Bao giờ đại dịch hạ màn?

Coronavirus vẫn sẽ tiếp tục tồn tại – đây là dự đoán của các nhà khoa học về tình hình thế giới trong nhiều năm tới.


Tháng 6 năm 2021. Đã một năm rưỡi trôi qua kể từ khi thế giới lao đao vì đại dịch. Virus vẫn tiếp tục lây lan một cách âm ỉ, tình trạng phong tỏa theo từng đợt trở thành trạng thái bình thường mới. Một loại vaccine đã được phê duyệt có thể bảo vệ con người trong sáu tháng, nhưng vì trục trặc trong thỏa thuận quốc tế mà việc phân phối vaccine cũng gián đoạn liên tục. Ước tính thế giới có 250 triệu ca nhiễm và 1.75 triệu ca tử vong. 

Đó chỉ là một trong số những kịch bản có thể xảy ra trong tương lai. Trên khắp thế giới, các nhà dịch tễ học đang xây dựng những dự báo ngắn hạn và dài hạn như một cách để lên kế hoạch chuẩn bị nhằm giảm thiểu sự lây lan và tác động của SARS-CoV-2, loại virus gây ra Covid-19. Mặc dù các dự báo có những điểm khác nhau, nhưng các nhà lập mô hình về cơ bản đều thống nhất với nhau ở hai điều: Covid-19 vẫn sẽ tồn tại, rất khó để đoán định tương lai phía trước, bao gồm cả việc con người có thể phát triển khả năng miễn dịch lâu dài với virus hay không, liệu sự lây lan của nó có thay đổi theo mùa, và – có lẽ quan trọng nhất – lựa chọn của chính phủ và mỗi cá nhân. “Nhiều nơi đã tháo dỡ lệnh phong tỏa, nhiều nơi thì không. Chúng ta không thực sự biết được chuyện gì sẽ xảy ra”, Rosalind Eggo, nhà lập mô hình về bệnh truyền nhiễm tại Trường Y học Nhiệt đới và Vệ sinh dịch tễ London (LSHTM) cho biết.

Joseph Wu, nhà lập mô hình về dịch bệnh tại Đại học Hong Kong thì cho rằng: “Tương lai sẽ phụ thuộc rất nhiều vào sự gắn kết của xã hội và các cách thức mà chúng ta đưa ra để phòng ngừa dịch bệnh.” Các mô hình gần đây cũng như những đợt phong tỏa hiệu quả tại các nước là minh chứng cho thấy thay đổi hành vi có thể làm giảm sự lây lan của Covid-19 nếu hầu hết mọi người đều tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch.

Còn Yonatan Grad, nhà dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng Harvard T. H. Chan ở Boston, Massachusetts, cho biết nhiều nước đang nới lỏng lệnh phong tỏa, khiến một số người cho rằng đại dịch đang dần kết thúc. “Nhưng không phải thế. Chúng ta còn cả một chặng đường dài.” 

Điều gì sẽ xảy ra trong tương lai gần?

Đại dịch không diễn ra theo cùng một cách từ nơi này sang nơi khác. Các quốc gia như Trung Quốc, New Zealand và Rwanda đã phần nào kiểm soát được dịch bệnh sau khi tiến hành phong tỏa đất nước, họ đang dần nới lỏng lệnh cấm trong khi vẫn theo dõi đề phòng các đợt bùng phát. Ở những nơi khác, chẳng hạn như Mỹ và Brazil, các ca mắc đang tăng nhanh sau khi chính phủ vội vàng gỡ bỏ lệnh cấm, hay thậm chí là chưa bao giờ đưa ra chính sách phong tỏa trên toàn quốc. 

Tuy vậy, trong bối cảnh các nước đang nới dần lệnh phong tỏa, các nhà khoa học đã đưa ra một tín hiệu lạc quan. Các bằng chứng ban đầu cho thấy rằng những thay đổi trong hành vi cá nhân, chẳng hạn như rửa tay và đeo khẩu trang, có thể giúp ngăn chặn làn sóng lây lan của dịch bệnh. Tháng sáu vừa qua, một nhóm nghiên cứu tại Trung tâm MRC về Phân tích Bệnh Truyền nhiễm Toàn cầu tại Đại học Imperial College đã phát hiện ra rằng trong số 53 quốc gia bắt đầu mở cửa, không quốc gia nào bùng phát dịch bệnh trở lại như dự đoán trước đó. “Người ta đã đánh giá thấp mức độ thay đổi hành vi của mọi người trong việc đeo khẩu trang, rửa tay và giãn cách xã hội”, Samir Bhatt, nhà dịch tễ học về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Imperial London và là đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết.

