Xây dựng đại học đẳng cấp quốc tế: thực trạng ở Việt Nam

Báo chí trong những năm gần đây nói nhiều về mục tiêu xây dựng đại học đẳng cấp quốc tế ở Việt Nam trong vòng 10-15 năm tới, nhưng lại ít bàn về tình hình thực tế ở Việt Nam như thế nào. Bài viết này sẽ phân tích các nỗ lực cụ thể nhằm đạt mục tiêu trên.

Trước tiên, có thể hiểu đại học đẳng cấp quốc tế là đại học được xếp hạng cao trên thế giới. Có nhiều bảng xếp hạng đại học, nhưng nổi tiếng nhất phải kể đến hai bảng xếp hạng của Đại học giao thông Thượng Hải [1] và của Thời báo Luân Đôn [14]. Mỗi nơi có các tiêu chí khác nhau để xếp hạng các trường đại học, nhưng tựu chung lại thì người ta vẫn dựa vào các yếu tố sau để đánh giá một trường đại học đẳng cấp quốc tế: cơ cấu tổ chức, thành tích nghiên cứu và chất lượng sinh viên, trong đó thành tích nghiên cứu đóng vai trò rất quan trọng [8]. Thậm chí số điểm dành cho thành tích nghiên cứu chiếm đến 80% tổng số điểm có thể có của một trường trong bảng xếp hạng của Đại học giao thông Thượng Hải. Để xây dựng đại học đẳng cấp quốc tế ở Việt Nam chúng ta phải trả lời trước tiên câu hỏi liệu đội ngũ các nhà khoa học của ta có cung cấp đủ giảng viên có thành tích nghiên cứu cho một trường đại học như vậy hay không?

Với cơ cấu hiện nay thì phải có những ca đại phẫu thuật thì mới có thể thay đổi được hai đại học này. Nhưng đại phẫu thuật dễ gây ra tai biến. Vì vậy, phương án khả thi nhất là xây dựng đại học mới theo các chuẩn mực quốc tế, tập trung vào một số ngành chúng ta có thế mạnh rồi phát triển dần lên.

Để trả lời câu hỏi trên, chúng ta hãy xét đội ngũ các nhà toán học Việt Nam là ngành có thành tích công bố quốc tế tương đối tốt ở trong nước. Theo thống kê của Chương trình trọng điểm phát triển toán học đến năm 2020 thì số công bố quốc tế hàng năm của tất cả các nhà toán học Việt Nam chưa bằng của Đại học Toulouse III là một đại học trung bình ở Pháp và số lượng các nhà toán học trong nước có công bố thường xuyên hiện nay chỉ khoảng 150 người, xấp xỉ số lượng các nhà toán học Đại học Toulouse III. Để có được một giảng viên có trình độ nghiên cứu bình thường cũng cần ít nhất 10 năm đào tạo. Chỉ với ví dụ này đã có thể khẳng định chúng ta không thể có được một đại học đẳng cấp quốc tế tròng vòng 10-15 năm tới.

Xây dựng từ đầu hay xây dựng lại một đại học có sẵn?

Chúng ta hãy xem các nước xung quanh giải quyết vấn đề này như thế nào. Năm 1998 Trung Quốc đưa ra Chương trình 985 tập trung đầu tư cho 9 trường đại học trọng điểm để nhằm đưa những trường này thành những đại học đẳng cấp quốc tế [2], [11]. Các trường này đều là những đại học có truyền thống như Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa. Từ trước tới nay, các trường này đều là nơi tập trung những tinh hoa của cả hệ thống đại học Trung Quốc. Đối với dân số hơn một tỷ người thì ta có thể hình dung chất lượng giảng viên và sinh viên của họ ưu tú như thế nào. Trong 3 năm đầu, mỗi trường trọng điểm được nhà nước hỗ trợ thêm từ 135 đến 270 triệu USD [12]. Vì vậy, chúng ta không nên lấy làm lạ khi trong danh sách 200 đại học hàng đầu thế giới năm 2010 của Thời báo Luân Đôn có đến 5 trường đại học trọng điểm của Trung Quốc, trong đó Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa xếp hạng thứ 37 và 58.

Ở đây có một nghịch lý là chúng ta chấp nhận hai trường đại học được thành lập mà không có đội ngũ giảng viên cơ hữu, trái ngược với quy định thành lập các trường đại học trong nước.

