Về một bộ não khác

Tôi từng khá sốc khi phải chứng kiến một cuộc so găng giữa trí tuệ con người và một cỗ máy siêu quyền lực mang tên Google, mà phần thắng thì không thuộc về con người.


Con người ngày càng bị phụ thuộc vào Google và Internet

Phương 1 – một cô giáo tiểu học thâm niên, là cán bộ nòng cốt của một trường tiểu học có tiếng ở Hà Nội đang nổi giận đùng đùng lên tông cao độ để đánh võ mồm với một cô giáo trẻ khác (cô Thanh, cũng phừng phừng mặt đỏ) về cách viết đúng chính tả từ lô-gích (logic). Sau khi dự giờ cô Thanh, cô Phương nhất quyết cách viết “lô-gích” của cô Thanh là không đúng, phải viết là “lô-gíc” hoặc “lô-ghích”. Còn cô Thanh thì cũng cãi lại quyết liệt: “từ này tiếng Anh là logic, tiếng Pháp là logique (đọc là lô-gích-cờ), phiên ra tiếng Việt thì ghi là logic cũng được, lô-gích cũng được, lô-gíc cũng được”. Cô Phương: “không thể như thế được, chính tả chỉ có một quy tắc thôi. Hồi trước ở trường sư phạm, giáo sư viết là lô-gíc”. Thế rồi để minh họa cho khẳng định của mình, cô rút iPhone hồng của mình ra rồi Google từ “lô-gíc”. Cô chốt: “đấy, trên mạng người ta dùng là lô-gíc chứ, có ai dùng lô-gích đâu?”. Cô Thanh thì không những không hạ nhiệt mà còn căng thẳng hơn, nhưng không thể lí luận thêm gì nữa vì thấy mình rơi vào trạng thái “bó tay”. 

 Trong tình huống, Google đã trở thành vị giáo sư đáng kính hơn tất thảy. Nó không chỉ là công cụ tìm kiếm thông tin trên Internet, mà đã trở thành kẻ phán xét cái gì là đúng cái gì là sai. 

 Ngày nay khi Internet trở thành cái bể chứa tất tần tật tri thức của loài người, thì người ta không còn giữ cái thói quen phải khắc ghi kiến thức nữa, người ta chỉ cần lưu vài từ khóa, phần còn lại để Google lo. Con gái bạn nóng trong người? Hỏi Google cháu đang bệnh gì. Bạn cần tìm nhà mới để đổi gió? Hỏi Google ai bán giá bao nhiêu. Con trai bạn hỏi về lực hấp dẫn? Hỏi Google chỉ cho một hoạt cảnh, v.v. và v.v. Bạn phó mặc cho Google phần lớn những công việc “đầu óc” nặng nề mà xưa nay vẫn phải miễn cưỡng làm, giờ thì mọi thứ nhàn tênh. 

 Nhiều nhà nghiên cứu và triết gia đã mất công tìm hiểu, phát biểu và xuất bản sách về đề tài mới nhưng hóc búa liên quan giữa Internet và sự thay đổi ở não bộ và hành vi của con người. Tác giả Siva Vaidhyanathan gọi tên quá trình xâm lăng có độ phủ lớn chưa từng có trong lịch sử loài người này bằng thuật ngữ “Googlization of Everything” trong cuốn sách cùng tên: Thế giới mạng đang Google-hóa, tri thức đang bị Google-hóa tri thức và trí nhớ của con người cũng đang bị Google-hóa. Nicolas Carr, sau khi dẫn hàng loạt những nghiên cứu của tâm lí học và thần kinh, đã mạnh mẽ cảnh báo Google đang khiến chúng ta “ngu dần đều”, ít nhất là chiểu theo các tiêu chuẩn truyền thống: Trong đầu con người sẽ hầu như chỉ còn lại các mảnh vụn thông tin, các từ khóa thay vì những “kiến thức sâu sắc”. Có lẽ chỉ cần tĩnh tâm nhìn quanh quan sát là chúng ta đã có thể thấy Google đang khiến ngày càng nhiều người giống cô Phương ở đầu bài này –tin vào những “chân lí giả tạo” do Google dựng lên một cách vô tình; chúng ta có thể sẵn sàng phó mặc cho Google Maps dẫn đường qua những con đường cũ kĩ lầy lội chỉ vì nó chưa cập nhật con đường mới làm cách đó có vài trăm mét; chúng ta sẽ còn chứng kiến nhiều tin giật gân kiểu như “một thị trấn nhỏ ở châu Âu có tên là Eu đã phải đặt vấn đề đổi sang một tên khác vì khi tìm kiếm trên Google chỉ thấy xuất hiện một EU khác chứ không phải là chính họ”. Tất cả những điều đó đến với chúng ta một cách thật nhẹ nhàng và êm ái: các công cụ mà Google cung cấp đều thật “thiết yếu”, “rất cần cho cuộc sống”, và đặc biệt là chúng hầu như miễn phí. Chúng ta đang thả mình để cho Google nuốt chửng, từng ngày từng ngày một. 

 Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science năm 2011 dưới tiêu đề “Tác động của Google lên não bộ của chúng ta: Hệ quả về nhận thức của việc truy xuất thông tin từ ngón tay” của các nhà khoa học tại Đại học Columbia, Wisconsin và Harvard cho thấy, sinh viên đại học ngày nay có xu hướng ghi nhớ ít hơn nếu họ biết là có thể lấy thông tin đó từ máy tính. Theo các tác giả, não bộ của chúng ta có xu hướng thích ứng với công nghệ mới. Chúng ta đang phụ thuộc vào Google và Internet y như phụ thuộc vào kiến thức mà chúng ta có được từ bạn thân hay đồng nghiệp. “Việc mất kết nối với Internet mang lại trải nghiệm không khác gì mất đi một người bạn thân”. Và rằng “cái hiểu biết của chúng ta đang phụ thuộc vào việc Google đang biết những gì”. 

 Không còn nghi ngờ gì nữa, chúng ta đang chứng kiến một viễn cảnh đám mây Internet trở thành bộ nhớ chính yếu của loài người. Ở cấp độ cá nhân, một số người còn thấy nó quan trọng hơn cả chính cái bộ nhớ nằm trong hộp sọ của mình. 

 Người ta nói “there is no free lunch” (“không bữa trưa nào miễn phí cả”); liệu cái giá của sự tiện lợi mà Google mang lại phải chăng chính là tự do của chính chúng ta?

 Nhiều câu hỏi khác cũng được đặt ra từ hiện tượng này đối với công việc giáo dục. Người giáo viên đã thôi không còn vai trò ghi nhớ và cung cấp thông tin nữa, vậy họ sẽ dạy cái gì cho học trò? Liệu chúng ta có còn nên cố công dạy những tri thức vụn vặt cho con trẻ, hay dạy phương pháp học tập để chúng tự tiếp thu và chắt lọc thông tin từ bể chứa Internet? Làm sao để biết cái đúng nhỡ đâu Google cho kết quả sai? Đã đến thời của “kĩ năng đặt câu hỏi” trong nhà trường hay chưa? Sách giáo khoa của chúng ta liệu có đang quá cô lập khi chúng không hề “cắm vào Google”? Ở thời đại số hóa này, Internet và Google nên đứng ở đâu trong hệ thống nhà trường của chúng ta?
 ———–
1 Các tên riêng của nhân vật đã được đổi.

  

Tác giả

(Visited 27 times, 1 visits today)