ở các nước có nền giáo dục phát triển. Theo đó, các bộ môn được phân thành các cấp độ khác nhau. Mỗi học sinh ngoài phần nội dung cơ bản của tất cả các bộ môn, chỉ phải học chuyên sâu một số tổ hợp các môn tùy chọn, miễn là đủ tổng số lượng tín chỉ theo quy định để tốt nghiệp. Với cách làm này, việc học tập các bộ môn sẽ không miễn cưỡng áp đặt về cường độ khối lượng mà tùy theo sở trường và nhu cầu học tập của mỗi người. Ngoài ra, trong từng bộ môn khi đi vào chuyên sâu cũng có thể phân nhỏ thành các chuyên đề khác nhau để người học tùy chọn theo sở thích riêng của mình.

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)