Trường chuyên, lớp chọn: Công bằng hay đặc quyền?
Trái với ngộ nhận của nhiều người Việt Nam rằng “trường chuyên, lớp chọn” không tồn tại trong các nền giáo dục tiên tiến, trên thực tế, việc bồi dưỡng, phát triển tài năng và năng khiếu cho người học qua các chương trình và trường lớp riêng biệt phát triển khá mạnh ở các quốc gia như Mỹ, Úc, Canada, v.v kèm theo các chính sách, quy định và những hướng dẫn thực hành rất chi tiết, rõ ràng đối với loại hình giáo dục đặc thù này.
Quyền bình đẳng trong việc phát triển tối đa tiềm năng vốn có
Cách tổ chức và tên gọi có thể hơi khác nhau, từ “trường chọn” (selective school) như cách gọi ở Úc1, “trường cho học sinh tài năng và năng khiếu” (school for the talented and gifted) như cách gọi phổ biến trước đây ở Mỹ2, “trường chuyên biệt” (specialized school) dành cho các học sinh có thiên hướng về khối ngành STEM (Science, Technology, Engineering and Mathematics)3, hoặc không có trường lớp riêng mà là những “chương trình tài năng và năng khiếu” (Gifted and Talented Education Program) đặt trong những trường lớp thông thường, tất cả các “lò luyện tài năng” nói trên đều có chung một mục đích là làm sao tạo ra những học sinh xuất sắc, “những ngôi sao” trên các lĩnh vực khác nhau.
Có thể đưa ra nhiều ví dụ từ Mỹ. Cuốn Cẩm nang về đào tạo tài năng của bang Idaho (phiên bản tháng 6/2005)4 nêu rõ định nghĩa thế nào là tài năng/năng khiếu và các biểu hiện bên ngoài của những học sinh có năng khiếu đặc biệt; các yêu cầu về quản lý chương trình; việc xác định học sinh có năng khiếu đặc biệt; kiểm tra đánh giá người học; phát triển và đánh giá chương trình v.v. Bang South Carolina cũng có một cuốn cẩm nang tương tự (phiên bản 2006), trong đó ngoài những nội dung như trên còn có thêm phần bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên và các dịch vụ hỗ trợ các chương trình đào tạo tài năng5. Bang Texas, một bang khá nổi tiếng với ngôi trường TAG Magnet liên tục đứng đầu bốn năm liền trong bảng xếp hạng các trường PTTH công lập Mỹ của US News and World Report6, còn xây dựng hẳn kế hoạch đào tạo tài năng cho toàn tiểu bang kèm theo những tiêu chuẩn và nguyên tắc hoạt động của loại hình đào tạo này7.
Nói ngắn gọn, đối với Mỹ, đào tạo năng khiếu/tài năng không chỉ là việc các trường được phép thực hiện, mà là quan điểm rõ ràng của liên bang và được cụ thể hóa thành chính sách và kế hoạch hành động (số kinh phí cấp cho việc đào tạo tài năng/năng khiếu; quy định cho phép hoặc không cho phép học trước tuổi, học nhảy lớp v.v) ở mỗi tiểu bang nhằm đào tạo nhân tài cho các địa phương8.
