Tự chủ đại học và trách nhiệm giải trình: Hai mặt của một vấn đề
Tự chủ đại học (ĐH) ở Việt Nam bắt đầu từ những năm 1990, được luật hóa và thí điểm* đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục ĐH công lập giai đoạn 2014-2017, nhưng đến nay nhìn chung việc thực hiện tự chủ ĐH công lập chưa thực sự tạo ra chuyển biến đáng kể, do nhiều nguyên nhân, trước hết là do có nhiều quan điểm, nhận thức khác nhau về những nội dung cơ bản của tự chủ ĐH. Thậm chí có những nội dung hết sức quan trọng, chẳng hạn như vấn đề trách nhiệm giải trình của nhà trường trước các cơ quan quản lý nhà nước, người học và xã hội về các hoạt động đã hoặc sẽ được thực hiện, hầu như chưa được đề cập đến.
Các diễn giả trao đổi tại buổi tọa đàm. Ảnh: Hảo Linh.
“Chân kiềng” giữ thăng bằng cho các trường tự chủ
Vừa qua, tại buổi tọa đàm “Tự chủ đại học: Quyền tự quyết và trách nhiệm giải trình” do Tia Sáng tổ chức, một số lãnh đạo trường ĐH tư thục và công lập, các nhà nghiên cứu giáo dục, nhà quản lý cho rằng, trách nhiệm giải trình hầu như còn được nhìn nhận và thực hiện rất khác nhau giữa các trường ĐH tư thục và công lập. Chẳng hạn như trường tư thục ĐH Thăng Long trách nhiệm này được thực hiện ngay từ ngày đầu thành lập với tư thế của “người phục vụ”. Nên theo GS Hoàng Xuân Sính, Chủ tịch hội đồng quản trị, Hiệu trưởng đầu tiên của ĐH Thăng Long, ngay cả trong những hoạt động thuần tuý phục vụ lợi ích của người học như trao học bổng, trường cũng phải trả lời hàng loạt câu hỏi của sinh viên, phụ huynh về nguồn gốc học bổng, cách chia các suất học bổng, cách chọn lựa sinh viên nhận học bổng… Vào buổi chiều thứ tư hằng tuần, hiệu trưởng nhà trường sẽ cùng đối thoại, trả lời các thắc mắc của sinh viên, và có rất nhiều chất vấn “hóc búa”. Trong khi đó, ở các trường ĐH công lập, giải trình dường như chỉ là “báo cáo” với các cấp quản lý.
Không chỉ vậy, những khái niệm về trách nhiệm giải trình của trường ĐH ở Việt Nam hầu như còn chưa được hiểu đúng. GS.TS Trần Đức Viên, chủ tịch Hội đồng trường Học viện Nông nghiệp Việt Nam giải thích, trách nhiệm giải trình “được hiểu nôm na là trách nhiệm giải thích việc thực thi nhiệm vụ, công vụ, hành động, hoạt động, sản phẩm, quyết định và chính sách bao gồm cả việc quản lý, quản trị của một tổ chức, hay một cá nhân khi được (ai đó) yêu cầu. Nội hàm của trách nhiệm giải trình bao gồm nghĩa vụ báo cáo, giải thích, chịu trách nhiệm về hậu quả, và phải chịu hình phạt trong trường hợp có hành vi sai trái về những gì tổ chức, cá nhân đó đã cam kết, hoặc theo một qui định hay khế ước nào đó của luật pháp, của xã hội”.
Ông cũng cho rằng, khi trường ĐH được trao quyền tự chủ nghĩa là họ trở thành đối tượng được (nhà nước) trao quyền và trao gửi sứ mệnh (agent) trên thực tế. Quyền lực và nghĩa vụ đó là do Nhà nước giao phó. Nhà nước đóng vai trò “principal – tiếp nhận giải trình” và do đó, nhà trường phải giải trình trước nhà nước. Nhà nước không thể giám sát được tất cả, nên để giám sát hoạt động của các trường tự chủ, nhà nước thường đặt ra các qui tắc để công chúng (xã hội) cùng giám sát. Khi đó, công chúng (cụ thể và trực tiếp hơn là sinh viên và gia đình, doanh nghiệp) đóng vai trò người thụ hưởng (beneficiaries), đồng thời cũng là người giám sát. Thế nhưng bản thân Nhà nước cũng không tránh khỏi trách nhiệm giải trình (giải trình 2 chiều), bởi vì trong một mối quan hệ tương quan khác, quyền lực của Nhà nước là do nhân dân giao phó và do đó, Nhà nước sẽ phải chịu trách nhiệm và phải giải trình với nhân dân, trong đó có các cơ sở đào tạo, người học, các bậc phụ huynh. Trong GD&ĐT, khái niệm tự chủ đại học và trách nhiệm giải trình luôn đi liền nhau.
