Tôi đứng đây*

Tại buổi lễ tốt nghiệp của trường trung học Coxsackie-Athens, New York, Mỹ ngày 25/6/2010, Erica Goldson, nữ sinh xuất sắc được chọn đọc bài diễn thuyết chia tay, đã làm toàn thể thầy cô và bạn bè bất ngờ khi cô mạnh mẽ chỉ trích hệ thống giáo dục công được dựng lên không phải để khai sáng mà để nhào nặn ra những bộ não giống hệt nhau.

Dưới đây là nội dung bài diễn thuyết đã được lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng ngay sau đó.

Có câu chuyện về một người thiếu niên tu hành Thiền đạo, còn trẻ nhưng rất chăm chỉ, ham mê. Anh ta đến vấn an thầy mình, và hỏi vị đại sư: “Nếu con siêng năng, chăm chỉ tu luyện, con sẽ mất bao lâu để đắc đạo?” Vị đại sư ngẫm nghĩ, rồi trả lời: “Mười năm.” Người thiếu niên tiếp tục hỏi: “Nhưng nếu con dốc lòng để tu luyện thật nhanh thì sẽ mất bao lâu?” Vị đại sư trả lời: “Nếu vậy, hai mươi năm.” “Nhưng, nếu con chăm chỉ hơn, thành tâm hơn nữa, thì sao ạ?” “Sẽ là ba mươi năm,” vị đại sư đưa ra câu trả lời. “Nhưng, thưa thầy, con không hiểu,” chàng thiếu niên thất vọng thốt lên. “Mỗi lần con nói con sẽ dốc lòng cố gắng hơn nữa, thầy lại nói con sẽ tốn nhiều thời gian hơn. Tại sao lại có thể như vậy?” Vị đại sư từ tốn trả lời: “Vì khi con dành một mắt để nhìn về đích đến phía trước, con sẽ chỉ còn một mắt để thực sự nhìn xuống con đường con đang đi để tới đích của mình.”

Đây chính là nan đề tôi đã phải đối mặt, nan đề trong hệ thống giáo dục của đất nước chúng ta. Chúng ta quá tập trung vào một đích đến – có thể là vượt qua thành công một kỳ thi, hay tốt nghiệp với thành tích xuất sắc nhất trong cả khóa học. Nhưng thực chất, như thế, chúng ta không phải đang đến đây để học. Chúng ta chỉ đang làm tất cả những gì cần thiết để đạt mục đích ban đầu của chúng ta mà thôi.

Ai đó trong số các bạn có thể sẽ nghĩ: “Ừm, nếu bạn thi đỗ và vượt qua một kỳ thi, hay trở thành một valedictorian1 – học sinh xuất sắc nhất của cả khóa học, thì chẳng phải bạn đã học được cái gì đó rồi hay sao?” Vâng, đúng vậy, bạn đã học được đôi thứ gì đó, nhưng không phải là tất cả những gì đúng ra bạn đã có thể học. Có lẽ, thứ duy nhất bạn đã học được chỉ là khả năng ghi nhớ những cái tên và địa danh, những mốc ngày tháng và công thức, rồi sau đó lại xóa trắng gần như tất cả để dẹp chỗ trong bộ nhớ, chờ nạp kiến thức mới cho một bài kiểm tra khác tiếp theo. Trường học không phải chỉ có thế. Nhưng ngay bây giờ, nó là nơi ai cũng quả quyết khẳng định rằng, mục tiêu của họ là phải ra khỏi trường học càng sớm càng tốt.

