Vài kỷ niệm với anh Hoàng Tụy

Anh Hoàng Tụy cùng đi với tôi sang khu học xá Nam Ninh trong chuyến đi cuối cùng vào tháng 11/1951. Đang dạy ở trường Lê Khiết, Quảng Ngãi nghe tin GS Lê Văn Thiêm, nhà toán học nổi tiếng đã về nước mở Trường khoa học cơ bản, anh xin ra Việt Bắc để tiếp tục học toán.

Bắt đầu từ tháng 8 anh mất cả tháng trời để đi qua các vùng tạm chiếm Quảng Nam, Thừa Thiên, Quảng Trị, Quảng Bình mới đến được vùng tự do Hà Tĩnh. Đến Thanh Hóa, cạn lương tiền anh phải ở lại dạy học thêm để có tiền tiếp tục đi lên Việt Bắc. Khi ấy Hòa Bình đã được giải phóng nên đường lên Việt Bắc có phần dễ hơn. Anh đã gặp tôi vào giữa tháng 11, đưa cho tôi giấy giới thiệu của Thứ trưởng Giáo dục Nguyễn Khánh Toàn. Suốt ba tháng trời đi từ khu V ra tới Việt Bắc anh đều mang theo gạo và một cái nồi để tự nấu cơm ăn. Đoàn cuối cùng đi với tôi gồm hơn chục người trong đó có tới ba cấp dưỡng của Tổng liên đoàn cử sang Khu học xá nên anh không phải tự nấu cơm nữa. Khi ngồi nghỉ trong một hang núi đá vôi ở Chợ Mới gần đường đi Bắc Cạn, tôi nói: Bây giờ anh không phải tự thổi cơm nữa, hãy để lại cho tôi cái nồi làm kỷ niệm. Đó là một cái nồi nhôm hình dáng khá đặc biệt không giống bất kì loại nồi nào ở ngoài Bắc, hình bầu dục cao, tôi đã đục lỗ ở đáy để làm chõ thổi xôi. Không hiểu sao trải qua bao năm tháng tôi còn giữ nó làm kỉ niệm! Mãi tháng 5/2007 Bảo tàng Bắc Ninh hỏi tôi: bác có còn kỉ vật gì thời chiến tranh chống Pháp, tôi tặng bảo tàng coi như kỉ vật mà tôi còn giữ được của một thanh niên đã vượt trên nghìn km gian khổ để đi tầm sư học đạo!


GS Hoàng Tụy đã tập hợp được một nhóm nhà giáo có tên tuổi, giàu kinh nghiệm ở trong nước và ngoài nước, làm việc công phu nhiều ngày để xây dựng cả một đề án chấn hưng giáo dục được trình lên Chính phủ. Tôi không được biết số phận của đề án đó ra sao nhưng tin chắc rằng nó không được quan tâm như những dự án kèm theo hàng triệu USD của các quan chức trong ngành!

Khi đến Tâm Hư là địa điểm đầu tiên của khu học xá Nam Ninh, tôi bận lo việc bố trí học tập cho các Trường Sư phạm sơ cấp và Trung cấp nên đã vô tình phân công anh dạy toán cho Sư phạm trung cấp, anh không bằng lòng nhưng vẫn chấp hành. Sau đó nghe tin là anh đã mày mò tự học tiếng Nga rất nhanh, chỉ sau ba tháng đã đọc được sách toàn bằng tiếng Nga. Nhưng tôi cũng chỉ ở khu học xá có một năm rồi về nước. Mãi 14 năm sau, khi chuyển công tác về xây dựng khoa Địa lý- Địa chất trường Đại học Tổng hợp sơ tán ở Đại Từ, Thái Nguyên, tôi mới biết anh và anh Thiêm đang dạy ở Khoa Toán. Ngày ấy phong trào cách mạng văn hóa từ Trung Quốc đã lan tới trường Tổng hợp. Một số phần tử cơ hội chủ nghĩa tả khuynh là học trò của hai anh lên tiếng đã lên tiếng chống cái gọi là thiên tài chủ nghĩa của hai anh và qua đó chống Bộ trưởng Tạ Quang Bửu. Một thời gian sau hai anh phải chuyển sang Viện Khoa học Việt Nam. Tuy không gặp hai anh, tôi hoàn toàn cảm nhận được nỗi buồn của hai anh đồng thời rất tiếc cho trường để mất hai thầy giáo là những nhà toán học hàng đầu của đất nước! Mười năm sau khi chuyển sang làm việc ở Viện Khoa học Việt Nam tôi mới lại gặp hai anh đã xây dựng thành công Viện Toán học Việt Nam. Riêng anh đã xây dựng được một chuyên ngành toán học mới: tối ưu toàn cục.
Là những người đã làm việc nhiều năm trong ngành giáo dục, chúng tôi rất bức xúc trước những tiêu cực hiện nay trong nền giáo dục và đã nhiều lần lên tiếng để phân tích và đã mạnh dạn vạch ra những bất cập của nền giáo dục hiện nay và đề ra những giải pháp. Không chỉ nói, GS Hoàng Tụy đã hành động và đặc biệt GS Hoàng Tụy đã tập hợp được một nhóm nhà giáo có tên tuổi, giàu kinh nghiệm ở trong nước và ngoài nước, làm việc công phu nhiều ngày để xây dựng cả một đề án chấn hưng giáo dục được trình lên Chính phủ. Tôi không được biết số phận của đề án đó ra sao nhưng tin chắc rằng nó không được quan tâm như những dự án kèm theo hàng triệu USD của các quan chức trong ngành! Tấm gương của nhà khoa học-nhà giáo Hoàng Tụy sớm tự xác định được chí hướng, khả năng và của mình rồi vượt mọi gian khổ để thực hiện bằng được ước mơ của mình quả là một bài học quý giá cho lớp trẻ hiện nay.

Chú thích ảnh: GS Hoàng Tụy, GS Nguyễn Văn Chiển, Nhà thơ Lê Đạt, Nhà văn Nguyên Ngọc, GS Phạm Duy Hiển… tại cuộc gặp mặt sáng thứ 7 hàng tuần của Tia Sáng


GS.NGND Nguyễn Văn Chiển

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)