40% ngôn ngữ trên Trái Đất có nguy cơ tuyệt chủng
Các nhà ngôn ngữ học Anh vừa khẳng định như vậy. Theo các nhà khoa học, cứ hai tuần có một ngôn ngữ bị biến mất.
Điều này sẽ khiến một nửa trong số 7.000 ngôn ngữ trên Trái Đất sẽ bị tuyệt chủng từ nay đến cuối thế kỷ này. “Sự biến mất của các ngôn ngữ trong lịch sử nhân loại chưa từng nhanh như hiện nay”, nhà nghiên cứu David Harrison khẳng định. Các nhà ngôn ngữ học chứng minh rằng 80% các cư dân trên Trái Đất sử dụng 80 ngôn ngữ, trong khi có 3.500 ngôn ngữ được dùng bởi 0,2% số cư dân trên thế giới. Nguyên nhân do sự toàn cầu hóa và các đợt di dân. Điều kiện kinh tế khiến người ta rời bỏ nguyên quán, đến nhập cư tại các thành phố và quên dần tiếng mẹ đẻ. Các nhà nghiên cứu đã xác định năm khu vực có ngôn ngữ địa phương gần như biến mất là: Bắc Australia, miền Trung châu Mỹ La-tinh, khu vực giữa Canada và Mỹ (British Columbia, bang Washington và Oregon), Siberia và bán đảo Kamtchatka.
V.N (Theo Ria Novosti)