Tôi giờ đây cuối cùng đã đạt mục tiêu đó. Tôi đã tốt nghiệp. Tôi nên coi đây là một trải nghiệm thật tuyệt vời, nhất là khi tôi tốt nghiệp với tư cách học sinh xuất sắc nhất khóa của mình. Nhưng lúc này, nhìn lại, tôi không thể nói rằng tôi có chút gì thông minh hơn các bạn cùng khóa hết. Tôi chỉ có thể tuyên bố rằng tôi là kẻ giỏi nhất trong việc làm đúng những gì người khác đã bảo tôi làm mà thôi. Vậy nhưng, tôi đứng đây, có nghĩa vụ phải cảm thấy tự hào khi đã hoàn thành xuất sắc giai đoạn nhồi sọ cưỡng ép này. Tôi sẽ rời khỏi đây vào mùa thu để bước vào giai đoạn kế tiếp đang được chờ đợi của cuộc đời, để sau vài năm có thể nhận lấy một mảnh bằng công nhận tôi đủ khả năng làm việc. Nhưng tôi phản đối nó, tôi là một con người, một kẻ biết suy nghĩ, một nhà thám hiểm – không phải một worker, một kẻ sống chỉ để biết đi làm. Worker là kẻ bị mắc kẹt trong sự lặp lại vô hạn – một tên nô lệ của thứ hệ thống đã được sinh ra trước hắn ta. Nhưng giờ đây, tôi đã thực sự thành công trong việc tuyên bố với cả thế giới rằng tôi chính là tên nô lệ giỏi nhất. Tôi đã làm tốt đến cùng cực tất cả những gì người ta bảo tôi phải làm. Khi những người khác ngồi trong lớp vẽ những nét nguệch ngoạc ra sách vở, để rồi trở thành những họa sĩ xuất sắc, tôi ngồi trong lớp ghi kín những trang viết, và trở thành kẻ-làm-bài-kiểm-tra xuất sắc. Khi những người khác đến lớp với bài tập chưa làm đủ, vì họ dành thời gian đọc về những thứ làm họ say mê, tôi đến lớp chưa bao giờ bỏ lỡ dù chỉ một bài tập nhỏ. Khi những người khác sáng tác nhạc và viết lời cho các giai điệu của họ, tôi quyết định đăng ký thêm tín chỉ các môn học, mặc dù tôi chẳng bao giờ cần đến chúng.

Vậy nên, tôi tự hỏi, tại sao ngay từ đầu tôi thậm chí lại muốn cái vị trí này cơ chứ? Tất nhiên, tôi đã giành được nó một cách xứng đáng, nhưng sau đấy thì sao? Khi tôi bước chân ra khỏi hệ thống giáo dục này, liệu tôi có thành công không, hay sẽ mãi mãi lạc lối? Tôi không có lấy một manh mối nhỏ nào về việc tôi muốn làm gì cho cuộc đời của mình; tôi không có sở thích nào đặc biệt bởi tôi nhìn mọi môn học đều như những mục tiêu để vượt qua, và tôi vượt trội ở mọi môn học chỉ vì mục đích để vượt trội, chẳng phải để học thêm cái gì mới. Và, nói thẳng ra là, thực sự tôi thấy sợ.

John Taylor Gatto, một giáo viên đã nghỉ hưu, và là một trong những người phản đối hệ thống giáo dục bắt buộc tích cực nhất, khẳng định: “Chúng ta hoàn toàn có thể khuyến khích những phẩm chất tuyệt vời nhất ở những người trẻ tuổi – trí tò mò, lòng ưa thích phiêu lưu, sức hồi phục mau lẹ, và hơn cả là dung lượng đáng kinh ngạc của những khám phá và phát kiến mới lạ – tất cả chỉ đơn giản bằng cách linh động hơn một chút về thời gian học, về nội dung bài học, và về những bài kiểm tra; bằng cách giới thiệu các em với những người lớn đầy đủ khả năng để hướng dẫn các em; và bằng cách trao cho mỗi học sinh quyền tự do mà các em cần để, chỉ thỉnh thoảng thôi cũng được, biết mạo hiểm lấy một lần. Nhưng chúng ta không hề làm được những điều ấy.” Giữa những bức tường gạch này, tất cả chúng ta được kỳ vọng phải giống hệt nhau. Chúng ta được huấn luyện để có thể vượt qua xuất sắc mọi bài kiểm tra tiêu chuẩn; và những người dám nghĩ và làm khác biệt, những người nhìn cuộc sống qua một lăng kính khác, sẽ là vô dụng trong mưu đồ của nền giáo dục công, và do đó luôn phải chịu những cái nhìn khinh miệt.

H. L. Mencken đã viết trong cuốn “The American Mercury for April 1924” rằng mục đích của giáo dục công không phải là  để trao cho những người trẻ của giống loài tri thức, và để đánh thức trí thông minh ở họ… Không điều gì có thể đi xa khỏi sự thật đến thế. Mục đích thực sự (của trường học) … chỉ đơn giản là để giảm thiểu, tới nhiều nhất có thể, những cá thể khác biệt; để đưa tất cả về một hệ số chung nhỏ nhất an toàn; để tạo ra và nuôi dạy một thế hệ các công dân được tiêu chuẩn hóa; để dập tắt các ý kiến khác biệt và sự độc đáo của mỗi cá nhân. Đó chính là mục đích, là mục tiêu tối thượng hướng đến của nước Mỹ này.

Để làm rõ hơn về ý kiến trên: có bao giờ điều này làm bạn khó chịu chưa, khi phải học về định nghĩa của “tư duy suy xét” (“critical thinking”)? Chẳng lẽ thực sự còn có thứ gọi là “tư duy không suy xét” (“uncritically thinking”) nữa hay sao? Tư duy tức là đánh giá và xử lý thông tin, để từ đó tạo nên ý kiến của riêng mình. Nhưng nếu chúng ta không hề suy xét khi xử lý thông tin, liệu có thực sự là chúng ta đang tự mình tư duy không? Hay phải chăng tất cả những gì chúng ta đang làm chỉ là mù quáng chấp nhận ý kiến của người khác, và coi nó là chân lý?

