Xu hướng mới trong khai thác các khóa học đại chúng mở trực tuyến
Xu hướng sử dụng các khóa học đại chúng mở trực tuyến (MOOC) đào tạo nguồn nhân lực là bước phát triển rất đáng chú ý của MOOC trong thời gian gần đây. Ngoài ra, MOOC còn có thể được sử dụng như kênh đào tạo khách hàng hay phát triển thương hiệu.
Coursera là cổng giáo dục trực tuyến mở đại trà phi lợi nhuận lớn nhất hiện nay do ĐH Stanford, ĐH Michigan, ĐH Princeton và ĐH Pennsylvania khởi xướng, tới nay đã thu hút khoảng 15 triệu người dùng, hơn 100 đại học trên thế giới tham gia cung cấp khóa học. Cùng với hai gã MOOC khổng lồ khác là edX và Udacity, Coursera tạo thành thế chân vạc trong lĩnh vực đang phát triển rất nhanh này. Tới nay, các cổng MOOC đã thu hút tổng cộng 25 triệu học viên trên toàn thế giới. |
Với Coursera, Nguyên – một MBA chuyển sang làm giảng viên và phát triển chương trình vài năm nay – đã tìm được cơ hội tuyệt vời để hệ thống hóa lại kiến thức cũng như kinh nghiệm về giáo dục, đồng thời học hỏi thêm nhiều điều mới mẻ về nghề mà cô đã chọn. Trong vòng gần bốn tháng, tận dụng những lúc thời gian rảnh rỗi buổi trưa ở cơ quan và buổi tối ở nhà, Nguyên kiên trì theo dõi từng bài giảng thông qua video, tương tác với các học viên khác cùng tham gia khóa học, hoàn thành các bài luận và kiểm tra theo yêu cầu chuyên môn của từng giảng viên. Tuy có đôi chút khó khăn lúc khởi đầu, nhưng các trải nghiệm học tập được thiết kế tốt với các bài giảng ngắn và hấp dẫn, thời gian học tập linh hoạt, cùng với những phản hồi mau lẹ của cộng đồng học tập trên Coursera đã giúp Nguyên nhanh chóng quen thuộc với cách học MOOC. Ngay sau khi kết thúc chương trình của Common Wealth Education Trust, Nguyên lại đăng kí học tiếp một khóa khác của Đại học London với chủ đề nâng cao hơn: “Tương lai của giáo dục”.
Thảo Nguyên nằm trong số hơn một triệu người đã “tốt nghiệp” ít nhất một khóa học trên Coursera kể từ khi nó được giới thiệu ra công chúng vào năm 2012.
Theo một khảo sát1 diện rộng mới đây của nhóm tác giả công bố trên Harvard Business Review ngày 22-9-2015, Coursera cùng với edX và các nhà cung cấp MOOC khác đã thu hút khoảng 25 triệu người học chỉ trong ba năm, trong đó có khoảng 40% đến từ những nước khó khăn không thuộc OECD. Khảo sát cũng cho thấy số lượng lớn người học MOOC nhận thấy lợi ích đối với nghề nghiệp (72%) và việc học tập (61%) của bản thân. Ngay cả khi tỉ lệ hoàn thành khóa học là rất nhỏ – tỷ lệ này trên Coursera là 1/15 – thì với việc tạo ra những thay đổi tích cực cho hàng triệu người trên thế giới, MOOC đang dần chứng tỏ rằng những kì vọng ban đầu của nó về tác động lớn lao tới giáo dục là không hề quá viển vông.
Dùng MOOC phát triển nguồn nhân lực
Trong con số 25 triệu học viên của MOOC, phải kể đến một lực lượng quan trọng đến từ những chương trình đào tạo trong doanh nghiệp. Không giống như sự dè dặt ở các trường học, các doanh nghiệp rất mạnh dạn và nhanh chóng thử nghiệm những cách học tập kiểu mới, trong đó có việc tận dụng MOOC để phát triển nguồn nhân lực. Google đã dùng khóa học MOOC trên Udacity để huấn luyện đồng loạt về công nghệ HTML5 cho toàn bộ 80.000 nhân viên của mình. Yahoo! thì đã có chương trình khuyến khích nhân viên của mình học tập trên Coursera với cam kết tài trợ toàn bộ lệ phí thi chứng chỉ cho những khóa học được lựa chọn cẩn thận.
Xu hướng sử dụng MOOC phát triển nguồn nhân lực như Google hay Yahoo! là đại diện cho bước phát triển rất đáng chú ý của MOOC trong thời gian gần đây. Các công ty có thể tận dụng tài nguyên MOOC để tạo lập các khóa học nội bộ sử dụng hình thức học tập đảo ngược (flipped-learning, tạo bài giảng rồi gửi cho người học trước, thiết kế các bài tập tương tác để hướng dẫn khi gặp mặt sau) để vừa tăng hiệu quả học tập vừa giảm chi phí; khuyến khích nhân viên tự đưa ra các hoạt động phát triển nghề nghiệp, học tập liên tục trên các khóa học được khuyến cáo (như Yahoo! đã làm) hoặc tổ chức phổ cập hàng loạt những kiến thức trọng yếu (như Google đã làm).
