Tính tự chủ sư phạm

Trong số nhiều nguyên nhân đã được mổ xẻ trên các diễn đàn về chất lượng giáo dục ngày càng sa sút, bài viết này đề cập tới một vấn đề sâu xa nhưng ít được phân tích một cách đầy đủ, đó là tình trạng nhà giáo hiện nay không còn có quyền tự chủ sư phạm. Đây là một hiện tượng mang tính hệ thống và chỉ có thể giải quyết khi đặt lại vấn đề về triết lý giáo dục và tư duy quản lý giáo dục

Các nhà quản lý giáo dục luôn nhấn mạnh rằng phương pháp giáo dục phải phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, tư duy sáng tạo của học sinh, nhưng trong thực tế, phần lớn những điều qui định cụ thể đối với giáo viên (GV) đều hầu như đi ngược lại mục tiêu ấy và mặc nhiên trói tay người thầy lại.
Những gì đang trói tay người thầy ?
Sau đây là một số điểm mà chúng tôi cho là đang hạn chế nặng nề tính chủ động và tự quản của người thầy trong lớp học. Trước hết là những qui định về giáo án. Chuẩn bị bài giảng là chuyện bình thường của GV trước khi lên lớp. Nhưng buộc soạn bài theo một khuôn mẫu máy móc khiến GV bị gò bó và áp đặt (ngoại trừ trường hợp GV mới ra trường thì còn có thể hiểu được). Thực tế là phần lớn chỉ làm cho có để “đối phó” với kiểm tra, nhiều người chép lại hoặc phôtô lại giáo án của nhau hoặc của năm trước… (Giáo dục và Thời đại, 18-10-2003). Một GV viết : “Có mấy ai soạn giáo án, rồi lại dạy giống như trong giáo án hay không? (…) Việc kiểm tra chi tiết, chặt chẽ giáo án làm cho GV mất nhiều thời gian đầu tư cho nó thay vì đầu tư, suy nghĩ cho bài dạy thật sự…” (Edunet của Bộ GD-ĐT, 12-9-2005).
Ngoài việc làm giáo án, còn có bản phân phối chương trình do bộ ban hành để qui định chi tiết nội dung từng tiết dạy: cứ đến tiết nào là phải dạy đúng bài tương ứng với tiết đó, không được phép làm khác. Đây cũng là một biện pháp áp đặt “phản sư phạm”, theo lời một GV, bởi lẽ các nhà trường ở các vùng khác nhau không thể có cùng đặc điểm như nhau, trình độ tiếp thu của học sinh cũng không bao giờ đồng đều, nên không thể ép phải dạy và phải học cùng một nội dung kiến thức trên cùng một đơn vị thời gian. Điều này làm cho GV luôn bị động vì phải lo chạy cho kịp thời gian và không còn giờ để chú tâm xem học sinh đã tiếp thu được gì (xem thêm bài phỏng vấn Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Đặng Huỳnh Mai, “Chúng tôi có lỗi vì phân phối chương trình học quá chi tiết”, Pháp luật TPHCM, 21-3-2005).
Điểm thứ ba đang hạn chế tính chủ động của GV là sách giáo khoa. Từ những sai sót của những bộ giáo khoa cứ chỉnh lý liên tục mà báo chí phản ánh, cho tới căn bệnh “béo phì” (tức là quá tải về nội dung, dẫn đến nạn dạy thêm, học thêm) hay tính “nhồi sọ đáng sợ”.
Các nhà quản lý hay đổ lỗi cho GV, nhưng suy cho cùng GV thực ra cũng chỉ là “nạn nhân” của bộ máy. “Bộ bảo sao thì các thầy cô phải làm như vậy bởi vì qui chế đã thế, không thể làm khác hơn được. Bộ chỉ xuất bản một sách giáo khoa, những kiến thức trong sách giáo khoa được xem là “pháp lệnh”, không được tùy tiện sửa đổi, mặc dù việc sửa đổi có thể giúp cho việc giảng dạy được hay hơn, hiệu quả hơn. Đến khi thi thì Bộ vẫn dựa vào sách giáo khoa để ra đáp án và sẵn sàng thẳng tay loại bỏ các cách giải khác nằm ngoài chương trình sách giáo khoa mặc dù đó là cách giải hợp với thực tế hơn. Thử hỏi như thế thì thầy cô nào dám dạy một cách sáng tạo, giúp cho học sinh tư duy độc lập được nữa ?” (Huỳnh Duy, Tuổi trẻ Online, 3-8-2005).
Ngoài lớp học, GV còn phải làm vô số công việc khác như làm đủ loại sổ sách, rồi họp hành, và kể cả chuyện thu tiền học sinh mà lý ra nhà trường phải làm… Đó là chưa kể tới căn bệnh chạy theo thành tích (với đủ loại chỉ tiêu) và kèm theo nó là bệnh hình thức. Người thầy vừa bị bó tay vừa chịu quá nhiều áp lực. Có thể nói mà không sợ cường điệu rằng lớp học bây giờ không còn là của nhà giáo nữa, mà là của Bộ GD-ĐT! Do đầu tắt mặt tối, nhiều GV đâm ra mất hết sinh khí, đành cam phận lên lớp một cách máy móc, chiếu lệ, và mệt mỏi với một đồng lương quá thấp. Tình trạng lao động tha hóa này (xét theo nghĩa triết học) hẳn nhiên không thể nào giúp GV làm tròn được nhiệm vụ mà xã hội mong mỏi và cũng không thể không để lại dấu ấn tiêu cực trên thế hệ học trò!
Cần trả  lại quyền tự chủ sư phạm cho nhà giáo
Một trong những vấn đề cấp bách hiện nay cần đặt ra là làm thế nào để trả lại quyền tự chủ sư phạm cho nhà giáo. Không làm được điều này thì khó lòng nói tới chuyện chấn hưng giáo dục.

