Xã hội không cần người giỏi, đạo học khó phát triển
GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, nếu kinh tế nước ta chỉ dừng lại ở khai khoáng và gia công, lắp ráp thì các trường vẫn chỉ đào tạo như lâu nay họ vẫn làm. Còn về chính sách nhân lực, nếu tiêu chí tuyển dụng, sử dụng, cất nhắc chỉ xoay quanh mấy chữ “quan hệ”, “tiền tệ”, còn “trí tuệ” xếp chót bảng thì con em chúng ta cũng chẳng cần  học nhiều, học giỏi làm gì.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: Chương trình hỗ trợ học sinh, sinh viên đã được Chính phủ triển khai từ nhiều năm nay thông qua hình thức cho vay tín dụng. Công điện của Thủ tướng vừa qua thêm một lần nữa nhắc nhở các địa phương phải thật sự chủ động nắm tình hình đời sống của nhân dân địa phương mình, từ đó xây dựng kế hoạch hỗ trợ học sinh, sinh viên nghèo để các em có tiền đi học.
Dư luận xã hội vui vì Chính phủ đã quan tâm nhưng lo ngại về khả năng nảy sinh tiêu cực trong quá trình triển khai chính sách. Lo ngại là có cơ sở, vì trên thực tế ở không ít địa phương, có những hộ gia đình không nghèo hoặc đã thoát nghèo nhưng vẫn “xin được nghèo” để nhận hỗ trợ của Chính phủ. Dịp Tết Nguyên đán cách đây mới vài năm còn xảy ra tình trạng nhiều địa phương sử dụng nguồn tiền Chính phủ hỗ trợ người nghèo ăn Tết không đúng đối tượng, không đúng định mức hoặc tiền đến được với người nghèo thì đã qua dịp Tết.
Một lo ngại nữa là học phí của các trường ĐH, CĐ rất khác nhau, trường ngoài công lập thu học phí cao gấp 5, 10, 20 lần trường công lập, quỹ tín dụng nào có thể hỗ trợ học sinh, sinh viên số tiền lớn như vậy? Thậm chí, giả sử quỹ tín dụng dám cho vay thì học sinh, sinh viên nghèo có dám vay không? Vay xong lấy tiền đâu mà trả? Chúng ta biết rằng Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định tăng mức cho vay hỗ trợ học tập lên 860.000 đồng cho học sinh, sinh viên. Với mức hỗ trợ này, có thể nộp học phí ở trường công lập, chứ không thể bước chân vào trường ngoài công lập.
Trong khi các trường công lập có mức học phí giao động từ 4-9 triệu đồng/ năm thì các trường dân lập lại có mức học phí lên tới cả trăm triệu đồng thậm chí có trường học phí được tính bằng tiền đô như Trường ĐH Tân Tạo (3.000 USD/năm). Thưa ông, vì sao lại có mức học phí quá chênh lệch như vậy? Nếu bỏ qua lý do về trang bị cơ sở vật chất, và không được nhận kinh phí từ ngân sách nhà nước thì mức học phí này có hợp lý không và theo ông khoảng bao nhiêu là vừa?
Chính phủ chỉ có thể ấn định khung học phí áp dụng cho các trường công lập. Trường ngoài công lập không bị hạn chế trong việc huy động mức đóng góp của người học vì họ không nhận được kinh phí từ ngân sách nhà nước, phải tự cân đối thu chi. Nhà nước chỉ hỗ trợ họ về đất đai, về thuế trong những trường hợp nhất định, đồng thời hỗ trợ trong đào tạo cán bộ, nếu như cán bộ của họ thi đỗ vào chương trình đào tạo sau đại học của Chính phủ.