Các nhà nghiên cứu cũng đã tiến hành xem xét mức độ hữu ích của những hành vi này. Tại Đại học Anhembi Morumbi ở São Paulo, Brazil, nhà sinh vật học tính toán Osmar Pinto Neto và các đồng nghiệp đã thực hiện hơn 250.000 mô hình toán học về các chiến lược giãn cách xã hội, từ liên tục, gián đoạn, cho đến giảm dần các lệnh cấm – bên cạnh những can thiệp về hành vi như đeo khẩu trang và rửa tay. Họ kết luận: nếu 50–65% người dân thận trọng ở nơi công cộng thì mức độ lây nhiễm sẽ vẫn ở mức thấp dù chính phủ có bắt đầu nới lỏng các lệnh cấm hay không. “Chúng ta cần phải thay đổi cách tương tác với nhau. Nhìn chung, các hành vi có thể tạo ra sự khác biệt đáng kể trong việc lây lan dịch bệnh”, ông nói thêm. 


Jorge Velasco-Hernández, nhà lập mô hình về bệnh truyền nhiễm thuộc Đại học Tự trị Quốc gia Mexico ở Juriquilla, đã cùng các đồng nghiệp xem xét mối quan hệ giữa việc phong tỏa và các biện pháp bảo vệ cá nhân. Họ phát hiện ra rằng nếu 70% dân số Mexico cam kết thực hiện các biện pháp như rửa tay và đeo khẩu trang kể từ khi lệnh phong tỏa được ban hành từ cuối tháng ba, thì dịch bệnh sẽ giảm hẳn sau khi đạt đỉnh vào cuối tháng năm hoặc đầu tháng sáu. Tuy nhiên, khi chính phủ dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa vào ngày 1 tháng 6, thay vì giảm, số ca tử vong hằng tuần do Covid-19 vẫn ở mức cao. Nhóm nghiên cứu của Velasco-Hernández cho rằng lượng người đổ ra đường vào hai ngày nghỉ lễ từ trước khi chính phủ tháo bỏ lệnh cấm đã khiến dịch bệnh lây lan nhanh chóng. 

Cũng theo nhóm nghiên cứu của Trung tâm Mô hình Toán học về Các bệnh Truyền nhiễm tại LSHTM, việc truy vết phải được tiến hành nhanh chóng và rộng rãi – truy tìm 80% số người tiếp xúc gần trong vòng vài ngày – nếu muốn kiểm soát ổ dịch. 80% là một con số quá lớn, gần như không thể nào đạt được, nhất là tại các khu vực vẫn đang vật lộn với hàng ngàn ca nhiễm mới mỗi tuần, chưa kể số ca mắc trên thực tế còn nhiều hơn so với công bố. Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đã tiến hành phân tích dữ liệu xét nghiệm Covid-19 từ 84 quốc gia và phát hiện ra rằng số ca dương tính trên thế giới cao gấp 12 lần và số ca tử vong cao hơn 50% so với báo cáo chính thức. “Do vậy, nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng cao hơn mức chúng ta có thể tưởng tượng rất nhiều”, John Sterman, đồng tác giả của nghiên cứu và là giám đốc của MIT System Dynamics Group, cho biết.

Hiện tại, các nỗ lực nhằm kiểm soát dịch bệnh, như giãn cách xã hội, cần phải tiếp tục càng lâu càng tốt để ngăn chặn một đợt bùng phát lớn thứ hai, Bhatt nói. “Thậm chí là cho đến mùa đông, khi tình hình một lần nữa trở nên khó kiểm soát.”

Điều gì sẽ xảy ra khi thời tiết chuyển lạnh?

