21 bài học cho thế kỷ XXI. Phần 3: Thế giới hậu sự thật

Chúng ta có thể gọi “Homo sapiens” là một loài Hậu-sự thật vì sức mạnh và bản chất của nó là việc tạo ra và tin vào các câu chuyện hư cấu. Giữa thế giới Hậu sự thật này, chúng ta còn băn khoăn hàng loạt câu hỏi: thế giới thực chúng ta đã tạo ra như thế nào? những câu chuyện cũ và mới trong đó? Cái gì sẽ xuất hiện? Chức năng cần thiết trong cuộc đời là gì? Chính trị và tôn giáo, hay Chúa là ai? Và cuối cùng là cái gì là ý nghĩa của cuộc đời này?


Dốt nát

Trong suốt vài thế kỷ qua, tư tưởng tự do được xây dựng trên nền tảng những cá nhân lý trí. Các nền dân chủ hay thị trường tự do đều cho rằng chỉ cần để số đông quyết định theo kiểu bình quân đầu phiếu là sẽ có lựa chọn tốt nhất. Nhưng thực tế ngày nay đã cho thấy các giả định về cá nhân lý trí, đúng hơn là cá nhân quyết định theo lý trí lại không thuyết phục. Thứ nhất, các nhà kinh tế học hành vi và tâm lý học tiến hóa đã chỉ ra hầu hết các quyết định của con người chứa nhiều cảm tính hơn suy luận lý trí. Thứ hai là con người còn quyết định theo cộng đồng tính: chúng ta bị ảnh hưởng bởi quyết định của những người xung quanh mình. Sự suy nghĩ và chia sẻ nhóm chính là cái giúp con người làm chủ thế giới này, nhưng cũng chính nó khép kín mỗi người vào trong cái phòng phản âm chứa đầy những người suy nghĩ giống mình, và mình cũng giống họ. Nơi đó tin tức tự xác thực và niềm tin tự củng cố.

Và khi bước ra ngoài, những con người đó nói về đủ mọi thứ như thể họ là chuyên gia, từ khí tượng học cho đến chính sách biến đổi khí hậu, từ những việc cần làm ở Iraq hay Ukraine trong khi chưa chắc đã biết các quốc gia này ở đâu trên bản đồ. Kể cả khi các chuyên gia thực sự đưa thêm các bằng chứng và dữ kiện chính xác cũng không cải thiện là bao. Công chúng sẽ lại bị chi phối bởi cảm tính và quan điểm của những người xung quanh mình. Chúng ta đang có quá nhiều thông tin nhưng thực sự lại biết quá ít và cuộc sống hiện đại càng khuếch đại thêm sự “dốt nát” đó của con người. Ngay cả các tổng thống và giám đốc điều hành, những người được hỗ trợ bởi hàng loạt các chuyên gia nhiều khi cũng không hiểu sâu các chủ đề quan trọng. Đơn giản là họ có quá ít thời gian, hơn nữa là ở địa vị quyền lực họ còn phải có thêm sự lựa chọn tin tưởng. Đối với họ, cả nghe và nói đều phải có sự thận trọng nhất định.

Trong cuốn sách này, Yuval Noah Harari kể về câu chuyện diễn ra vài năm trước, ông được mời dùng bữa tối với Thủ tướng Benjamin Netanyahu. Bạn bè ông đã khuyến cáo đừng có đi, nhưng bị cám dỗ bởi suy nghĩ sẽ nghe được một vài điều to tát nào đó, ông đã tới để rồi cuối cùng thất vọng tràn trề. Khoảng ba chục người khi đó đều cố tỏ ra ấn tượng với “người vĩ đại”, thế nên cũng chẳng có ai chia sẻ được với ai điều gì thực sự có ý nghĩa cả. Đây không phải là lỗi của ông Thủ tướng mà là lỗi của lực hấp dẫn quyền lực. Nhiều khi bạn phải thoát ra ngoài lỗ đen quyền lực đó để tìm kiếm những tri thức đột phá. Vấn đề sẽ càng tệ hơn trong những thập kỷ tiếp theo vì công nghệ phát triển, các dòng kinh tế và động lực chính trị sẽ càng trở nên phức tạp. Và cuối cùng thì con người, như Socrates đã chỉ ra từ hơn 2000 năm trước, tốt nhất là nên thừa nhận sự “ngu dốt” của chính mình.