Việc thu học phí là quyền tự quyết của các trường đại học, nhưng Nhà nước quản lý bằng cách yêu cầu các trường công khai tài chính, công khai cơ sở vật chất và công khai chất lượng đầu ra của trường cho sinh viên và gia đình các em lựa chọn. Còn nếu nói mức học phí như vậy là nhiều hay ít thì rất khó, nó phụ thuộc vào điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và chương trình đào tạo của nhà trường để sinh viên ra trường có cơ hội tìm được việc làm và cuối cùng là “thương hiệu” (uy tín) của trường đó. Tuy nhiên, mức học phí của nhiều trường ngoài công lập (cao nhất lên tới cả trăm triệu đồng/năm) chắc chắn là không phù hợp với số đông người Việt Nam, vốn chỉ có mức thu nhập trung bình 3-4 triệu đồng/tháng, miền núi thu nhập 1- 2 trăm nghìn đồng/người/tháng.
Muốn con em mình theo học tại những trường này thì phụ huynh phải làm bài toán chọn lựa.
– Với tình hình tài chính khó khăn như hiện nay, việc một gia đình có thu nhập trung bình có thể lo cho con theo học ĐH đã khó, chưa nói đến những gia đình thuần nông. Rõ ràng trong xã hội chúng ta, GDĐH đang có xu hướng lựa chọn sinh viên thay vì sinh viên chọn trường ĐH, thưa ông?
Trên thực tế, đối với một số trường thuộc tốp đầu thì thí sinh nếu chỉ có học lực trung bình thậm chí khá không dễ vào được, còn các trường dân lập ít tên tuổi thì lại “khát” sinh viên. Thậm chí những trường ĐH xuất sắc do Chính phủ mở thông qua hình thức liên kết với nước ngoài cũng không dễ tuyển sinh viên. Theo kết quả giám sát năm 2010 của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng (VHGDTNTNNĐ) của Quốc hội, có trường khóa đầu tiên chỉ tuyển được 36 sinh viên với mức học phí 15 ngàn USD năm, sau một thời gian theo học, có 8 em bỏ. Ở những trường này thì trò chọn trường chứ không phải trường chọn trò nữa. Chính vì khó tuyển sinh viên, để duy trì hoạt động, nhiều trường đã tuyển cả những sinh viên chỉ đạt 8- 9 điểm, thậm chí phải đưa ra những biện pháp thu hút sinh viên bằng học bổng, bằng chương trình đào tạo liên kết với nước ngoài.
Ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Uỷ ban VHGDTNTNNĐ của Quốc hội cho rằng để các trường tự in bằng, cấp bằng là sự đột phá về quyền tự chủ, nếu Luật GDĐH được thông qua. Khi đó sẽ có một hình ảnh mới của GDĐH ở Việt Nam. Theo nhìn nhận của ông thì hình ảnh mới của GDĐH Việt Nam sẽ thế nào sau quyền được tự chủ in bằng, cấp bằng? Và nếu việc này trở thành hiện thực thì liệu có xảy ra tình trạng như Nam Định, Đà Nẵng vừa qua từ chối nhận người tốt nghiệp trường ngoài công lập hoặc người chỉ có văn bằng tại chức làm công chức không?
Tôi không nghĩ đó là ý kiến đầy đủ của GS Đào Trọng Thi. Để GDĐH Việt Nam có một hình ảnh mới, hay nói đúng hơn là để GDĐH có một chuyển biến mới với chất lượng mới thì phải giải quyết được những mối quan hệ lớn, những vấn đề cốt tử trong GDĐH.
Trước hết là phải giải quyết mối quan hệ giữa quy mô đào tạo với chất lượng đào tạo. Năm 96-97 cả nước chỉ có trên 100 trường ĐH, CĐ; nay cả nước đã có trên 450 trường. Chiến lược phát triển nguồn nhân lực của Chính phủ còn đặt chỉ tiêu đạt 573 trường vào năm 2020, tức là thành lập 123 trường nữa trong vòng 9 năm. Việc phát triển nhanh quy mô đào tạo có mặt tích cực là đáp ứng được nhu cầu học tập của mọi người nhưng với việc phần lớn các trường không đủ điều kiện đào tạo như hiện nay (cơ sở vật chất thiếu thốn và lạc hậu, số lượng giảng viên thiếu, chất lượng giảng viên yếu – theo Bộ GD&ĐT, từ năm 1997 đến 2008, số sinh viên tăng 13 lần, trong khi số giảng viên chỉ tăng 3 lần), chất lượng đào tạo khó đạt yêu cầu.
