15 năm vì an toàn và chất lượng truyền máu

“Máu là vấn đề sinh mạng [con người] chứ không phải chuyện đùa”, đó là lời giải đáp ngắn gọn mà GS.TS. Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học truyền máu Trung ương (NIHBT), đưa ra khi nói về động lực khiến ông và đồng nghiệp kiên trì thực hiện những nghiên cứu về máu trong suốt gần 15 năm qua. Những nghiên cứu ấy tập hợp trong cụm công trình “Nghiên cứu ứng dụng KHCN nhằm đảm bảo an toàn truyền máu, phục vụ cho cấp cứu và đảm bảo đủ máu dự trữ cho điều trị”1, được đề nghị trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về KH&CN đợt 5.

GS. TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng NIHBT

Tuy nhiên, GS. TS Nguyễn Anh Trí và cộng sự của ông, bác sỹ chuyên khoa 2 Phạm Tuấn Dương, Phó Viện trưởng NIHBT, đều khiêm nhường cho rằng, phần lớn các nghiên cứu này là sự kế tục công việc của những thế hệ các nhà nghiên cứu đi trước, những người từng phải làm việc trong điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn và chưa được tiếp cận với công nghệ tiên tiến nhiều như hiện nay nên dù không ít các công trình nghiên cứu về máu của họ có giá trị nhưng thường rải rác, thiếu tập trung dẫn đến hạn chế hiệu quả sử dụng. Học hỏi kinh nghiệm từ thế hệ các nhà nghiên cứu trước, GS. TS Nguyễn Anh Trí cùng với đồng nghiệp tại NIHBT đã xây dựng một kế hoạch nghiên cứu dài hạn, bắt đầu từ những nhiệm vụ cấp cơ sở để giải quyết các vấn đề cơ bản, đặt nền móng cho việc thực hiện những đề tài hoặc dự án sản xuất thử nghiệm tiếp theo cấp bộ, cấp nhà nước nhằm giải quyết những vấn đề trên quy mô lớn hơn, qua đó đưa ra những quy trình, sản phẩm được chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế và được Bộ Y tế phê chuẩn áp dụng trên quy mô toàn quốc.

Xây dựng chuỗi nghiên cứu liên tục và đồng nhất

Một trong những yếu tố cơ bản dẫn đến thành công của các đề tài nghiên cứu trong cụm công trình của NIHBT là do được tiến hành theo một lộ trình chặt chẽ, không chỉ theo các cấp độ quy mô mà còn có cả tính kế thừa, bổ sung cho nhau về mặt chuyên môn. Kết quả nghiên cứu của đề tài này bổ sung, hỗ trợ trực tiếp việc thực hiện đề tài khác.

Theo GS. TS Nguyễn Anh Trí, điều bất ngờ là cách thức tổ chức công việc nghiên cứu có tính hệ thống chặt chẽ và bài bản như vậy lại bắt đầu từ những kinh nghiệm tưởng chừng rất nhỏ nhặt. Nhớ lại thời điểm sang Nhật Bản học một khóa về công nghệ y tế (medical technology), GS. TS Trí được giao nhiệm vụ xử lý 20 vạn mẫu máu mỗi ngày – công việc dường như thuộc về trách nhiệm của một kỹ thuật viên hơn là nhà nghiên cứu. “Các thầy Nhật giải thích, ‘công nghệ y tế tưởng là việc lớn nhưng học rất dễ và rất nhanh vì đã có quy trình rồi, quan trọng là cách giải quyết vấn đề từ cái nhỏ nhất, điều này nếu học không được thì mai này về nước tổ chức công việc không được đâu’, tôi mới ngã ngửa người ra.”, GS. TS Nguyễn Anh Trí kể với phóng viên Tia Sáng về những gợi ý đầu tiên cho việc tổ chức các nghiên cứu tại NIHBT.