Công lý

Công lý hay đạo đức đã được tiến hóa cùng với con người trong cuộc sống của các nhóm săn bắt hái lượm nhỏ. Ví dụ như nếu tôi cùng anh đi săn mà tôi săn được một con hươu to còn anh không có gì, liệu tôi có nên chia chiến lợi phẩm cho anh? (đạo đức). Còn nếu như một mình anh đi hái nấm và trở về với một giỏ đầy, liệu tôi khỏe hơn anh nên tôi có thể giật tất cả giỏ nấm đó? (công lý). Phóng đại ra, chúng ta nghĩ rằng có thể áp dụng những nguyên tắc công lý và đạo đức đó cho các vấn đề toàn cầu, thực ra không phải.

Kích thước sẽ ảnh hưởng đến bản chất của vấn đề. Và các hệ thống toàn cầu có sự phức hợp mà các nhóm nhỏ người không có. Các tác động và ảnh hưởng của con người lên hệ thống không dễ dàng nhìn ra quan hệ nhân-quả như những giỏ nấm. Yuval Noah Harari nêu ví dụ, ông sống ở nhà (tác giả sống ở Israel) không va chạm với ai; nhưng theo các nhà hoạt động cánh tả thì ông cũng nhúng tay vào những sai trái mà binh lính và di dân Israel gây ra ở Bờ Tây sông Jordan; rất có thể góp phần tạo ra các nhà xưởng bóc lột trẻ em ở Bangladesh khi mua quần áo. Các nhà hoạt động vì động vật thì đang nói ông tạo ra tội ác dã man nhất trong lịch sử bởi việc nhốt và giết hại hàng tỷ con vật nuôi. Phức tạp hơn nữa, liệu chính quyền đo ông bỏ phiếu bầu có bí mật bán vũ khí cho một nhà độc tài nào không? Liệu tập đoàn mà ông mua cổ phiếu có xả thải ra môi trường đồng thời thuê một đoàn luật sư vận động hành lang để thoát khỏi mọi quy định và không phải đền bù? Các mối quan hệ kinh tế, chính trị ngày nay phức tạp như vậy đó. Nhân-quả không rõ ràng như thời tiền sử nên khó có thể khẳng định tôi hay tập đoàn kia có ăn cắp hay bóc lột hay không?

Người ta có thể viện dẫn đến ý thức, có nghĩa là tôi không có ý thức ăn cắp hay bóc lột thì dù hành động có gây ra hậu quả cũng không vi phạm gì cả. Không đơn giản thế, nhiều tội ác khủng khiếp nhất trong lịch sử nhân loại lại đến từ sự ngu dốt và bàng quan nhiều hơn. Cuối những năm 1930, một giám đốc bưu điện mẫn cán ở Đức luôn lo lắng cho phúc lợi của nhân viên, chăm chỉ tìm kiếm từng bưu phẩm thất lạc, đi sớm về khuya, lại là một nhân tố quan trọng trong hệ thống Quốc xã đã gây ra biết bao tội ác cho nhân loại. Vì ông ta đã giúp đẩy nhanh những tuyên truyền phân biệt chủng tộc, lệnh tuyển quân của Wehrmacht hay các quân lệnh nghiêm ngặt của SS. Thế giới ngày nay đã quá phức tạp đối với những bộ óc săn bắt-hái lượm của chúng ta.

