Về một bộ sách mới lịch sử văn học Việt Nam dùng trong nhà trường

Trong lịch sử của nền giáo dục cận hiện đại Việt Nam, kể từ thời Pháp thuộc, kinh qua các giai đoạn và các thể chế chính trị khác nhau, cùng với môn lịch sử, môn văn luôn nằm trong số những môn học thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn mang tính bắt buộc, không thể thiếu đối với mọi cấp học phổ thông. Nhưng vì sao cho đến nay, tầm quan trọng của môn học này chỉ được “đồng thuận” như một quán tính trong giáo dục? Để trả lời câu hỏi này có nhiều vấn đề cần phải được đặt ra, giải quyết. Bài viết này chỉ bàn về một bộ phận, một góc công việc, đó là những gì liên quan đến việc biên soạn sách vở và việc giảng dạy văn học Việt Nam trong nhà trường.

1. Nhu cầu khách quan của việc biên soạn một bộ Lịch sử văn học Việt Nam mới dùng trong nhà trường.
Nhận xét đầu tiên gây ngạc nhiên và thắc mắc của tôi đối với môn học này trong nền giáo dục cận hiện đại ở Việt Nam. Đó là việc từ khi có các bộ sách giáo khoa môn văn học dưới chính thể Việt Nam dân chủ cộng hòa rồi tiếp theo là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, từ “quốc văn” hầu như đã không còn được sử dụng. Trong khi nhìn ngược lên phía trước, thì ngay dưới thời Pháp thuộc, trong chương trình của nhà trường Pháp – Việt, từ ngữ này lại được sử dụng một cách phổ biến và ổn định. Trong ký ức của tất cả những người lớn tuổi từng học trong các hệ nhà trường thời Pháp thuộc, “Quốc văn giáo khoa thư” gần như đồng nghĩa với nội dung của môn văn học. Càng ở các lớp dưới, môn “quốc văn” lại càng có sự hiện diện quan trọng trong chương trình: với tuổi thơ, văn học trước hết là văn học bằng tiếng mẹ đẻ. Từ những năm 20 của thế kỷ XX cho đến tận ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc, rồi vẫn được tiếp tục trong chương trình sách giáo khoa ở miền Nam cho đến tận năm 1975, các bộ sách giáo khoa bậc phổ thông thường xuyên nếu không gắn với từ “quốc văn” thì lại gắn trực tiếp với quốc hiệu Việt Nam. Những bộ sách mang tiêu đề như vậy của các tác giả như Dương Quảng Hàm, Nghiêm Toản,… là những bộ sách nổi tiếng, được tái bản nhiều lần trong nhiều chục năm, chính là bằng chứng của một quan niệm về trọng tâm của môn văn học. Không hiểu vì một lý do nào đó, mà tất cả các sách giáo khoa văn học bậc phổ thông từ sau năm 1954 ở miền Bắc và từ sau năm 1975 trên phạm vi cả nước, những từ ngữ như “quốc văn” hay “văn học Việt Nam” lại không có mặt nữa trên trang bìa của các cuốn sách giáo khoa, dù rằng trong nội dung, có thể chỉ sử dụng văn liệu từ văn học Việt Nam. Cụm từ “văn học Việt Nam” chỉ có mặt trong  tên các giáo trình ở bậc đại học hoặc trong tên các công trình nghiên cứu chuyên sâu. Dĩ nhiên ai cũng hiểu “văn học Việt Nam” thì không phải là toàn bộ văn học, và nhu cầu phát triển nâng cao tri thức chuyên ngành đòi hỏi sự hiểu biết càng sâu rộng càng tốt. Các nền văn học khác, các vấn đề mang tính lý thuyết phức tạp khác. Nhưng điều đó không có nghĩa là nhất thiết phải xóa bỏ tính đặc thù và tầm quan trọng của tri thức chuyên sâu về nền văn học dân tộc, cần thiết phải từ bỏ việc dành cho nó những quy chế riêng! Cần nhắc lại một sự khẳng định mang tính lý thuyết và mang tính phương pháp luận nhận thức quan trọng ở đây rằng khác với các đối tượng của các khoa học và các nghệ thuật khác, văn học là loại hình nghệ thuật chuyển tải những đặc trưng dân tộc với mức độ đậm đặc nhất, tập trung nhất. Vậy nên hầu như ở quốc gia nào cũng thế, “quốc văn” luôn luôn chiếm một vai trò quan trọng đặc biệt trong chương trình của môn học này ở các cấp học phổ thông.