Điều đó đã xảy đến với tôi, và nếu không phải nhờ may mắn tôi gặp được một giáo viên Anh ngữ thật cấp tiến, cô Donna Bryan, người giúp tôi khai mở tư duy và dạy tôi biết tự đặt câu hỏi trước khi mặc nhiên chấp nhận những tư tưởng áp đặt của sách giáo khoa; chắc chắn tôi cũng đã hỏng hoàn toàn rồi. Tôi giờ đây đã được khai sáng, nhưng tôi vẫn thấy tâm trí mình như đang bị tật nguyền. Tôi phải học cách học lại tất cả, và luôn luôn tự nhắc mình rằng cái nơi có vẻ hoàn toàn không điên rồ chút nào này, nó thực sự điên rồ đến thế nào.

Và giờ thì tôi ở đây, trong một thế giới bị dẫn lối bởi sự sợ hãi; một thế giới luôn cố gắng đè nén phần cá thể độc đáo ẩn giấu trong mỗi cá thể; một thế giới nơi chúng ta chỉ có thể hoặc ngoan ngoãn chấp nhận thứ ngớ ngẩn phi nghĩa lý, phi nhân tính của chủ nghĩa nghiệp đoàn và chủ nghĩa vật chất; hoặc phải quyết tâm để thay đổi tất cả. Chúng ta hoàn toàn không có chút hứng thú nào với thứ hệ thống giáo dục được bí mật dựng lên chỉ để chuẩn bị nhân sự cho những công việc đúng ra có thể được tự động hóa, cho những tác vụ đúng ra không cần thiết phải làm, cho một sự nô dịch không có bất cứ sự chân thành hay một thành tựu có ý nghĩa nào. Chúng ta không có lựa chọn nào trong cuộc đời khi kim tiền trở thành động lực sống duy nhất của chúng ta. Động lực sống thúc đẩy để chúng ta làm việc đáng ra phải là đam mê, nhưng đây là thứ đã biến mất từ khoảnh khắc chúng ta đặt chân bước vào một thứ hệ thống được thiết kế ra để huấn luyện, chứ không phải để khơi truyền cảm hứng ở chúng ta.

Chúng ta có nhiều hơn thế. Chúng ta không phải chỉ là những giá sách biết đi, được lập trình để nhả ra những chân lý chúng ta đã học ở trường. Tất cả chúng ta đều vô cùng đặc biệt, từng con người trên hành tinh này đều rất đặc biệt; vậy chẳng phải chúng ta xứng đáng với thứ gì đó tốt hơn ư, xứng đáng dùng trí tuệ của chúng ta để phát kiến điều mới lạ, chứ không phải đơn giản để ghi nhớ; để sáng tạo, chứ không phải để làm những hoạt động vô nghĩa; để nghiền ngẫm tư duy về vấn đề, chứ không phải để mục ruỗng trong đình trệ và tù hãm? Chúng ta ở đây không phải chỉ để học và lấy một tấm bằng, để rồi có một công việc, để rồi có thể ngày ngày tiêu thụ những sản phẩm xoa dịu tinh thần do những nghiệp đoàn công nghiệp làm ra. Chúng ta có nhiều, và chúng ta còn nhiều hơn thế nữa.

Điều đáng buồn nhất ở đây là số đông các bạn học sinh không có cơ hội để nhận ra điều tôi đã nhận ra. Số đông các bạn đều được đưa qua một hệ thống các kỹ thuật tẩy não giống nhau, nhằm tạo nên một lực lượng lao động đúng theo ý thích của các đại tập đoàn và những chính phủ thích che đậy; và tệ hơn tất cả là, các bạn hoàn toàn không có một chút nhận thức nào về điều kinh khủng đó hết. Tôi sẽ không bao giờ có thể vặn dây cót và quay ngược lại 18 năm đã qua của cuộc đời tôi. Tôi không thể chạy trốn đến một quốc gia khác với một hệ thống giáo dục lập ra để khai sáng chứ không phải để huấn luyện. Phần đời đó của tôi giờ đã qua rồi, và giờ tôi muốn đảm bảo chắc chắn rằng sẽ không một đứa trẻ nào phải để tiềm năng của mình bị đè nén bởi những sức mạnh chỉ nhằm để khai thác và điều khiển các em. Chúng ta là những con người. Chúng ta là những kẻ tư duy, kẻ mơ mộng, nhà thám hiểm, nghệ sĩ, nhà văn, kỹ sư. Chúng ta là bất cứ thứ gì chúng ta muốn – nhưng chỉ khi chúng ta có một hệ thống giáo dục hỗ trợ chúng ta, chứ không phải kéo chúng ta xuống. Một cái cây có thể mọc lên thật cao, nhưng chỉ khi những nhánh rễ của nó được bám vào một nền tảng thật màu mỡ mà thôi.

