Tôi có một niềm tin

Một nhà báo của Tia Sáng “ra đề” cho tôi về niềm tin cho số báo đầu năm. Tốt nhất là tôi nói đến niềm tin của mình. Làm sao khác được? Làm cách gì tôi với được tới niềm tin của người khác?  Thật là khó! Đành chọn nói về niềm tin của mình. Như một “ca” nghiên cứu thực địa. Cái thực địa này lại là một người duy cảm, nên niềm tin của tôi chắc cũng nhiều phần… duy cảm.

Vô thức?  Ý thức?

Nói về niềm tin, khó ơi là khó. Mà có lẽ chỗ khó khăn nhất ở niềm tin, ấy là ta không biết chắc, ta luôn luôn không có câu trả lời dứt khoát niềm tin là một hành vi mang tính vô thức hay là một hành vi có ý thức? Hoặc hỏi cách khác, ta bắt đầu biết là mình có niềm tin tự khi nào, và trong hoàn cảnh nào?

Có một chuyện vui với riêng tôi để minh họa trường hợp này. Trước Cách mạng tháng Tám 1945, tôi được một vị cha đạo đứng đợi ở cổng trường và hỏi han tôi nhiều chuyện trước khi hỏi tôi có muốn đi học trường dòng không. Năm đó bố tôi mới chết, mẹ tôi không cho tôi đi đâu cả (nếu đi, sẽ học trong nước bốn năm rồi ra nước ngoài học sáu năm, như lời vị cha đạo).

Không đi xa tận đâu đâu, song tôi vẫn phải xa gia đình, vì mẹ tôi không nuôi nổi cả sáu bảy chị em chúng tôi. Một người cô họ đã đem tôi về nuôi cho ăn học và trông nom cái cửa hàng khắc dấu và khắc các mộc bản ở số 85 phố Hàng Gai. Đêm Mười Chín tháng Mười Hai năm 1946, khi cửa hàng chỉ có một mình tôi, thợ đã tản cư cả rồi, đèn tắt phụt và súng nổ, anh Trần Thư (khi đó có bí danh là Cung) đến gọi tôi. “Cậu có biết khắc không?” “Có, tôi biết khắc”. “Có cái tên báo thế này, cậu khắc được chứ?” Anh đưa tôi cái tên báo vẽ sẵn Quyết tử – Báo của khu Hoàn Kiếm. Rồi anh Cung bảo tôi lấy quần áo, lấy đồ lề khắc gỗ, và theo anh về “đơn vị”… Tôi bắt đầu tham gia cuộc kháng chiến một cách tình cờ như vậy.

Về sau, khi khai lý lịch, khi phải điền mấy con số ngày 19 tháng 12 năm 1946 vào mục “Ngày tham gia cách mạng” tôi đều cảm thấy thèn thẹn. Chỉ có chuyện xách quần áo và con dao khắc làm bằng lưỡi cưa cùng tấm gỗ lòng mực đi theo “đơn vị”, rồi sau đó làm đủ thứ việc trừ việc tiếp tục khắc gỗ, có vậy mà là “tham gia cách mạng” sao?

Và một câu hỏi nữa cũng thường hay xuất hiện: nếu tôi theo cha đạo đi học trường dòng, rồi mình cũng thành cha đạo, liệu rồi tôi sẽ có niềm tin nào? 

Và câu hỏi nữa kéo theo, liệu có khi nào thì tôi mất niềm tin  – trong cả hai trường hợp, đều là mất niềm tin vào một tín ngưỡng nào đó?

Tôi chưa bao giờ tự trả lời được chắc chắn những điều như thế.

Nhận thức

Mấy chục năm sau cái thời điểm có thể xác định bên trên, nói cho rõ hơn chút chút, đó là vào quãng năm 1975 sau khi thống nhất nước nhà, tôi đi công tác vào Sài Gòn, và khi về lại Hà Nội, tôi có hai thùng sách nặng. Có một cuốn sách trong đống tài sản vô vị ấy làm tôi thích thú. Gần nửa thế kỷ đã qua, sách đã bị thó, tên sách tôi không nhớ, nhưng một chi tiết trong nội dung thì tôi nhớ rất rõ. Cuốn sách nói về những thanh niên trí thức Mỹ tự học với nhau. Họ gặp nhau hằng tuần, thảo luận về đủ loại vấn đề. Và chi tiết tôi nhớ ở họ chính là cái không khí trí tuệ đã dẫn họ tới chỗ khám phá ra định nghĩa về trực giác. Tôi như luôn luôn được sống trong cuộc sinh hoạt trí tuệ trẻ trung đó, tôi như cảm nhận được Charles Sanders Peirce đưa ra định nghĩa, được bạn bè tung hô, và họ chạy tưng tưng như con trẻ, trực giác là hành động trước rồi giải thích sau về hành động ấy

Hơn chục năm sau năm 1975, tôi hoàn toàn được cuốn hút vào công cuộc dạy học cho trẻ em dựa trên việc làm giao cho các em thực hiện để tự tìm ra tri thức. Tôi bắt đầu thấy lối định nghĩa khái niệm kiểu Mỹ thực sự hấp dẫn mình, không chỉ vì định nghĩa hết sức ngắn gọn, mà vì nó dẫn tới tổ chức hoạt động, thậm chí tổ chức đến từng việc làm và từng thao tác cho từng học sinh. Tự tay tôi biết tìm ra lối định nghĩa theo cung cách tương tự.