Khi không có thể hiểu được những mối quan hệ của hàng triệu người Syria hay 500 triệu người châu Âu, người ta bắt đầu sử dụng một vài phương pháp như sau: Thứ nhất là thu nhỏ vấn đề, coi cuộc nội chiến Syria diễn ra như những nhóm nhỏ với nhau; Cách thứ hai là tập trung vào những câu chuyển cảm động về con người như tượng trưng cho toàn bộ mâu thuẫn, ví dụ như số phận của một đứa trẻ Syria nhập cư. Cách thứ ba là thêu dệt nên những thuyết âm mưu, ví dụ như tưởng tượng một nhóm 20 đại tỷ phú đang giật dây toàn bộ nền kinh tế, truyền thông và điều khiển các cuộc chiến tranh trên toàn cầu; Và cuối cùng là chối bỏ sự phức tạp bằng cách thu mình lại không tìm hiểu nữa, đặt niềm tin vào một lý thuyết, tổ chức hay lãnh đạo nào đó và đi theo. Nhưng tất cả những giải pháp đó cũng đều chỉ nửa vời, không thể tìm ra được sự thật và công lý đâu cả. Kể những tập thể lớn như người Mỹ, người Trung Quốc, người Hồi hay người Hindu cũng chưa thể dẫn dắt nhân loại đi tìm công lý được.

Hậu sự thật

Có một khái niệm mà con người chúng ta đã tạo ra gọi là hậu sự thật. Ví dụ như cuối tháng 2/2014, khi các đặc nhiệm Nga chiếm đóng một số vùng quan trọng ở Crimea, người ta mô tả họ là các “nhóm tự vệ” tự phát có thể đã kiếm được quân phục trông như của Nga từ các cửa hàng địa phương. Những người theo chủ nghĩa dân tộc Nga có thể biện minh rằng dù nhóm này là ai thì họ cũng phục vụ cho một sự thật cao cả là bảo vệ Tổ quốc Nga thiêng liêng. Theo các truyền thuyết thì dân tộc Nga là một thực thể thiêng liêng đã tồn tại hàng ngàn năm, bất kể bao kẻ thù đã xâm lược và chia năm xẻ bảy đất nước. Trong những lần đó, chúng đã biến các vùng đất Nga thành những quốc gia “giả” ví dụ như Ukraina. Thế nên việc tái hợp Crimea, thậm chí là cả Ukraina vào Nga là một nhiệm vụ thiêng liêng. Thế nhưng những người Ukraina khác lại cho đó là một “hư cấu khủng khiếp như bom nguyên tử”. Việc tuyên bố Ukraina không tồn tại như một dân tộc và đất nước độc lập là ngụy biện vô căn cứ.

Việc tạo ra hay phủ nhận hoàn toàn sự tồn tại của cả một quốc gia chẳng có gì hiếm cả. Năm 1931 quân đội Nhật tạo ra một nước “giả” là Mãn Châu quốc để hợp thức hóa hành vi xâm lược của mình. Người Anh định cư ở Úc thì lại gọi đây là “terra nullius”, tiếng Latin là vùng đất không người, tức là phủ nhận hoàn toàn 50.000 năm lịch sử người bản địa Úc. Rồi đến người Do Thái tự nhận là “một dân tộc không đất đai” trở về một vùng đất không dân tộc, phớt lờ hoàn toàn sự tồn tại của cộng đồng người Ả Rập Palestine đang sống ở đó. Sẽ chẳng thiếu những ví dụ về việc các quốc gia nói có “chủ quyền không thể chối cãi” về cùng một vùng lãnh thổ.

Thế nên có thể gọi “Homo sapiens” là một loài Hậu-sự thật vì sức mạnh và bản chất của nó là việc tạo ra và tin vào các câu chuyện hư cấu. Từ thời Đồ Đá tới thời hiện đại, “Homo sapiens” làm chủ Trái đất, chinh phục các hành tinh cũng là nhờ khả năng độc đáo là sáng tạo và lan truyền những câu chuyện hư cấu. Việc đó một mặt giúp con người quy tụ và có thể hợp tác với vô số người xa lạ vì cùng tin vào một câu chuyện. Chẳng phải đợi đến Facebook hay Trump mới có những dòng tweet tuyên truyền, hàng ngàn năm trước những câu chuyện hay mẩu tin như việc Eve bị con rắn cám dỗ, linh hồn của kẻ ngoại đạo bị thiêu dưới địa ngục, hay đấng Tối cao không thích việc một người Bà-la-môn cưới một kẻ tiện dân Dalit,… đã khiến hàng trăm triệu người tin vào.