Thứ 2 là phải giải quyết thật tốt mối quan hệ giữa cơ sở đào tạo với đơn vị sử dụng lao động. Có thể thấy rằng chưa có một trường ĐH, CĐ nào, trừ các trường Y, thiết lập được mối quan hệ gắn bó hữu cơ với các đơn vị sử dụng lao động. Chính vì vậy mới có tình trạng trường ĐH, CĐ cứ đào tạo, còn cơ sở sản xuất, kinh doanh không đặt hàng đào tạo cũng như không hỗ trợ đào tạo, thậm chí ngại không nhận sinh viên về thực tập. Hai bên không thể gặp nhau, dẫn đến tình trạng sinh viên nhiều trường ĐH, CĐ sau tốt nghiệp không tìm được việc làm, buộc phải làm trái ngành nghề được đào tạo, hoặc có tìm được việc làm thì cũng chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tế sản xuất, kinh doanh.
Ở các nước công nghiệp, người ta xử lý mối quan hệ này tốt hơn. Ví dụ, ở CHLB Đức, trường CĐ nghề của họ có chương trình đào tạo hỗn hợp, kết hợp giữa nhà trường (nhà nước) với doanh nghiệp, trong đó nhà trường đóng góp 30% kinh phí tương đương 30% thời lượng giảng dạy lý thuyết; doanh nghiệp hỗ trợ 70% kinh phí tương đương 70% thời lượng thực hành tại doanh nghiệp; thậm chí doanh nghiệp còn có thể trả lương cho sinh viên nếu trong quá trình thực tập sinh viên đáp ứng được yêu cầu của công việc. Hình thức đào tạo này mang lại nhiều lợi ích cho sinh viên cũng như cơ sở đào tạo và đơn vị sử dụng lao động. Sinh viên thực tập ở doanh nghiệp có thể làm quen với dây chuyền sản xuất, với công nghệ tiên tiến, trong khi nhà trường ở bất cứ nước nào cũng khó có thể có được dây chuyền sản xuất hiện đại như doanh nghiệp, vì đó là lẽ sống của doanh nghiệp. Việt Nam ta nên tham khảo kinh nghiệm này.
Mối quan hệ thứ ba là quan hệ giữa tự chủ của cơ sở với quản lý nhà nước. Bộ GD&ĐT lâu nay phải bao sân quá nhiều. Từ ban hành chương trình khung, ra đề và tổ chức thi tuyển sinh, duyệt chỉ tiêu tuyển sinh đến duyệt điểm sàn, in ấn và cấp bằng tốt nghiệp. Có thể nói Bộ hoạt động gần như một Ban giám hiệu của cả nước. Nhưng có một nhân tố vào hàng quyết định chất lượng đào tạo là kinh phí và sử dụng kinh phí thì Bộ lại không nắm được. Mỗi năm giáo dục và đào tạo được phân bổ 20% ngân sách nhà nước, song Bộ GD&ĐT chỉ quản được khoảng 5%, còn lại do các địa phương, các bộ ngành khác quản lý mà không cần báo cáo Bộ. Bên cạnh đó, nguồn ngân sách này không chỉ được chi cho hệ thống giáo dục quốc dân từ mầm non đến sau ĐH mà còn chi cho các trường của lực lượng vũ trang, các trường chính trị – hành chính để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ từ cấp xã đến trung ương. GDĐH được khoàng 10 % của tổng số 20 % ngân sách nhà nước; nhưng Bộ GD&ĐT chỉ quản lý có 15% các trường ĐH thôi.
