80 năm sợi nilon: Những giấc mơ từ sợi tổng hợp

Cách đây 80 năm một huyền thoại đã ra đời: nilon. Nilon có độ đàn hồi lớn hơn, bền hơn, ít bị co giãn và dễ giặt hơn so với các loại vải thời đó.

Từ lịch sử của nilon, người ta có thể điểm lại sự phát triển của mốt thời trang, về phụ nữ và về xã hội.

“Một loại sợi tốt hơn dành cho một cuộc sống tốt đẹp hơn” – với khẩu hiệu mạnh miệng này, hãng DuPont  của Hoa Kỳ đã giới thiệu phát minh mới nhất của mình tại Hội chợ thế giới năm 1939 ở New York: sợi nilon. Ngày 15.5.1940 đã xảy ra tình trạng chen lấn, xô đẩy trước các cửa hàng bách hoá. Chị em phụ nữ quyết dành bằng được những đôi tất đầu tiên được sản xuất hàng loạt bằng chất liệu nilon. Thậm chí cảnh sát đã phải vào cuộc để duy trì trật tự. Ngày này trở thành “Nilon Day” trong lịch sử Hoa kỳ. Ngày đó một huyền thoại đã ra đời. Người chịu trách nhiệm về sự kiện này là Wallace Hume Carothers, ông  phụ trách mảng nghiên cứu của DuPont, là người đầu tiên phát triển loại sợi tổng hợp hoàn toàn từ carbon, hydro và oxy.


Wallace Hume Carothers, cha đẻ của nilon. Ảnh: Wikipedia. 

Nhưng tại sao chị em lại ngây ngất về chuyện này? “Bất kể người phụ nữ nào cũng đều ao ước có một đôi tất lụa chính hiệu, nhưng mặt hàng này vô cùng đắt“, bà Elisabeth Hackspiel-Mikosch, giáo sư về lý thuyết và lịch sử thời trang của AMD Akademie Mode & Design Düsseldorf giải thích. Thời điểm đó chỉ có một chất liệu thay thế có giá thấp hơn là lụa nhân tạo làm từ cellulose. “Nhưng sợi nilon có độ đàn hồi tốt hơn, bền hơn, form ổn định hơn và dễ giặt hơn. Đơn giản là tất nilon làm cho đôi chân xinh đẹp hơn”.

DuPont phát động một chiến dịch quảng cáo khổng lồ từ đó đẩy mạnh sức tiêu thụ. Những hình ảnh quảng cáo như đôi chân đi tất nilon vươn lên bầu trời hay hai người phụ nữ giành giật co kéo chiếc tất để chứng minh độ bền của nilon càng khuấy động sự khao khát tất nilon. Cũng vào thời điểm đó, cuối những năm 1930, nhà hoá học người Đức Paul Schlack làm việc cho IG Farben đã phát triển một chất liệu tương tự mang tên: Perlon. Thay vì kiện tụng khốc liệt về pháp lý hai bên đã có sự thoả thuận về quyền sử dụng và phân chia thị trường.

Tuy nhiên thời gian mà hai doanh nghiệp này thu được tiền tỉ nhờ tiêu thụ tất nilon kéo dài không lâu. Ít lâu sau Nilon và Perlon chủ yếu dành cho công nghiệp chiến tranh, để làm vải dù, lều bạt và dây. Sau khi chiến tranh kết thúc hai loại vải này mới trở lại phục vụ dân sự – và điều này diễn ra ở Hoa kỳ sớm  hơn so với ở Đức.

