150 năm Viện Khoa học Nhà nước Mỹ

Ngày 3/3/1863, Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln ký lệnh thành lập Viện Khoa học Nhà nước Mỹ (US National Academy of Sciences; NAS). Đây là một tổ chức phi lợi nhuận, các thành viên phục vụ với tư cách cố vấn nhà nước về khoa học, công trình và y học.

Từ đó trở đi NAS trở thành cơ quan tư vấn khoa học độc lập của Chính phủ Mỹ. Trong 150 năm qua, để đáp ứng yêu cầu của các cơ quan Chính phủ Mỹ, NAS đã biên soạn được hơn 10 nghìn bản báo cáo. Riêng trong thời gian từ 1996 đến 2012, họ đã hoàn tất 3.805 bản báo cáo. Tuy vậy, một bình luận mới đây đăng trên tạp chí Nature lại cho rằng nếu muốn tiếp tục tồn tại, NAS phải hoạt động một cách linh hoạt hơn. Tạp chí Nature đã phỏng vấn ông Ralph Cicerone, Chủ tịch NAS (ảnh bên) về vấn đề này. Dưới đây là nội dung các câu hỏi và trả lời.

PV: Trong 150 năm qua, NAS đã xác định nhiệm vụ của mình như thế nào?

Cicerone: Dù là trước đây hoặc hiện nay, chúng tôi vẫn gánh vác sứ mệnh quan trọng được nhà nước giao cho, đó là cung cấp tư vấn tri thức cho Chính phủ Liên bang. NAS hầu như phụ trách tất cả mọi công việc thuộc các mặt khoa học và công nghệ. Thời xưa gọi là nghệ thuật cơ giới (mechanical arts).

Hiện nay NAS đang đóng một số vai trò mới, kể cả lãnh đạo dự án nghiên cứu được tài trợ bằng khoản bồi thường rò rỉ dầu trên vịnh Mexico năm 2010. Ông nghĩ thế nào về sứ mệnh của NAS trong 10 năm tới?

Tôi cần phải nói rằng chúng tôi đang tham dự nhiều hơn trong các lĩnh vực giáo dục và quốc tế, đồng thời vẫn tiếp tục giúp Chính phủ đánh giá các chương trình khoa học.

NAS làm thế nào để tỏ ra mình có sự khác biệt với các cơ quan tư vấn kiểu như các think-tank, sao cho thể hiện mình là nguồn gốc của các khuyến cáo có trình độ chuyên môn cao?

Chúng tôi cố gắng tránh những người và những lợi ích chỉ gắn bó với một phía của một vấn đề. Và chúng tôi thường áp dụng trình tự thẩm định ngang cấp rất nghiêm ngặt.

NAS làm thế nào để đi trước, nhất là khi cần bỏ ra từ một đến hai năm để tiến hành một đề án nghiên cứu của NAS?

Chúng tôi đang cố hết sức rút ngắn thời gian chậm trễ và thời kỳ thai nghén của dự án. So với tiến trình của các sự kiện đang xảy ra thì giành thắng lợi là một cuộc chiến đấu gian khổ.

Xem ra các báo cáo kiến nghị tư vấn thường không làm người ta ngạc nhiên mấy. Phải chăng NAS đang có nguy cơ trở nên lỗi thời?

Khó mà xác định được việc một bản báo cáo nào đó của NAS có thể có ảnh hưởng như thế nào. Chúng tôi cố gắng quan sát xem các nghị sĩ Quốc hội xử lý những bản báo cáo ấy ra sao, họ có đưa chúng vào các điều luật hay không? Họ sẽ truyền bá những kết luận đó ở mức độ thế nào? Báo đài đưa tin ra sao? Người ta nhận được những lời mời như thế nào để nói về vấn đề đó? Có trường hợp các báo cáo của chúng tôi sẽ ảnh hưởng trong một số năm về sau.

Tần suất mà cơ quan yêu cầu tư vấn cảm thấy kinh ngạc về các kết luận của NAS là bao nhiêu?

Tôi không thể cung cấp cho ông một số liệu cụ thể, nhưng đúng là có xảy ra trường hợp như vậy. Thí dụ một cơ quan hoặc một ban ngành của chính quyền dự định lên một dự án nhưng họ mong muốn tiến hành hành trắc nghiệm dự án đó. Xin nêu một thí dụ cụ thể: cách đây khoảng chục năm, kính viễn vọng Hubble tới thời hạn cần sửa chữa. Khi ấy NASA đưa ra một quyết định nội bộ: sẽ không tu sửa kính Hubble. Nhưng nhiều lãnh tụ các chính đảng và thủ lĩnh dân chúng lại có ý kiến phản đối, và họ đề nghị NAS phân tích giúp. Điều làm cho mọi người ít nhiều ngạc nhiên là tiểu ban của NAS lại đề xuất ý kiến nên tiến hành việc sửa chữa kính Hubble dưới tiền đề công nghệ cho phép. Sau đó NASA đã thay đổi phương án và thực thi việc sửa chữa kính Hubble. Có lẽ đây không phải là vấn đề nghiêm trọng nhất trong đời sống xã hội, nhưng là một thí dụ.