Trong khi đó, hiện nay, trong hoạt động, các trường ĐH phải “thông qua” quá nhiều các bên. Chẳng hạn, các hoạt động mở ngành đào tạo phải xin phép Bộ GD&ĐT, liên quan đến tăng giảm học phí phải thông qua Bộ Tài chính, cho đến xây dựng tòa nhà, đấu thầu, mua sắm… phải thông qua một số cơ quan khác nhau với quá nhiều văn bản thủ tục hành chính hướng dẫn. Hoặc chỉ đơn giản là “nâng lương cho các giáo sư thì cũng cần Bộ Nội vụ duyệt, mặc dù Bộ Nội vụ chẳng biết ông ấy là ai, chẳng bao giờ tra về ông giáo sư ấy trên Google Scholar. Họ chỉ ngồi trên họ phê thôi, rất hình thức nhưng vẫn làm”, ông lấy ví dụ.
Các nhà khoa học tại toạ đàm đều cho rằng, trách nhiệm giải trình phải là một yếu tố song song, một “chân kiềng” không thể thiếu và sẽ tạo sức mạnh, đảm bảo cho quá trình tự chủ của các trường ĐH. Thậm chí “khả năng tự chủ tới đâu sẽ quyết định khả năng giải trình tới đó”, theo phát biểu của TS. Đỗ Thị Ngọc Quyên, chuyên gia thẩm định giáo dục độc lập tại tọa đàm. Tuy nhiên, trong các văn bản quy định hiện hành về giáo dục ĐH, nội hàm của khái niệm trách nhiệm giải trình chưa thực sự được làm rõ.
Minh bạch thông tin gắn với lượng hóa các chỉ tiêu
Điểm mấu chốt để trường ĐH tự chủ và các bên liên quan thực hiện trách nhiệm giải trình chính là công khai minh bạch hóa thông tin. Tuy nhiên, dù đã có quy định về minh bạch thông tin, theo quy chế “ba công khai” (thông tư số 09/2009/TT-BGDĐT), nhưng các trường lại “công khai thông tin theo cách thức rất khác nhau và không dễ dàng truy cập vào cơ sở dữ liệu công khai của các trường để kiểm chứng báo cáo”, ông Phạm Hiệp, nhà nghiên cứu giáo dục độc lập, nghiên cứu sinh ngành giáo dục tại ĐH Văn hóa Trung Hoa, Đài Loan nói. Do đó, các nhà khoa học đề xuất, quy định về minh bạch thông tin của các đại học phải được thể hiện qua các chỉ tiêu có thể đo lường được như các chỉ số đầu ra cơ bản KPIs thường được chia thành bốn nhóm:
(i) Thành tựu KH&CN, như số sản phẩm KH&CN, tiến bộ kĩ thuật, công nghệ mới được áp dụng, số bài báo thuộc hệ thống ISI/ Scopus, số lượng giải thưởng quốc gia, quốc tế về KH&CN, số lượt giảng viên tham gia các hội thảo khoa học quốc gia và quốc tế, tỷ lệ kinh phí hoạt động KH&CN/tổng kinh phí, số phát minh sáng chế, số hợp đồng hợp tác với doanh nghiệp, với địa phương, v.v… ;
(ii) Chất lượng đào tạo như tỷ lệ giảng viên/người học, tỷ lệ giảng viên có học vị tiến sĩ, tỷ lệ giảng viên có chức danh GS/PGS, số chương trình đào tạo được kiểm định, kinh phí đầu tư/đầu sinh viên, mức độ hài lòng của nhà tuyển dụng, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 6 tháng, sau 12 tháng tốt nghiệp, lương khởi điểm của sinh viên, v.v… ;
(iii) Mức độ quốc tế hóa, như tỷ lệ chuyên gia người nước ngoài làm việc tại ĐH công lập, tỷ lệ giảng viên được mời giảng dạy ở nước ngoài, số bài báo công bố chung với người nước ngoài, số giảng viên, nghiên cứu sinh được đào tạo, tập huấn ở nước ngoài, số sinh viên quốc tế, số hội thảo quốc tế, số chương trình đào tạo giảng dạy bằng tiếng Anh, số lượng hiệp hội hay mạng lưới quốc tế ĐH công lập là thành viên, v.v…;
(iv) Cơ sở vật chất, như kinh phí đầu tư thiết bị nghiên cứu và giảng dạy, số phòng nghiên cứu, phòng thí nghiệm, số phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn ISO, kinh phí đầu tư cho trung tâm học liệu, v.v…
Ngoài ra, nhà khoa học tại tọa đàm đều nhấn mạnh, công việc thu thập thông tin thống kê, đánh giá giám sát các chỉ số đầu ra không nên chỉ là phần việc của quản lý nhà nước của Bộ GD&ĐT (hiện nay Bộ GD&ĐT vẫn có cơ sở dữ liệu thống kê thường niên về giáo dục ĐH), mà nên có các cơ quan, tổ chức thực hiện độc lập. Điều đó sẽ một phần giúp Bộ GD&ĐT giảm “gánh tải” khối lượng công việc, mặt khác đảm bảo tính công khai, minh bạch và khách quan của thông tin, theo thông lệ ở nhiều nước phát triển.