Đề xuất đầu tiên của tôi liên quan đến nhận xét này: trong việc biên soạn nội dung chương trình và sách giáo khoa cho môn văn, ở các cấp học phổ thông, cần phải tách riêng chương trình văn học Việt Nam và ưu tiên cho việc truyền thụ nó một cách có hệ thống. Có lẽ các tác giả của khung chương trình và tác giả của các bộ sách giáo khoa môn văn học sẽ bác bỏ hay chí ít là tranh luận lại với ý kiến này, cho rằng tôi đã đề xuất một công việc vốn đã được thực hiện từ lâu, như người ta thường nói là “đẩy một cánh cửa đã mở”. Nhưng trên thực tế, tôi có thể khẳng định rằng lịch sử văn học Việt Nam, trong khuôn khổ chương trình của các cấp học phổ thông, chưa bao giờ được trình bày và truyền thụ một cách có hệ thống thực sự. Nói một cách dè dặt nhất, thì đối với 9 thế kỷ văn học truyền thống, thậm chí cho đến cả bộ phận văn học 30 năm đầu thế kỷ XX, tất cả các bộ sách giáo khoa đều chưa làm được gì nhiều hơn là việc “bước đầu giới thiệu”. Tôi chưa thấy trong khung chương trình sách giáo khoa phổ thông ở bất kỳ một quốc gia nào, nếu quốc gia đó có độ dài lịch sử văn học dăm ba trăm năm trở lên, mà lại dành cho văn học hiện – đương đại một thời lượng áp đảo đến như ở ta. Nguyên nhân và hậu quả của sự quan tâm lệch lạc này thì có thể có nhiều, thậm chí rất nhiều, và đây cũng chưa phải lúc chúng tôi đi sâu phân tích lý giải nó, mà chỉ mới đưa ra như một bằng chứng cho lập luận đã nói trên, rằng việc trình bày lịch sử văn học Việt Nam theo cách mà các bộ sách giáo khoa đã thực hiện, sẽ không làm sao đáp ứng được yêu cầu đưa tri thức về văn học Việt Nam một cách có hệ thống và có trình tự tới với người đi học.
Ngay trong khuôn khổ chương trình môn văn học ở bậc phổ thông, đã cần thiết phải có một bộ sách giáo khoa dành riêng cho học sinh về lịch sử văn học Việt Nam. Đề nghị này không những không trái với những gì đã diễn ra trong thực tiễn của lịch sử giáo dục, mà còn cũng cố một định hướng vốn có trong đó. Bộ sách này sẽ phải đóng vai trò là “cột sống” của toàn bộ chương trình môn văn học ở toàn bộ các cấp học phổ thông. Nếu lưu tâm đến thực tế rằng tuyệt đại đa số người đi học chỉ học môn này cũng như học các môn học cơ bản khác (toán, vật lý, hóa học, sinh vật, lịch sử, địa lý,…) trong chương trình phổ thông, thì không thể biên soạn bộ sách này theo tinh thần “sơ bộ giới thiệu”, “bước đầu giúp làm quen”… mà phải theo tinh thần chuẩn bị “hành trang cơ bản để vào đời về mặt văn học” cho mỗi công dân Việt Nam. Rõ ràng đã, đang và sẽ là bất bình thường khi một người Việt Nam bình thường bất kỳ nào đó đã trưởng thành và đã được học qua chương trình phổ thông – hãy tưởng tượng về một cuộc đối thoại, một cuộc “tiếp thị” văn học của một công dân Việt Nam trước một khách nước ngoài – mà không thể điểm lại được những chặng lớn của lịch sử văn học của quốc gia – dân tộc mình, “kê biên” ra ở từng chặng, như vậy những tác giả lớn, những tác phẩm chính, những chủ đề – đề tài quan trọng, những hình tượng văn học cơ bản, những vẻ đẹp cơ bản của nghệ thuật ngôn từ của dân tộc. Thiết nghĩ, môn văn học ở nhà trường đã đến lúc cần phải có những “bảng cửu chương” những “hằng đẳng thức đáng nhớ” của mình, những “dãy hóa trị” những bảng “hệ thống tuần hoàn Meldeleev”… của mình. Người ta thường nói rằng trong thời đại máy tính điện tử ngày nay, việc lưu vào ký ức qua nhiều thông tin vừa là điều bất khả vừa là việc làm không cần thiết. Không phải như thế: con người không thể tư duy nếu trong trí nhớ sống của nó không nạp đủ những dữ liệu tối thiểu. Dữ liệu huy động từ ký ức sống của bộ não người (chứ không phải trong “bộ não” của máy tính) mới thực sự là điều kiện cho tư duy của con người hoạt động.