Năm ngoái NAS được cấp 2 triệu USD để nghiên cứu bài học kinh nghiệm từ sự cố hạt nhân Fukushima ở Nhật. Các nghiên cứu khác đã được cấp 250 nghìn USD. Vậy phạm vi kinh phí điển hình là gì?

Hầu như bao gồm toàn bộ phạm vi dự án.

Những khoản tiền đó chi vào việc gì?

Khoản chi đơn lẻ lớn nhất là thời gian nhân viên làm việc. Chúng tôi phải chi trả lương cán bộ nghiên cứu, bố trí họ làm một số nghiên cứu bối cảnh, quản lý toàn bộ quá trình đánh giá và giao thiệp làm việc với các nghị sĩ và cơ quan Chính phủ. Có lúc chúng tôi cũng làm nhiều công việc phân tích số liệu.

NAS có áp dụng một số biện pháp khích lệ nhằm hạ giá thành hay không?

Biện pháp chủ yếu chúng tôi đã áp dụng là các cán bộ chủ trì dự án nghiên cứu chỉ nắm một ngân sách hữu hạn, biện pháp này được tất cả mọi người công nhận.

Tình hình suy thoái kinh tế Mỹ trong mấy năm qua có ảnh hưởng gì đến số lượng dự án nghiên cứu hằng năm của NAS không?

Hiện nay chúng tôi nhận thấy có một chút ảnh hưởng, không có gì ghê gớm cũng không có gì đáng để ý. Kinh phí kích thích của Chính phủ có thể bù đắp được một số thiếu hụt. Dĩ nhiên chưa ai biết tương lai sẽ ra sao.

Cùng với sự cắt giảm kinh phí, ông có cho rằng trong tương lai, Chính phủ sẽ bớt quan tâm đến các báo cáo tư vấn của NAS hay không?

Chớ nên tin vào quan điểm đó. Dĩ nhiên điều này cũng không thể dự đoán được. Cơ quan chính quyền liên bang phải cắt giảm các khoản chi của họ, nhưng nhiều ban ngành đúng là vẫn cần những kiến nghị về mặt quyền ưu tiên. Dĩ nhiên nếu họ có nguồn kinh phí dồi dào hơn thì họ có thể cần tới những kiến nghị “rắn” hơn.

NAS cũng có một chức năng danh dự, đó là lựa chọn các thành viên [báo chí Việt Nam thường gọi là Viện sĩ] của mình. Phải chăng điều đó sẽ đem lại nguy cơ bè phái?

Đúng là luôn tồn tại nguy cơ như vậy. Một trong những điều chúng tôi quan tâm hiện nay là NAS chưa có đủ số thành viên (Viện sĩ) đến từ miền Trung nước Mỹ. Sự phân bố Viện sĩ theo vùng còn chưa đều.

Năm ngoái NAS chọn được 84 thành viên mới, trong đó có 26 nữ, tỷ lệ trên 30%, đạt kỷ lục cao nhất trong lịch sử. Nhưng năm 2011 chỉ chọn được 9 thành viên nữ. Ông xác định tư cách thành viên NAS như thế nào?

Chúng tôi không có bất cứ hạn chế nào về số lượng thành viên. Trong mấy năm qua, chúng tôi chỉ quan tâm hơn tới lớp trẻ. Tôi cho rằng chúng tôi đúng là có tạo điều kiện để các nhà khoa học nữ tham gia đội ngũ của NAS.

Ông nhận định như thế nào về vấn đề đa nguyên hóa dân tộc và chủng tộc?

Nếu quan tâm tới tình hình khoa học và công nghệ Mỹ hiện nay thì ông sẽ phát hiện những người Mỹ gốc Á châu rất ưu tú, thế nhưng trong số thành viên NAS, người Mỹ gốc Á và gốc Nam Á lại không nhiều như ông tưởng tượng. Chúng tôi mong muốn có thể áp dụng các biện pháp đột phá để thay đổi tình trạng đó, bởi lẽ lớp trẻ trong hệ thống nghiên cứu khoa học đang không ngừng tăng lên.

Thế còn người Mỹ gốc Phi và gốc Tây Ban Nha thì sao?

Số người này còn quá ít. Tôi chưa thể nói chính xác về số người Mỹ gốc Tây Ban Nha, nhưng đúng là tỷ lệ người Mỹ gốc Phi còn rất thấp.

Các thành viên của NAS có vai trò gì trong xã hội?

Chúng tôi có quy định một trình tự rất hợp lý để tuyển chọn Viện sĩ. Nếu đến thăm các trường tư thục thì ông sẽ thấy các thành viên NAS đảm nhận nhiều công việc: bảo đảm chất lượng giảng dạy, hỗ trợ việc tiến hành các lựa chọn quyền ưu tiên. Hơn nữa, họ — không phải tất cả mọi người – đều có năng lực thể hiện và sử dụng tiêu chuẩn cao đại diện cho một cơ quan.

            Hải Hoành dịch

Nguồn: US science academy celebrates 150 years (Helen Shen  01 March 2013).    
President Ralph Cicerone discusses diversity and efficiency at the National Academy of Sciences.

http://www.nature.com/news/us-science-academy-celebrates-150-years-1.12530

 

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)