Rõ ràng là mùa hè không giúp ngăn chặn virus hoàn toàn, nhưng thời tiết ấm áp có thể khiến virus trở nên yếu hơn. Ở những khu vực sẽ chuyển lạnh vào nửa cuối năm 2020, các chuyên gia ngờ rằng đây sẽ nơi dịch bệnh bắt đầu lây lan mạnh mẽ. 

Nhiều loại virus gây bệnh hô hấp ở người – như cúm, virus hợp bào hô hấp (RSV) – có xu hướng bùng phát vào mùa đông, vì vậy khả năng cao là SARS-CoV-2 cũng sẽ tuân theo quy luật này. Akiko Iwasaki, nhà miễn dịch học tại ĐH Yale ở New Haven, Connecticut cho biết: “Tôi nghĩ tỷ lệ nhiễm SARS-CoV-2 sẽ cao hơn vào mùa đông. Không khí khô vào mùa đông khiến các loài virus gây bệnh hô hấp dễ dàng lây truyền hơn, và khả năng miễn dịch của đường hô hấp cũng có thể bị suy giảm khi hít phải không khí khô.” 

Ngoài ra, trong thời tiết lạnh, mọi người có xu hướng ở trong không gian kín nhiều hơn, đây là môi trường thuận lợi để virus lây lan, Richard Neher, nhà sinh học tính toán tại Đại học Basel ở Thụy Sĩ cho biết. Thông qua mô phỏng, nhóm nghiên cứu của Neher đã cho thấy sự thay đổi theo mùa có thể ảnh hưởng đến khả năng lây lan của virus, đồng thời có thể khiến việc ngăn chặn dịch bệnh ở Bắc bán cầu vào mùa đông này trở nên khó khăn hơn.

Trong tương lai, dịch bệnh có thể bùng phát theo từng đợt vào mùa đông. Người trưởng thành đã mắc Covid-19 từ trước có thể sẽ khó nhiễm lại lần nữa, nhưng điều này còn phụ thuộc vào khả năng miễn dịch của mỗi người, Neher cho biết. Thêm vào đó, sự kết hợp của Covid-19, cúm và RSV vào mùa thu và mùa đông sẽ là thách thức lớn với chính phủ các nước trên thế giới, Velasco-Hernández, người đang thiết lập một mô hình về cách thức các loại virus này có thể tương tác, chia sẻ thêm. 
Hiện vẫn chưa rõ liệu việc nhiễm các loại virus khác trong nhóm coronavirus từ trước có thể giúp con người miễn nhiễm với chủng SARS-CoV-2 hay không. Trong một thí nghiệm nuôi cấy tế bào liên quan đến SARS-CoV-2 và các loại virus gần với SARS-CoV-2, các kháng thể từ coronavirus này có thể liên kết với các coronavirus khác, nhưng không thể ngăn chặn hoặc vô hiệu hóa nó. 

Nếu muốn chấm dứt đại dịch, cần phải loại bỏ hoàn toàn virus này trên toàn thế giới – điều mà hầu hết các nhà khoa học đều thống nhất là gần như không thể, bởi chúng đã qua phổ biến, một phương án khác là mọi người phải có khả năng miễn dịch thông qua việc đã mắc bệnh từ trước hoặc tiêm vaccine. Người ta ước tính, nếu muốn chấm dứt dịch bệnh, 55-80% dân số cần phải có khả năng miễn dịch, con số này tùy thuộc vào mỗi quốc gia.  

Thật không may, các cuộc khảo sát ban đầu cho thấy chúng ta vẫn còn một chặng đường dài phía trước. Các cuộc xét nghiệm kháng thể – xem xét liệu những người đã lây nhiễm virus có thể tạo kháng thể chống lại nó hay không – chỉ ra là chỉ có một số lượng nhỏ người bị nhiễm bệnh có được khả năng này. Tại Hoa Kỳ, nơi đã có hơn 150.000 ca tử vong do Covid-19, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ đã tiến hành cuộc khảo sát trên hàng nghìn mẫu huyết thanh, cho thấy tỷ lệ lưu hành kháng thể chỉ dao động từ 1% đến 6,9%. 

Điều gì sẽ xảy ra trong tương lai?

