Tự chủ về trí tuệ, sự thật lịch sử và tự do giảng dạy (Phỏng vấn 3)
Cô giáo Pháp văn Claire Montanari ở trường THCS Molière, Vùng Paris, Pháp, cho biết, nói chung, các chương trình tiếng Pháp rất tốt, và các giáo viên lại được “tự do sư phạm”, khiến cho họ hoàn toàn đam mê với nghề dạy học.   
Nguyễn Thị Từ Huy: Chị đã thành công trong kỳ thi quốc gia để lấy bằng Agrégation về Văn học hiện đại. Việc lấy chứng chỉ này có ích gì cho chị trong việc dạy Trung học cơ sở?
Claire Montanari: Thi lấy bằng Agrégation là việc khó và đòi hỏi phải bỏ công chuẩn bị nhiều lắm. Song tôi vẫn có kỷ niệm rất tốt đẹp về thời kỳ đó. Các chương trình đa dạng cho phép tiếp cận các tác phẩm của mọi thời kỳ, từ Trung đại tới thế kỷ thứ XX. Dẫu sao, việc chuẩn bị hết sức chu đáo tiếng Pháp cổ và tiếng Latin thì đến bây giờ vẫn còn có ích cho tôi. Nó cho phép tôi trả lời những câu hỏi học sinh nêu ra về chính tả một số từ nào đó. Có một khoảng lùi khi xem xét sự tiến hóa của ngôn ngữ cho phép ta giải thích các hiện tượng và làm cho ta dễ nhớ chúng hơn. Khi được đem dùng để viết lại một câu chuyện thì các trường hợp ngoại lệ bỗng trở nên rất có ý nghĩa. Tôi thấy học sinh thường tỏ ra hứng thú tìm hiểu lịch sử ngôn từ. Công việc của ta khi giảng dạy không phải là phác họa lại lịch sử ngôn ngữ qua từng thế kỷ, sự tiến hóa của các âm vị, mà phải là tái tạo lại một lô gich đồng thời chỉ ra rằng ngôn ngữ thật sống động, ngôn ngữ không ngừng tiến hóa.
Chị đã xây dựng cả một loạt bài giảng về các tác phẩm chiến tranh. Để làm công việc đó, chị đã sử dụng những văn bản rất đa dạng. Chị có được hoàn toàn tự do lựa chọn các văn bản đó không?
Nói chung, các chương trình tiếng Pháp là rất tốt, và các giáo viên lại được hưởng cái gọi bằng “tự do sư phạm”, khiến cho ta hoàn toàn đam mê với nghề dạy học.
Dĩ nhiên là các chương trình đó ấn định ra một bộ khung để tất cả học sinh thuộc một lứa tuổi đều có thể đề cập tới những chủ đề lớn như nhau và các khái niệm ngữ pháp cơ bản. Nói chung ở trường trung học cơ sở, các tác phẩm được học theo trình tự thời gian, làm theo cách như vậy ngay cả khi có những chủ đề nhất định được học theo chiều cắt ngang. Các em lớp 6 (mười một tuổi) học các tác phẩm lớn thời Cổ đại (Homère, Virgile). Lên lớp 5 [tương đương với lớp 7 của chương trình ở Việt Nam], các em học thời Trung đại và thời Phục hưng. Các em lớp 4 [tương đương với lớp 8 của chương trình Việt Nam] học tác phẩm thế kỷ thứ XIX – thật đáng tiếc là các tác phẩm thế kỷ thứ XVIII hơi bị coi nhẹ trong các chương trình mới soạn những năm gần đây, còn các em năm lớp 3 [tức là lớp 9 ở chương trình Việt Nam] thì học tác phẩm thế kỷ thứ XX và XXI.
Các quy định chính thức xác định chi tiết các đường nét lớn đó và gợi ý cho giáo viên tạo ra các giáo trình riêng dựa trên một danh mục các tác phẩm nhất định. Các giáo viên được tự do lựa chọn trong các danh mục nói chung là rất đầy đủ đó. Mặc dù có các lời gợi ý song chúng không hạn chế công việc của giáo viên. Chẳng hạn như, ở lớp 9, học sinh phải học “Tiểu thuyết và truyện vừa thế kỷ XX và XXI đề cập tới lịch sử và thế giới đương đại” và chương trình đề ra là “việc lựa chọn được nhường cho cách đánh giá của giáo viên” và không đưa ra một thí dụ nào hết. Theo ý tôi, cái quyền tự do to lớn này rất là căn bản đối với việc giảng dạy văn chương. Học sinh nhận thấy ngay giáo viên có hứng thú hay không trước một văn bản tác phẩm nào đó. Chỉ có thể tạo ra hứng thú đọc cho học sinh nếu như các em chia sẻ hứng thú đó. Ngoài ra, việc cho phép giáo viên tự tạo ra loạt văn bản tác phẩm sẽ kích thích hứng thú của người dạy học rất nhiều: công việc đó đem lại ý nghĩa cho việc làm của nhà giáo. Lời một thanh tra học đường tại một cuộc họp đã khiến tôi rất có ấn tượng. Ông bảo chúng tôi thế này: “các bạn hãy nhớ kỹ rằng khi các bạn tự tạo ra giáo trình của mình, thì các bạn cũng là những nghệ sĩ”. Công thức này khiến tôi rất thích thú và tôi thường nghĩ đến nó ngay cả khi tôi không dám tin chắc mình đáng mang danh hiệu nghệ sĩ! Dẫu sao, tôi thích tự chọn các văn bản và không tự hạn định mình ở các văn bản do sách giáo khoa đề xuất. Thiếu cái quyền tự do sư phạm đó, nghề dạy học nhanh chóng biến thành công việc của người nhai lại bài giảng.