“Sau những năm tháng gian khổ, thiếu thốn người phụ nữ lại ước muốn được làm đẹp”, Elisabeth Hackspiel-Mikosch giải thích. Christian Dior cũng nhận ra điều này, năm 1947 ông ta đã tạo ra một diện mạo người phụ nữ hoàn toàn mới với vòng eo thu nhỏ với các điểm nhấn ở vòng mông và ngực. Đôi tất nilon là một sự điểm xuyết nho nhỏ vào cái đẹp duyên dáng đó. Nó đồng thời cũng là biểu tượng cho hình ảnh những người phụ nữ muốn dã từ quá khứ. Khi người đàn ông ở ngoài chiến trường, người phụ nữ giữ vai trò tích cực ở hậu phương và trong xã hội, còn giờ đây họ muốn trao trả lại những trọng trách này. Đôi tất trở thành một phần của kịch bản yểu điệu, nữ tính, mà nữ giới muốn mượn nó để tiếp cận và tìm người chồng khá giả cho mình.


Hình ảnh quảng cáo tất nilon của hãng Dupont năm 1935. Ảnh: wired.

“Đến những năm 70 người phụ nữ mặc quần dài trên đường phố thường bị dè bỉu”, bà Hackspiel-Mikosch nhớ lại. Những ai không thể có được một đôi tất chính hiệu thì tìm cách dùng các sản phẩm như “tất nhuộm mầu nâu bánh mật” khiến cho đôi chân cũng như được trang điểm. Người ta còn dùng bút chì than để tạo ra đường gờ mầu đen.

Đường gờ mịn màng ở phía sau tất kích thích trí tưởng tượng của cánh mày râu, thực ra cái đường viền này có nguyên nhân rất thực tế: thời kỳ đầu chưa có máy đan tròn dành cho các nguyên liệu mong manh này. Thời đó còn xuất hiện các cửa hàng chuyên sửa chữa tất bị hỏng, lỗi. Vào những năm 50 mốt thời trang này không thuộc diện sản phẩm dùng một lần như ngày nay.

Trước đó không ai nghĩ người ta có thể chú ý đến đôi tất bởi lẽ phụ nữ luôn mặc váy dài tới sát đất và che giấu đôi chân của mình. Mãi đến sau năm 1920 đôi chân mới được giải phóng và từ đó người ta mới quan tâm đến tất. Tất và thời trang luôn đi liền với nhau như một dạng cộng sinh. Nếu như viền váy vươn cao lên, tất cũng vươn lên theo.


Kiểm tra tất nilon tại Thụy Sĩ, năm 1954. Ảnh: Wikipedia. 

Đến những năm 1960, minirock (váy ngắn) xuất hiện giúp bổ sung cho vẻ đẹp của quần tất. Và ngành thời trang cũng sử dụng sợi tổng hợp, áo nilon ra đời như một tiến bộ vượt bậc vì rất dễ giặt sạch, phơi khô, giữ dáng. Tuy nhiên, bất lợi lớn nhất của sản phẩm này là chỉ sau ít phút người mặc đã ra mồ hôi –  đi cùng với nó là mùi hơi người.

Sang tới những năm 1980 nilon lại lên ngôi. Giờ đây các nhà thiết kế thời trang đã mang lại cho nilon đời sống khác, đa dạng và sang trọng hơn. “Tôi muốn tạo ra điều mà trước đây hầu như bị coi là không thể: biến nilon thành sang trọng”, nhà thiết kế của hãng thời trang xa xỉ Prada, Miuccia Prada nói. 

Ngày nay, yêu cầu phát triển bền vững được đề cao – và một loại nilon mới mang tên econyl được tái chế từ rác thải nhựa và lưới đánh cá cũ bỏ đi. Ông lớn ngành thời trang Prada dự định từ 2021 sẽ không sử dụng sợi nilon mới nữa. Thương hiệu phổ biến như Burberry thì đã giới thiệu bộ sưu tập làm từ nguyên liệu tái sinh như áo măng tô ngắn, áo khoác và cả phụ kiện mùa hè vừa qua. 

Wallace Hume Carothers là cha đẻ của tất cả các loại sản phẩm này nhưng ông thậm chí còn không chứng kiến sự xuất hiện của tất nilon trên thị trường, ông tự vẫn năm 1937.

Xuân Hoài dịch

Nguồn: https://www.cio.de/a/der-kunststoff-aus-dem-die-traeume-waren,3624433

Tác giả

(Visited 16 times, 1 visits today)