Văn hóa trẻ và giáo dục toàn cầu

Giáo sư Tiến sĩ Sử học Mart Stewart, người mới đây đã đưa một nhóm sinh viên Mỹ đi thực tế tại Việt Nam, dành cho Tia Sáng một buổi chuyện trò nhiệt tình và chân thành về đề tài giáo dục toàn cầu và văn hóa trẻ.

Không còn là một cảnh tượng lạ lùng khi một nhóm người trẻ tuổi tụ tập trong quán cà phê chuyện trò hào hứng về âm nhạc, phim ảnh, internet, thơ ca, về cả giao thông trên đường phố, mua bán ở chợ… Cho dù một nửa trong nhóm là người Mỹ, còn nửa kia là những người Việt Nam cùng trang lứa, chiến tranh tuyệt nhiên không hề được nhắc đến. Nói cho cùng, cuộc chiến đã qua đi non 37 năm, hai nước cũng đã bình thường hóa quan hệ mười lăm năm.

Trong quán cà phê Trung Nguyên buổi chiều Hà Nội tháng mười hai se lạnh, tạp chí Tia Sáng đã tổ chức cuộc gặp gỡ thân mật giữa các sinh viên Việt Nam và 10 sinh viên Mỹ của trường Western Washington đang đi thực tế ở Việt Nam. Cuộc trò chuyện thoải mái này là một phần trong chương trình học hỏi của các sinh viên Mỹ khi họ đi từ Sài Gòn ra Hà Nội về Cần Thơ.

Thưa Giáo sư Stewart, thật vui khi thấy cuộc gặp gỡ của các sinh viên đầy hào hứng, lạc quan, tươi trẻ như vậy. Những bạn ấy đều đang ở ngưỡng cửa trưởng thành và thế giới chỉ mới bước qua ngưỡng cửa của thế kỷ hai mươi mốt. Nhìn đâu chúng ta cũng thấy dấu hiệu của tương lai, tương lai, và tương lai. Những bạn trẻ ấy đã chia sẻ những ý tưởng và thông tin về thế giới họ đang sống. Họ cũng nói về những mối quan tâm trong văn hóa diễn cảm, về những hy vọng của gia đình và cộng đồng, về sự thịnh vượng trong tương lai, và nỗi quan ngại đối với môi trường toàn cầu. Họ còn trao đổi địa chỉ email và cam kết duy trì mối quan hệ mới thiết lập trên những trang Facebook của họ. Thật là một điều hay tất cả những bạn trẻ ấy. Chúng tôi ước gì giáo sư cũng chia sẻ với bạn đọc về công việc của ông, như mục đích chuyến du học do ông và nhà văn Lý Lan tổ chức ở Việt Nam lần này.

Khóa học “Việt Nam và Mỹ” là một phần của chương trình đại học về văn hóa học gồm phần chính khóa trong lớp học truyền thống dài 12 tuần ở tại trường Western Washington, Mỹ, và phần đi thực tế 3 tuần ở Việt Nam. Tất cả sinh viên tham gia khóa học đều phải hoàn tất một đề án nghiên cứu về một khía cạnh đặc biệt nào đó trong mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam mà các sinh viên hứng thú. (Mời xem các bài tự thuật của các sinh viên Gabe Sowa, Taneum Bambrick và Brooke Warren về những đề tài của họ.) Học thầy không tày học bạn, một trong những cách học hay nhất cho sinh viên của lớp này là đối thoại với những người bạn Việt Nam đồng lứa về tương lai và những vấn đề khiến họ quan tâm, giúp đỡ nhau trong thực hiện đề án nghiên cứu mà những đề tài đều nhằm để hiểu biết văn hóa của nhau. Những cuộc giao lưu này không chỉ là “bài tập” của khóa học và không chỉ thể hiện qua những ghi chép tươi rói niềm lạc quan tuổi trẻ về tương lai và những liên hệ Việt – Mỹ. Chúng còn thể hiện một mô hình ngoại giao văn hóa, vì việc trao đổi ý tưởng và giá trị, chia sẻ cái kinh nghiệm vượt qua khác biệt xa lạ để có được hiểu biết lẫn nhau, là những điều định dạng tương lai một cách tích cực. Những sinh viên này không phải là đại biểu chính thức của nước mình, nhưng ít nhiều họ vẫn đại diện cho văn hóa của mình, và những điều họ nói với nhau đáng được lắng nghe như tiếng nói của giới trẻ về tương lai.

