Trường đại học ở Trung Quốc chỉ chạy theo lợi nhuận
Mới đây, trên tờ Phương Nam, GS Khâu Thành Đồng (được thế giới biết nhiều hơn với cái tên phiên âm theo tiếng Quảng Đông: Shing-Tung Yau, sinh năm 1949 tại Hongkong, là nhà toán học gốc Hoa duy nhất đến nay đoạt huy chương Fields (được coi là giải Nobel Toán học), hiện giảng dạy tại ĐH Harvard) đã có bài trả lời phỏng vấn gây xôn xao giới khoa học và đại học Trung Quốc khi phê phán họ chỉ biết chạy theo hư danh, tiền bạc mà bỏ rơi chất lượng nghiên cứu, đào tạo.
KTĐ: Có được một trường đại học như vậy không hề đơn giản. Điều chủ yếu lãnh đạo khoa học của trường là ai? Ngay từ đầu Princeton đã là trường đại học hạng nhất, bởi Einstein đã đến đó, rất nhiều nhà khoa học vĩ đại nhất đã đến đó. Trường còn có sự tài trợ hạng nhất. Có môi trường nghiên cứu hạng nhất, có những người trẻ tuổi hạng nhất tới học, hai thứ đó kết hợp thành một trường đại học hạng nhất.
Ông có nghĩ Trung Quốc có thể sao chép mô hình đó?
Mấu chốt vấn đề là Trung Quốc có thể có những nhà khoa học hàng đầu thế giới hay không? Hiện tại, Trung Quốc chưa có. Một giáo sư nổi tiếng một năm được trả 400.000 đô-la, hiện Trung Quốc chưa thể hậu đãi như vậy. Không những không đủ nhiều tiền, vấn đề nhân sự của Trung Quốc cũng quá phức tạp.
Tiền hoạt động của Princeton hoàn toàn do các quỹ tư nhân cung cấp, song hầu hết các cơ sở nghiên cứu của Trung Quốc đều do nhà nước quản lý. Như Kế hoạch 863*, bao gồm một số phòng thí nghiệm quốc gia… đều do Nhà nước, Bộ Khoa học-Kĩ thuật và Bộ Giáo dục nắm. Theo ông, mô hình quản lý đó ảnh hưởng tới khoa học kĩ thuật như thế nào?
Quan trọng là có người làm được hay không. Vấn đề của khoa học Trung Quốc hiện nay là: chỉ biết quẳng một khoản tiền vào một chương trình, đề tài, nhưng tìm không ra chủ nhiệm thích hợp.
Ông nói tìm không ra người thích hợp, là do thiếu năng lực hay do cơ chế?
Cả hai. Trung Quốc có rất nhiều chương trình lớn và mời rất nhiều chuyên gia “nổi tiếng” nước ngoài dành toàn bộ thời gian tham gia. Những người đó thực chất đều giả dối. Các giáo sư nổi tiếng nước ngoài đều giảng dạy toàn thời gian. Theo quy định, họ phải ở Mỹ 9 tháng (để nghiên cứu). Ví như giáo sư Harvard, họ phải ở Mỹ 9 tháng, chỉ có 3 tháng có thể ra ngoài. Vì sao lại có một số chuyên gia giả dối? Vì có tiền là có người theo. Đại học Bắc Kinh cũng được, đại học nào cũng được. Trả lương cả năm, một năm mấy trăm vạn tệ, sao không làm?
Nhưng chính ông kiêm giáo sư của rất nhiều trường ở Bắc Kinh, Triết Giang. Phê phán như vậy chẳng phải ngược đời sao?
Tôi không nhận một đồng nào của các cơ sở trong nước, vé máy bay tôi cũng tự trả. Nhưng người kia đều lấy tiền nhà nước, không chỉ lương, mà còn cả kinh phí, để tiếp đãi bạn bè, thường là vé máy bay hạng nhất, đón tiếp ở khách sạn 5 sao. Nếu không lấy đồng nào như tôi, họ tuyệt không dám làm như vậy.
“Học giả của một trường đại học nổi tiếng” – dùng cái danh đó có thể moi được Bộ Giáo dục một khoản tiền lớn. Kiểu người như thế không chỉ một, mà rất nhiều. Tờ New York Times nói 40% nhân tài mà Đại học Bắc Kinh mời là từ nước ngoài. Anh thử tới Mỹ kiểm tra một lượt xem, tôi bảo đảm phần lớn là giả dối.
Ông có cho rằng phương thức mời như vậy có thể thúc đẩy khoa học không?
