31 triệu người Việt Nam có thể bị ảnh hưởng bởi ngập lụt hàng năm
Nghiên cứu mới cho thấy số dân bị đe dọa bởi nước biển dâng trên toàn cầu ước tính tăng gấp 3 lần, thêm khoảng 180 triệu người so với các ước tính trước đây. Số dân cư dễ bị tổn thương lớn nhất tập trung ở châu Á; ước tính đến năm 2050 có 31 triệu người Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng (so với ước tính trước đây là 9 triệu).
TP Bảo Lộc (Lâm Đồng) ngập nặng hôm 8/8/2019. Ảnh: Vnexpress.
Đến năm 2050, mực nước biển dâng sẽ đẩy mức ngập lụt ven biển trung bình hàng năm tăng cao, làm ngập các khu vực hiện có tới 300 triệu người sinh sống, theo một nghiên cứu của Climate Central công bố ngày 29/10/2019 trên tạp chí Nature Communications. Và thủy triều cao có thể vĩnh viễn nhấn chìm diện tích đất có khoảng 150 triệu người cư trú.
Những phát hiện này được dựa trên CoastalDEM, một mô hình độ cao kỹ thuật số mới được phát triển bởi Climate Central. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng các phương pháp học máy để sửa chữa các lỗi hệ thống trong dữ liệu độ cao hiện đang được sử dụng để đưa ra đánh giá quốc tế về rủi ro ngập lụt ven biển (hệ thống radar họa đồ của NASA, NASA’s Shuttle Radar Topography Mission – SRTM).
Các ước tính về số dân toàn cầu gặp rủi ro dựa trên dữ liệu từ CoastDEM cao gấp 3 lần so với các giá trị được tạo ra bằng cách sử dụng dữ liệu độ cao SRTM.
Nghiên cứu được công bố cũng như tóm tắt nghiên cứu từ Climate Central trình bày chi tiết các phát hiện của Climate Central từ việc đánh giá riêng rẽ đối với 135 quốc gia trên nhiều kịch bản khí hậu và qua các năm.
Climate Central cũng sử dụng dữ liệu độ cao mới của mình để tạo ra những bản đồ tương tác, cho phép khám phá cấp địa phương của các khu vực bị đe dọa trên toàn thế giới.
Sáu quốc gia châu Á (Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia và Thái Lan) có tổng cộng khoảng 237 triệu người sống ở những khu vực có thể sẽ phải hứng chịu các trận ngập lụt ven biển ít nhất là hàng năm vào năm 2050. Con số này nhiều hơn gấp bốn lần so với những ước tính đến năm 2050 dựa trên dữ liệu độ cao cũ.
Đánh giá dựa trên dữ liệu độ cao được cải tiến của CoastDEM cho thấy ngay cả khi khí thải nhà kính được cắt giảm ở các mức vừa phải, các khu vực trong sáu quốc gia châu Á vẫn có thêm khoảng 183 triệu người bị ảnh hưởng so với các đánh giá dựa trên dữ liệu độ cao trước đây.
Số người bị ảnh hưởng bởi ngập lụt ven biển tính đến năm 2050 theo ước tính mới:
# 1: Trung Quốc từ 29 triệu người theo ước tính cũ lên đến 93 triệu người
# 2: Bangladesh từ 5 triệu người lên đến 42 triệu
# 3: Ấn Độ từ 5 triệu người lên đến 36 triệu
# 4: Việt Nam từ 9 triệu người lên đến 31 triệu
# 5: Indonesia từ 5 triệu người lên đến 23 triệu
# 6: Thái Lan từ 1 triệu người lên đến 12 triệu
Hầu hết TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng và nhiều phần của Hà Nội sẽ nằm dưới mực nước biển (khu vực màu đỏ) trước năm 2050, theo bản đồ dự kiến của Climate Central.
Thay vì một phần của ĐB Sông Cửu Long và TP HCM như các dự đoán trước đây, gần như toàn bộ diện tích miền Nam Việt Nam sẽ ở dưới mực nước biển trước 2050, ảnh hưởng tới khoảng hơn 20 triệu người (gần ¼ tổng số dân cư) sinh sống ở khu vực này.
Ở phía Bắc, các tỉnh ven và gần biển như Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hoá, Hà Tĩnh cũng đều có nguy cơ mất một phần lớn diện tích do nước biển dâng. Trong đó Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình có khả năng nằm ở dưới nước hoàn toàn.
31 triệu người Việt Nam (khoảng 1/3 dân số), thay vì 9 triệu dân như các dự báo trước đây, sẽ phải đối mặt với các đợt ngập lụt mặn thường xuyên và nguy cơ di dân vì mất đất.
Xa hơn, đến năm 2100, nếu việc phát thải không được kiểm soát và băng tan sớm, thì các khu vực với tổng cộng 250 triệu người hiện đang sinh sống tại sáu quốc gia này sẽ bị chìm dưới mức thủy triều cao, con số này cao gần gấp năm lần so với các đánh giá về năm 2100 dựa trên dữ liệu độ cao cũ.
