Tóc bạc – Lòng son
Vài năm trước đây, tôi có viết một bài về Thầy Hoàng Tuỵ, cũng đăng trên Tia Sáng. Nay chỉ xin được góp đôi dòng, cùng với mọi người chúc mừng Thầy tròn tuổi Tám Mươi.
Mỗi khi đến phòng làm việc của mình, tôi thường đi qua phòng Thầy Tụy. Thầy thường đến sớm nhất Viện, nên nhìn vào lúc nào cũng thấy mái đầu bạc của Thầy cặm cụi trên trang sách. Không hiểu sao, gần đến dịp kỷ niệm Thầy 80 tuổi, tôi lại thường liên tưởng đến Nguyễn Du. Tôi chưa từng thấy ai vẽ chân dung Nguyễn Du bao giờ, nhưng ấn tượng trong tôi về ông là mái đầu bạc sớm ở tuổi 30:
Sinh vị thành danh thân dĩ suy
Tiêu tiêu bạch phát mộ phong xuy1
hoặc là:
Tam thập hành canh lục xích thân
…
Xuân thu đại tự bạch đầu tân2
Cũng như Nguyễn Du, mái đầu Thầy Tụy bạc sớm ngay từ tuổi ba mươi. Phải chăng những ai luôn đau đáu trong lòng về nhân tình thế thái thì đầu sớm bạc? Mái đầu bạc, nhưng tấm lòng Thầy thật trẻ. Tôi nhớ lại năm tôi về Viện Toán học, Thầy Tụy 40 tuổi. Tôi khi đó vừa ra trường, 21 tuổi. Thấy Thầy suốt ngày làm việc, tôi nghĩ: “Chắc khi người ta đã già, không còn nhiều ham muốn nữa thì ai cũng có thể chăm như vậy”! Đến khi tôi tròn 40 (đã “già”), thì tôi mới hiểu ra: chăm chỉ hay không đâu có phụ thuộc vào già hay trẻ. Nay tôi đã 61 tuổi, Thầy 80, tôi lại giật mình vì thấy mình đã già hơn Thầy nhiều! Tôi già hơn, vì đôi lúc đã thấy muốn “vui thú điền viên”, trong khi Thầy vẫn miệt mài với công việc như mấy chục năm về trước. Tôi già hơn, vì lắm khi thấy những điều đáng nói, đáng viết mà vẫn “lười”, vẫn “ngại”. Thầy không thế, Thầy viết nhiều, viết gay gắt, sâu sắc về những vấn đề của giáo dục, của cuộc sống. Tóc Thầy đã bạc từ mấy chục năm nay, nhưng Thầy vẫn trẻ trung như mấy mươi năm về trước. Mải mê với công việc, với cuộc đời, Thầy không còn thời gian để già đi! Trong khoa học, không nhiều người vẫn làm việc tích cực ở tuổi 80. Trong cuộc đời, lại càng hiếm những người 80 tuổi nhưng lúc nào cũng là hiện thân của những tư tưởng mới. Thầy Tụy là người như thế. Không hoài cổ, không chịu bó hẹp trong cái thế giới quen thuộc suốt 80 năm của mình. Những ý tưởng của Thầy lúc nào cũng mới, cũng cách mạng.
Lại nói như Nguyễn Du: “Trung thọ chỉ bát thập”3, kính chúc Thầy Đại Thọ để trẻ mãi cùng Toán học, cùng khoa học và Giáo dục Việt Nam!
—-
1. Nguyễn Du: Tự thán I. Sống chửa nên danh đã yếu gầy/ Phơ phơ tóc bạc gió chiều bay (Dịch: Nguyễn Quang Tuân)
2 . Nguyễn Du: Tự thán II. Tấm thân sáu thước tuổi ba mươi/ …Lần lữa xuân thu tóc bạc rồi (Dịch: Trần Thanh Mại).
3 Nguyễn Du: Nhị thủ.
Sinh vị thành danh thân dĩ suy
Tiêu tiêu bạch phát mộ phong xuy1
hoặc là:
Tam thập hành canh lục xích thân
…
Xuân thu đại tự bạch đầu tân2
Cũng như Nguyễn Du, mái đầu Thầy Tụy bạc sớm ngay từ tuổi ba mươi. Phải chăng những ai luôn đau đáu trong lòng về nhân tình thế thái thì đầu sớm bạc? Mái đầu bạc, nhưng tấm lòng Thầy thật trẻ. Tôi nhớ lại năm tôi về Viện Toán học, Thầy Tụy 40 tuổi. Tôi khi đó vừa ra trường, 21 tuổi. Thấy Thầy suốt ngày làm việc, tôi nghĩ: “Chắc khi người ta đã già, không còn nhiều ham muốn nữa thì ai cũng có thể chăm như vậy”! Đến khi tôi tròn 40 (đã “già”), thì tôi mới hiểu ra: chăm chỉ hay không đâu có phụ thuộc vào già hay trẻ. Nay tôi đã 61 tuổi, Thầy 80, tôi lại giật mình vì thấy mình đã già hơn Thầy nhiều! Tôi già hơn, vì đôi lúc đã thấy muốn “vui thú điền viên”, trong khi Thầy vẫn miệt mài với công việc như mấy chục năm về trước. Tôi già hơn, vì lắm khi thấy những điều đáng nói, đáng viết mà vẫn “lười”, vẫn “ngại”. Thầy không thế, Thầy viết nhiều, viết gay gắt, sâu sắc về những vấn đề của giáo dục, của cuộc sống. Tóc Thầy đã bạc từ mấy chục năm nay, nhưng Thầy vẫn trẻ trung như mấy mươi năm về trước. Mải mê với công việc, với cuộc đời, Thầy không còn thời gian để già đi! Trong khoa học, không nhiều người vẫn làm việc tích cực ở tuổi 80. Trong cuộc đời, lại càng hiếm những người 80 tuổi nhưng lúc nào cũng là hiện thân của những tư tưởng mới. Thầy Tụy là người như thế. Không hoài cổ, không chịu bó hẹp trong cái thế giới quen thuộc suốt 80 năm của mình. Những ý tưởng của Thầy lúc nào cũng mới, cũng cách mạng.
Lại nói như Nguyễn Du: “Trung thọ chỉ bát thập”3, kính chúc Thầy Đại Thọ để trẻ mãi cùng Toán học, cùng khoa học và Giáo dục Việt Nam!
—-
1. Nguyễn Du: Tự thán I. Sống chửa nên danh đã yếu gầy/ Phơ phơ tóc bạc gió chiều bay (Dịch: Nguyễn Quang Tuân)
2 . Nguyễn Du: Tự thán II. Tấm thân sáu thước tuổi ba mươi/ …Lần lữa xuân thu tóc bạc rồi (Dịch: Trần Thanh Mại).
3 Nguyễn Du: Nhị thủ.
Hà Huy Khoái
(Visited 7 times, 1 visits today)