Tình hình đại dịch năm tới sẽ phụ thuộc rất lớn vào sự xuất hiện của vaccine cũng như thời gian hệ thống miễn dịch bắt đầu hoạt động sau khi tiêm ngừa hoặc phục hồi sau khi nhiễm bệnh. Nhiều loại vaccine có thể bảo vệ cơ thể trong nhiều thập kỷ – chẳng hạn như vaccine ngừa sởi hoặc bại liệt – trong khi các loại khác, bao gồm ho gà và cúm, giảm dần hiệu lực theo thời gian. Tương tự, một số bệnh sau khi bị nhiễm sẽ giúp ta có khả năng miễn dịch lâu dài, số khác thì chỉ thoáng qua. “Tổng số ca mắc SARS-CoV-2 đến năm 2025 sẽ phụ thuộc rất nhiều vào thời gian miễn dịch này”. 

Cho đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa thực sự biết rõ khả năng miễn dịch SARS-CoV-2 có thể kéo dài bao lâu. Một nghiên cứu tiến hành trên các bệnh nhân đang bình phục cho thấy cho thấy các kháng thể trung hòa tồn tại đến 40 ngày sau khi bị lây nhiễm; một số nghiên cứu khác cho thấy mức độ kháng thể giảm dần sau vài tuần hoặc vài tháng. Nếu Covid-19 hoạt động với mô hình tương tự SARS, kháng thể có thể tồn tại ở mức cao trong năm tháng, sau đó từ từ suy giảm trong vòng 2-3 năm. Tuy nhiên, sản xuất kháng thể không phải là hình thức miễn dịch duy nhất, các tế bào lympho B và T cũng đóng vai trò bảo vệ cơ thể trước sự lây nhiễm virus trong tương lai. Tuy nhiên, cho đến nay người ta vẫn chưa rõ vai trò của chúng trong việc ngăn ngừa SARS-CoV-2. 

Nếu dịch bệnh tiếp tục lây lan mà chúng ta vẫn chưa có vaccine hoặc khả năng miễn dịch lây dài, “chúng ta sẽ chứng kiến các đợt bùng phát dịch bệnh liên tục”, Grad nói. Trong trường hợp đó, virus sẽ trở thành bệnh đặc hữu (căn bệnh thường hiện hữu và lây lan trong một quần thể người tại địa phương nhỏ), Pulliam bổ sung thêm. Nghe khá đau đớn, nhưng không phải là điều không thể xảy ra: sốt rét là một căn bệnh đặc hữu điển hình. Chúng ta có thể phòng ngừa và điều trị được bệnh sốt rét, nhưng hằng năm vẫn có 400.000 ca tử vong vì bệnh này. 

Nhóm nghiên cứu của Harvard cho biết, nếu virus gây ra miễn dịch ngắn hạn – tương tự như hai coronavirus khác ở người là OC43 và HKU1, có khả năng miễn dịch kéo dài khoảng 40 tuần – thì con người có thể bị tái nhiễm và dịch bệnh sẽ bùng phát liên tục mỗi năm. Thêm vào đó, dựa trên các xu hướng từ tám đại dịch cúm toàn cầu, báo cáo của CIDRAP chỉ ra trong ít nhất 18–24 tháng tới, Covid-19 vẫn sẽ tiếp tục lan truyền một cách thầm lặng nhưng nhanh chóng. Tuy nhiên, những kịch bản này vẫn chỉ là phỏng đoán, bởi đại dịch này cho đến nay không hoạt động theo mô hình của đại dịch cúm, Osterholm nói. “Chúng ta đang ở trong một đại dịch coronavirus chưa từng có trong tiền lệ.”

Hậu quả mà Covid-19 để lại ở mỗi vùng đất là khác nhau. Dù vậy, mọi quốc gia, thành phố và cộng đồng đều có thể bị ảnh hưởng bởi đại dịch. “Vẫn còn nhiều điều mà chúng ta chưa biết về loại virus này”, Pulliam nói. “Dù sau này khi đã có thêm nhiều dữ liệu, vẫn sẽ còn rất nhiều điều mà chúng ta chưa thể giải thích được.” □

Anh Thư dịch
Nature 584, 22-25 (2020)
doi: 10.1038/d41586-020-02278-5

Tác giả

(Visited 17 times, 1 visits today)