GS.TS. Nguyễn Anh Trí và nhóm cộng sự tại NIHBT đã có cách tiếp cận rất bài bản khi xác định mối quan hệ mật thiết giữa những nội dung chính cần nghiên cứu: 1. An toàn truyền máu về mặt miễn dịch; 2. An toàn truyền máu phòng lây nhiễm HIV, HBV, HCV qua đường truyền máu; 3. Đủ nguồn người hiến máu an toàn, đáp ứng nhu cầu về máu và các chế phẩm máu, qua đó có thể thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu một cách đồng bộ. Ví dụ khi nghiên cứu về tạo nguồn hiến máu an toàn ở các vùng đô thị và miền núi, hải đảo, các nhà nghiên cứu của NIHBT cũng tiến hành nghiên cứu phương pháp xác định chất lượng nguồn cung máu ở đó, từ đó hình thành những “ngân hàng máu sống” tin cậy. GS. TS Trí cho biết, phương thức tuyển chọn những người vào danh sách “ngân hàng máu sống” tuân thủ theo một quy trình nhất quán, đảm bảo quy trình đó có thể áp dụng rộng rãi ở nhiều tuyến cơ sở y tế, Trung ương đến địa phương, kể cả các vùng sâu, vùng xa hay biên giới, hải đảo. Mẫu máu của những người đạt tiêu chuẩn kiểm tra sức khỏe ban đầu được chuyển về sàng lọc tại NIHBT bằng phương pháp NAT (Nucleic Acid Amplification Test), kỹ thuật xét nghiệm sinh học phân tử có khả năng phát hiện ra chất liệu di truyền (ADN, ARN) của tác nhân gây bệnh như virus viêm gan B (HBV), viêm gan C (HCV) và HIV trong máu với “thời gian cửa sổ” ngắn hơn so với kỹ thuật xét nghiệm huyết thanh học, phương pháp xét nghiệm đang được áp dụng phổ biến tại Việt Nam. Trên cơ sở đó, NIHBT thành lập danh sách “ngân hàng máu” và giao cho UBND huyện, cơ sở y tế huyện, trạm xá xã… để các nơi này có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra sức khỏe định kỳ, thậm chí tổ chức “báo động thử” để kiểm tra độ sẵn sàng của người hiến.

Nghiên cứu thành công nâng cao an toàn, chất lượng truyền máu

Với quyết tâm làm ra sản phẩm cụ thể, các nhà nghiên cứu của NIHBT không bằng lòng với những đề tài nghiên cứu có kết quả mới chỉ đạt được ở quy mô thử nghiệm hoặc được áp dụng trong phạm vi Viện. Một minh chứng rõ nét cho quyết tâm này là từ 16 nhiệm vụ cấp cơ sở, Viện đã thực hiện đề tài nghiên cứu cấp Bộ Y tế “Nghiên cứu xây dựng panel hồng cầu tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương nhằm nâng cao chất lượng an toàn truyền máu về mặt miễn dịch” với thành công xây dựng được bộ panel hồng cầu sàng lọc và định danh kháng thể bất thường, đồng thời làm ra bộ hồng cầu mẫu. Sau đó, NIHBT tiếp tục đề xuất với ban chủ nhiệm chương trình KH&CN trọng điểm cấp nhà nước KC 10 (Bộ KH&CN) dự án sản xuất thử nghiệm “Hoàn thiện quy trình sản xuất, bảo quản và cung cấp panel hồng cầu cho các cơ sở cung cấp máu cho toàn quốc để nâng cao chất lượng dịch vụ truyền máu” (mã số KC 10.DA 10/06-10) với một phần kinh phí từ chương trình và một phần kinh phí đối ứng của Viện.