Có thể thúc đẩy cái gì? Cách đó là lừa mình dối người! Sinh viên thì nhận hướng dẫn rồi, mác Đại học Bắc Kinh thì đeo rồi, lại còn nhờ người khác dạy thay, đó là lừa đảo. Vì sao các trường đại học lớn trong nước phải làm cái việc trái lẽ đó? Bởi trường có thể hưởng lợi, mời được giáo sư tên tuổi này kia sẽ lấy được một khoản tiền. Mời một người, có thể mang về cho trường mấy chục triệu tệ, tội gì không mời? Trưng cái tên đó lên, giáo viên của trường cũng thơm lây; trưng cái tên đó, xếp hạng của trường cũng tăng lên. Nhà trường kiếm được vài triệu, số tiền đưa anh (tức giáo sư được mời -PV) thì đáng bao? Mà có phải tiền của họ đâu, là tiền nhà nước. Nạn nhân là ai đây? Là xã hội, là nghiên cứu sinh.
Hướng dẫn sinh viên ở Trung Quốc cũng gọi là giáo sư. Ông thấy thế nào?
Thầy hướng dẫn ở Mỹ cũng gọi là giáo sư. Nhưng thực chất nó không giống ở Trung Quốc. Ở Trung Quốc, sinh viên giúp anh viết luận án, làm thuê cho anh, một năm viết cho anh mấy chục bài báo. Hiện nay rất nhiều trường đại học ở Trung Quốc chỉ chạy theo lợi nhuận, theo tiền, theo kinh phí. Kết quả nghiên cứu thật thì không ai quan tâm.
Trước kia trong giới giáo dục có quan niệm “giáo dục là hàng hóa”, ông nghĩ sao?
Giáo dục Trung Quốc đi theo con đường rất nực cười. Trường Đại học Đại Hưng Trung Quốc biến thành xí nghiệp, thành công xưởng có thành công không? Thực chất không thành công, bởi thành công của nó không liên quan gì tới giáo dục. Chẳng qua chỉ là xí nghiệp lợi dụng cơ sở của vật chất của nhà trường để kiếm ăn.
Trên thế giới không ở đâu như Trung Quốc, Nhà nước đổ bao nhiêu tiền của vào Bộ Giáo dục là để họ xây dựng sản nghiệp hay bồi dưỡng nhân tài?
Với cơ chế hiện nay, ông cho là có thể đào tạo được nhân tài không?
Ngày nay giáo sư có danh ở Trung Quốc không dạy sinh viên. Vì sao vậy? Tất cả chỉ vì lợi ích bản thân, bởi vậy mà trình độ sinh viên ngày nay kém trước rất nhiều. Còn giáo sư trường Harvard chúng tôi buộc phải tiếp xúc với sinh viên. Nếu không, không được làm giáo sư.
Sinh viên Đại học Bắc Kinh không thoải mái khi nghe tôi nói :”Các bài báo của sinh viên Harvard đăng trên những tạp chí hàng đầu còn có chất lượng hơn các bài báo của một số viện sĩ Trung Quốc”. Họ cảm thấy bị chọc tức, song đó là sự thật. Trên các tạp chí toán học nổi tiếng của Mỹ, mười năm nay người Trung Quốc chỉ đăng được 20, 30 bài. Nhưng sinh viên Harvard của chúng tôi thường đăng bài trên đó.
Có quan niệm phổ biến trong các trường đại học là “vừa giảng dạy vừa nghiên cứu”, nhưng đại học Trung Quốc chỉ chú trọng nghiên cứu mà xem nhẹ dạy học.
Tất cả các trường đại học nổi tiếng của Mỹ đều phải quan tâm một việc là: đã nghiên cứu thì phải dạy học. Các giáo sư có danh của Trung Quốc không dạy học, chỉ nghiên cứu. Thế nhưng chất lượng nghiên cứu có khá hơn trước không? Trái lại. Mười năm nay, trình độ sinh viên Đại học Bắc Kinh xuống thê thảm. Mà nghiên cứu của những giáo sư có danh kia có khá hơn không? Tuyệt đối không! Cứ tra xem những bài nghiên cứu đăng ở đâu thì khắc rõ!
Ở Trung Quốc, thường thấy hiện tượng quan chức chuyển sang làm viện sĩ.
Ở Trung Quốc còn một hiện tượng đã làm hiệu trưởng rồi còn làm viện sĩ, mà không phải là làm viện sĩ rồi mới làm hiệu trưởng. Tôi nói thẳng, ở Trung Quốc muốn làm viện sĩ chỉ cần có đủ tiền là mua được. Ở Hongkong cũng có nhiều người làm như vậy.
Thế còn Mĩ?
Mỹ có muốn làm cũng không được.
Vì sao vậy?
Viện Khoa học Quốc gia Mỹ (The National Academy of Science – ND) cũng có vài ba người không đủ chuẩn, nhưng 90% trở lên là giỏi thực sự. Ở Trung Quốc, đâu cũng thấy tiền tài mua danh vị, danh giáo sư cũng được, danh viện sĩ cũng được, không thấy sỉ nhục. Một số vị học phiệt làm chủ tịch rất nhiều cuộc bình xét, họ cho anh một giải thưởng, bảo anh phải bầu người nọ người kia làm viện sĩ. Ai nắm kinh phí là người đó có năng lực bình xét, là có năng lực ảnh hưởng.