Cho những ai ngoài kia vẫn đang tiếp tục ngồi trên những giảng đường, và đầu hàng trước những đức tin mà các giáo viên buộc bạn phải tuân theo, xin hãy đừng nản chí. Các bạn vẫn có quyền đứng lên, đặt câu hỏi, có quyền suy xét, có quyền tạo ra và có thái độ và quan điểm của riêng các bạn. Hãy lên tiếng yêu cầu phải có một môi trường cung cấp cho bạn đủ năng lực trí tuệ và giúp bạn mở rộng tư duy, chứ không phải định hướng nó. Hãy yêu cầu họ phải khiến bạn thấy vui thích trong mỗi giờ học. Hãy lớn tiếng nói rõ rằng cái cớ: “Các em phải học cái này, vì nó sẽ có trong bài kiểm tra” là chưa đủ với các bạn. Giáo dục là một công cụ tuyệt vời, nếu được sử dụng đúng cách, nhưng hãy tập trung nhiều hơn vào việc học tập thực sự, thay vì chỉ chú tâm vào tìm cách để đạt điểm cao.

Với các thầy, các cô và các vị đang làm việc cho thứ hệ thống em đang chỉ trích, em không hề muốn xúc phạm, em chỉ muốn thúc đẩy các vị. Các vị có tất cả sức mạnh cần thiết để thay đổi sự kém cỏi của cái hệ thống này. Em biết các vị không trở thành các giáo viên hay các nhà lãnh đạo chỉ để nhìn các học sinh buồn chán ngáp dài trên giảng đường. Các vị không thể chấp nhận thứ quyền lực lãnh đạo ra lệnh cho các vị phải dạy cái gì, phải dạy như thế nào, và đe dọa sẽ trừng phạt nếu các vị không làm thế. Tiềm năng của chúng em đang bị đe dọa ở đây.

Với các bạn đang cùng tôi bước ra khỏi nơi này, xin được nói, đừng bao giờ quên điều gì đã diễn ra bên trong những phòng học kia. Đừng bỏ rơi những thế hệ học sinh sẽ nối tiếp các bạn. Chúng ta là một tương lai mới, và chúng ta sẽ không để cho thứ truyền thống kia tồn tại. Chúng ta sẽ phá đổ những bức tường của sự mục nát, và để cho những khu vườn của tri thức mọc lên trên khắp đất Mỹ. Một khi đã được giáo dục bài bản, chúng ta sẽ có sức mạnh để làm bất cứ thứ gì, và tuyệt hơn tất cả, chúng ta sẽ chỉ dùng nó cho những việc tốt, bởi chúng ta sẽ là những người có giáo dục và thông thái. Chúng ta sẽ không bao giờ chấp nhận bất cứ thứ gì chỉ bằng vào bề ngoài của nó mà không hề suy xét. Chúng ta sẽ đặt những câu hỏi, và chúng ta sẽ đòi bằng được sự thật.

Vậy nên, giờ tôi đứng đây. Tôi không đứng đây để làm valedictorian một mình. Tôi đã được nhào nặn nên bởi môi trường xung quanh tôi, bởi tất cả những bạn học đang ngồi đây trước mặt tôi lúc này. Tôi sẽ không thể đạt điều này nếu không nhờ tất cả các bạn. Chính nhờ tất cả các bạn mà tôi trở thành con người như tôi đang là hôm nay. Các bạn luôn cạnh tranh với tôi, nhưng các bạn cũng chính là xương sống giúp tôi đứng vững. Theo cách đó, tất cả chúng ta đều là các valedictorian.

Giờ đây tôi sẽ phải nói lời chia tay với ngôi trường này, với những người đã và sẽ duy trì nó, và những người đứng cạnh tôi và sau tôi. Nhưng tôi mong lời chia tay sẽ giống một lời hẹn hơn: “Hẹn gặp lại” khi tất cả chúng ta cùng nhau tạo nên một chuyển động trong giáo dục. Nhưng trước hết, hãy đi lấy những mảnh bằng công nhận rằng chúng ta đủ thông thái để làm được điều đó!

Nguyễn Tiến Đạt dịch

1 Học sinh đại diện đọc diễn văn từ biệt (trong lễ tốt nghiệp)

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)