Xin giáo sư giải thích thêm về những chương trình du học của sinh viên Mỹ, có phải chỉ nhằm để hiểu biết những nền văn hóa khác?


Giáo sư Tiến sĩ Mart Stewart trò chuyện với sinh viên trong cuộc gặp.

Ra nước ngoài học hỏi quả thực là cách tốt nhất để có những tầm nhìn cần thiết cho những người trẻ có học khi họ tiến đến một thế giới mà họ sẽ là những công dân toàn cầu. Sinh viên các nước khác đến Mỹ học thường vì những ưu điểm của những chương trình đặc biệt trong nền giáo dục Mỹ và vì danh tiếng được thứa nhận và giá trị đầu tư của nền giáo dục Mỹ. Mặt khác sinh viên lại Mỹ nhận thức sự cô lập văn hóa Mỹ trên nhiều mặt, và trong một thế giới đang toàn cầu hóa thì một tầm nhìn có tính toàn cầu về văn hóa và tri thức là cần thiết. Vì vậy họ đi đến các nước khác để học hỏi tối đa về dân tộc và con người mà họ đang tìm hiểu, theo nghĩa đầy đủ nhất của từ du học.

Cho dù động cơ ban đầu và mục đích của họ là gì, thì sống và học ở một nước khác xứ sở mình cũng đem lại cho sinh viên điều này: Chia sẻ được một số hiểu biết văn hóa lẫn nhau với nước chủ nhà, điều này sẽ gia tăng cơ hội cảm thông nhau trong tương lai và đặt nền cho những trao đổi và hợp tác xa hơn.

Trong những chuyện trò của sinh viên Việt – Mỹ ở Hà Nội vừa rồi họ không chỉ trao đổi sở thích văn hóa, mà còn chia sẻ về hy vọng về ngày mai. Có khác biệt gì giữa hai nhóm sinh viên Việt và Mỹ khi họ hướng tới tương lai không?

Cả sinh viên Việt lẫn Mỹ đều có hy vọng về thành tựu nghề nghiệp và sự sung túc để sống thoải mái. Đó là giấc mơ chung của người trẻ. Các sinh viên Việt Nam đã so bì với sinh viên Mỹ về tự do cá nhân và những lựa chọn nghề nghiệp cùng những cơ hội sinh viên Mỹ có được để đeo đuổi sự nghiệp, còn sinh viên Mỹ thì bày tỏ những lo âu về tương lai giờ đây chịu ảnh hưởng sâu sắc của cuộc suy thoái kinh tế tệ hại nhất trong xã hội Mỹ kể từ cuộc Đại khủng hoảng vào thập niên 1930, và họ có thể là thế hệ đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ sẽ không thể trông mong một mức sống sung túc hơn cha mẹ mình. Một số sinh viên Mỹ thừa nhận là sau khi tốt nghiệp đại học họ có lẽ sẽ về sống với gia đình, một điều trước đây hiếm khi xảy ra trong xã hội Mỹ, nhưng nay là một xu hướng ngày càng tăng. Những bạn trẻ Việt Nam nhanh nhẩu bổ sung là ở Việt Nam là chuyện bình thường khi người ta sống chung với gia đình cho đến khi lấy chồng lấy vợ, thậm chí có vợ chồng rồi vẫn ở chung nhà với cha mẹ. Các bạn này chỉ phàn nàn về áp lực thành đạt quá lớn mà gia đình đặt lên họ, và những lễ nghĩa mà họ phải tuân theo khi sống trong gia đình. Sinh viên Mỹ thì ghen tỵ với sự chăm chút của gia đình đối với các bạn Việt và hỗ trợ của mạng lưới quan hệ cá nhân trong xã hội Việt Nam. Trước khi trò chuyện, các bạn trẻ ấy không ngờ trong thực tế giữa họ có nhiều mối quan tâm chung nổi lên trên những khác biệt riêng tư..

Chẳng hạn điều gì thưa Giáo sư?

