20 năm nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc ở Việt Nam

Kể từ ca ghép tủy đầu tiên tại Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM vào năm 1995, đến nay đã có hơn 500 ca ghép tế bào gốc được tiến hành ở Việt Nam. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để việc nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc vào điều trị, chăm sóc sức khỏe đạt hiệu quả cao hơn, cần phải giải đáp nhiều câu hỏi liên quan đến nền tảng khoa học, kĩ thuật, nhân lực, cơ sở hạ tầng, và hành lang pháp lý.

Từ ca ghép tủy đầu tiên…

Tiến sĩ, bác sĩ Huỳnh Nghĩa, Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM cho biết, năm 1995, bệnh viện thực hiện ca ghép tủy đầu tiên, lấy tủy xương của người cho phù hợp với người ghép. Lúc ghép bệnh nhân chưa có gia đình, nay đã có hai người con, một cháu tám tuổi, một cháu năm tuổi, vẫn sống khỏe mạnh bình thường. Sau ca ghép này, nhiều ca ghép tế bào gốc khác của bệnh viện được tiến hành, không chỉ bằng phương pháp ghép tủy xương mà còn bằng phương pháp ghép tế bào gốc tạo máu từ máu ngoại vi (do PGS Nguyễn Tấn Bỉnh thực hiện ca đầu tiên). Theo TS.BS Huỳnh Nghĩa, ghép tế bào gốc tạo máu từ máu ngoại vi là phương pháp chủ yếu được sử dụng kể từ năm 1998 đến nay ở bệnh viện, và tỉ lệ sống của những bệnh nhân bị ung thư máu được ghép tế bào gốc tạo máu từ máu ngoại vi sau năm năm đạt từ 65-72%.

Ca ghép tế bào gốc đầu tiên trên thế giới được tiến hành vào năm 1960, cách đây 55 năm.

Sau đó, khi ngân hàng máu từ cuống rốn của Bệnh viện được xây dựng (hiện nay đã lưu trữ được 2.500 mẫu máu cuống rốn) thì phương pháp tế bào gốc máu cuống rốn đã được tiến hành trên 10 bệnh nhân bị ung thư máu, suy tụy. Tuy nhiên, phương pháp này vẫn bị hạn chế do lượng tế bào trong máu cuống rốn không nhiều, chi phí lại lớn trong điều kiện Việt Nam hiện nay.

Cũng theo TS.BS Huỳnh Nghĩa, trở ngại nhất trong vấn đề ghép tế bào gốc máu cuống rốn, ghép tủy xương và tế bào gốc tạo máu từ máu ngoại vi đều ở chỗ chúng ta ít tìm được người cho phù hợp. Do việc tình nguyện cho tủy, hiến tế bào gốc trưởng thành chưa phát triển ở Việt Nam, các bác sĩ buộc phải tìm một phương pháp khác là phương pháp ghép nửa thuận hợp cho những bệnh nhân bị ung thư máu thuộc dạng nguy cơ cấp cao, tức là những người sau điều trị nếu không ghép sẽ có nguy cơ bị tái phát sau hai-ba tháng. Theo đó, bác sĩ lấy tế bào gốc nửa thuận hợp từ nguồn cho của người thân trong gia đình bệnh nhân. Đến nay, Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM đã tiến hành được ba ca, nhưng ca đầu tiên đã tử vong, hai ca còn lại thành công, bệnh nhân sống khỏe và đang theo dõi.