Được chọn các văn bản tác phẩm dùng trong việc dạy học cũng giúp cho ta am tường công việc sáng tạo kịch nghệ. Khi học về thể loại kịch, các chương trình nhấn mạnh thật đúng về “mối quan hệ giữa văn bản và nghệ thuật trình diễn”. Vậy là các giáo viên có thể chọn lựa các tác phẩm kịch nghệ để nghiên cứu liên quan đến những vở đang diễn. Ở lớp 9 chẳng hạn, học sinh phải học thể loại bi kịch (chương trình đề ra mục “Từ bi kịch cổ điển tới bi kịch đương đại”). Khi được biết đoàn kịch Tempête tại khu nhà hát Cartoucherie đang dựng vở Médée của Corneille, tôi quyết định cho học vở này và dẫn tất cả học sinh lớp 9 đi coi.
Vậy nếu học sinh các lớp khác nhau không cùng học những văn bản tác phẩm như nhau, chị làm cách gì để đánh giá các em?
Đánh giá duy nhất và chung cho tất cả các học sinh cùng một lớp ở Trung học cơ sở nói chung là các môn kiểm tra theo lối bắt thăm (épreuves du brevet blanc) và cuộc thi lấy bằng tốt nghiệp cuối bậc Trung học cơ sở. Trước khi tham gia các cuộc sát hạch đó, học sinh được đánh giá trong nội bộ lớp học, dĩ nhiên là căn cứ theo các tiêu chuẩn của chương trình học. Mỗi lớp học, do có giáo viên khác nhau, sẽ học những văn bản tác phẩm khác nhau. Việc này thực sự không có vấn đề gì phải lo cả. Chẳng hạn, với học sinh lớp 3, các em phải học chủ đề Thơ ca dấn thân. Có những giáo viên cho các em học thơ của Louis Aragon, giáo viên khác cho học thơ của Paul Eluard, có những giáo viên khác lại chọn Jacques Prévert. Tất cả học sinh lớp 3 đều không cùng đọc những tác giả và những tác phẩm như nhau. Nhưng các em sẽ biết cách xác định thế nào là thơ ca dấn thân và biết được những phương pháp phân tích.
Hiển nhiên là có những tác giả không thể bỏ qua được mà học sinh nào cũng phải học ở bậc trung học cơ sở: kịch của Molière chẳng hạn có thể được học ở các bậc, từ lớp 6 cho tới lớp 9. Một nền văn hóa chung được hình thành như vậy đó. Ngoài ra, cũng cần thiết đa dạng hóa các văn bản tác phẩm đến mức cao nhất có thể sao cho học sinh có được một tầm nhìn rộng rãi khoát đạt đối với việc xác định “văn chương là gì”.
Nếu tôi không nhầm, các văn bản tác phẩm chị cho học sinh học ở lớp đều không cho các em học trước, không có sự chuẩn bị trước ở nhà. Chị đã đặt ra cho các em trả lời rất nhiều câu hỏi ngay tại lớp. Phương pháp này của chị nhằm mục đích gì?
Tôi luôn luôn không dùng chỉ một cung cách phân tích văn bản tác phẩm. Cũng có khi tôi cho các em câu hỏi chuẩn bị ở nhà. Nhưng nói chung tôi thích cho các em phát hiện và phân tích các văn bản tác phẩm ngay ở lớp học, nhất là với học sinh lớp 9. Bao giờ cũng vậy, cần khai thác yếu tố bất ngờ và những phản ứng tức thời của học sinh. Những câu hỏi miệng tôi đặt cho học sinh cho phép tôi nhảy cóc sang những nhận xét ngẫu nhiên và tiến xa hơn việc chỉ đơn giản sơ kết tóm tắt những gì đã được ghi chép và viết ra.
