20 năm nữa, trời sao đêm sẽ biến mất do ô nhiễm ánh sáng
Việc sử dụng ngày càng nhiều diode phát sáng (đèn LED) đang khiến chúng ta dần không nhìn thấy dải Ngân hà nữa, đồng thời ảnh hưởng đến sức khỏe con người và đời sống hoang dã.
Bầu trời đêm giờ đây không còn màu đen với vô vàn vì sao lung linh, mà le lói vài chấm sáng trên nền trời mùa hè xám đậm. Dải Ngân hà đã từng trải dài lấp lánh nay cũng biến mất. Mùa hè đến tiết lộ một lời nguyền nữa của cuộc sống hiện đại: ô nhiễm ánh sáng.
Theo nghiên cứu mới, đèn LED và các loại đèn khác được dùng ngày càng nhiều đang làm sáng bầu trời ban đêm với tốc độ đáng kể. Ánh sáng tràn lan từ đèn treo ngoài trời, đèn đường, đèn quảng cáo, đèn sân vận động đang làm mờ ánh sao đêm. Vào năm 2016, các nhà thiên văn học cho biết 1/3 nhân loại không còn nhìn thấy dải Ngân hà. Kể từ đó, tình trạng ô nhiễm ánh sáng đã xấu đi rất nhiều. Ước tính với tốc độ hiện giờ, trong 20 năm nữa ta sẽ không còn nhìn thấy phần lớn các chùm sao chính nữa. Nỗi mất mát này là vô cùng lớn cả về mặt khoa học lẫn văn hóa.
Nghiên cứu của các nhà khoa học tại Trung tâm Khoa học địa chất Đức cho thấy ô nhiễm ánh sáng hiện đang khiến bầu trời đêm sáng lên với tốc độ 10% mỗi năm. Điều này sẽ xóa sổ tầm nhìn về hầu hết các ngôi sao trong vòng một thế hệ. Vài thế hệ trước đây, mọi người thường xuyên được chiêm ngưỡng hình ảnh lấp lánh của vũ trụ. Còn lúc này, sao trời đã trở nên hiếm thấy. Hiện chỉ những người giàu nhất và một số người nghèo nhất thế giới mới có thể thấy sao, còn những người khác thì gần như không có cơ hội này.
Ngoài tác động về văn hóa và thiên văn, ô nhiễm ánh sáng còn gây ảnh hưởng sinh thái nghiêm trọng. Rùa biển và chim di cư được ánh trăng dẫn đường, ô nhiễm ánh sáng khiến chúng lạc lối. Các loài côn trùng, thức ăn chính của chim và các động vật khác, thì bị ánh sáng nhân tạo thu hút và chết ngay khi chạm phải nguồn sáng.
Không chỉ vậy, ô nhiễm ánh sáng còn ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Đèn LED phát ra ánh sáng xanh và gần như không có ánh đỏ hay cận hồng ngoại, khiến ta thiếu hai loại ánh sáng này. Khi chiếu lên cơ thể người, ánh đỏ kích thích các cơ chế như phân giải lượng đường cao trong máu hoặc tăng sản xuất melatonin, chất quan trọng trong điều hòa đồng hồ sinh học và giấc ngủ. Theo các nhà khoa học, việc ánh sáng nhân tạo như đèn huỳnh quang và sau này là đèn LED thiếu một phần của phổ quang học có thể là nguyên nhân gây ra làn sóng béo phì hiện nay và làm tăng số ca tiểu đường.
Tại bệnh viện và phòng chăm sóc đặc biệt, các nhà nghiên cứu cũng đang tìm hiểu xem việc lắp đặt thêm đèn hồng ngoại có tác động gì đến khả năng hồi phục của bệnh nhân bị thiếu phần quang phổ này không.
Tuy nhiên, công chúng vẫn chưa nhìn nhận ô nhiễm ánh sáng là một mối nguy, giống như ít người biết về hệ quả tiêu cực khi hút thuốc vào những năm 80. Song, chỉ một số thay đổi đơn giản cũng có thể cải thiện đáng kể tình hình. Ví dụ, mỗi gia đình nên để đèn treo ngoài trời hướng xuống dưới, có tấm ngăn côn trùng, sáng vừa đủ, có ánh đỏ và cam chứ không chỉ xanh trắng.
Ngoài ra, chính quyền một số nước đang xem xét các đề xuất cắt giảm ô nhiễm ánh sáng. Trong đó, một ủy ban đặc biệt của Quốc hội Anh đã đề nghị thành lập một bộ chuyên trách về bầu trời đêm, lập ra các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về độ sáng và hướng chiếu sáng. Theo báo cáo của ủy ban, việc đưa ra một gói chọn lọc các quy định về thiết kế để quản lý, tránh sử dụng ánh đèn bừa bãi, kèm với hình phạt pháp lý đối với trường hợp vi phạm, có thể sẽ mang lại hiệu quả lớn.
Việc thay đổi bộ mặt của hành tinh và làm cho đèn LED trở nên thân thiện hơn đòi hỏi nhiều nỗ lực, song là điều cần thiết vì nó có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của con người.
Phương Anh dịch
Nguồn: https://www.theguardian.com/science/2023/may/27/light-pollution-threatens-to-make-stars-invisible-within-20-years