Chúng ta cũng có hai đại học lớn là hai đại học quốc gia ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Nếu hai đại học đó giữ được cơ cấu tổ chức và truyền thống đào tạo của hai đại học tiền thân là Đại học tổng hợp Hà Nội và Đại học khoa học Sài Gòn thì chúng ta có thể hy vọng vào việc xây dựng hai đại học này thành những đại học có vai vế trong vùng. Còn với cơ cấu hiện nay thì phải có những ca đại phẫu thuật thì mới có thể thay đổi được hai đại học này. Nhưng đại phẫu thuật dễ gây ra tai biến. Có lẽ vì vậy mà một nước có lịch sử phát triển nền đại học giống Việt Nam là Hàn Quốc đã chọn con đường khác. Họ có Đại học quốc gia Seoul, nhưng họ lại tập trung đầu tư xây dựng một trường mới hoàn toàn là Học viện cao cấp Hàn Quốc về Khoa học và Công nghệ (Korean Advanced Institut of Science and Technology, viết tắt là KAIST). KAIST được thành lập năm 1971 theo một đạo luật đặc biệt nhằm đưa trường này thành một “trung tâm nghiên cứu và phát triển theo sách lược quốc gia” [7]. Để giải quyết vấn đề nhân sự họ có nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút người tài đến làm việc và chọn sinh viên ưu tú đến học. Chỉ sau vài năm, KAIST đã trở thành một đại học hàng đầu thế giới. Học viện này hiện được Thời báo Luân Đôn xếp hạng thứ 79, trong lúc Đại học quốc gia Seoul được xếp hạng thứ 109.

Trong hoàn cảnh hiện nay, chúng ta không thể xây dựng một đại học đẳng cấp ngay lập tức như Hàn Quốc được. Vấn đề là đội ngũ các nhà khoa học của ta quá mỏng. Nếu tập trung hết vào một trường đại học sẽ làm suy yếu toàn bộ hệ thống đại học. Chúng ta cũng không thể hy vọng bắt đầu với một đội ngũ giáo sư và sinh viên làng nhàng, rồi hy vọng trường đó sẽ trở thành đẳng cấp quốc tế. Vì vậy, phương án khả thi nhất là xây dựng đại học mới theo các chuẩn mực quốc tế, tập trung vào một số ngành chúng ta có thế mạnh rồi phát triển dần lên.

Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã có đề án xây dựng một đai học như vậy nhằm gắn chặt nghiên cứu với đào tạo, vốn là một yêu cầu không thể thiếu đối với một đại học tiên tiến. Phương án này hoàn toàn khả thi vì Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam có một đội ngũ đông đảo các nhà khoa học có trình độ chuyên môn cao trong nhiều ngành khoa học và công nghệ và có cơ sở vật chất tương đối hoàn chỉnh. Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc là cơ quan có cơ cấu tương tự như Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam cũng có một cơ sở đào tạo mang tên Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc. Đại học này cũng được chính phủ Trung Quốc chọn là một trong 9 trường trọng điểm năm 1998 và hiện nay đã trở thành một trường đại học hàng đầu thế giới. Thời báo Luân Đôn xếp hạng đại học này thứ 49 năm 2010, còn trên cả Đại học Thanh Hoa. Rất tiếc là đề án thành lập một đại học tương tự như Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã không được thực hiện.

Xây dựng với sự trợ giúp quốc tế

Hiện nay là phần lớn sinh viên vào học các trường này thuộc các gia đình khá giả nhưng điểm thi đại học thấp.  Nói một cách nôm na là nhà nước đã hỗ trợ cho con nhà giàu học kém vào học các trường này, không phục vụ gì cho quá trình phát triển trường sau này.

Để khắc phục sự thiếu hụt nhân lực chúng ta cũng có thể hợp tác với quốc tế để xây dựng các đại học mới. Hiện nay chúng ta có hai trường đại học mới đuợc thành lập với sự hợp tác của Đức và Pháp là Đại học Việt Đức ở TP Hồ Chí Minh và Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (gọi nôm na là Đại học Việt Pháp). Mục tiêu phát triển của hai trường này là đến năm 2020 được xếp hạng trong danh sách 200 trường đại học hàng đầu thế giới và là hình mẫu cho các đại học khác về phương pháp quản lý và chương trình đào tạo, tạo động lực cho đổi mới giáo dục đại học Việt Nam [3], [10]. Các trường này đều do người nước ngoài quản lý và đảm nhiệm phần lớn thời lượng giảng dạy [4], [5]. Tuy nhiên, cách thức hoạt động của hai đại học này có nhiều điều gây băn khoăn về mục tiêu trên.