Theo ông, làm thế nào để dẹp bỏ hiện tượng này?
Theo tôi, có thể bãi bỏ chế độ viện sĩ. Một nhóm, cứ cho là nhóm có trình độ khoa học cao nhất mà kết quả là 60% danh không xứng với thực thì sự tồn tại của nhóm đó có nghĩa gì?
Một số giáo sư, viện sĩ của Trung Quốc hiện dùng thời gian để kéo quan hệ, kiếm đề tài; nhà trường ủng hộ việc họ lấy tiền mua chức viện sĩ, đồng thời cũng ủng hộ họ lấy danh viện sĩ để kiếm đề tài. Vấn đề đó giải quyết thế nào?
Khi Bộ Giáo dục đánh giá các trường đại học tốt hay không tốt, việc đầu tiên là hỏi trường đó có bao nhiêu viện sĩ mà không hỏi trình độ họ như thế nào. Thật kì quái! Cơ chế đánh giá không hoàn thiện chính là căn bệnh lớn nhất của giới khoa học Trung Quốc.
Theo ông, cơ chế đánh giá phải như thế nào?
Công bằng. Xây dựng thành công cơ chế đánh giá thì bất kì vấn đề khoa học nào cũng có thể giải quyết được. Tìm những nhà khoa học hạng nhất, đi đầu nhất, thành lập một hội đồng, cùng thảo luận, thì không mất bao nhiêu công cũng thu được kết quả. Harvard làm như vậy, cả thế giới cũng làm như vậy, chỉ có Trung Quốc không muốn làm. Không làm bởi sợ thiệt hại lợi ích bản thân.
Ông chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa Trung Quốc, lại về nước thường xuyên nên rất hiểu tình hình trong nước. Vậy vì sao ông lại dùng cách phê phán trực tiếp mà không dùng cách thức truyền thống?
Tôi phê phán Đại học Bắc Kinh bao lần rồi mà họ không thay đổi, để lớp trẻ hiện nay phải chịu hậu quả. Tôi tận mắt chứng kiến nhiều nhà khoa học trẻ bị vùi dập, tôi bày tỏ thế nào cũng không tác dụng.
Là thành viên của Viện Khoa học Quốc gia Mỹ, khi bàn bạc để bầu viện sĩ hải ngoại ở Châu Á, nhất là ở Trung Quốc, tôi phải tìm đỏ mắt 5 năm trời mới chọn ra được một người. Trình độ khoa học của Trung Quốc không bằng người ta, thế nhưng họ cứ khăng khăng bảo là hơn người, thì tôi không có cách nào cả.
Mấy năm trước, Trung Quốc ghép các trường đại học lại để “thành lập trường đại học hàng đầu thế giới”, ông thấy thế nào?
Chỉ trọng số lượng mà xem nhẹ chất lượng thì có ghép bao nhiêu trường đại học, tuyển bao nhiêu sinh viên, đẻ ra bao nhiêu nghiên cứu, cũng không làm nên nền khoa học hàng đầu, xuất hiện những nhà khoa học hàng đầu. Không có cơ chế xem trọng chất lượng, khoa học Trung Quốc vĩnh viễn tụt hậu.
(Xinhuanet.com)
—————————-
* Kế hoạch nghiên cứu phát triển khoa học kỹ thuật cao của Trung Quốc, bắt đầu từ tháng 3/1986.
Trước đó, hè 2005, Khâu Thành Đồng về Trung Quốc, và trong một loạt phỏng vấn với các nhà báo, ông tấn công Điền Cương và các nhà toán học tại Đại học Bắc Kinh. Trong một bài báo đăng trên một tờ báo khoa học Bắc Kinh với tựa đề “Khâu Thành Đồng lên án nạn tham nhũng trong giới hàn lâm Trung Quốc,” ông cáo buộc Điền Cương cùng một lúc đã giữ chức vị giáo sư tại nhiều nơi và đã đòi 125 nghìn đô-la cho vài tháng làm việc tại một trường đại học tại Trung Quốc, trong khi các sinh viên phải sống thiếu thốn. Ông cũng buộc tội Điền Cương gian lận học bổng, ăn cắp ý tưởng và ép buộc các nghiên cứu sinh phải đề tên mình vào bài báo của họ. Điền Cương hoảng hốt khi bị Khâu Thành Đồng tấn công, nhưng vì đã là học trò của Khâu, Điền Cương cảm thấy không thể làm được gì: “Tôi có cội rễ sâu xa trong văn hóa Trung Quốc. Thầy là thầy, và luôn đáng kính. Rất khó khăn cho tôi khi nghĩ mình sẽ phải làm gì.”
(Theo Manifold Destiny – The New Yorker)