90 năm ngày sinh GS.NGND Nguyễn Văn Chiển (4.11.1918): THẦY CHIỂN – MỘT TRÍ THỨC LỚN

Tên tuổi Thầy Nguyễn Văn Chiển gắn liền với lịch sử phát triển của nền giáo dục cách mạng Việt Nam, với sự nghiệp đào tạo các thế hệ cán bộ khoa học ngay từ đầu những năm 40 của thế kỷ trước, đặc biệt gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển ngành khoa học Trái đất. Nhiều thế hệ tôn vinh Thầy là “người tìm đường cho ngành khoa học Trái đất ở Việt Nam”. Con đường khoa học của Thầy, cũng như rất nhiều nhà khoa học cùng thế hệ, không hề dễ dàng, suôn sẻ mà đầy gian truân, vất cả. Nhưng với sự phấn đấu bền bỉ, với lòng yêu khoa học và ý thức trách nhiệm với tương lai của đất nước, những gì mà Thầy đã đem đến cho cuộc đời, cho khoa học và giáo dục nước nhà thật đáng tự hào.

Là con trai của một gia đình nông dân, nhưng nhờ trí thông minh, sự cần cù mà chàng thiếu niên Nguyễn Văn Chiển đã bước chân vào học Đại học Khoa học, nơi mà không mấy ai con nhà nông dám mơ ước. Năm 1944 với bằng cử nhân Khoa học, Thầy đã được tuyển vào Phòng thí nghiệm Địa chất thuộc Đại học Khoa học Hà Nội. Đây là một việc hiếm có vì toàn bộ công việc Địa chất ở Đông Dương đều do người Pháp độc quyền. Quyết định chọn ngành Địa chất của cử nhân Nguyễn Văn Chiển một phần quan trọng là do gợi ý của GS Hoàng Xuân Hãn- người mà thầy Chiển luôn quý trọng và biết ơn.

Cách mạng Tháng Tám thành công, người thanh nhiên, nhà giáo, nhà địa chất trẻ Nguyễn Văn Chiển hăng hái tham gia giảng dạy địa chất ở các trường Đại học Khoa học, Nông Lâm, Công Chính, đã đóng góp xuất sắc cho sự hình thành đội ngũ đông đảo các nhà khoa học địa chất- một ngành khoa học mà trước Cách mạng Tháng Tám Thầy Chiển là người duy nhất bắt đầu tiếp cận.

Sau kháng chiến chống thực dân Pháp, Thầy Chiển về giảng dạy Địa chất ở trường Đại học Sư phạm do GS Lê Văn Thiêm làm Hiệu trưởng. Đến khi Nhà nước chủ trương mở một số trường đại học mới, Thầy Chiển lại cùng toàn bộ phòng thí nghiệm Địa chất rời ĐHSP về Đại học Bách khoa Hà Nội. Với một phòng thí nghiệm thiết bị nghèo nàn, Thầy và một vài cộng sự xoay sở cho mọi công việc trong điều kiện chưa có chương trình đào tạo, không có giáo trình, Thầy Chiển đã vừa học thêm vừa dạy đuổi theo sinh viên từ môn học này sang môn học khác. Một khó khăn lớn nữa là sao cho có đủ thuật ngữ tiếng Việt để giảng dạy một khoa học có quá nhiều khái niệm, quá nhiều tên gọi mà trước đây Thầy chỉ quen dùng qua tiếng Pháp hoặc Hán Việt. Thầy đã dày công biên soạn thuật ngữ Địa chất, và có thể nói đó thực sự là một sáng tạo, một thành tựu lớn của Thầy Chiển. (Phần lớn hệ thống thuật ngữ cơ bản về địa chất nay đang thông dụng, nhất là thuật ngữ thuần Việt hoặc phiên âm theo gốc Latinh thay cho thuật ngữ Hán Việt, gắn liền với công sức của Thầy Chiển từ thuở ấy).

Nhờ sự nỗ lực của Thầy và các cộng sự mà miền Bắc có được những kỹ sư địa chất đầu tiên để phục vụ kịp thời cho nhu cầu điều tra địa chất và tìm kiếm khoáng sản của đất nước. Nhiều người trong số kỹ sư khóa đầu đó về sau đã trở thành những nhà khoa học địa chất hàng đầu, những nhà quản lý cấp cao của Nhà nước.