Không có đội ngũ giảng viên cơ hữu

Đây là trở ngại lớn nhất trên con đường trở thành Đại học đẳng cấp quốc tế. Chương trình đào tạo có thể hay, giáo viên nước ngoài có thể giỏi, nhưng nếu họ chỉ sang đây giảng bài trong vòng 1-2 tháng thì sinh viên tiếp thu kiến thức như thế nào. Điều này không khác gì các chương trình dạy học từ xa mà chất lượng đào tạo như thế nào thì chúng ta đều quá rõ. Một trong những tiêu chí quan trọng để xếp hạng các trường đại học là thành tích nghiên cứu. Nhưng với đội ngũ giáo viên thỉnh giảng như vậy thì lấy thành tích nghiên cứu ở đâu. Có thể khắc phục tình trạng này bằng cách tuyển giáo sư nước ngoài đến làm việc lâu dài. Nhưng với trình độ xã hội phát triển còn thấp, chúng ta khó có thể thu hút người giỏi bên ngoài đến làm việc, dù có trả lương họ cao thế nào đi nữa. Thực tế ở trường Đại học Việt Đức cho thấy hầu hết các giáo sư đều đến từ các đại học khoa học ứng dụng là các trường có vị trí rất thấp trong hệ thống đại học của Đức, có thể ví như các trường cao đẳng (nước Đức có 105 đại học thật sự và 203 đại học khoa học ứng dụng). Đại học Việt Pháp được một số trường đại học lớn của Pháp đỡ đầu, nhưng hiện nay không có giảng viên cơ hữu nước ngoài. Trong Hội thảo COPED tại Viện hàn lâm khoa học Pháp năm 2010, tôi hỏi ông Piere Sebban hiệu trưởng Đại học Việt Pháp về vấn đề này thì được biết là trường không có kế hoạch tuyển giáo sư cơ hữu nước ngoài. Ở đây có một nghịch lý là chúng ta chấp nhận hai trường đại học được thành lập mà không có đội ngũ giảng viên cơ hữu, trái ngược với quy định thành lập các trường đại học trong nước. Bài toán giảng viên cơ hữu chỉ giải quyết được bằng cách tuyển người Việt. Vậy thì tại sao không tuyển ngay những nhà khoa học Việt để làm nòng cốt cho các trường này ngay từ bây giờ. Nhưng nếu có nhiều giảng viên Việt Nam quá, thì tên gọi Việt Đức hay sự hợp tác Việt Pháp còn có ý nghĩa gì. Đây sẽ là một bài toán nan giải cho các nhà quản lý.

Kinh phí phụ thuộc bên ngoài

Hiện nay kinh phí cho giảng viên nước ngoài ở Đại học Việt Đức hay Đại học Việt Pháp do chính phủ Đức và Pháp tài trợ. Tuy nhiên sự tài trợ đó không thể là mãi mãi. Nếu các trường này không có một đội ngũ giảng viên cơ hữu hoàn chỉnh thì các trường này sẽ hoạt động ra sao khi các nước Đức và Pháp không tài trợ nữa. Xét về khía cạnh kinh tế thì chi phí đi lại và ăn ở cho các giảng viên nước ngoài đến giảng dạy ngắn hạn tại các trường này tốn kém hơn rất nhiều việc thuê giảng viên cơ hữu, mà lại không phục vụ gì cho việc phát triển đội ngũ giảng viên người Việt về lâu dài. Để khắc phục tình trạng này cần phải bổ sung vào quy chế tổ chức và hoạt động của các trường quy định tỷ lệ giảng viên cơ hữu và phải có lộ trình cho việc tiến tới có một đội ngũ giảng viên cơ hữu hoàn chỉnh.