Phương pháp giáo dục phải phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động và tư duy sáng tạo. Nhưng phần lớn những điều qui định cụ thể đối với GV ở Việt Nam đều đi ngược lại mục tiêu đó và mặc nhiên trói tay thầy cô giáo.

Anh: TTOL

Lẽ tất nhiên, khác với môi trường đại học vốn là nơi mà tính tự trị thường được đề cao nhằm phát huy tối đa các tiềm năng tri thức và nghiên cứu, lĩnh vực giáo dục phổ thông (bao gồm tiểu học và trung học) là lĩnh vực mà phần lớn các nước đều coi như những bậc học căn bản cần thiết cho mọi công dân và vì thế cần được quản lý một cách thống nhất trên qui mô quốc gia. Tuy nhiên, “quản lý thống nhất” không có nghĩa là quản lý tất cả mọi thứ ở tất cả các trường!  Và lại càng không phải là Bộ phải cầm tay chỉ việc và kiểm soát hàng ngày hàng giờ đối với từng GV, hoặc “ôm” luôn việc tuyển sinh vào đại học và thậm chí cả việc ra đề thi và tổ chức thi cuối học kỳ ở các lớp cấp I và cấp II.
Phải chăng việc quản lý hoạt động giảng dạy hiện nay cũng là một biểu hiện của lối tư duy hành chính và tập trung quan liêu mà có thời chúng ta đã phê phán và giã từ trong lĩnh vực quản lý kinh tế, nhưng chưa nhận diện để “cởi trói” trong lĩnh vực quản lý giáo dục? Theo thiển ý chúng tôi, sở dĩ ngành giáo dục Việt Nam hiện nay chưa có một quan niệm đúng đắn về quyền tự chủ sư phạm của nhà giáo là do hai nguyên nhân sâu xa. Thứ nhất, nguyên nhân về mặt phương pháp tổ chức và quản lý : đó là xu hướng “hành chính hóa” bộ máy giáo dục (hay cũng có thể gọi là “nhà nước hóa” hay “quan liêu hóa”), thể hiện qua cách tổ chức bộ máy và cách chỉ đạo nặng phần hình thức và định lượng (các chỉ tiêu…) chứ không quan tâm tới mục tiêu chất lượng và nội dung, chỉ chú tâm vào những biện pháp hành chính (áp đặt từ trên xuống) chứ không coi trọng những biện pháp mang tính sư phạm (gợi mở, hướng dẫn)…
Và thứ hai, nguyên nhân về mặt triết lý giáo dục: đó là xu hướng áp đặt về tư duy và không dám chấp nhận những ý kiến khác (việc dạy và học chủ yếu diễn ra theo kiểu “nhồi nhét”, thầy đọc trò chép, học “vẹt”, buộc học thuộc lòng các bài văn “mẫu”, làm y như đáp án mẫu, thầy phải dạy y như trong sách giáo khoa và sách hướng dẫn GV, không được quyền nói khác…). Điều này cũng là hệ luận của lối tư duy quan liêu bao cấp, hoàn toàn đi ngược lại những nguyên tắc và mục tiêu mà Luật giáo dục đã nêu, và mặc nhiên triệt tiêu lối tư duy định hướng sáng tạo vốn cực kỳ trọng yếu trong thời đại đang thay đổi nhanh chóng như ngày nay. Hệ quả là “đào tạo những mẫu người chỉ biết ngoan ngoãn chấp hành, quen được dẫn dắt, bao cấp cả về tư duy và hành động hơn là biết suy nghĩ độc lập và tự chịu trách nhiệm”; do đó, cần “giảm, bỏ hoặc thay đổi hẳn nội dung và phương pháp dạy những điều có tính chất kinh kệ để tăng các kiến thức thiết thực hoặc đòi hỏi vận dụng tư duy nhiều hơn” (trích từ bản kiến nghị của GS Hoàng Tụy và một số nhà giáo, nhà khoa học).
Trong nhà trường, suy cho cùng quan hệ giữa người thầy và người trò là mối quan hệ mang tính chất quyết định đối với hiệu quả của toàn bộ quá trình giáo dục (chứ không phải là mối quan hệ giữa GV với hiệu trưởng hay với cấp trên!). Lao động giảng dạy hoàn toàn khác so với lao động nông nghiệp hay lao động công nghiệp chẳng hạn. Do vậy người ta mới nói giáo dục là sáng tạo, là một nghệ thuật. Đứng trước học trò, chính người thầy chứ không ai khác phải tự mình điều hành toàn bộ các hoạt động diễn ra trong lớp học. Vì thế, để tôn trọng và vun trồng được mối quan hệ sư phạm cốt lõi ấy (quan hệ thầy-trò) thì không gì khác hơn là phải tôn trọng tính tự chủ của người thầy.