Người ta dễ tin dựa trên cảm tính là chính còn sự kiện chỉ là phụ. Ví như câu chuyện cậu bé người Anh chín tuổi Hugh được tìm thấy tử vong dưới giếng ở thị trấn Lincoln ngày 29/8/1255. Chẳng cần Facebook hay Twitter, tin đồn là cậu bé bị người Do Thái địa phương sát hại trong một lễ hiến tế lan như chớp. 19 người Do Thái bị người Cơ đốc xử tử ngay sau đó. Hàng loạt các cuộc tàn sát tiếp diễn và cuối cùng đến năm 1290, toàn bộ dân số Do Thái ở Anh bị trục xuất. Và cuối cùng thì sao? Đến năm 1955 tức mười năm sau cuộc diệt chủng Holocaust thì Nhà thờ lớn Lincoln mới bác bỏ câu chuyện vu vạ hiến tế, và đặt một tấm biển gần mộ Hugh để minh oan cho cộng đồng người Do Thái. Vậy đó, những tin đồn, tin giả có khi tồn tại đến 700 năm.

Những câu chuyện hư cấu đó sẽ xuất hiện và tồn tại mãi theo lịch sử loài người. Khi một ngàn người tin vào một câu chuyện thì đấy gọi là hư cấu, nhưng khi một trăm triệu người tin vào một câu chuyện thì đấy gọi là tôn giáo. Dù tôn giáo có nhiều điều tốt đẹp nhưng nếu không có hư cấu người ta không thể nào kết nối mọi người trên quy mô lớn được đâu.

Giáo dục 

Chúng ta sẽ phải giáo dục thế hệ sau như thế nào đây? Đây là thời điểm khó trả lời câu hỏi này nhất trong lịch sử. Sự phát triển quá nhanh của công nghệ và sinh học khiến việc dự báo trở nên quá khó khăn. Ngay bây giờ, để hình dung điều gì sẽ xảy ra trên Trái đất này vào năm 2050 đã là không tưởng. Khi đó mọi thứ đều có thể đảo lộn từ cá nhân, các mối quan hệ cho đến doanh nghiệp, chính quyền và xã hội.

Hình dung điều gì sẽ xảy ra trên Trái đất này vào năm 2050 là không tưởng bởi mọi thứ đều có thể đảo lộn từ cá nhân, các mối quan hệ cho đến doanh nghiệp, chính quyền và xã hội. Nguồn: wire.co.uk

Những gì chúng ta làm trong một hai thập kỷ tới sẽ định hình tương lai của xã hội. Trước đây chúng ta dạy quá nhiều về các kỹ năng tìm hiểu và khai phá tự nhiên thì những việc đó sẽ rất khó cạnh tranh với AI sau này. Nhiều nhà giáo dục cho rằng cần trang bị nhiều hơn 4 chữ C đó là “critical thinking”, “communication”, “collaboration” và “creativity”. Đó là khả năng phản biện những gì tiếp nhận được, khả năng giao tiếp và hợp tác giữa con người với nhau, và khả năng tự học, tự tìm tòi để thích nghi với sự phát triển quá nhanh của máy móc. Sau này con người sẽ phải sẵn sàng cho nhiều thay đổi đột ngột hơn nữa, cần chuẩn bị đủ năng lượng, cả thể chất và tinh thần, cho đầy đủ trong những tình huống đó. Nhưng đáng tiếc là những kỹ năng đó lại chưa có nhiều trong chương trình giáo dục của con trẻ hiện nay.

Và ý nghĩa cuộc sống là gì?