Cách đây vài tháng, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đã đưa ra quan điểm chính thức không cho phép tổ chức “chọn” học sinh vào lớp Sáu dưới bất kỳ hình thức thi cử, khảo sát hay sát hạch nào, nhằm bảo đảm tất cả học sinh đều được hưởng một nền giáo dục toàn diện. |
Một điểm cần lưu ý, trong khi ở Việt Nam, việc thực thi công bằng xã hội, tránh đặc quyền đặc lợi thường được đưa ra làm cơ sở để CẤM tổ chức các trường chuyên, lớp chọn, thì ở một nước có nền giáo dục đại học hàng đầu thế giới như Mỹ, cũng chính điều này lại là cơ sở để CHO PHÉP tổ chức trường chuyên, lớp chọn. Lý lẽ của họ khá đơn giản: Mọi trẻ em đều có quyền bình đẳng trong việc phát triển tối đa tiềm năng vốn có của mình. Với các học sinh có năng khiếu đặc biệt thì việc sử dụng thời gian để theo học một chương trình tương tự như trẻ em khác sẽ làm cho các em không còn thời gian để phát triển năng khiếu riêng của mình. Không những thế, đối với trẻ em đó, việc phải theo học một chương trình học dành cho trẻ em bình thường sẽ hoặc quá dễ, quá nhàm chán hoặc đôi khi lại là quá khó, khiến các em bị giảm động cơ học tập dẫn đến kết quả không tốt, và có thể bị đánh giá nhầm thành một học sinh kém hoặc “cá biệt”. Chính vì vậy, đối với các học sinh này (và cha mẹ của các em), việc không có các trường lớp riêng cho các em là một biểu hiện của đối xử bất công với những người thiểu số. Điều này được xem y hệt như việc đối xử không công bằng với những người thiểu số khác. Quan điểm đem lại sự công bằng cho người học đã được nêu rõ qua câu trích dẫn lời phát biểu của cố Tổng thống Kennedy ở ngay trang đầu cuốn Cẩm nang về đào tạo tài năng của bang Idaho đã nêu ở trên:
“Không phải trẻ em nào cũng có tài năng, năng lực hoặc động cơ như nhau, nhưng mọi trẻ em đều có quyền bình đẳng với nhau trong việc phát triển tài năng, năng lực và động cơ của mình.”
Bên cạnh hệ thống các trường lớp dành riêng cho những học sinh có tài năng/năng khiếu đặc biệt là các hội/hiệp hội nghề nghiệp chuyên về “giáo dục tài năng và năng khiếu”. Hội nghị toàn cầu lần thứ 21 về GATE năm 2015 vừa được tổ chức tại thành phố Odense, Đan Mạch cách đây mới hơn một tháng9. Không chỉ quan tâm đến những vấn đề cụ thể như việc vận hành các trường lớp tài năng/năng khiếu, các hội nghề nghiệp này còn nghiên cứu, công bố và thảo luận những vấn đề mang tính lý luận sâu hơn như định nghĩa như thế nào là tài năng, thế nào là môi trường phù hợp cho việc phát triển tài năng, phát triển chương trình và phương pháp giảng dạy cho học sinh tài năng, và không thể không kể đến cuộc tranh luận về vấn đề nên hay không nên cho con em theo học những chương trình dành riêng cho đối tượng tài năng/năng khiếu.
Vẫn còn nhiều băn khoăn
Giống như ở Việt Nam, cuộc tranh luận về giáo dục tài năng và năng khiếu đã kéo dài dai dẳng từ khi bộ môn này ra đời cách đây hơn một thế kỷ. Ở đây cần nêu thêm một chút lịch sử: bộ môn “giáo dục tài năng và năng khiếu”, một phân ngành của tâm lý giáo dục, xuất hiện từ đầu thế kỷ 20 khi các nhà tâm lý tìm ra được những phương pháp khoa học để đo lường sự khác biệt giữa các cá nhân – về thể chất, tính cách, trí tuệ, năng lực, hoặc tài năng/năng khiếu. Chính điều này đã dẫn đến nhu cầu tạo ra các chương trình giáo dục khác nhau nhằm tối ưu hóa việc phát triển tiềm năng cho từng đối tượng, mà cụ thể là các chương trình giáo dục tài năng/năng khiếu. Đây cũng là lập luận căn bản của phe ủng hộ trường chuyên, lớp chọn ở các nước như Mỹ, Úc, Canada. Vậy thì tại sao, bất chấp những lợi ích cho người học và sự ủng hộ cùng hỗ trợ hết mình của chính quyền, vẫn có nhiều người chống lại sự tồn tại của các trường chuyên, lớp chọn ngay tại chính tại các nước nơi bộ môn “giáo dục tài năng và năng khiếu” phát triển mạnh mẽ nhất?