Hiện nay các cổng MOOC còn cung cấp các khóa on-demand, hay self-paced không chịu ràng buộc bởi các tính chất mặc định của các khóa học đại chúng mở trực tuyến là: tiếp cận đại chúng; mở về nội dung, mở về phí, mở về khả năng tham gia, và mở về nền tảng; học trực tuyến qua Internet; và nội dung và tổ chức học tập như một khóa học chính quy chứ không đơn thuần là cung cấp một vài tư liệu rải rác được gom lại. |
Ngoài ra, MOOC còn có thể được sử dụng như là một kênh đào tạo khách hàng [cách sử dụng sản phẩm của mình] hữu hiệu, ví dụ Google kết hợp Udemy để phát triển khóa học dạy lập trình trên nền tảng Android; để phát triển thương hiệu thông qua các khóa học; hoặc thậm chí để đưa ra các giải pháp cho các vấn đề thực tiễn2 như Coursolve, một startup EdTech mới nổi, đã thực hiện việc đưa sinh viên thực tập vào các dự án để phân tích và giải quyết các chiến lược hoặc tình huống thực tiễn ngay tại các doanh nghiệp.
Ở Việt Nam, trường đào tạo cán bộ mới được thành lập của tập đoàn FPT – FPT Corporate University (FCU) – đã xây dựng một chương trình học tập liên tục mang tính bắt buộc cho toàn bộ nhân viên với điểm nhấn quan trọng là MOOC. Năm 2015, có khoảng 6.000 trong tổng số 25.000 nhân viên của FPT sẽ theo học ít nhất một khóa học trên Coursera hoặc tương đương để hoàn thành “nhiệm vụ học tập”. Dường như FPT đã nhìn ra được cơ hội to lớn từ đặc tính quan trọng của MOOC: giáo dục chất lượng cho số đông dân chúng. Họ đã tận dụng MOOC như thế nào?
Tương lai hiển lộ: Đại học hoàn toàn trên mây
Tuy ý tưởng về trường “đại học trong doanh nghiệp” của FPT nhang nhác giống những mô hình kinh điển khác trên thế giới như ĐH Apple được mở ra từ năm 2008 để triển khai các chương trình đào tạo nội bộ về văn hóa Apple, hay như ĐH Infosys chuyên đào tạo tân binh cho tập đoàn IT lớn nhất Ấn Độ Infosys, trường FCU thành lập năm 2015 lại lựa chọn phương tiện và cách làm mới: Thay vì chỉ tập trung vào xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo truyền thống, FCU đưa mọi người lên “Mây” (tức lên Internet) để học.
Nhận thấy sự phát triển nhanh chóng của MOOC cùng với hàng loạt các công nghệ giáo dục khác (như Duolingo, Khan Academy, Gooru…) khiến cho kho tài nguyên giáo dục mở trên mạng đã đủ lớn để có thể đáp ứng nhu cầu học tập của đa số nhân viên FPT, đội ngũ nghiên cứu và phát triển của FCU tập trung tìm kiếm các khóa học phù hợp, bản địa hóa chúng, và thiết kế các cách thức học tập tối ưu với điều kiện ở công ty.
Bên cạnh việc nhờ cậy vào tinh thần “ham học” của mỗi nhân viên, FCU tích cực tận dụng kho tri thức và đội ngũ chuyên gia sẵn có của tập đoàn, kết hợp với các tài nguyên miễn phí trên Coursera để thiết kế các khóa học dạng blended-learning (học tập hỗn hợp, kết hợp cả học trực tuyến với học truyền thống), giúp “giải tỏa” cơn khát đào tạo trong một số lĩnh vực có nhu cầu lớn như Quản trị dự án hay Giao tiếp hiệu quả với chi phí tối ưu. Cách làm của FPT phản ảnh một xu thế mới nổi trong ứng dụng MOOC vào đào tạo doanh nghiệp. Nếu cách tiếp cận của FPT thành công, có thể đây sẽ là một cái mẫu hết sức điển hình cho việc triển khai các chương trình đào tạo nội bộ.
Thật thú vị, Coursera hay edX vốn xuất thân từ cái nôi đại học truyền thống như Harvard, Stanford, hay MIT lại dường như đang đóng vai trò rất lớn cho khu vực giáo dục phi chính quy thông qua việc cung cấp nguồn tài nguyên giáo dục để người học khắp năm châu bốn bể tự học, tự hoàn thiện năng lực theo nhu cầu.
Chúng ta đã nghe rất nhiều về “học tập suốt đời”, học tập liên tục để thích nghi với một thế giới biến đổi nhanh chóng hiện nay. Nhưng học như thế nào, ở đâu, với chi phí bao nhiêu lại hầu như không có câu trả lời dễ dàng. Vì thế “học tập suốt đời” giống như một khẩu hiệu nói cho sang miệng chứ ít thực tế. Việc học của hầu hết mọi người gần như đã chấm dứt khi họ rời khỏi trường đại học hoặc các trường đào tạo nghề. Ngược lại, câu chuyện của Thảo Nguyên với MOOC, của các công ty Google, Yahoo!, FPT lại giúp chúng ta hình dung rõ hơn về một thực tế khác, có thể chính là tương lai của học tập suốt đời. Giờ thì chúng ta hoàn toàn có thể tham gia vào những chương trình học tập theo nhu cầu, để phục vụ công việc hiện tại, hoặc để thỏa mãn lòng hiếu tri thuần khiết. Những “trường đại học trên mây” phi chuẩn như Coursera, edX, Udacity, hoặc tùy biến như FCU có thể chính là lời giải cho việc hiện thực hóa sự học suốt đời cho mọi người, cho những tổ chức học hỏi, và những xã hội học tập trong tương lai gần.
————-
1Chen Zhenghao và cộng sự, “Who’s Benefiting from MOOCs, and Why“, HBR, 22-9-2015 (https://hbr.org/2015/09/whos-benefiting-from-moocs-and-why)
2 Zafrin Nurmohamed và cộng sự, “A New Use for MOOCs: Real-World Problem Solving”, HBR, 4-7-2013 (https://hbr.org/2013/07/a-new-use-for-moocs-real-world/)