PGS. TS Mai An giải thích, các bộ panel hồng cầu dùng để sàng lọc kháng thể bất thường, những kháng thể thường xuất hiện trong máu của những người hay phải truyền máu, truyền máu nhiều lần, như trường hợp những người mắc bệnh Thalassemia (tan máu bẩm sinh) suốt đời cần truyền máu. Những kháng thể bất thường trong máu người bệnh là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng “truyền máu không hiệu lực” mà theo lời GS. TS Nguyễn Anh Trí “truyền [được] mấy đơn vị máu tưởng là yên tâm rồi nhưng [thực tế là] không có hiệu quả gì hết”. Nhờ các bộ panel hồng cầu này, các bác sỹ có thể xác định sớm trong máu bệnh nhân có kháng thể bất thường hay không và đó là kháng thể nào, sau đó tiến hành lựa chọn loại máu phù hợp để truyền. Như vậy sẽ giúp người bệnh nhận máu truyền an toàn hơn, và cho phép “hồng cầu có thể tồn tại trong mạch của bệnh nhân ít nhất hai, ba tháng, số lần truyền máu giảm đi, chứ còn như trước đây cứ hai, ba tuần một lần lại phải vào viện”, PGS. TS Bùi Thị Mai An nhận xét về những hiệu quả mà bộ panel hồng cầu mang lại.

Từ kết quả nghiên cứu này, dự án sản xuất thử nghiệm được NIHBT thực hiện ngay tại khu vực sản xuất của Viện trong bối cảnh gặp nhiều thuận lợi về nhân lực và cơ sở vật chất khi những trang bị nhiều thiết bị hiện đại được bổ sung, mua sắm từ năm 2004, “không như trước đây dùng máy ly tâm xử lý cứ 10 chai lại vỡ một chai hay tiểu cầu được tách chiết chỉ tồn tại được 24 giờ” như lời bộc bạch của ThS Phạm Tuấn Dương. Sau ba năm thực hiện, NIHBT đã làm chủ được toàn bộ quy trình sản xuất panel hồng cầu với các kỹ thuật lọc bạch cầu bằng phin lọc bạch cầu, rửa hồng cầu bằng máy ly tâm lạnh trong ống falcon, pha hồng cầu 5%, đông lạnh hồng cầu trong ống falcon… cũng như tự làm ra nguyên liệu như các dung dịch nuôi dưỡng và bảo quản hồng cầu (Alsever) rẻ bằng 1/10 dung dịch cùng loại (CellStabs) của nước ngoài. Việc nghiên cứu và sản xuất thành công bộ sinh phẩm panel sàng lọc và định danh hồng cầu đạt tiêu chuẩn quốc tế đã trở thành niềm tự hào của NIHBT, tuy nhiên, ThS Phạm Tuấn Dương vẫn khiêm tốn, “chúng tôi chỉ cố gắng thực hiện trọn vẹn một quy trình kết nối phòng thí nghiệm với bộ phận sản xuất để làm ra những sản phẩm có thể dùng được, có thể áp dụng được, nhằm đảm bảo vấn đề an toàn truyền máu”.

Hiện nay, mỗi tháng NIHBT sản xuất được 1.000 bộ chế phẩm mẫu, 100 bộ chế phẩm sàng lọc để cung cấp cho 117 bệnh viện thuộc 27 địa phương trên cả nước.

Tạo ra quy trình chuẩn để có thể ứng dụng rộng rãi

Với ý thức rõ ràng hướng tới tính ứng dụng thiết thực và rộng rãi của kết quả nghiên cứu trong cộng đồng, GS. TS Nguyễn Anh Trí và các cộng sự luôn nỗ lực để đảm bảo tất cả các đề tài nghiên cứu đều có sự chuẩn hóa các quy trình thực hiện, đơn cử như các công đoạn trong quá trình thành lập “ngân hàng máu sống” bao gồm vận động truyên truyền, xét nghiệm, sàng lọc, khám kiểm tra lại sức khỏe… đều được NIHBT hoàn thiện trước khi bàn giao lại Bộ Y tế. Khi đã chuẩn hóa, việc áp dụng quy trình tại cơ sở y tế các cấp cũng thuận lợi hơn. GS. TS Nguyễn Anh Trí đã đề nghị Bộ Y tế cấp kinh phí để NIHBT có thể mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho các nhân viên y tế trên toàn quốc để họ có thể áp dụng quy trình ngay tại cơ sở, “riêng về quy trình thành lập ‘ngân hàng máu sống’, chúng tôi đã mở được 10 lớp, mỗi lớp thu hút khoảng 100 người tham gia tập huấn, qua đó có thể yên tâm về việc thực hiện các công đoạn theo đúng quy chuẩn tại các địa phương”.

