Từ một phiên tòa phát xít

"Mệnh lệnh nhất quyết" hay quy luật đạo đức nổi tiếng của Kant như là nguyên tắc hướng dẫn suy nghĩ và hành động đã đi vào cuộc sống đầy huyết lệ như ngôi sao Bắc đẩu dẫn đường!

“Điều tôi đã làm là lay động các giới sinh viên không phải bằng tổ chức nào cả mà chỉ bằng sức mạnh đơn thuần của lời nói, không phải để kích động bạo lực mà để nhận rõ tác hại nghiêm trọng của những gì đã gây ra cho đời sống chính trị của đất nước. Việc quay trở lại với những nguyên tắc đạo đức sáng tỏ, với nhà nước pháp quyền, với lòng tin tưởng lẫn nhau trong nhân dân không phải là cái gì bất hợp pháp, trái lại, là khôi phục pháp luật. Áp dụng mệnh lệnh nhất quyết của Kant, tôi tự hỏi điều gì sẽ diễn ra nếu châm ngôn hành động chủ quan ấy của tôi trở thành một quy luật phổ quát. Vậy, chỉ có một câu trả lời cho câu hỏi ấy thôi: trật tự, an ninh và lòng tin ắt sẽ trở về cho nhà nước và đời sống chính trị của chúng ta”.

Đó là lời nói sau cùng của giáo sư Kurt Huber (1893-1943) trước tòa án phát xít Đức ngày 19.4.1943. Ông bị kết án tử hình và bị hành quyết ngày 13.7 cùng năm. Ngày nay, quảng trường trước đại học Ludwig Maximilians cổ kính ở München (Đức) được mang tên “Quảng trường Giáo sư Huber” để tưởng nhớ ông.

Đáng chú ý trong lời nói sau cùng này là ông nhắc đến “mệnh lệnh nhất quyết” hay quy luật đạo đức nổi tiếng của Kant như là nguyên tắc hướng dẫn suy nghĩ và hành động. Một luận điểm triết học tưởng như cao xa, trừu tương đã đi vào cuộc sống đầy huyết lệ như ngôi sao Bắc đẩu dẫn đường! Đây chính là phiên bản thứ hai của “mệnh lệnh nhất quyết” như là nguyên tắc nền tảng cho quan hệ đạo đức giữa những cá nhân với nhau và với đồng loại của mình: “Hãy hành động sao cho lúc nào cũng xem người khác là mục đích tự thân chứ không đơn thuần là phương tiện”. Mệnh lệnh nhất quyết và việc thừa nhận phẩm giá của con người trong mọi lĩnh vực đời sống là hai mặt của một đồng tiền. Mang lại giá trị và hiệu lực thực tế cho quy luật đạo đức nền tảng ấy cùng với phẩm giá của con người cá nhân là đụng chạm đến những vấn đề thiết cốt nhất trong quan hệ giữa người với người cũng như giữa những quốc gia với nhau từ giác độ những yêu sách chính đáng khác nhau của đồng loại. Trong tinh thần ấy, triết thuyết của Kant, nhất là triết thuyết giáo dục, đặt cơ sở cho việc giải quyết vấn đề nóng bỏng hiện nay về hòa bình và sống chung hòa bình giữa các quốc gia và các nền văn hóa. Theo cách nói của Kant, “bậc vương giả” hay “những dân tộc vương giả” – tức những dân tộc biết tự cai trị mình theo các quy tắc của sự bình đẳng – cần lắng nghe các nhà triết học. Khi phác họa các “điều khoản” cho một “nền hòa bình vĩnh cửu”, Kant nửa đùa nửa thật đề nghị ghi thêm một “điều khoản bí mật”, đó là: “Các quốc gia có vũ trang cần phải tham vấn châm ngôn của các nhà triết học về các điều kiện để bảo đảm hòa bình”. Tại sao phải “bí mật”? Vì, một mặt, do bản chất tự do của công việc suy tưởng, biết rằng “việc nắm giữ quyền lực khó mà không làm hư hỏng phán đoán tự do của lý tính”, nên, khác với các phe nhóm hay tầng lớp có quyền lực khác trong xã hội, các triết gia “chứng minh một cách hoàn toàn không khả nghi rằng họ chỉ quan tâm đến chân lý mà thôi”! Mặt khác, nếu không thể “mua chuộc” được, thì cũng thật bất tiện khi yêu cầu kẻ cầm quyền kiêu căng phải công khai “hạ cố” tham vấn các triết gia! Cho nên, điều kiện duy nhất để thực hiện “điều khoản bí mật” ấy chỉ là: hãy khôn ngoan để cho các triết gia được ăn nói tự do và công khai.