Tôi cũng tìm cách cho học sinh có những phản xạ sẽ có ích cho các em khi lên học năm lớp 10, ở lớp này các em phải tự xây dựng những bình luận văn bản tác phẩm. Khi đó các em không cần dựa vào những bộ câu hỏi dắt dẫn nữa, mà phải tự mình tìm ra những đặc điểm của các trích đoạn được đưa cho các em học. Trong khi giảng dạy ở lớp 9, tôi thường bắt đầu với việc đọc văn bản tác phẩm và cố bằng giọng đọc mà làm bộc lộ giá trị độc đáo của văn bản tác phẩm đó – giễu nhại, hí hước, hào hùng … Rồi tôi hỏi học sinh chỗ nào trong văn bản khiến các em rung động, chỗ nào làm cho các em ngạc nhiên. Theo ý tôi, đó là câu hỏi cơ bản, câu hỏi các em phải thường xuyên đặt ra khi học ở bậc trung học cơ sở: cái gì đã làm cho văn bản tác phẩm này mang tính cách một văn bản độc nhất? Xuất phát từ câu hỏi giản đơn ấy, các nhận xét rất đa dạng của học sinh cho phép khoanh vùng chính xác hơn văn phong và ý đồ của tác giả.
Khi tôi mới đi dạy, tôi có xu hướng diễn giảng nhiều: tôi phân tích rất kỹ văn bản tác phẩm cho học sinh … và nhiều khi tôi nghe thấy có tiếng nhận xét: ”nhưng thưa cô, cô tin rằng tác giả thực sự nghĩ tới mọi thứ đó hay sao?” Khi đó, những lời phân tích đều nằm bên ngoài các em và suy cho cùng thì các em không tin vào những điều phân tích ấy. Nhưng khi tự các em tìm ra mọi thứ, các em sẽ chẳng hỏi tôi câu hỏi như thế nữa.
Trong giờ dạy mà tôi được tham dự chị đề cập tới vấn đề chiến tranh Algérie. Chị đã viết từ đó lên bảng và nhấn mạnh vào tính chất nhạy cảm của vấn đề. Tại sao chị lại đi vào cái điều không nói ra của cuộc chiến Algérie trong bài giảng của mình? Phải chăng chị muốn học sinh của mình nhìn thẳng vào sự thật và thay đổi lối suy nghĩ?
Buổi giảng đó là một buổi nằm trong cả loạt mang chủ đề văn chương viết về chiến tranh. Làm sao người ta có thể nói được về chiến tranh? Làm sao có thể kể lại cái điều không thể mô tả được? Có cách gì truyền đạt được một chứng nhân? Trong loạt bài giảng này, tôi đã đề cập tới những tác giả khác nhau. Có những tác phẩm nói tới cuộc chiến 1914-1918 và nhấn mạnh vào những điều kiện sống của người lính so với người thường dân là những người không thể nào hiểu nổi sự khủng khiếp của chiến tranh: Khói lửa (Le Feu) của Henri Barbusse, Chuyến viễn du tới tận cùng đêm đen (Voyage au bout de la nuit) của Céline. Có những tác phẩm khác nói đến Thế chiến hai: chúng tôi đã phân tích một văn bản của Romain Gary vinh danh các phi công kháng chiến tác giả đã có dịp gần gụi, cuốn Lời hứa hẹn của Bình Minh (La Promesse de l’aube).
Theo hướng đó, tôi cũng cho học trích đoạn một tiểu thuyết rất có tính đương đại, Về con người (Des Hommes), của Laurent Mauvignier. Mới đầu tôi chỉ muốn giúp các học sinh suy nghĩ về quan hệ của các em với những chứng nhân.
Thế chiến thứ hai cũng đã lùi khá xa trong tâm trí các em hơn là chúng ta vẫn nghĩ. Ông bà tôi nói với tôi về chiến tranh, về cuộc vỡ trận, về thời kỳ chiếm đóng, và nói về cha mẹ của các cụ đã sống thời chiến tranh 1914-1918; ông bà của học trò tôi không ra đời năm 1940. Nếu cần học hai cuộc Thế chiến, tôi nghĩ là nên tiếp cận những sự kiện gần gụi hơn với các em. Có những em cũng đã liên kết truyện ngắn của Laurent Mauvignier và chuyện của chính gia đình các em. Một số em có ông là lính Pháp và đã tác chiến ở Algérie. Một em trong số đó có ông là người Pháp gốc Algérie. Có những em thuộc gia đình gốc gác ở Algérie. Nhưng phần lớn các em đều không xác định được thời gian của cuộc chiến Algérie và bối cảnh cực kỳ mơ hồ với các em. Thế nên việc học văn bản tác phẩm này quả thực là không phải vô ích. Trước hết, phải chỉ ra rằng mọi sự thực lịch sử đều cực kỳ phức tạp do vậy tôi luôn “mời gọi học sinh tự nêu câu hỏi về những vấn đề của nhân loại và những câu hỏi lớn của thế giới chúng ta và thời đại chúng ta”. Vấn đề là cần “tra vấn” về Lịch sử, và không bao giờ nên đưa cho học sinh một quan điểm mang tính ý thức hệ.
Phạm Toàn dịch từ tiếng Pháp
Đọc thêm:
Phỏng vấn 1: http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=113&CategoryID=6&News=6235
Phỏng vấn 2: http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=113&News=6242&CategoryID=6