Hệ thống các chuyên ngành đào tạo không hoàn chỉnh

Các đại học đẳng cấp quốc tế đều có một hệ thống quy mô các chuyên ngành bổ trợ cho nhau. Có như vậy thì mới giữ được chất lượng đào tạo đỉnh cao. Nhưng các trường đại học do nước ngoài trợ giúp khó lòng làm được việc này. Lý do chính vẫn là đội ngũ giảng viên. Không có cách gì để có thể mời đủ giảng viên nước ngoài cho tất cả các môn học được. Hiện nay Đại học Việt Đức chỉ đào tạo một số chuyên ngành ứng dụng hẹp gồm 2 chuyên ngành hệ cử nhân và 5 chuyên ngành hệ thạc sĩ. Đó là những chuyên ngành họ tìm được đối tác bên Đức tham gia đào tạo [5]. Đại học Việt Pháp hiện nay mới đào tạo hai chuyên ngành công nghệ. Trong tương lai sẽ có thêm 4 chuyên ngành công nghệ [4]. Cả hai trường này đều không có các khoa khoa học cơ bản trong khi mọi trường đại học đẳng cấp quốc tế đều cần có một số khoa khoa học cơ bản phụ trách giảng dạy và nghiên cứu các kiến thức liên quan. Ngay cả những đại học kỹ thuật của Pháp như Đại học bách khoa Paris (Ecole Polytechnique) xếp hạng thứ 39 trong bảng xếp hạng 2010 của Thời báo Luân Đôn cũng có đầy đủ các khoa khoa học cơ bản và đó đều là những khoa có tiếng trên thế giới. Tuy nhiên, ông Sebban hiệu trưởng Đại học Việt Pháp cho rằng trường chỉ đào tạo các hướng công nghệ đa ngành và do đó không cần các khoa khoa học cơ bản. Thậm chí khi được hỏi là Đại học Việt Pháp có theo mô hình đại học nào của Pháp không thì ông Sebban trả lời là không và coi Đại học Việt Pháp là một thử nghiệm về một mô hình đại học hoàn toàn mới. Điều này đã gây nên sự bất bình trong những người tham dự Hội thảo COPED tại Viện Hàn lâm khoa học Pháp, trong đó có nhiều nhà khoa học hàng đầu của Pháp. Bất bình là vì không thể mạo hiểm trong một trọng trách như vậy, nhất là khi nó liên quan đến một sự đầu tư rất lớn của nhà nước Việt Nam.

Chất lượng sinh viên không cao

Hai trường đại học Việt Đức và Việt Pháp đều thu học phí tương đối cao. Vì vậy họ khó lòng tuyển được sinh viên có chất lượng. Những học sinh giỏi sẽ chọn các trường đại học có tên tuổi với học phí thấp để theo học. Những học sinh khá có khả năng tài chính sẽ đi học ở nước ngoài. Như vậy chỉ còn các học sinh kém mới chọn vào các trường Đại học Việt Đức hay Việt Pháp. Thực tế tuyển sinh ở các trường này cho thấy điểm chọn vào trường xấp xỉ điểm sàn vào đại học. Thậm chí trường Việt Đức còn tổ chức học bán thời gian vào buổi tối và cuối tuần nhằm thu hút học viên có chất lượng cho hệ cao học [5]. Với đầu vào như vậy thì làm thế nào có thể bảo đảm chất lượng đầu ra nhằm đưa các trường này thành các đại học đẳng cấp quốc tế được.

Một vài năm trước đây, Singapore có chính sách thu hút các trường đại học danh tiếng trên thế giới mở cơ sở đào tạo tại Singapore bằng các chính sách ưu đãi về tài chính và đất đai. Hầu hết các trường đều từ chối vì để giữ được chất lượng đào tạo như cơ sở gốc của họ thì quá tốn kém. Chỉ có duy nhất Đại học New South Wales (UNSW) có kế hoạch đầu tư 200 triệu đô la Úc mở cơ sở đào tạo tại Singapore [9]. Đây là một trong những đại học hàng đầu của Úc, được Thời báo Luân Đôn xếp hạng thứ 152 năm 2010. Họ được chính phủ Singapore bố trí 20 ha đất, hỗ trợ 17,3 triệu đô la Singapore và cho vay thêm 15 triệu đô la Singapore [6]. Tuy nhiên chỉ sau nửa năm hoạt động họ phải đóng cửa cơ sở ở Singapore vì có ít người theo học. Lý giải chuyện này, GS Fred Hilmer, phó hiệu trưởng UNSW lúc đó nói rằng “Khi một sinh viên nói muốn có bằng của Úc thì điều đó có nghĩa anh ta muốn đến Sydney. Bài học chúng tôi học được là sinh viên đến học không chỉ vì thương hiệu của trường mà còn vì địa điểm đến nữa” [9]. Có lẽ đó cũng là lý do mà cho đến nay, trên thế giới chưa có một nước đang phát triển nào xây dựng được một đại học đẳng cấp quốc tế với sự trợ giúp từ bên ngoài.