Vấn đề môi trường là một. Khi nhóm sinh viên Mỹ gặp gỡ những bạn Việt đồng lứa ở Hà Nội hay những nơi khác, hầu như tất cả đầu quan tâm đến những vấn đề ngày càng nghiêm trọng về môi trường mà họ phải đối phó trong tương lai, đặc biệt là biến đổi khí hậu. Nhóm sinh viên của trường Western Washington đã đến thăm viện Giáo dục Thiên nhiên ở Hà Nội và Trung tâm Cứu hộ Động vật Hoang dã ở thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ về nỗi lo mất đi sự đa dạng sinh thái dẫn đến những hậu quả xấu về môi trường. Khi các bạn trẻ Việt và Mỹ đèo nhau trên xe gắn máy chạy trên các đường phố, họ đều ưu phiền về ô nhiễm không khí và tiếng ồn do lượng xe cộ giao thông tăng. Họ cũng biết phần lớn lượng khí carbon thải vào không khí ảnh hưởng đến biến đổi khí hậu chủ yếu do Mỹ, Trung quốc và các nước đã phát triển thải ra, nhưng các nước đang phát triển như Việt Nam gánh chịu hậu quả nặng hơn, như biến đổi khí hậu có khả năng làm tăng mực nước biển và ảnh hưởng đến vựa lúa ở châu thổ sông Cửu Long và sông Hồng của Việt Nam. Khoa học khí hậu vẫn còn là bộ môn gây tranh cãi, bản thân khí hậu là con quái vật hỗn loạn, nhưng với những thông tin xác tín nhất hiện nay thì môi trường và biến đổi khí hậu sẽ là vấn đề quan tâm chung giữa Việt Nam và Mỹ trong tương lai, có thể theo một cách thức mới. Các bạn trẻ Việt Nam và Mỹ đều muốn vấn đề này được giải quyết trước khi quá muộn. Như một bạn đã phát biểu trong cuộc gặp thân mật ở Không gian sáng tạo Trung Nguyên: “Chúng ta là những người thừa kế vấn đề môi trường, chúng ta sẽ phải trở thành những người lãnh đạo để giải quyết vấn đề này.”

Là một sử gia, Giáo sư nhận thấy các sinh viên có thái độ thế nào đối với những quan hệ lịch sử giữa hai nước?

Trong vòng hai mươi năm qua, khoảng thời gian những sinh viên này ra đời và lớn lên, mối quan hệ Việt – Mỹ phát triển với những thăng trầm thế nào đều có dây mơ cội rễ với cuộc chiến tranh đã qua. Bây giờ đối với phần lớn người Mỹ, “Việt Nam” không chỉ là chiến tranh nữa. Đối với người Mỹ trẻ thì cuộc chiến đó là việc của thế hệ ông nội ông ngoại. Việt Nam đối với các sinh viên của tôi là một đất nước có dân số đông đảo mà đa số còn trẻ. Tuy nhiên, khóa “Việt Nam và Mỹ” này là một khóa học thuộc khoa Lịch Sử của trường đại học Western Washington, các sinh viên tìm hiểu quan hệ giữa hai nước từ sự kiện và quan điểm lịch sử, và có ít nhất hai trong số sinh viên chọn đề tài nghiên cứu liên quan trực tiếp đến chiến tranh. Một đề tài là phụ nữ Việt Nam và chiến tranh, đề tài thứ hai là ký ức về chiến tranh được lưu giữ ở Việt Nam. Các em chủ yếu nghiên cứu bằng tài liệu tiếng Anh ở Mỹ và bổ sung phần khiếm khuyết bằng chuyến đi thực tế ở Việt Nam. Các em đã đến Đình Bến Dược, Nghĩa trang liệt sĩ, địa đạo Củ Chi, viện bảo tàng Chiến Tranh, viện bảo tàng phụ nữ, viện bảo tàng chiến dịch Hồ Chí Minh 1975, hồ Hữu Tiệp (còn xác máy bay B.52), lăng Hồ Chí Minh, những đài tưởng niệm chiến sĩ vô danh… cả những nơi khách du lịch đến đông đúc và những nơi chỉ có ý nghĩa đối với người dân địa phương. Các em cũng gặp gỡ phỏng vấn những cựu chiến binh, những nữ du kích, những nạn nhân chiến tranh.

