TS Đỗ Ngọc Minh: Hợp tác mang lại nhiều ý tưởng
Giảng dạy tại trường đại học Illinois từ năm 2002, năm nay TS Đỗ Ngọc Minh có năm nghỉ phép đầu tiên (sabbatical year) để “làm mới mình” theo như truyền thống của các trường đại học nghiên cứu của Mỹ. Anh gần như dành trọn năm nghỉ phép này cho các hoạt động tại Việt Nam. Tháng 7 vừa qua, anh tham gia trường hè Xử lý tín hiệu số lần thứ 3 tổ chức tại Đại học Bách Khoa Đà Nẵng. Tạp chí Tia Sáng có cuộc trò chuyện với anh về công việc của anh tại Việt Nam và tại Đại học Illinois, Mỹ.
Xin anh giới thiệu đôi nét về trường hè Xử lý tín hiệu số.
Ý tưởng ban đầu của trường hè là giúp các bạn sinh viên có điều kiện học tập trong khoảng thời gian ngắn (2 tuần) trong điều kiện gần như ở các trường đại học bên nước ngoài về phương pháp giảng dạy, kiến thức mới.
Một trong những khó khăn của trường hè là nguồn kinh phí mời giáo sư từ nước ngoài đến tham gia giảng dạy và hỗ trợ các em sinh viên khắp cả nước tới học. Lần thứ nhất tổ chức vào năm 2006, trường hè được Quỹ Giao dục Việt Nam VEF tài trợ. Lần thứ hai tôi xin được tài trợ của Quỹ phát triển khoa học của Mỹ- National Science Foundation (trong chương trình đào tạo cho những nhà lãnh đạo về công nghệ của Mỹ trong tương lai có cái nhìn rộng hơn về thế giới) để mời một số giáo sư của Mỹ và 6 sinh viên tại trường của tôi sang làm việc tại trường hè. Lần thứ 3 này, phần lớn tiền tài trợ từ trong nước. Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng hỗ trợ nơi ăn ở của các sinh viên và kinh phí mời các giáo sư tham gia giảng dạy. Hai tập đoàn là FPT và VTC cũng tài trợ với điều kiện cho cán bộ của họ theo học vì các công ty này đã chú trọng vào nghiên cứu phát triển, và muốn cập nhật công nghệ mới, kiến thức thức mới trong ngành xử lý tín hiệu số. Ngoài ra, quỹ Vietnam Foundation có hỗ trợ rất quan trọng là đưa toàn bộ tài liệu của trường hè lên học liệu mở Việt Nam để các bạn không có điều kiện tham dự vẫn có thể theo học được.
Trường hè Xử lý tín hiệu số trong tương lai sẽ được phát triển như thế nào?
Sau 3 lần làm, những người tổ chức cũng thấy tự tin hơn. Không chỉ có sinh viên mà các công ty trong và ngoài nước cũng đã quan tâm đến trường hè. Chúng tôi nhận thấy các em sinh viên đặc biệt hứng thú với các khóa học này. Ngoài việc giúp các em bổ sung kiến thức, được làm việc và học tập trong một môi trường như ở các trường đại học ở Mỹ, chúng tôi còn giúp các em có nguyện vọng đi du học sau đại học ở nước ngoài. Qua quá trình làm việc, chấm bài, trò chuyện, phỏng vấn, tôi cũng hiểu rõ hơn điểm mạnh của các em. Vì thế khi viết thư giới thiệu, với nhiều em tôi có thể viết: “sinh viên này giỏi như sinh viên PhD bên trường Illinois của tôi”. Điều này thực sự giúp các em rất nhiều vì Đại học Illinois đang được xếp hạng số 3 trên thế giới về các ngành Kỹ Thuật. Những năm tới, tôi mong muốn sẽ tổ chức trường hè thường xuyên hơn, có thể không phải hai năm một lần mà là hàng năm. (Địa chỉ trên web của trường hè là http://dspvietnam.info.)
Qua quá trình làm việc với các sinh viên Việt Nam tại các trường hè, anh có nhận xét gì?
Độ vênh giữa lý thuyết và thực hành của sinh viên Việt Nam đã được cải thiện nhiều so với những lần đầu tôi tiếp xúc. Nhưng có điều tôi nhận thấy các em sinh viên hiện nay có vẻ xem nhẹ các môn học cơ bản (toán, lý). Những môn học này không chỉ là công cụ rất cần cho nghiên cứu mà còn có vai trò rất lớn trong việc hình thành tư duy hệ thống, tránh mất thời gian mày mò trong nghiên cứu khoa học.
Các nhóm nghiên cứu liên ngành ở các trường đại học Mỹ có vẻ rất dễ hình thành, đó là nhờ vào yếu tố gì?
Chính bức tường giữa các khoa làm cho nghiên cứu chỉ giới hạn trong từng ngành. Tại khoa của tôi, họ chỉ quản lý giáo sư về lương và thời gian giảng dạy. Còn phòng làm việc và thí nghiệm của tôi nằm trong một trung tâm nghiên cứu liên khoa: có sự tham gia của giáo sư và các nhóm nghiên cứu tới 20 khoa khác nhau. Các nhóm có thể cùng đầu tư mua một thiết bị dùng chung. Có sự đào thài hàng năm, nếu các nhóm nghiên cứu hoạt động không tốt có thể mời các nhóm khác vào. Khi các dự án của các nhóm được đầu tư, một phần lớn trích cho mua sắm thiết bị, chi phí dịch vụ cho các hoạt động của trung tâm. Sự tập hợp của nhiều nhóm nghiên cứu khác nhau tại một trung tâm khuyến khích sự trao đổi liên ngành.
TS Đỗ Ngọc Minh |
Còn về phía những người nghiên cứu thì sao?