“Sau 20 năm trong hệ thống ghép tế bào gốc tạo máu ở Việt Nam, chúng tôi đã ghép được 200 ca, đưa vào và cải tiến liên tục phương pháp ghép để người Việt Nam có cơ hội tiếp cận với những phương pháp mới trên thế giới. Tỉ lệ sống sau năm năm ghép của bệnh nhân cũng đã tương đối gần với những nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia,… Tuy nhiên số ca được ghép như vậy là quá ít, do chi phí cao, và cái khó nhất của chúng tôi là tìm được người cho phù hợp. Vì vậy, chúng tôi đang nỗ lực đưa ra chương trình đăng kí hiến tế bào gốc tạo máu để mở rộng nguồn. Ngoài ra, chúng tôi đang phấn đấu chẩn đoán và điều chỉnh các rối loạn sau ghép. Hi vọng với sự phát triển của ngành huyết học cùng đóng góp của bạn bè ngành tế bào gốc, chúng ta phát triển được tế bào gốc trong áp dụng chữa trị bệnh nhân”, TS.BS Huỳnh Nghĩa nhận định.

… đến những câu hỏi còn bỏ ngỏ

Giải quyết những vấn đề khó trong nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc vào điều trị bệnh bằng đi sâu vào các kĩ thuật mới và nguồn tế bào gốc mới như ở Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM, theo GS.TS Trương Đình Kiệt, nguyên Phó hiệu trưởng ĐH Y Dược TP.HCM, là phù hợp với hướng nghiên cứu đang phát triển mạnh và cạnh tranh trên thế giới, với nhiều sản phẩm tế bào gốc đã được chấp nhận.

Tuy nhiên, theo TS. Phạm Văn Phúc, phó trưởng phòng thí nghiệm Nghiên cứu và Ứng dụng Tế bào gốc, ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM, còn nhiều câu hỏi lớn về việc ứng dụng tế bào gốc vào điều trị, chăm sóc sức khỏe vẫn chưa được trả lời thỏa mãn như: 1. Tế bào gốc sẽ đi đến đâu trong cơ thể sau ghép? Có thể kiểm soát việc di chuyển này? 2. Số phận của tất cả các tế bào gốc sau ghép vào cơ thể sẽ như thế nào? 3. Nên ghép tế bào gốc hay ghép tế bào đã biệt hóa hay hỗn hợp hai loại tế bào này? 4. Mối quan hệ giữa tế bào gốc và ung thư? (sự sinh u hay ung của tế bào gốc ghép vào đã được chứng minh); 5. Tính toàn vẹn của tế bào gốc sau khi nuôi cấy hay biệt hóa in vitro (nuôi cấy)?…

TS Phúc cũng nhấn mạnh, kĩ thuật tế bào gốc ở Việt Nam hiện đang thiếu một nền tảng khoa học vững chắc, kĩ thuật còn lạc hậu và chắp vá. Chẳng hạn, thao tác trên tế bào gốc người sử dụng các thành phần có nguồn gốc từ động vật (stem cell culture using animal serum)1, thế giới hiện không dùng nữa nhưng Việt Nam còn dùng; không kiểm soát hay kiểm soát không đủ các tiêu chuẩn tối thiểu cho sản phẩm tế bào gốc trước khi ghép vào cơ thể; thiết bị liên quan bắt đầu lạc hậu làm cho giá thành điều trị quá cao; nguồn tế bào cho cấy ghép còn thiếu; kĩ thuật tăng sinh còn mới mẻ và chưa được quan tâm; các kĩ thuật phụ trợ cho ngành tế bào gốc không phát triển đồng bộ…

Bên cạnh đó, trị liệu dựa vào tế bào gốc cần ít nhất hai nhóm nhân lực: (1) các nhà khoa học tế bào gốc, và (2) các bác sĩ tế bào gốc. Tuy nhiên, nhân lực cho cả hai nhóm này ở nước ta vừa thiếu, vừa yếu. Thống kê cho thấy, cả nước chỉ có khoảng 300 người làm công việc liên quan đến tế bào gốc, trong đó, không quá 50 người được đào tạo chính quy về tế bào gốc. Đặc biệt quan trọng hơn, số lượng bác sĩ tế bào gốc quá ít!