Đối với các sinh viên Mỹ, họ hiểu rằng “ký ức” lịch sử thay đổi theo sự thay đổi các thế hệ, và mỗi thế hệ nhìn lại quá khứ vừa “kính nhi viễn chi” vừa thiết lập kết nối mới . Sinh viên Việt Nam tỏ ra tôn trọng lịch sử và có những tiếp cận cá nhân, thông qua những người thân thuộc trong gia đình chòm xóm mà biết được những nỗ lực và hy sinh phi thường của ông bà mình. Nhưng họ rất muốn bỏ qua quá khứ hướng tới tương lai xây dựng một Việt Nam mới. Hiển nhiên một lịch sử mới cần được làm ra.
 
Những cuộc gặp gỡ trao đổi văn hóa với người đồng lứa ở nước khác trong những chuyến đi du học như vầy có thể coi là “ngoại giao văn hóa” không?

Tôi nghĩ những cơ hội để kết nối vòng quanh thế giới ngày nay thuận lợi hơn bao giờ hết, và những người trẻ đang cỡi trên lưng những cơ hội này. Điều quan trọng nhất về những cuộc gặp gỡ trao đổi giữa các bạn đó không phải là việc trao đổi địa chỉ email hay những ý kiến cao siêu, mà chính là sự tiếp xúc (giáp mặt) trực tiếp. Một sinh viên của tôi nói: “Hóa ra em không thực sự hiểu “văn hóa” như em đọc trong sách giáo khoa là sao. Em mĩm cười với người ta và người ta mĩm cười đáp lại. Đơn giản vậy thôi.” Tôi thú nhận, như một kẻ già đầu tôi tự hỏi liệu như vậy có hơi ngây thơ, hơi lãng mạn. Nhưng tôi cũng biết là những kiểu tiếp xúc như vầy khi người ta còn trẻ sẽ ngấm vào sự trưởng thành già dặn của họ, tạo một nền tảng cho những quan hệ tương lai thiên về hữu nghị hơn hận thù, thiên về cảm thông và hợp tác hơn đối địch. Đó là mục đích của giáo dục hướng đến toàn cầu.

Trong quán cà phê, các sinh viên đã nói về âm nhạc, phim ảnh, sách truyện mà họ thích, nói chung là giới trẻ nói về những thứ mà một số người gọi là “expressive culture”, (expressive: có tính biểu lộ, diễn cảm, thể hiện, phô trương, phù phiếm).

Giới trẻ bày tỏ với nhau sự yêu thích những tên tuổi được yêu thích và làm cho chúng nổi tiếng. Ngưỡng mộ tán tụng sự nổi danh này có lẽ là tính đặc trưng của giới trẻ, cũng như biết ngay người nào đó “già” khi người đó không màng đến những tên tuổi lấp lánh nữa. Nhưng cái có lẽ mới và đặc biệt về sự hâm mộ danh tiếng này là giới trẻ ngày nay tha hồ lựa chọn trong bữa tiệc phù hoa to lớn chưa từng có trong quá khứ – và họ tự do lựa chọn, ít bận tâm đến những giới hạn chính trị và văn hóa.

Họ nhảy cóc từ nhạc đồng quê Mỹ của Johnny Cash đến nhạc jazz Pháp Việt của Nguyen Le, rồi qua nhạc Trịnh, đến nhóm ca nữ Hàn quốc, sang Lady Gala cuồng loạn, không bỏ qua Chopin, thậm chí cải lương ở đồng bằng sông Cửu Long, cả Beatles hay Glee. Phim ảnh và sách cũng vậy, giới trẻ “nếm” hết thảy những gì nổi đình đám trên khắp thế giới. Những trang web mà giới trẻ “thích” đủ thượng vàng hạ cám của hàm văn hóa rộng lớn.

Các nhà văn hóa học giải thích rằng kiểu chọn lựa trên diện rộng và dựa trên thông tin hướng dẫn này là đặc tính của văn hóa “hậu hiện đại”. Những khả năng tái tập hợp vô tận chỉ có được trong một thời đại rất linh hoạt và phong phú về văn hóa. Những người chỉ trích có thể cho rằng nhảy cóc từ kinh nghiệm văn hóa này đến trải nghiệm khác khiến cho giới trẻ hời hợt, chỉ “thừ” văn hóa liên tục mà không cần chuyên tâm đào sâu để có sự thấu hiểu văn hóa vững chắc.

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)