“Những đánh giá này cho thấy tiềm năng của biến đổi khí hậu trong việc định hình lại các thành phố, nền kinh tế, bờ biển và toàn bộ các khu vực trên toàn cầu trong cuộc sống của chúng ta,” tiến sĩ Scott Kulp, một nhà khoa học cao cấp tại Climate Central và tác giả chính của nghiên cứu cho biết. “Khi thuỷ triều tăng cao hơn ở nơi mà mọi người gọi là nhà, các quốc gia sẽ ngày càng phải đối mặt với những câu hỏi rằng tốn bao nhiêu và mất bao lâu để việc phòng chống ngập ven biển có thể bảo vệ họ.”
Một số nguy cơ dễ bị tổn thương được tiết lộ bởi nghiên cứu của Climate Central hiện nay đã thực sự tồn tại, ví như các công trình đê và các tuyến phòng chống ngập ven biển khác đã cho phép tới 110 triệu người sống trên đất liền nằm dưới mực nước thủy triều cao. Do thiếu dữ liệu nên nghiên cứu không tính đến tác động của việc phòng chống ngập hiện tại và tương lai.
Dân làng di chuyển bằng thuyền gần một ngôi nhà ngập nước ở quận Morigaon của bang Assam, Ấn Độ vào ngày 15/7/2019. Ảnh: CNN.
Đằng sau dữ liệu CoastDEM
Bộ dữ liệu độ cao chính được sử dụng cho nghiên cứu ven biển toàn cầu, SRTM, đo độ cao của các bề mặt gần nhất với bầu trời, chẳng hạn như ngọn cây và mái nhà. Do đó, nó đo độ cao ven biển trung bình cao hơn 2 mét (sáu feet) và hơn 4 mét (13 feet) trong khu vực đô thị mật độ cao, cho thấy sự an toàn giả tạo trước nguy cơ ngập lụt và mực nước biển dâng. Trong khi đó, CoastalDEM giảm các lỗi này xuống khoảng trung bình 10 centimet (bốn inch).
Một số quốc gia đã thu thập và công bố dữ liệu độ cao chính xác hơn, thường dựa trên dữ liệu đo từ máy bay sử dụng phương pháp lidar; CoastalDEM đã được hiệu chuẩn và xác nhận bằng cách sử dụng chủ yếu các dữ liệu này.
“Đối với tất cả các nghiên cứu quan trọng đã thực hiện về dự báo biến đổi khí hậu và dự báo mực nước biển, thì đối với hầu hết các bờ biển trên toàn cầu, chúng ta đã không biết chiều cao của mặt đất dưới chân,” Tiến sĩ Benjamin Strauss, nhà khoa học và CEO của Climate Central và đồng tác giả của nghiên cứu, phát biểu. “Dữ liệu của chúng tôi cải thiện bức tranh đó, nhưng vẫn rất cần các chính phủ và các công ty hàng không vũ trụ sản xuất và công bố các dữ liệu độ cao chính xác hơn. Cuộc sống và sinh kế phụ thuộc vào điều đó.”
Yếu tố lượng khí thải carbon
Các đánh giá dựa trên CoastDEM cho biết vào cuối thế kỷ này nếu không có các công trình phòng chống ngập thì những khu vực hiện là nơi sinh sống của 420 triệu người trên toàn thế giới có thể dễ bị tổn thương bởi các trận ngập lụt ven biển hàng năm, điều này vẫn diễn ra kể cả khi cắt giảm ở mức vừa phải lượng khí thải carbon.
Các ước tính tóm tắt ở đây có khả năng là bảo thủ bởi vì chúng dựa trên các dự báo mực nước biển tiêu chuẩn và giảm lượng khí thải carbon gần như phù hợp với các mục tiêu của Thỏa thuận Paris 2015, những mục tiêu mà các nỗ lực trên toàn thế giới cho đến nay vẫn chưa đi đúng hướng để đạt được.
Các ước tính dựa trên lượng khí thải không được kiểm soát và nguy cơ băng tan sớm dự báo rằng mực nước biển dâng cao có thể đe dọa khu vực có tới 630 triệu người hiện đang sinh sống – 340 triệu người trong số đó đang sống ở những khu vực được dự báo sẽ ngập dưới mức thủy triều cao vào năm 2100.
Ở tám quốc gia châu Á, kịch bản đó có nghĩa là thủy triều cao thường xuyên sẽ dâng cao hơn những khu vực hiện có ít nhất 10 triệu người sinh sống.
Dân số ở những khu vực có nguy cơ bị lũ lụt thường xuyên vào năm 2100 (đánh giá dựa trên CoastDEM so với dữ liệu độ cao phổ biến)
1. Trung Quốc: 87 triệu so với 26 triệu
2. Bangladesh: 50 triệu so với 6 triệu
3. Ấn Độ: 38 triệu so với 6 triệu
4. Việt Nam: 35 triệu so với 13 triệu
5. Indonesia: 27 triệu so với 6 triệu
6. Thái Lan: 13 triệu so với 2 triệu
7. Nhật Bản: 12 triệu so với 7 triệu
8. Philippines: 11 triệu so với 2 triệu
Theo Khoahocphattrien.vn