Ngày 4/11, tại giảng đường ĐHQGHN, Lễ mừng đại thọ GS. NGND Nguyễn Văn Chiển, người sinh viên của Đại học Đông Dương 60 năm trước, người giảng viên xuất sắc của nhiều trường đại học, trong đó có các đại học tiền thân của ĐHQGHN ngày nay, nhà khoa học, nhà quản lý tài giỏi của nhiều cơ quan nghiên cứu và đào tạo, và trên hết là người thầy đức độ, giản dị nhưng đáng kính của nhiều thế hệ sinh viên đã được tổ chức trọng thể và đầm ấm tình thầy trò, đồng nghiệp.

Thay mặt toàn thể GS, giảng viên và sinh viên, GS.TS Mai Trọng Nhuận, Giám đốc ĐHQG Hà Nội đã kính tặng Thầy bức trướng với 5 chữ “ĐỨC – TRÍ – MỸ – SƠN – HÀ”.

Giữa những năm tháng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhờ quan hệ rộng rãi và uy tín lớn với trí thức trong và ngoài nước, Thầy Chiển đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng trường Đại học- Mỏ Địa chất trên cơ sở của Khoa Địa chất của Đại học Bách Khoa và khoa Khoa học Trái đất tại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Cùng với công việc đào tạo, Thầy Chiển luôn luôn hăng say với công việc nghiên cứu khoa học. Chiếc kính hiểm vi phân cực đã thay thầy suốt trong cuộc kháng chiến chống Pháp 9 năm, dù lúc đó nó không dùng làm gì, là một minh chứng cho lòng say mê địa chất học của Thầy. Rồi khi kháng chiến thắng lợi chiếc kính hiển vi đó lại thay thầy về phục vụ cho việc dạy và học. Ngày nay chiếc kính đó trở thành một kỷ vật vô giá của Khoa Địa chất ở ĐHQG Hà Nội.

Nghiên cứu khoa học trở thành  nhiệm vụ trọng tâm chính của Thầy khi năm 1977 Thầy được giao trách nhiệm lãnh đạo lĩnh vực Khoa học Trái đất ở Viện Khoa học Việt Nam với cương vị Phó Viện trưởng. Hàng loạt các chương trình, dự án lớn mà Thầy chủ trì đã được thực hiện với giá trị khoa học và giá trị thực tiễn cao. Với Chương trình nghiên cứu cấp Nhà nước “Điều tra tổng hợp về Tây Nguyên”, và đặc biệt Chương trình “Xây dựng tập bản đồ Quốc gia CHXHCN Việt Nam”, nhà khoa học Nguyễn Văn Chiển đã thể hiện một uy tín khoa học cao, khả năng tập hợp một lực lượng đông đảo cán bộ khoa học thuộc nhiều lĩnh vực và năng lực lãnh đạo triển khai các chương trình nghiên cứu với độ phức tạp và quy mô lớn.

Hoạt động của Thầy Nguyễn Văn Chiển rất đa dạng. Song song với công việc đào tạo và nghiên cứu khoa học, Thầy còn có nhiều đóng góp cho các công tác tổ chức, xã hội và hoạt động đối ngoại: GS.NGND Nguyễn Văn Chiển là người sáng lập Hội Địa chất Việt Nam và là Chủ tịch đầu tiên của Hội, là Ủy viên lãnh đạo của Liên hiệp của Hội Khoa học Việt Nam, là Thư ký (nay gọi là Chủ tịch) đầu tiên của Công đoàn Giáo dục Việt Nam. Ở các giai đoạn sau, Thầy là Chủ nhiệm Khoa ở Đại học Tổng hợp Hà Nội, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam, Chủ tịch đầu tiên của Hội đồng học hàm Liên ngành Khoa học Trái đất và Mỏ.

Đánh giá cao những đóng góp của GS.NGND Nguyễn Văn Chiển cho sự nghiệp giáo dục và khoa học, Nhà nước đã trao những phần thưởng cao quý cho Thầy như danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Huân chương Lao động hạng Nhất, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học & Kỹ thuật và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Tài năng và trí tuệ uyên bác của Thầy mọi người đều kính phục, nhưng hơn hết, đó là đức tính cần cù, khiêm tốm, giản dị. Thầy từng nói “nhiều học trò của thầy nay đã giỏi hơn thầy, đó là điều rất đáng mừng vì Con hơn cha là nhà có phúc”. Nhưng tất cả những ai là học trò của Thầy chung một niềm tự hào về một người Thầy, một trí thức lớn của Việt Nam.

Tác giả

(Visited 13 times, 1 visits today)