Triết học giáo dục (Kỳ 1): Thuật ngữ và khái niệm
Nhiều cuộc bàn thảo về triết lý giáo dục và triết học giáo dục mấy năm gần đây, đã để lại nhiều băn khoăn suy nghĩ. Trước nhất là việc sử dụng khá tuỳ tiện thuật ngữ "triết lý giáo dục", dùng nó để thay thế cho "triết học giáo dục" như một bộ môn, một chuyên ngành của triết học đương đại; chưa kể cái gọi là "triết lý giáo dục Việt Nam", "triết học giáo dục Việt Nam" khá lạc lõng trong thời kỳ hiện đại hoá và hội nhập quốc tế này.
Tuy nhiên, những cuộc thảo luận cũng đã để lại nhiều băn khoăn suy nghĩ. Trước nhất là việc sử dụng khá tuỳ tiện thuật ngữ “triết lý giáo dục”, dùng nó để thay thế cho “triết học giáo dục” như một bộ môn, một chuyên ngành của triết học đương đại; chưa kể cái gọi là “triết lý giáo dục Việt Nam”, “triết học giáo dục Việt Nam” khá lạc lõng trong thời kỳ hiện đại hoá và hội nhập quốc tế này. Tôi rất hoan nghênh và cảm phục ý kiến thẳng thắn của một bạn nghiên cứu trẻ – thạc sĩ Nguyễn Hồng Hà nói rằng không làm rõ và hiểu một cách thống nhất về thuật ngữ “triết học giáo dục” và “triết lý giáo dục” thì khó mà nghiên cứu và thảo luận về chủ đề này một cách nghiêm túc được(1).
Để tránh tình trạng tranh cãi vô bổ theo kiểu “cào cào châu chấu” (con nào bằng đầu, con nào nhọn đầu) cần đi vào thực chất của vấn đề, làm rõ sự khác biệt và mối liên hệ giữa triết học giáo dục như một bộ môn nghiên cứu, với triết lý giáo dục như những niềm tin, những ứng xử của các cá nhân, hoặc các nhóm xã hội trong hoạt động giáo dục.
Đây không phải chỉ là cách dịch khác nhau chữ “philosophy of education”, mà là cần phân biệt hai nghĩa khác nhau, có quan hệ mật thiết với nhau của chữ này.
Mọi người đều biết chữ “philosophy” có nhiều nghĩa. Nghĩa thứ nhất là “triết học”. Từ xưa đến nay triết học vẫn được hiểu như là lòng yêu mến sự khôn ngoan, sự thông thái (wisdom). Nhiệm vụ của nhà triết học là truy tầm sự khôn ngoan. Muốn vậy phải suy tư, phải nghiên cứu một cách đặc biệt, được gọi là “nghiên cứu để thấu hiểu về các giá trị và thực tại, chủ yếu bằng tư biện hơn là bằng quan sát” (2). Đây là chỗ khác nhau giữa nghiên cứu triết học với nghiên cứu khoa học.
Cùng với nghĩa số một, nghĩa chính trên đây, “philosophy” còn có nhiều nghĩa khác, trong đó có nghĩa “triết lý” để chỉ “những tín niệm chung nhất, những quan niệm và những thái độ của một cá nhân, hoặc một nhóm” (2).
TS. Nguyễn Đình Hòa trong cuốn Từ điển Việt – Anh có phân biệt triết học là philosophy (the study – nghiên cứu) với triết lý là philosophy (of a man or religion – của một người hoặc một tôn giáo). Triết lý còn được dùng như một động từ – to philosophize (3).
Làm rõ sự khác biệt và mối quan hệ giữa triết học với triết lý, GS.TS Phạm Xuân Nam viết “Khác với triết học, triết lý không phải là môn khoa học… nhưng triết lý có quan hệ khá mật thiết với triết học. bởi từ hệ thống những nguyên lý, những luận điểm của một triết thuyết nhất định, người ta có thể rút ra những triết lý về cách ứng xử, phương châm sống và hành động của những cá nhân và cộng đồng nào đó tin theo” (4)
Theo GS.Timothy Reagan “Philosophy of education tồn tại vừa với tư cách một chuyên ngành của triết học phương Tây…, vừa với tư cách những tín niệm của một cá nhân, hoặc một tổ chức xã hội về những chủ đề giáo dục” (5)
Trường hợp thứ nhất cần dịch là “triết học giáo dục”. trường hợp thứ hai cần dịch là “triết lý giáo dục”.
Gần đây, năm 2007 UNESCO cho công bố công trình Philosphy:
A School of Freedom (Triết học: một trường học về Tự do) có phụ đề rất hay, phân biệt triết học với triết lý: “Teaching philosophy and learning to philosophize” (Dạy triết học và học triết lý).