TS Phúc còn cho rằng, nghiên cứu ứng dụng và ứng dụng tế bào gốc trong y học đòi hỏi những điều kiện tối thiểu để đảm bảo chất lượng nguồn tế bào khi cấy ghép. Ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, các phòng thí nghiệm thu nhận, phân lập, xử lí, nuôi cấy, bảo quản, cấy ghép… tế bào gốc đều bắt buộc phải đạt chứng nhận GLP (Good laboratory practice) và GMP (Good manufacturing practice). Tuy nhiên, hiện nay trên cả nước, số lượng phòng thí nghiệm đạt các tiêu chuẩn GLP, GMP cho nghiên cứu ứng dụng và ứng dụng tế bào gốc còn rất hiếm.

Trước thực tế đó, nhiều chuyên gia trong ngành nhận định, để làm và phát triển được tế bào gốc, vấn đề hợp tác là rất quan trọng. “Việc hợp tác là giải pháp đầu tiên và hữu hiệu nếu Việt Nam muốn nghiên cứu tế bào gốc có dấu ấn trên thế giới. Tuy nhiên, cần hiểu rằng, hợp tác là sự phân chia nghiên cứu nhiều mảng khác nhau để tạo thành một mảng ghép, chứ không phải là cùng ‘dẫm chân’ lên một mảng nghiên cứu”, GS.TS Trương Đình Kiệt nói.

Bên cạnh đó, GS.TS Trương Đình Kiệt nhấn mạnh, việc thiếu một hành lang pháp lý rõ ràng cũng khiến nhiều vấn đề quan trọng chưa có câu trả lời rốt ráo, chẳng hạn như: nhà khoa học phải làm gì để công trình nghiên cứu tế bào gốc của họ được phép ứng dụng lâm sàng; bác sĩ và bệnh viện cần điều kiện gì để được sử dụng tế bào gốc trong điều trị; các doanh nghiệp muốn đầu tư vào sản xuất các sản phẩm tế bào gốc hay liên quan tế bào gốc có được cấp phép không và hoạt động như thế nào?…

Hiện trong nước đã có một số trị liệu hiệu quả từ ứng dụng tế bào gốc, đặc biệt tế bào gốc lấy từ mô mỡ (giản tiện và chi phí không cao) cho trị liệu khớp gối, nghẽn đường hô hấp (Chronic Obstructive Pulmonary Disease – COPD) ở TP.HCM, cho bệnh li thượng bì trẻ em ở Hà Nội. Ngoài ra, gần đây tế bào gốc được dùng hỗ trợ trị liệu ung thư tử cung bằng xạ trị cũng rất thành công ở Huế. Về công nghệ, Việt Nam đang triển khai tốt kĩ thuật tế bào gốc trung mô (Mesenchymal Stem Cell – MSC), loại tế bào gốc hiện đã được công nhận và cho sử dụng ở một số nước tân tiến ở châu Âu và châu Á, và đang được nghiên cứu lâm sàng cho nhiều bệnh với kết quả khả quan.

Nói tóm lại, tôi cho rằng cần đề cao và tận dụng những kết quả mình đã đạt được để khắc phục những khó khăn và định hướng đi xa hơn cho nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc ở Việt Nam. Sự tiến bộ khoa học ở nước ngoài, theo kinh nghiệm của chúng tôi, cũng theo chiều hướng này.”

TS. Nguyễn Đức Thái, Phòng thí nghiệm Nghiên cứu và Ứng dụng Tế bào gốc, ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM




1 Theo công nghệ cũ, tế bào gốc được nuôi cấy trong môi trường sử dụng nhiều thành phần từ động vật đặc biệt là huyết thanh bò, khiến tế bào gốc người có thể bị nhiễm các chất (protein) từ bò và gây rủi ro lớn khi ghép tế bào gốc này vào người, đặc biệt là nhiễm virus, tác nhân gây bệnh từ bò sang người.

Tác giả

(Visited 11 times, 1 visits today)