10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam?
Viện Đo lường và đánh giá sức khỏe (IMHE) thuộc Đại học Washington ở Seattle, Mỹ vừa công bố các thống kê liên quan đến tình hình sức khỏe của người Việt năm 2017.
Theo IMHE, mười nguyên nhân lớn nhất gây tử vong ở Việt Nam lần lượt là 1) đột quỵ, 2) bệnh tim do thiếu máu cục bộ, 3) ung thư phổi, 4) bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, 5) alzheimer, 6) tiểu đường, 7) xơ gan, 8) tai nạn giao thông, 9) nhiễm trùng đường hô hấp dưới và 10) lao. Đây cũng là những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu theo đánh giá của IMHE vào 2007. Hầu như các bệnh trong top 10 này không thay đổi mà chỉ thay đổi vị trí thứ tự một số căn bệnh. Chẳng hạn, lao từng là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ năm vào 2007 thì nay đã xuống vị trí thứ mười còn tiểu đường trước đây chỉ đứng thứ mười thì nay đã trở thành nguyên nhân gây tử vong đứng thứ sáu tại Việt Nam. Điều này cho thấy, các chương trình y tế mà Việt Nam đã triển khai nhằm đối phó với bệnh lao đã có hiệu quả, tuy nhiên nỗ lực của ngành y tế vẫn còn chưa đủ trước diễn biến bệnh tật mới, khi tiểu đường – một trong những căn bệnh phổ biến trên thế giới hiện nay, đang tăng cao.
Trong nghiên cứu này, IMHE chỉ ra những yếu tố hàng đầu có thể vừa gây ra tử vong vừa gây khuyết tật ở Việt Nam gồm có: 1) thói quen ăn uống, 2) hút thuốc, 3) huyết áp cao, 4) tăng đường huyết khi đói, 5) uống rượu, 6) ô nhiễm không khí, 7) chỉ số khối cơ thể (BMI) cao, 8) suy dinh dưỡng, 9) bệnh nghề nghiệp, 10) rối loạn mỡ máu, 11) suy giảm chức năng thận. Theo đó, các yếu tố nguy cơ hàng đầu vẫn không có gì thay đổi so với 10 năm trước. Nhưng một điều đáng quan tâm là thói quen ăn uống của người Việt lại là một căn nguyên “gây nguy hiểm” cho sức khỏe. Cụ thể, đa số người Việt có thói quen ăn rất nhiều tinh bột, trong khi tiêu thụ một lượng lớn tinh bột gạo sẽ dẫn đến việc đưa một lượng đường quá lớn vào cơ thể – một trong những nguyên nhân gây ra các bệnh mãn tính như béo phì và tiểu đường.
Những kết quả nghiên cứu của IMHE cũng là một gợi ý có ích để các nhà quản lý hoạch định các chương trình y tế của Việt Nam, ví dụ như nêu ra thực tế là hầu hết các nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam đều gồm các bệnh không truyền nhiễm (trừ lao) trong khi chính sách y tế công cộng hiện hành đều chủ yếu tập trung vào bệnh nhiễm khuẩn. Do vậy, chúng ta cần có những thay đổi kịp thời trong các chính sách y tế công cộng để sẵn sàng ứng phó. ¨
Bảo Như