Để làm được như vậy chúng ta cũng cần hiểu chính mình hơn, tự đặt câu hỏi “tôi là ai” và “tôi muốn gì từ cuộc đời này”. Chúng ta không thể để máy móc hiểu rõ mình hơn chính bản thân mình. Điều này lại dẫn con người chúng ta trở lại những câu chuyện lớn nhất là của cả vũ trụ và vai trò của mình trong đó. Câu chuyện đó sẽ giải thích tất cả và mỗi người chúng ta sẽ là một mắt xích trong đó, có chức năng và vai trò xác định.

Với người Hindu đó là “dharma” hay con đường mà mỗi người phải đi và hoàn thành. Khi hoàng tử chiến binh Arjuna ngần ngại chùn tay giữa trận chiến, thần Krishna giải thích với anh rằng trong vòng xoáy vũ trụ, “dharma” của anh là con đường của một chiến binh. Nếu cố đi theo con đường khác anh sẽ phá vỡ cân bằng vũ trụ và không bao giờ tìm được bình an. Thế là Arjuna tiếp tục chiến đấu và đưa quân đội mình đến thắng lợi.

Trong bộ phim sử thi Vua Sư tử của Disney, vua sử tử Mufasa đã kể cho cậu bé Simba về Vòng Đời vĩ đại và sứ mệnh của cậu. Nhưng Simba lại chỉ muốn là một con sư tử bình thường giữa muôn loài, từ chối ngai vàng và bỏ đi. Thế thì Vòng đời lại mang đến Scar độc ác, giành lấy ngôi vương và dẫn dắt vương quốc sư tử vào những sai lầm và bạo lực. Và rồi Simba đã nhận ra sứ mệnh hoàng gia của mình trong một ảo ảnh của cha Mufasa và Vòng Đời, để rồi trở về vương quốc đánh bại Scar và lên ngôi. Simba đã không thể thoát khỏi “dharma” của mình.

Dù con đường đó là gì thì ta vẫn buộc phải đi theo. Một người thợ sửa xe nhận ra con đường của mình và đi theo nó cũng là tốt. Mỗi hành động nhỏ của mỗi người trong cuộc sống cũng thấm đẫm ý nghĩa của vũ trụ. Và các tôn giáo hay chủ nghĩa dân tộc cũng đã thêu dệt nên những câu chuyện vòng đời, sứ mệnh cho mỗi thành viên của mình. Và trong đó Hinđu giáo và Phật giáo đã dẫn dắt con người hướng đến mục đích thoát khỏi Vòng đời kia, hay còn gọi là Luân hồi. Và khi bạn đã tin vào một câu chuyện nhất định, nó sẽ làm bạn cực kỳ hứng thú với cả những tiểu tiết nhỏ nhất của nó, khiến cho bạn không nhìn ra gì khác nữa.

Nhưng gượm đã, nếu tin vào Vòng đời thì có nghĩa là mọi thứ sẽ vĩnh hằng? Là một người Israel. Yuval Noah Harari sẽ cống hiến cho đất nước, tưởng nhớ các người lính ngã xuống ở Bờ Tây vì một quốc gia vĩnh hằng? Nhưng không, ông cho rằng chẳng có gì là vĩnh hằng cả. Giờ ai cũng biết vũ trụ này đã tồn tại vài tỷ năm và sẽ sống thêm vài tỷ năm nữa thôi rồi sẽ hết. Thậm chí là 200 triệu năm nữa thôi có khi cũng chẳng còn loài có vú nào tồn tại nữa cả, đừng nói đến quốc gia Israel hay Palestine.

Thế nhưng tại sao người ta lại tin vào những câu chuyện hư cấu đến như vậy? Một lý do là niềm tin của một con người rất dễ được hình thành từ thời thơ ấu. Họ nghe được câu chuyện từ cha mẹ, thầy cô, láng giềng và nền văn hóa xung quanh từ rất lâu trước khi họ hình thành nên tri thức độc lập. Thế nên khi đã có khả năng đặt câu hỏi và xác minh thì những câu chuyện kia đã gắn kết sâu nặng quá rồi, đến mức mà họ sẽ dùng chính những tri thức mới để hợp lý hóa câu chuyện đó hơn là nghi ngờ nó. Hầu hết những người đi tìm bản dạng cho mình rốt cuộc sẽ tìm thấy chính hình ảnh của cha mẹ mình.