Minh bạch vai trò của các thiết chế
Trách nhiệm giải trình được đặt ra nhằm làm rõ vai trò của trường ĐH và các bên liên quan trong quản trị ĐH – vốn gồm hai cấp: Quản lý cấp nhà nước và quản trị trong nội bộ các trường ĐH. Tuy nhiên, không chỉ có quản lý cấp nhà nước đang gặp vướng mắc khó giải trình do cơ chế xin – cho, mà ngay trong quản trị nội bộ của các trường ĐH, sự phân vai giữa các thiết chế vốn không rõ ràng, chồng chéo dẫn tới khó giải trình, theo TS. Đỗ Thị Ngọc Quyên. Cụ thể, trong mô hình quản trị ĐH ở nhiều nước phát triển, bên dưới hội đồng trường sẽ có ban giám hiệu và các tổ chức đoàn thể khác. “Còn ở Việt Nam, nếu đem sơ đồ quản trị đó ra đối sánh thì vị trí của Đảng ủy ở đâu? ở trên hay song song với Hội đồng trường? rất nhiều chức năng của hội đồng trường thì chi bộ đã làm”, TS. Đỗ Thị Ngọc Quyên nói.
Trên thực tế, chỉ ở một số ít trường ĐH công lập, hội đồng trường có hoạt động mạnh và rõ ràng, thì đều xuất phát từ các yếu tố thuận lợi nhất định thuộc về tầm nhìn, nhận thức của lãnh đạo nhà trường, thậm chí là Bộ chủ quản chứ không xuất phát từ những cơ chế quy định rõ ràng về vai trò, mối quan hệ của hội đồng trường và các thiết chế khác trong quản trị ĐH. Chẳng hạn ở Học viện Nông nghiệp Việt Nam, hội đồng trường bầu hiệu trưởng, hiệu trưởng tự chọn hiệu phó và các đơn vị giúp việc rồi đề nghị hội đồng trường phê duyệt, còn cơ quan chủ quản là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ phê chuẩn hai chức danh các thành viên hội đồng trường và hiệu trưởng. GS.TS Trần Đức Viên đánh giá, một tầm nhìn tôn trọng quyền tự quyết của các cơ quan học thuật của Bộ chủ quản như vậy cũng là một “may mắn” của Học viện Nông nghiệp tại thời điểm trường này bắt đầu tự chủ, và điều đó có tính quyết định tới thành bại của quá trình tự chủ hóa.
Hoạt động của hội đồng trường được đánh giá là không hiệu quả bởi vì hội đồng trường đã được quy định về quyền nhưng không gắn với trách nhiệm và lợi ích, theo PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội. “Trường ĐH Bách khoa Hà Nội mời các đại diện doanh nghiệp KH&CN tham gia vào hội đồng trường thì họ tham gia bằng tình cảm, họ vào cho vui, nhưng bảo họ ký cái gì mà phải chịu trách nhiệm thì họ rất ngại. Để họ có trách nhiệm thì phải gắn liền họ với lợi ích (không phải là lợi ích trực tiếp của từng cá nhân, mà là lợi ích đại diện cho một nhóm, ví dụ như nhóm đại diện doanh nghiệp)”, ông nói. Do đó, ông đề xuất sửa quy định về hội đồng trường, làm rõ hội đồng trường là đại diện cho các bên có lợi ích liên quan, có cơ chế rõ ràng để hội đồng trường hoạt động.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) giới khoa học nên tiếp tục có những đề xuất nhằm hiến kế, góp ý cho Bộ GD&ĐT trong việc xây dựng quy định “khung” của quá trình tự chủ ĐH nói riêng và đổi mới giáo dục ĐH nói chung. Trong đó, điều cốt lõi nhất là khung tự chủ phải vừa thông thoáng cho các trường chủ động, sáng tạo trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, phản ứng linh hoạt trước yêu cầu của thị trường; vừa có tiêu chí đánh giá chất lượng đầu ra cụ thể để có thể quản lý chất lượng trong điều kiện tự chủ đại học; vừa tiệm cận với chuẩn quốc tế, vừa khả thi trong điều kiện Việt Nam.
“Góp sức cho đổi mới giáo dục là trách nhiệm của tất cả mọi người. Chúng tôi sẽ tiếp tục thảo luận về vấn đề này nhằm đưa ra được những khuyến nghị cho ngành giáo dục, miễn là những chia sẻ của chúng tôi được lắng nghe một cách cầu thị”, GS.TS Trần Đức Viên nói.
———————-
* Với Luật giáo dục 2005, Luật giáo dục ĐH 2012, sau đó Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 77/NQ-CP đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục ĐH công lập giai đoạn 2014-2017.