… ĐẾN “TUYÊN NGÔN PHỔ QUÁT VỀ SỰ KHOAN DUNG” CỦA UNESCO (1995)

Nếu Kant được xem là “người cha tinh thần” của Hội Quốc Liên và Liên Hiệp Quốc ngày nay, thì, may thay, “điều khoản bí mật” nói trên (trong danh tác gần cuối đời: “Hướng đến nền hòa bình vĩnh cửu”, 1797) đã được lắng nghe và “công khai hóa” trong Tuyên ngôn về những Nguyên tắc của sự Khoan dung (The Declaration of Principles on Tolerance) được mọi thành viên của UNECO thông qua tại Paris năm 1995. Một năm sau, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc yêu cầu mọi quốc gia thành viên áp dụng Tuyên Ngôn này trong phạm vi từng quốc gia. Nội dung chính yếu của Tuyên Ngôn thật ra không gì khác hơn là… triết học Kant được chính thức hóa bằng văn bản của cơ quan quốc tế có thẩm quyền! Vì tầm quan trọng của nó, xin trích đoạn như sau:

1. “Khoan dung là tôn trọng, chấp nhận và tán thưởng sự đa dạng phong phú của những nền văn hóa trong thế giới chúng ta, cũng như những hình thức diễn đạt và những phương cách làm người khác nhau. Nó được hình thành từ tri thức, sự cởi mở, truyền thông và tự do tư tưởng, tự do lương tâm và đức tin. Khoan dung là hài hòa trong sự khác biệt. Nó không chỉ là nghĩa vụ đạo đức mà còn là đòi hỏi chính trị và pháp lý. Khoan dung là đức tính mang lại hòa bình, góp phần thay thế văn hóa chiến tranh bằng văn hóa hòa bình”.

2. “Khoan dung không phải là nhân nhượng, hạ mình hay quỵ lụy. Khoan dung, trên hết, là thái độ tích cực nhờ nhìn nhận những nhân quyền phổ quát và những quyền tự do cơ bản của người khác. Nó tuyệt nhiên không được sử dụng để biện minh cho việc vi phạm những giá trị nền tảng này. Sự khoan dung phải được mọi cá nhân, mọi nhóm và mọi quốc gia thực hiện trên thực tế.

3. “Khoan dung là trách nhiệm đề cao nhân quyền, sự đa nguyên (kể cả đa nguyên văn hóa), nền dân chủ và chế độ pháp quyền. Nó bác bỏ chủ nghĩa giáo điều, chủ nghĩa chuyên chế và khẳng định những tiêu chuẩn do những cơ quan nhân quyền quốc tế đề ra.

4. “Nhất quán với việc tôn trọng nhân quyền, việc thực hiện sự khoan dung không có nghĩa là dung thứ sự bất công xã hội, từ bỏ hay làm suy yếu những xác tín của mỗi người. Nó có nghĩa là mỗi người được tự do tuân theo những xác tín của mình và chấp nhận việc những người khác tuân theo sự xác tín của họ. Nó có nghĩa là chấp nhận sự thật rằng con người, tuy khác nhau về bề ngoài, hoàn cảnh, tiếng nói, hành vi và giá trị, đều có quyền được sống trong hòa bình và được là chính họ. Nó cũng có nghĩa là không ai được áp đặt quan điểm của mình lên những người khác”.

Tuyên bố Thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc, tháng 9.2000 cũng viết về sự khoan dung: “Con người phải tôn trọng lẫn nhau trong tất cả mọi sự đa dạng về lòng tin, văn hóa và ngôn ngữ. Không nên sợ hãi và đè nén những khác biệt trong lòng cũng như giữa những xã hội với nhau, trái lại, cần trân quý chúng như là tài sản quý giá của nhân loại. Cần phải tích cực xúc tiến nền văn hóa hòa bình và đối thoại giữa mọi nền văn minh”.

Khó hình dung làm sao những nhận thức cao đẹp ấy có thể thành tựu mà không có phần đóng góp quyết định từ nhân cách và sự nghiệp của Immanuel Kant. Và thật dễ hiểu tại sao những thế lực cường quyền lạc hậu, hắc ám sớm muộn sẽ trở thành kẻ thù chung của nhân loại.

(Nguồn: Người Đô Thị, Bộ mới, số 25, 17.07.2014)

Tác giả

(Visited 7 times, 1 visits today)