Cái phông văn hóa đó phủ khắp lên đời sống của cá nhân và cả quốc gia. Ngay cả khi những nền móng của nó không thực sự bền vững. Thử nghĩ xem, có bằng chứng nào cho thấy con trai của Đấng sáng tạo ra toàn bộ sự sống đã được sinh ra ở đâu đó trong dải Ngân hà khoảng 2.000 năm trước không? Thế nhưng nhiều tỷ người Cơ đốc tin vào điều đó. Thậm chí trong cùng đạo Cơ đốc, người ta đã bất hòa cả ngàn năm nay khi người Công giáo phía Tây (giáo hội Roma) đặt từ “filioque” (nghĩa là “và từ đứa con trai”) vào công bố tín ngưỡng Cơ Đốc trong khi người Chính thống phía Đông (giáo hội Athens và Moscow) lại phản đối kịch liệt. Thậm chí dẫn đến chiến tranh đẫm máu giữa người Croatia (Công giáo) và Serbia (Chính thống giáo).

Thiền

Cho dù khi người ta nhận thấy các câu chuyện đó là hư cấu, họ cũng không có cách nào tìm ra sự thật. Khoa học mang đến những công cụ mạnh để phá hủy những hư cấu mà con người tạo ra nhưng cũng không chỉ ra đâu là sự thật của khởi nguồn và kết thúc. Chỉ cho đến khi tiếp xúc với thiền dòng Vipassana tác giả mới bắt đầu có manh mối.

Theo quan điểm của ông, khi chú tâm vào hơi thở chúng ta đã có thể tìm hiểu tâm trí của mình. Nhưng tâm trí như một con ngựa bất kham không chịu ngồi yên, nó luôn vùng lên để đi hết chỗ này đến chỗ khác. Thiền là một cách tu tập để giữ tâm trí lại, bằng cách hướng nó vào nhịp thở vào, thở ra càng lâu càng tốt. Và hơi thở chính là sự sống, hiểu sự sống thì ta mới có hy vọng hiểu cái sau nó là cái chết. Cách gắn tâm trí với hơi thở là bước đầu để điều khiển nó. Về sau, các khóa học dạy chúng ta dõi theo cả những cảm giác trên khắp cơ thể: nóng lạnh, đau đớn, xúc giác,… Và rồi chúng ta nhận ra rằng những phản ứng của mình với điều bên ngoài thực chất là phản ứng với cảm giác trong chính cơ thể mình. Khi hiểu được điều này thì những câu chuyện, lý thuyết hay huyền thoại áp đặt lên chúng ta cũng chẳng có ý nghĩa mấy.

Thiền không xuất phát và cũng không gắn chặt với một tôn giáo nào, ai cũng có thể luyện tập. Thiền giúp chúng ta theo dõi các cảm giác của cơ thể và phản ứng của tâm trí với những cảm giác đó một cách có phương pháp, liên tục và khách quan, từ đó khơi mở các quy luật cơ bản của tâm trí. Và câu trả lời cho đến nay vẫn còn là mở: chúng ta thực sự mới chỉ hiểu sơ bộ lớp trên của tâm trí mà thôi, còn rất nhiều điều để khám phá xem tâm trí là gì, tâm trí và trí tuệ tương tác như thế nào trong não bộ.

Quá trình tìm kiếm đó còn lâu dài và gian nan, nó vất vả như những công việc nghiêm túc khác như nhân loại học, động vật học hay phi hành gia. Nhưng ít nhất nếu muốn hiểu xem ta thực sự là ai, ta cần làm việc đó ngay bây giờ.

Tác giả

(Visited 111 times, 1 visits today)