Tóm lại, việc xây dựng đại học đẳng cấp quôc tế với sự trợ giúp từ bên ngoài như Đại học Việt Đức hay Đại học Việt Pháp khó lòng thành công. Có thể đó là những mô hình tốt về quản lý đại học hay về chương trình đào tạo. Nhưng nhà nước có cần thiết đầu tư lớn như vậy để xây dựng các trường này hay không. Chỉ riêng với 100 triệu Euro của chính phủ Pháp tài trợ cho Đại học Việt Pháp chúng ta đã có thể cử hơn 4000 người đi học thạc sĩ hai năm ở Pháp (theo định mức của Chương trình 322), một con số mà Đại học Việt Pháp chắc sẽ không đạt được sau 10 năm mà chất lượng đào tạo lại không bằng. Ngoài ra còn phải xét đến khía cạnh thực tế hiện nay là phần lớn sinh viên vào học các trường này thuộc các gia đình khá giả nhưng điểm thi đại học thấp. Nói một cách nôm na là nhà nước đã hỗ trợ cho con nhà giàu học kém vào học các trường này, không phục vụ gì cho quá trình phát triển trường sau này. Nếu chúng ta muốn có những mô hình tốt về quản lý đại học hay chương trình đào tạo thì chúng ta chỉ cần xây trường mới rồi thuê giáo sư nước ngoài đến làm hiệu trưởng hay chủ nhiệm các khoa. Tuy nhiên việc này không phải lúc nào cũng có kết quả tốt. Hàn Quốc đã từng thuê giáo sư R.B. Laughlin, giải Nobel về Vật lý, đến làm Hiệu trưởng KAIST năm 2006. Sau hai năm họ phải bãi nhiệm ông này vì không “được việc”, có lẽ vì ông này không thông hiểu văn hóa của người Triều Tiên [13].

Tôi tin rằng người Việt có thể tự mình xây dựng được một đại học đẳng cấp quốc tế. Chúng ta có nhiều nhà khoa học giỏi được đào tạo ở nước ngoài, đủ kinh nghiệm và trình độ để xây dựng một trường đại học theo các chuẩn mực quốc tế. Vấn đề là nhà nước có tạo ra được cơ chế để họ có thể thực hiện các ý tưởng của mình hay không. Đất nước chúng ta không giàu, nhưng ít ra chúng ta nên tập trung đầu tư xây một hoặc hai trường đại học mà ở đó các nhà khoa học và sinh viên ưu tú nhất của đất nước có thể làm việc và học với những điều kiện tốt nhất. Nếu chúng ta không làm được điều này thì những tinh hoa về khoa học của Việt Nam sẽ đi ra nước ngoài mãi mãi và chúng ta sẽ lại phải mời người nước ngoài đến giảng dạy cho chúng ta.

Tài liệu tham khảo

[1] Academic Ranking of World Universities, http://www.arwu.org/ARWU2010.jsp

[2] Baidu-Encyclopedia, 985 List, http://baike.baidu.com/view/59436.htm#2

[3] Báo Hà Nội Mới, Trường Đại học Việt Đức chính thức ra mắt, http://www.hanoimoi.com.vn/newsdetail/giao_duc/307700/truong-%C4%91ai-hoc-viet-%C4%91uc-chinh-thuc-ra-mat.htm

[4] Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, http://usth.edu.vn/vi/

[5] Đại học Việt Đức, http://www.vgu.edu.vn/vi/

[6] P. Forss, UNSW given S$15m in loans and S$17.3m in grants, Channel NewsAssia, 16 July 2007.
http://www.channelnewsasia.com/stories/singaporelocalnews/view/288515/1/.html

[7] KAIST, At a Glance: A Brief history, http://www.kaist.edu/edu.html

[8] H.M. Levine, D.W. Jong, D. Ou, What is a world class university?
http://www.tc.columbia.edu/centers/coce/pdf_files/c12.pdf

[9] D.A. Paulo, Shock closure of UNSW in Singapore, Today, 24 May 2007.
http://www.channelnewsasia.com/stories/singaporebusinessnews/view/278073/1/.html

[10] Vietnamnet, 15 năm nữa, Việt Nam có đại học lọt top 200, http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/54/15-nam-nua–viet-nam-co-dai-hoc-lot-top-200.html

[11] Wikipedia, C9 League, http://en.wikipedia.org/wiki/C9_League

[12] Wikipedia, Project 985, http://en.wikipedia.org/wiki/Project_985

[13] D. Wohn, Premier science university ousts unpopular president, Science 312, no. 5770 (2006), pp. 32-33.

[14] The World University of Ranking, http://www.timeshighereducation.co.uk/world-university-rankings/2010-2011/top-200.html

  

Tác giả

(Visited 14 times, 1 visits today)