Mối quan hệ thứ 4 cần giải quyết là quan hệ giữa nhà trường với cơ chế thị trường. Trường ĐH, CĐ ngoài công lập có thể hoạt động theo hai nguyên lý khác nhau là hoạt động vì mục đích lợi nhuận và hoạt động không vì mục đích lợi nhuận. Loại trường hoạt động vì mục đích lợi nhuận giống như một công ty cổ phần, trong đó những người góp vốn được chia cổ tức, người có cổ phần lớn có tiếng nói quyết định hơn đối với hoạt động của nhà trường. Loại trường hoạt động không vì mục đích lợi nhuận cũng do tổ chức, cá nhân góp vốn nhưng góp vốn chỉ vì mục đích phát triển giáo dục. Người góp vốn không được chia cổ tức, thậm chí cũng không tham gia hội đồng quản trị mà chỉ bầu ra một hội đồng gồm những người am hiểu giáo dục để quản lý công việc nhà trường. Lợi nhuận hằng năm được tích lũy để trả lương cho giảng viên, nâng cao trình độ giảng viên, cấp học bổng cho sinh viên giỏi, tăng cường cơ sở vật chất, năng lực đào tạo của nhà trường. Gần như toàn bộ các trường ngoài công lập ở nước ta hoạt động vì mục đích lợi nhuận, như một công ty cổ phần. Phân chia quyền lợi không đều thì sinh ra mâu thuẫn. Như vậy rất khó để phát triển. Đáng tiếc là Dự thảo Luật GDĐH đang duy trì tình trạng này.
Quay trở lại trường hợp quyết định của Đà Nẵng từ chối nhận người chỉ có văn bằng tại chức và quyết định của Nam Định từ chối nhận người tốt nghiệp các trường ngoài công lập làm công chức thì theo tôi đây là lời cảnh báo đối với các trường, không chỉ trường ngoài công lập. Là người sử dụng lao động, các địa phương đó và các cơ quan, doanh nghiệp có quyền đưa ra tiêu chí lựa chọn lao động của mình. Các trường phải đào tạo tốt hơn thì mới cải thiện được hình ảnh của mình.
– Vâng, người sử dụng lao động có quyền đưa ra tiêu chí lựa chọn lao động. Nhưng việc cấm học sinh có học lực yếu, học lực trung bình không được dự thi đại học có phải là một phương pháp sàng lọc lao động không, thưa ông?
Việc ngăn cản học sinh có học lực yếu, học lực trung bình dự thi ĐH là không đúng luật. Nhưng cần đặt câu hỏi “Vì sao không mấy ai muốn đi học trường nghề mà tất cả đều lao vào thi ĐH?” Câu trả lời là vì kinh tế nước ta chậm phát triển, thị trường lao động nhỏ hẹp, không có bằng cấp cao khó tìm được việc làm, mà có tìm được việc làm thì cũng khó có thu nhập tạm đủ chi dùng. Phần đông người ta đi học chỉ để lấy tấm bằng tiến thân. Do đó, bao nhiêu năm nay GDĐH không có gì thay đổi, ngay cả Dự thảo Luật GDĐH lần này cũng chưa đưa ra được những quy định có khả năng tạo ra những thay đổi căn bản. Nguyên nhân chủ yếu nằm ở chính sách phát triển kinh tế – xã hội và chính sách nhân lực của ta. Nếu kinh tế nước ta chỉ dừng lại ở khai khoáng và gia công, lắp ráp thì các trường vẫn chỉ đào tạo như lâu nay họ vẫn làm. Còn về chính sách nhân lực, nếu tiêu chí tuyển dụng, sử dụng, cất nhắc chỉ xoay quanh mấy chữ “quan hệ”, “tiền tệ”, còn “trí tuệ” xếp chót bảng thì con em chúng ta cũng chẳng cần học nhiều, học giỏi làm gì.
Nói tóm lại, một xã hội không cần người giỏi thì đạo học khó phát triển lắm.