Việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp: Ba giải pháp

Lựa chọn được ngành học đúng, thiết kế được lộ trình học tập phù hợp giúp sau này có thể kiếm được một công việc tốt, có thu nhập thỏa đáng là mối quan tâm của tất cả các bậc phụ huynh, học sinh cũng như sinh viên. Kinh nghiệm thế giới cho thấy, có ba giải pháp để giải quyết vấn đề này:

Xây dựng chương trình định hướng, tư vấn nghề nghiệp trong nhà trường

Đây là cách thức phổ biến và có thể áp dụng được ở cả trường cấp III lẫn đại học cao đẳng. Với cách thức này, nhà trường có thể cử giảng viên/giáo viên hoặc cán bộ chuyên trách thường xuyên gặp gỡ, trao đổi, tiếp xúc với sinh viên/học sinh và phụ huynh nhằm tư vấn, cung cấp thông tin, giải thích những thắc mắc trong quá trình học và định hướng tương lai. Với học sinh cấp III, việc định hướng này có thể bao gồm việc chọn ngành, nghề nào, đăng ký thi vào trường đại học/cao đẳng nào… Với sinh viên đại học/cao đẳng, việc định hướng này có thể bao gồm chọn môn học nào, lĩnh vực chuyên sâu nào, đi thực tập ở đâu…

Bên cạnh đó, các cán bộ tư vấn có thể sử dụng các bài trắc nghiệm uy tín đã được sử dụng rộng rãi như “Đánh giá trí thông minh nổi trội – Multiple Intelligence” hay “đánh giá tính cách nghề nghiệp – Hollande Codes” giúp học sinh/sinh viên khám phá sở trường, đặc tính của bản thân và mức độ tương thích với các ngành, nghề.

Xây dựng dữ liệu về thực trạng việc làm sinh viên sau tốt nghiệp

Bộ dữ liệu này có thể bao gồm các chỉ số: tỷ lệ sinh viên có việc làm trong vòng 12 tháng sau tốt nghiệp, tỷ lệ sinh viên đi làm đúng chuyên ngành được đào tạo, mức thu nhập bình quân hiện nay, loại hình tổ chức/công ty đang làm việc, mức độ hài lòng với công việc hiện tại… Trong thực tế, bộ dữ liệu này đã được rất nhiều nước trên thế giới áp dụng và triển khai từ nhiều năm nay. Đơn vị tổ chức khảo sát bộ dữ liệu này có thể là chính bản thân trường đại học, cơ quan chức năng có thẩm quyền (Bộ Giáo dục, Cục Thống kê …) hoặc các đơn vị dân sự như hiệp hội các trường đại học, các công ty về giới thiệu việc làm… Căn cứ trên bộ dữ liệu, học sinh/sinh viên có thể tham khảo và biết bức tranh “định lượng” về ngành, nghề tương lai mà mình định chọn sẽ như thế nào. Với các nhà khoa học, bộ dữ liệu này cũng là những “chất liệu” tốt cho họ đưa ra những dự báo, phân tích về thực trạng giáo dục, thực trạng vấn đề việc làm cho các nhà hoạch định chính sách và sinh viên tham khảo. Tại Việt Nam, một phần thông số của bộ dữ liệu này cũng được quy định trong Báo cáo ba công khai được Bộ Giáo dục và Đào tạo áp dụng từ năm 2009 đối với tất cả các trường đại học, cao đẳng trong cả nước. Tuy vậy, nhược điểm của cách làm này là các thông số thống kê lại do chính trường đại học thực hiện. Để khách quan, những thống kê này tốt nhất nên được giao cho một cơ quan độc lập thực hiện.