Cần hiểu tính tự chủ sư phạm như thế nào? Trong lĩnh vực giáo dục phổ thông, GV dĩ nhiên phải đảm bảo giảng dạy theo chương trình quốc gia và tôn trọng các nguyên tắc sư phạm căn bản mà Bộ GD-ĐT đã đề ra. Nhưng GV cũng phải có quyền chủ động về phương pháp giảng dạy cũng như trong việc tổ chức công việc giảng dạy của mình: chẳng hạn tự mình chuẩn bị bài giảng theo cách thức của mình (chứ không lệ thuộc vào những qui định máy móc), được quyền phân phối giờ giấc một cách uyển chuyển theo khuôn khổ chung và chọn lựa phương pháp giảng dạy phù hợp với trình độ và đặc điểm của học sinh, tránh bị can thiệp quá nhiều vào lớp học, chủ động trong các mối quan hệ tương tác với học sinh, có thể phối hợp với lớp khác trong một số giờ thực tập, hay kể cả quyền chọn lựa sách giáo khoa (điều này ở miền Nam trước giải phóng các nhà giáo đã làm từ lâu)…

 
Những qui định về giáo án hiện cũng “khá bất thường”. TTOL

Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng khái niệm “quyền tự chủ sư phạm” (autonomie pédagogique) cần được hiểu và được thực thi trong khuôn khổ tập thể sư phạm, nghĩa là không phải tùy thuộc vào ý muốn chủ quan của từng cá nhân GV, mà là thông qua việc thảo luận và phối hợp thực hiện giữa các GV dạy cùng một lớp, một khối lớp, hay cùng một bộ môn (thông qua hội đồng sư phạm, tổ bộ môn…). Nhìn sang Phần Lan hay Châu Âu nói chung, quyền độc lập trong hoạt động giảng dạy của người GV cũng là những kinh nghiệm bổ ích mà chúng ta có thể tham khảo và học tập (xem Tuổi trẻ chủ nhật, 11-9-2005).
Việc giảng dạy của GV hiện nay đang chịu sự quản lý nhà nước trực tiếp của Bộ GD-ĐT chủ yếu trong ba khâu: chương trình, phân phối chương trình, và sách giáo khoa. Theo thiển ý chúng tôi, bộ chỉ cần quản lý khâu mấu chốt, đó là chương trình – giống như phần lớn các nước đang làm. Còn khâu phân phối chương trình và sách giáo khoa cần trao lại cho nhà trường và nhà giáo, tất nhiên với điều kiện là trong năm học, GV phải hoàn thành được nội dung chương trình của Bộ. Trong tinh thần tôn trọng quyền tự chủ sư phạm, cũng nhất thiết cần thay đổi nội dung chương trình sao cho khối lượng kiến thức phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý từng lứa tuổi, thay đổi cách thi cử, thay đổi hẳn cách đánh giá GV… Trên cơ sở thay đổi nội dung chương trình, cần quan niệm lại thế nào là sách giáo khoa, và từ đó làm sao “cởi trói” để những GV giỏi có thể tự do tham gia biên soạn và tự do xuất bản sách giáo khoa, và quyền lựa chọn dạy theo sách giáo khoa nào cuối cùng thuộc về nhà trường và nhà giáo, chứ không phải thuộc về Bộ GD-ĐT.

Đặt vấn đề về tính tự chủ sư phạm cũng là đặt lại vấn đề về vị thế của nhà giáo trong hệ thống giáo dục. Trả lại quyền tự chủ trong lớp học cho nhà giáo thực chất cũng có nghĩa là trao trả lại thẩm quyền và trách nhiệm cho nhà giáo để họ có thể chu toàn được thiên chức của mình, tất nhiên với điều kiện, như chúng tôi đã nói lúc đầu, cần đặt lại vấn đề về triết lý giáo dục.

Trần Hữu Quang

Tác giả

(Visited 12 times, 1 visits today)