Trên cơ sở những kết quả thực hiện nghiên cứu và đề xuất của Viện, Bộ Y tế đã ban hành thông tư số 26/2013/TT-BYT hướng dẫn hoạt động truyền máu, thay thế quyết định số 06/2007/QĐ-BYT về quy chế truyền máu, trong đó có những quy định rất rõ về tuyển chọn người hiến máu; xét nghiệm các đơn vị máu toàn phần và thành phần máu; điều chế, bảo quản, vận chuyển máu và chế phẩm máu; quản lý, sử dụng máu và chế phẩm máu ở cơ sở điều trị; lưu giữ hồ sơ và chế độ báo cáo… Kỹ thuật NAT về sàng lọc máu, kỹ thuật mà các quốc gia phát triển trên thế giới đang sử dụng, cũng được đưa vào thông tư để bắt buộc các cơ sở y tế phải áp dụng với lộ trình thực hiện: trước ngày 1/1/2015 với Hà Nội, Thừa Thiên – Huế, TPHCM, Cần Thơ; trước ngày 1/1/2017 với Thái Nguyên, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Khánh Hoà, Đắc Lắc, Bình Định và trước ngày 1/1/2018 trên toàn quốc. “Với quy định của thông tư, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đồng ý thanh toán cho bệnh nhân nếu có thẻ bảo hiểm y tế. Điều chúng tôi rất mừng là đã đem lại cơ hội cho người dân Việt Nam được thụ hưởng máu và chế phẩm máu an toàn như quốc tế”, GS. TS Nguyễn Anh Trí cho biết.

Để đảm bảo triển khai kỹ thuật NAT đúng thời hạn trong thông tư, nhiều bệnh viện trên cả nước đã bắt đầu gửi cán bộ về Viện học hỏi, nâng cao trình độ. “Chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận và tạo điều kiện cho họ nắm bắt kiến thức, ví dụ như hiện chúng tôi đang hướng dẫn bác sỹ Nguyễn Long Quốc (bệnh viện trường Đại học Y dược Cần Thơ) để khi kết thúc khóa học, anh có thể thực hiện kỹ thuật sàng lọc và định danh kháng thể bất thường một cách thuần thục như chúng tôi”, PGS. TS Mai Thị Mỹ An nói.

Như vậy, bằng cách thức tổ chức thực hiện khoa học và mang tính hệ thống, cụm công trình “Nghiên cứu ứng dụng KH&CN nhằm đảm bảo an toàn truyền máu, phục vụ cho cấp cứu và đảm bảo đủ máu dự trữ cho điều trị” đã được ứng dụng rộng rãi, nói như PGS. TS Mai Thị Mỹ An “dù gặp khó khăn đến mấy trong quá trình nghiên cứu thì chúng tôi cũng cảm thấy vui vui vì làm được điều có ích và thấy nó được mọi người đón nhận”.

———-
1 Cụm công trình “Nghiên cứu ứng dụng KHCN nhằm đảm bảo an toàn truyền máu, phục vụ cho cấp cứu và đảm bảo đủ máu dự trữ cho điều trị” do nhóm tác giả: GS.TS. Nguyễn Anh Trí, PGS.TS. Bùi Thị Mai An, TS. Ngô Mạnh Quân, BSCKII. Phạm Tuấn Dương, PGS.TS. Bạch Khánh Hòa thực hiện

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)