  Đã đến lúc cần phải có một bộ sách giáo khoa dành riêng cho học sinh về lịch sử văn học Việt Nam


Một bộ sách lịch sử văn học Việt Nam đáp ứng những đòi hỏi như thế cho chương trình học vấn phổ thông là chưa từng xuất hiện. Nhưng đã quá muộn để mà chần chừ. Việc thực hiện một bộ sách như thế cũng không hề vượt “quá tầm tay” của đội ngũ các nhà giáo giảng dạy văn học ở các cấp học.

2.- Cũng khách quan, là nhu cầu phải có bộ sách về lịch sử văn học Việt Nam dành cho các đối tượng chuyên nghiệp.
Tôi gọi là “các đối tượng chuyên nghiệp” tất cả những người tiếp tục học tập và tìm hiểu lịch sử văn học Việt Nam như một hoạt động nghiệp vụ sau và trên chương trình văn học phổ thông. Có thể hình dung lần lượt các “đối tượng” đó là: các giáo sinh khoa văn ở các trường Cao đẳng sư phạm, sinh viên ngành văn các trường Đại học (cả hệ sư phạm lẫn hệ tổng hợp), giáo viên môn văn ở các cấp học, tất cả những người làm công tác nghiên cứu thuộc các khoa học lịch sử và nghiên cứu nghệ thuật (cả trong nước lẫn ngoài nước, cả người Việt Nam lẫn người nước ngoài), các nhà văn và nghệ sĩ, cả những người làm công tác quản lý, điều hành liên quan đến lĩnh vực văn học nghệ thuật. Từ trước tới nay, trên thực tế các bộ giáo trình lịch sử văn học Việt Nam ở cấp Đại học (chủ yếu do các nhà khoa học và nhà giáo thuộc hai hệ thống trường Đại học Sư phạm và Đại học Tổng hợp biên soạn) được sử dụng “thay chỗ” cho bộ sách này. Cũng cần nói thêm rằng thuộc hệ thống sách như thế này từng có cả các bộ “Lược thảo…”, “Sơ thảo…” của các nhóm nhà khoa học và cả bộ Lịch sử văn học Việt Nam do Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức biên soạn mà do nhiều nguyên nhân đã chỉ in được tập 1 (hầu như “không một tiếng vang”) rồi không được tiếp tục nữa. Hầu hết các bộ sách này đều đã được biên soạn và xuất bản trên dưới ba mươi năm nay. Trong khoảng ba mươi năm trở lại đây, Nhà xuất bản Giáo dục đã cho tái bản nhiều lần, chủ yếu là bộ giáo trình văn học Việt Nam của các nhà giáo thuộc trường Đại học Tổng hợp cũ.
Dù có viễn kiến đến mấy, các tác giả của những bộ sách này cũng không thể phản ánh trước được những thay đổi trong các thành quả, tri thức nghiên cứu của cả giới mấy thập kỷ vừa qua. Sự lạc hậu (đương nhiên) của phương pháp luận và phương pháp biên soạn văn học sử của những bộ sách này dĩ nhiên cũng khiến cho việc tổ chức biên soạn lại ít nhất là một bộ sách mới thay thế chúng đã trở thành một nhu cầu cấp thiết.
Tôi nghĩ rằng, cả hai bộ sách nói trên đều cần được biên soạn theo tinh thần là những bộ sách giáo khoa, mà đã là sách giáo khoa thì phải thuộc trách nhiệm của Bộ Giáo dục và đào tạo, đều phải là xuất bản phẩm đương nhiên trước hết của Nhà xuất bản Giáo dục.

Trần Ngọc Vương 

Nguồn tin: Tia Sáng

Tác giả

(Visited 7 times, 1 visits today)