Trong bài này, tôi trình bày về triết học giáo dục như một bộ môn (discipline) “nghiên cứu về bản chất và mục tiêu của giáo dục theo các nhãn quan triết học”, như định nghĩa vắn tắt của GS. Timothy Reagan (5). Việc thấu hiểu bản chất và mục tiêu của giáo dục trong xã hội hiện đại đầy biến động là rất khó khăn, cần có sự kết hợp giữa suy tư triết học với phân tích khoa học, cần nghiên cứu phức hợp, liên ngành về giáo dục.
Là một hệ thống phức hợp cao độ, nền giáo dục hiện đại được định nghĩa như là “một quá trình, hoặc kết quả của một quá trình, trong đó mỗi cá nhân thâu thái được tri thức, kỹ năng, thái độ và tầm nhìn sâu rộng” (6). Như vậy giáo dục không thể được hiểu như sự truyền đạt một chiều thụ động và đơn giản hóa đến mức thô thiển theo kiểu “tiên học lễ, hậu học văn”. Giáo dục cũng không chỉ bao gồm giáo dục chính quy (formal education) mà còn cả giáo dục phi chính quy (non – formal education – ngoài nhà trường), hoặc không chính thức (informal education – rất linh hoạt, cần gì học nấy). Trong xã hội hiện đại, quá trình học tập phi chính quy tăng lên không ngừng qua sách báo, phát thanh, truyền hình và mạng internet… Đó chính là học suốt đời (lifelong learning hoặc learning throughout life) trong xã hội học tập, nơi hình thành những con người biết suy nghĩ độc lập, sáng tạo, đáp ứng những yêu cầu của xã hội hiện đại. Quan niệm về học suốt đời – theo Jacques Delors – “nổi lên như một trong những chìa khoá mở cửa đi vào thế kỷ XXI”. (7)
Quan niệm trên đây về triết học giáo dục, về bản chất và mục tiêu của giáo dục ở thế kỷ XXI còn chưa được các nhà triết học và khoa học giáo dục quan phương ở nước ta chia sẻ. Bộ Từ điển Bách khoa Việt Nam – một công trình học thuật được xem là tiêu biểu, huy động hàng ngàn nhà khoa học soạn thảo trong hơn một thập kỷ (1995 – 2005) không có một chữ nào về “triết học giáo dục”, hay “triết lý giáo dục”. Thế nhưng nếu ai nói rằng ở nước ta chưa có triết học giáo dục thì lập tức bị phản đối quyết liệt. Đầu thế kỷ XXI rồi mà bản thân triết học vẫn còn được hiểu quá cũ kỹ theo đúng như là các nhà triết học Liên Xô đã dạy từ nửa thế kỷ trước: “Triết học là một trong những hình thái ý thức xã hội”, “cuộc đấu tranh giữa hai phái duy vật và duy tâm thể hiện tính đảng của triết học… phản ánh cuộc đấu tranh giai cấp về mặt tư tưởng và chính trị”. (8)
Liệu chúng ta có thể xây dựng được một nền giáo dục hiện đại, góp phần hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế với một hành trang lý luận tư tưởng cũ kỹ như vậy không? Rõ ràng cuộc sống đang đòi hỏi phải thay đổi cơ bản về tư duy giáo dục và triết học giáo dục. Điều đó ảnh hưởng sâu rộng đến triết lý giáo dục của mỗi cá nhân, mỗi nhóm xã hội trong đời sống. Để góp phần vào sự biến đổi ấy cần đẩy mạnh việc nghiên cứu và thông tin về triết học giáo dục.
—-
(2) Webster’s New Collegiate Dictionary. Massachusetts 1974, p.861
(3) Vietnamse- English Student Dictionary (Revised and Enlarged Edition) by Dr. Nguyễn Đình Hòa, Saigon 1967, tr 610.
(4) Phạm Xuân Nam (chủ biên). Triết lý phát triển ở Việt Nam. Mấy vấn đề cốt yếu. H.: Khoa học xã hội, 2005, tr. 23-24.
(5) Timothy Reagan. Philosophy of education // The Encyclopedia Americana International Edition, 2001, Vol.9, p.666.
(6) Richard J.Zanini. Education// The Encyclopedia Americana, Vol.9, p.643
(7) Jacques Delors. Learning: The Treasure Within (Học tập: Một kho báu tiềm ẩn) UNESCO Publishing, 1996, p. 20
(8) Từ điển Bách Khoa Việt Nam. Tập 4, 2005, tr. 585, xem thêm các tr.586-588.