Hiện nay, hầu như những vấn đề mới mẻ, có ảnh hưởng lớn đều cần tới sự liên kết của nhiều ngành. Do vậy, việc tạo cho mình thói quen sẵn sàng làm việc với các nhóm khác là rất cần thiết. Tính cách của người Mỹ có điểm hay mà tôi học được đó là cái gì chưa biết thì càng kích thích nỗ lực học và làm để cho biết. Ngoài việc nghiên cứu, giảng dạy, tôi đề ra mục tiêu là mỗi học kỳ tham gia một lớp học nào đó để mở rộng kiến thức. Rồi học từ đồng nghiệp và cả sinh viên nữa. Chia sẻ kiến thức đến từ cả phía thầy và trò.
Các trường đại học của Mỹ có những giải pháp nào để các kết quả nghiên cứu nhanh chóng trở thành sản phẩm?
Các trường đại học của Mỹ hiện nay đều khuyến khích giáo sư và sinh viên thành lập các công ty start-up. Tuy nhiên họ rà soát cẩn thận để tránh những xung đột quyền lợi. Thường người đứng đầu công ty phải khai báo các hoạt động của mình liên quan tới trường để đảm bảo là hoạt động của công ty không vi phạm các quy định của trường ví dụ như thiết bị sử dụng như thế nào, những người tuyển có phải là sinh viên không, nếu là sinh viên phải có người thứ ba đứng ra đảm bảo mình không lợi dụng họ. Khi công ty có lợi nhuận sẽ trích lại một phần cho trường theo thỏa thuận.
Trong trường có những môn học về kinh doanh cho các sinh viên khối kỹ thuật. Những người đã thành công trong doanh nghiệp được mời tới nói chuyện, giảng dạy cho sinh viên. Có những cuộc thi kiểu như ý tưởng kinh doanh, sinh viên quan tâm thành lập nhóm, mời những người đầu tư mạo hiểm đến, cấp những khoản đầu tư nhỏ cho những dự án của sinh viên có tính khả thi cao. Các trường cũng có khu vườn ươm. Tại đây, các giáo sư hoặc các nhóm sinh viên có thể thuê văn phòng với giá ưu đãi, tạo lập mạng lưới, trao đổi thông tin, thỉnh thoảng có mời những người đầu tư mạo hiểm vào đi một vòng xem xét cơ hội đầu tư. Trường cũng tổ chức những buổi seminar về huy động vốn, bảo vệ bản quyền. Nói chung, có nhiều sự hỗ trợ để cho những người có tinh thần kinh doanh có thể “mạo hiểm”.
Việt Nam có thể học được gì từ kinh nghiệm này?
Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các nhà nghiên cứu tạo ra các công ty start-up để thương mại hóa kết quả nghiên cứu của mình. Như tại Mỹ, quỹ tài trợ nghiên cứu cơ bản vẫn dành 10% đầu tư cho các công ty start-up chuyển giao công nghệ. Để tránh hiện tượng nhiều nhà nghiên cứu chỉ chú trọng đầu tư cho công nghệ mình thích mà không quan tâm tới thị trường sẽ chấp nhận như thế nào, có thể mời những người bên công nghiệp sang đánh giá tính khả thi của dự án. Nhà nước đầu tư giai đoạn đầu để xốc nó lên, bên công nghiệp thấy có tiềm năng họ sẽ nhảy vào đầu tư thêm.
Năm vừa rồi, trường đại học Illinois mở trung tâm nghiên cứu cứu tại Singapore được Chính phủ nước này tài trợ 50 triệu USD. Tôi cùng với 14 giáo sư khác của trường tham gia vào trung tâm này. Mục tiêu của trung tâm không phải chỉ làm ra bài báo. Kết quả cuối cùng họ muốn hướng tới là đào tạo con người và tác động tới nền kinh tế ra sao. Chính phủ Singapore mong muốn số tiền đầu tư của họ sau một thời gian sẽ phải đóng góp bao nhiêu vào GDP của họ.
Theo anh, làm thế nào để hợp tác quốc tế trong nghiên cứu có hiệu quả?
Hợp tác quốc tế trong nghiên cứu phần lớn đều xuất phát từ quan hệ cá nhân như gặp gỡ tại các hội nghị hoặc quan hệ thầy trò. Tuy nhiên, đây chỉ là bước đầu, để hợp tác có hiệu quả, cả hai bên đều phải có thế mạnh riêng của mình. Tôi nghĩ Việt Nam nên chọn ra một số ngành có tiềm năng phát triển lên. Cần phải có những chương trình học bổng cho các nghiên cứu sinh Viêt Nam trong nước đi trao đổi khoảng 6 tháng – 1 năm ở nước ngoài. Trong kỹ thuật, các giáo sư là người có ý tưởng hợp tác nhưng cần những người triển khai. Cho nên cần thêm rất nhiều đầu tư cho các nghiên cứu sinh trong nước để giúp họ làm nghiên cứu và hợp tác quốc tế.
Học tập và làm việc trong môi trường khác nhau giúp gì cho anh?
Nếu chỉ ngồi một chỗ thì chỉ có thể làm tốt một lĩnh vực của mình. Trong khi đó, một nhà nghiên cứu về công nghệ hiện nay lại rất cần biết về nhiều mảng khác nhau. Tôi luôn luôn muốn có những cơ hội làm mới mình. Làm việc với các cộng sự có lĩnh vực nghiên cứu khác với mình là cách để học hỏi thêm được nhiều điều. Nhờ đó, tôi không chỉ biết trong ngành hẹp mà còn liên kết nhiều ngành khác nhau để cho ra nhiều ý tưởng mới.
Cảm ơn anh.
Ngọc Tú thực hiện