Hóa ra tấm huân chương nào cũng có mặt trái. Trong một bài viết ngắn được đăng vào tháng 8/2011 trên trang mạng chuyên viết về những vấn đề giáo dục có tên là Patch (có nghĩa là “miếng vá”, ở đây hàm ý làm cho tốt hơn), bà Goushey, một giảng viên tiếng Anh tại trường Đại học cộng đồng St Louis, đã phân tích về những cái được và mất của việc cho con tham gia vào chương trình giáo dục tài năng10. Theo bài viết này, ngoài những cái được về mặt phát triển trí tuệ, việc phải học riêng với một nhóm đối tượng hẹp và “không bình thường” (theo nghĩa: những trẻ em được đánh giá là có tài năng/năng khiếu đặc biệt) đã làm hạn chế khả năng hội nhập xã hội của đứa trẻ, chưa kể những phản ứng tâm lý tiêu cực từ phía những đứa trẻ khác như mặc cảm vì thấy mình “không được xem là tài năng”, ghen tỵ vì thấy những đứa trẻ tham gia chương trình tài năng dường như có đặc quyền đặc lợi. Điều này bà đã nhận thấy ngay từ trong gia đình vì bà có hai đứa con, đứa lớn được học chương trình tài năng còn đứa nhỏ thì không, dù cả hai theo bà đều thông minh, “tài năng” và có động cơ không hơn kém gì nhau.
Trong khi ở Việt Nam, việc thực thi công bằng xã hội, tránh đặc quyền đặc lợi thường được đưa ra làm cơ sở để CẤM tổ chức các trường chuyên, lớp chọn, thì ở một nước có nền giáo dục đại học hàng đầu thế giới như Mỹ, cũng chính điều này lại là cơ sở để CHO PHÉP tổ chức trường chuyên, lớp chọn. |
Vậy phải làm gì? Bài viết của Goushey không đưa ra câu trả lời dứt khoát, mà bỏ lửng bằng một nhận xét không mang tính kết luận như sau:
Có lẽ việc tạo ra những cơ hội để phát triển tối đa năng lực của những trẻ em “tài năng/năng khiếu” nên là công việc của gia đình. Về phía cộng đồng, chúng ta đều mong muốn có những thành viên có thông minh, cảm xúc, và kỹ năng xã hội tốt, chứ không chỉ là thông minh trí tuệ hoặc sáng tạo khoa học. Và nếu không thể làm gì khác thì có lẽ nên đặt tên các chương trình “tài năng/năng khiếu” bằng một cái tên khác để có thể tạo ra một cộng đồng học tập sao cho có nhiều học sinh được hưởng lợi từ các chương trình đó hơn.
Lời kết luận bỏ lửng của Goushey có lẽ cũng là lời kết luận tốt nhất cho vấn đề “trường chuyên, lớp chọn” ở Việt Nam. Chọn lựa cuối cùng sẽ phải dựa trên những cân nhắc thận trọng nhất về cái được và cái mất so với mục tiêu và nguồn lực của mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng và mỗi quốc gia trong những thời điểm cụ thể.
1http://www.caringbah-h.schools.nsw.edu.au/
2http://tagmagnet.org/ – TAG Magnet là tên một trường năng khiếu tại Texas, trong đó TAG là viết tắt của cụm từ Talented And Gifted; http://www.hollingworthschool.com/, trường năng khiếu tại bang Ohio
3http://ncsss.org/about/history-and-founders
4Một vài ví dụ: https://www.sde.idaho.gov/site/gifted_talented/resources_manuals_docs/PracticesManual.pdf
5https://ed.sc.gov/agency/programs-services/123/documents/SCGiftedandTalentedBestPracticesManual.pdf
6http://www.usnews.com/education/best-high-schools/articles/us-news-ranks-best-high-schools
7http://tea.texas.gov/Curriculum_and_Instructional_Programs/Special_Student_Populations/Gifted_and_Talented_Education/Gifted_Talented_Education/ – Cuốn trang lên để xem bản kế hoạch đào tạo tài năng của TEXAS.
8http://www.nagc.org/sites/default/files/Gifted-by-State/Table%20D%20%28state%20policies%29.pdf Bản tóm tắt kết quả khảo sát về các chính sách liên quan đến việc đào tạo tài năng trên từng tiểu bang của Mỹ.
9http://worldgifted2015.com/wp-content/uploads/2015/08/WEBBOG-21st-World-Conference.pdf
10http://patch.com/missouri/eureka-wildwood/gifted-education-pros-and-cons