Dạy Văn chẳng hạn, thì phải bắt đầu không ở chỗ giảng giải lâm ly và bắt trẻ em học thuộc các bài văn mẫu, mà phải tổ chức cho trẻ em làm ra các sản phẩm nghệ thuật. Sản phẩm nghệ thuật gì và như thế nào? Bắt đầu bằng việc làm ra một lòng đồng cảm với thân phận con người. Cái lòng đồng cảm đó sẽ được tạo ra nhờ trò chơi đóng vai. Và chính những trò chơi đóng vai đó sẽ tạo ra cho trẻ em cái cảm hứng sáng tạo nghệ thuật từng có ở những người nghệ sĩ. Rồi sao nữa? Rồi phải sở hữu một bộ ngữ pháp nghệ thuật. Trong bộ ngữ pháp này, ngôn ngữ nghệ thuật được “nói” trước hết bằng tưởng tượng mà tôi đã định nghĩa thao tác nghệ thuật đó theo lối định nghĩa kiểu Peirce, đó là  làm việc thầm trong đầu để tạo ra những sản phẩm cũng nằm thầm trong đầu. Đó chỉ là vài thí dụ.

Giờ đây, sau cả vài chục năm hành động theo hướng hành dụng như thế, tôi tự rút cho mình một bài học – hè hè, hành động trước giải thích sau đấy – bài học về niềm tin: tôi nghĩ mỉnh chỉ có thể có niềm tin nhờ mình đã làm, làm và làm chứ không hề có niềm tin nhờ tụng niệm.

Với học sinh và với ai ai cũng thế, không phải là tụng niệm vẻ đẹp nghệ thuật thì sẽ có nghệ thuật. Trái lại, phải tự làm ra cái Đẹp nghệ thuật, dù là cái “đẹp” bằng phần triệu cái đẹp Picasso, thì cũng là cái đẹp tự tay mình làm ra. Tư duy nghệ thuật sẽ đến ở đoạn cuối đường làm ra cái đẹp nghệ thuật mà không cần những bài văn mẫu.  Trẻ em sẽ đến với cái đẹp đã, rồi các em sẽ giải thích sau về con đường học Văn, học Nghệ thuật của chúng.

Thay lời kết

Sau khi “khoe” bộ sách của nhóm Cánh Buồm mà nói liền tới Charles Darwin, tác giả Nguồn gốc muôn loài bằng chọn lọc tự nhiên, xin bạn hiểu cho tôi hoàn toàn không dám ví mình với nhà bác học vĩ đại của nhân loại ấy.

Nhưng nói chuyện Darwin ở đây chỉ vì nó có mối quan hệ thú vị tới niềm tin. Darwin đã phát hiện ra nguồn gốc các loài hoàn toàn mang tính vô thần trong khi ông lại vẫn còn niềm tin tôn giáo. Một bộ phim truyện phỏng theo Darwin đã mô tả một nhà sinh vật học hốc hác đau khổ khi con gái yêu của mình chết quá sớm, và con người có niềm tin vô thần đó hết sức hoang mang không biết đứa con yêu dấu sẽ đi về đâu sau khi chết.

Thế rồi trong đời thường, Darwin còn bị đả kích – như trên trang nhất tờ báo hí hước Vầng trăng bé xíu số tháng 8 năm 1878 minh họa ở đây – một Darwin mang hình hài loài khỉ được họa sĩ André Gill vẽ thật khéo!

Trong Giáo hội Công giáo, năm 1860 Hội đồng giám mục tỉnh Cologne đã ra tuyên bố chống quan điểm của Darwin: “Cha ông tổ tiên chúng ta do Chúa trực tiếp sinh ra. Vì vậy chúng tôi tuyên bố hoàn toàn chống lại những điều trái với Thánh kinh và niềm tin cùng công luận do những kẻ viết ra mà không biết hổ thẹn rằng con người là kết quả của sự thay đổi tự nhiên của một loài không hoàn thiện sang những loài càng ngày càng hoàn thiện cho tới khi đạt tới trình độ con người như bây giờ”.

Giữa Darwin và tôi là một trời một vực. Thế mà tôi cứ nghĩ mình hoàn toàn có thể hiểu được tâm trạng Darwin khi lung lay niềm tin, khi đã bén duyên niềm tin khác mà vẫn thương hại cho số phận mình trước cái niềm tin cũ đã trở thành hết duyên. Hết duyên mà chưa hết nợ. Sự đời là vậy lắm khi…

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)