Cho phép trao đổi tín chỉ giữa các ngành

Áp dụng tín chỉ đã được các trường đại học ở nước ta thực hiện hơn 10 năm trở lại đây. Tuy vậy, hệ thống tín chỉ hiện nay mới chỉ hoàn thiện một nửa bởi nó mới làm được “tín chỉ dọc”. Nghĩa là, sinh viên học tốt có thể tăng tốc để tích lũy nhiều tín chỉ để tốt nghiệp nhanh hơn. Hoặc ngược lại, vì một lý do nào đấy, sinh viên cần tạm hoãn việc học một thời gian, có thể quay lại nhà trường trong tương lai trên cơ sở bảo lưu những tín chỉ đã tích lũy được. Như vậy, với cơ chế này, sinh viên khi đã chọn một chuyên ngành là phải gắn bó với chuyên ngành đó trong suốt bốn-năm năm đại học; nếu muốn lựa chọn lại, sinh viên đó buộc phải thi lại đại học và học lại từ đầu. Với “tín chỉ ngang”, sinh viên được phép chuyển sang ngành mới khi được phép của cấp có thẩm quyền (thường là trưởng khoa); và các tín chỉ tích lũy từ ngành học cũ có thể được chuyển đổi một phần hoặc toàn phần sang ngành mới. Nhờ cơ chế này, sinh viên có thể dễ dàng chuyển sang ngành mới phù hợp hơn mà không tốn quá nhiều thời gian học lại.

Nếu như giải pháp thứ nhất là giải pháp truyền thống, giải pháp thứ hai là giải pháp không thể không làm thì xét cho cùng, giải pháp thứ ba mới là giải pháp hiệu quả nhất. Bởi khó có thể đòi hỏi tất cả các sinh viên phải chọn đúng ngành, đúng nghề ngay từ năm thứ nhất; ngay cả khi sinh viên đó đã được thụ hưởng tối đa lợi ích từ hai giải pháp đầu tiên. Giải pháp “tín chỉ ngang” hay đúng hơn là cho phép trao đổi tín chỉ giữa các ngành trong thực tế đã diễn ra khá phổ biến ở châu Âu và một số nước thuộc cộng đồng các nước nói tiếng Anh – nơi có chất lượng đào tạo tương đối đồng đều và Nhà nước có thể yên tâm về mức độ liêm chính cao trong quá trình xét duyệt chuyển ngành cho sinh viên. Tuy nhiên cơ chế “tín chỉ ngang” cũng có thể sẽ là kẽ hở cho tiêu cực nảy sinh, ví dụ sinh viên hối lộ trưởng khoa để được chuyển sang ngành mới – nơi có tỷ lệ đỗ thấp hơn so với ngành cũ. Với những nước có nền giáo dục đại học kém phát triển như Việt Nam, triển khai “tín chỉ ngang” tuy khó, nhưng vẫn có thể khả thi bằng việc áp dụng thí điểm cho một số chương trình chất lượng cao ở các đại học hàng đầu.

Hệ thống “tín chỉ ngang” ở châu Âu

Tiến trình Bologna, khởi động từ đầu những năm 2000 được coi là hệ thống “tín chỉ ngang” hay “tín chỉ trao đổi” (cách gọi đúng theo thuật ngữ chuyên môn) lớn nhất thế giới. Theo tiến trình này, cho đến nay, đã có hơn 1.000 trường đại học tại châu Âu đồng ý ký công nhận tín chỉ lẫn nhau, tạo thành một “Không gian đại học châu Âu”; mà ở đó sinh viên có thể dễ dàng chuyển trường, chuyển ngành học trong thời gian học của mình. Hệ thống này linh hoạt đến mức có thể cho phép một sinh viên học năm nhất ở Anh chuyên ngành tin học chuyển sang Pháp học năm hai chuyên ngành quản lý hệ thống và hoàn thành chương trình đại học vào năm ba tại Thụy Điển với tấm bằng quản trị kinh doanh; đồng thời có khi chỉ mất thêm một năm nữa để lấy bằng đại học thứ hai về tài chính.

Ngoài “Không gian đại học châu Âu”, trên thế giới còn một số hệ thống “tín chỉ ngang” khác đang hoạt động khá hiệu quả như tại Bắc Mỹ, Đông Á. Các trường đại học tại khu vực ASEAN rất muốn áp dụng “tín chỉ ngang” trong toàn khu vực và mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhưng vẫn chưa đi vào hoạt động hiệu quả.

Tác giả

(Visited 7 times, 1 visits today)