Bí mật ít biết về lò phản ứng Đà Lạt

45 năm sau ngày thống nhất đất nước, lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt không chỉ vận hành một cách bền bỉ với khoảng 2.900 giờ/năm để tạo ra lượng dược chất phóng xạ cao gần gấp đôi những năm trước cho các cơ sở y tế mà còn đánh dấu một bước tiến mới, các kênh ngang được đưa vào sử dụng có hiệu quả, đem lại các công trình khoa học trên các tạp chí quốc tế có uy tín. Mọi thứ diễn ra thông đồng bén giọt tới mức, dường như không ai biết rằng cuối tháng 3/1975 theo một bức điện tín mật, thiết bị nghiên cứu đặc biệt này từng đứng trước một hiểm nguy và những khó khăn cả về kỹ thuật và ngoại giao trước ngày khôi phục lò phản ứng.


Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt là lò phản ứng độc nhất vô nhị trên thế giới “vỏ Mỹ, ruột Nga”. 

Thông tin này đã được Bộ Năng lượng Mỹ (DOE) giải mật và công khai một phần vào năm 1997. Tới năm 2015, đài truyền hình Nhật Bản NHK thực hiện một bộ phim tài liệu, phỏng vấn hai nhân chứng quan trọng thực hiện nhiệm vụ bí mật ở lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt năm đó và phục dựng lại toàn bộ diễn biến.

Ngược lại dòng thời gian, vào những năm 1960, trong khuôn khổ Chương trình Nguyên tử vì mục đích hòa bình, chính phủ Mỹ đã đầu tư xây dựng một lò phản ứng nghiên cứu tại Việt Nam theo công nghệ TRIGA – MARK II của hãng General Atomics Corporation tại San Diego, California – từ thiết kế TRIGA của nhà vật lý lý thuyết Edward Teller và cộng sự. Sau hơn hơn hai năm xây dựng, lò phản ứng hạt nhân này đã đạt trạng thái tới hạn vào ngày 26/2/1963 và chính thức đi vào vận hành vào ngày 3/3/1963 với một đội ngũ gồm 48 thành viên, trong đó có 15 nhà nghiên cứu và 9 nhân viên kỹ thuật, thực hiện các mục tiêu như “sản xuất đồng vị và dược chất phóng xạ để nghiên cứu trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, y tế… cũng như thực hiện các nghiên cứu cơ bản về vật lý lò phản ứng và an toàn bức xạ”, PGS. TS Nguyễn Nhị Điền, một trong những người gắn bó với Viện nghiên cứu Đà Lạt kể từ năm 1979 và chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng với lò phản ứng này, cho biết. Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt là lò hạt nhân đầu tiên của khu vực Đông Nam Á nhưng ở thời điểm đó, không ai biết đến thông tin này. Theo lời của giáo sư Yuka Tsuchiya, trường đại học Ehime, Nhật Bản, trong cuộc trao đổi với NHK thì “phần lớn người Mỹ cũng như những người khác trên thế giới đều không hề biết đến chuyện là có một lò phản ứng do Mỹ thiết kế như thế tại miền Nam Việt Nam”.

Vì sao lò phản ứng này lại hoạt động một cách bí mật? Thuộc một phần của chương trình Nguyên tử vì mục đích hòa bình, nó lại là một hoạt động hỗ trợ của Mỹ cho chính quyền Sài Gòn trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Theo lý giải của giáo sư Yuka Tsuchiya, chương trình của tổng thống Eisenhower nhằm phổ biến thông tin về các hoạt động hạt nhân dân sự như sử dụng kỹ thuật hạt nhân trong nông nghiệp, y tế, công nghiệp. Chiến lược này cũng tạo điều kiện xuất khẩu công nghệ lò phản ứng hạt nhân và nhiên liệu hạt nhân Mỹ ra nước ngoài. Đằng sau đó là hai nguyên nhân chính: 1. Mỹ muốn chứng tỏ chính sách hạt nhân của mình không chỉ đầu tư vào phát triển bom hạt nhân mà còn vì sự thịnh vượng của con người; 2. Đây là cuộc cạnh tranh công nghệ giữa hai khối Đông và Tây, vì thế, xuất khẩu các lò phản ứng giống như việc xây dựng các ‘thuộc địa’ công nghệ ở nước ngoài bởi các quốc gia chấp nhận công nghệ Mỹ có thể giữ mối quan hệ hợp tác với Mỹ trong nhiều năm và không rời khỏi khối tư bản phương Tây.

Tuy nhiên những tính toán mà họ đặt ra đã không thể thực hiện được do những diễn biến trên chiến trường miền Nam: thất bại của chiến lược Chiến tranh cục bộ (1963-1969) báo hiệu một viễn cảnh tăm tối như lời thừa nhận của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ McNamara trong cuốn Nhìn lại quá khứ – tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam (NXB Chính trị quốc gia, 1995) là “Chúng ta (Mỹ) đã thất bại”.

Do đó, người Mỹ đã cho dừng vận hành lò phản ứng vào năm 1968 nhưng các thanh nhiên liệu cháy dở vẫn còn lại trong lõi lò phản ứng. Các thanh nhiên liệu mà Mỹ cung cấp là nhiên liệu hợp kim hydride uranium-zirconium có độ giàu U-235 dưới 20%. Đây là một trong những thiết kế tiên tiến bậc nhất của Mỹ trong những năm 1960, thậm chí họ còn cho rằng ngay cả Xô viết lúc đó còn chưa có được công nghệ này. Họ sợ hãi khi nghĩ đến khả năng chính quyền Sài Gòn thua trận, Việt Nam thống nhất và do có mối quan hệ hợp tác với Việt Nam, có thể bí quyết công nghệ Mỹ sẽ lọt vào tay Liên Xô. Mặt khác, khi nhiên liệu U-235 tham gia vào phản ứng phân hạch dây chuyền trong lò phản ứng do tương tác của neutron chậm, cùng lúc đó các neutron nhanh sinh ra sẽ tương tác với U-238 để tạo thành Pu-239. Những quốc gia giỏi về công nghệ có thể tách chiết được Pu-239 ra khỏi thanh nhiên liệu và sử dụng vật liệu này để làm vũ khí hạt nhân. 
Vào ngày 24/3/1975, ngoại trưởng Mỹ Henry Kissingger đã gửi một bức điện tín mật tới đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn, ra lệnh lấy nhiên liệu ra khỏi lò phản ứng. Ở Mỹ, nhiệm vụ tối mật này đã được trao cho Wallu Hendrikson, một chuyên gia nhiên liệu hạt nhân của Phòng thí nghiệm quốc gia Idaho, và John Horan, một chuyên gia về vật lý y sinh từng làm việc tại Nhà máy xử lý hóa chất Idaho, Cơ sở các lò phản ứng Naval, quản lý các chương trình môi trường, an toàn và sức khỏe tại Bộ Năng lượng Mỹ cũng như chuyên gia tại IAEA, phụ trách nhóm An toàn phóng xạ (John Horan qua đời năm 1999 trước thời điểm NHK thực hiện phim tài liệu). 


Phòng điều khiển lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt.

Mặc dù sẵn sàng thực hiện mệnh lệnh nhưng khi đến Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn và thấy cảnh hỗn loạn ở thành phố này, Hendrikson mới nhận thấy đây là nhiệm vụ khó thực hiện như thế nào. Ông kể lại “Chúng tôi được thông báo là nếu không lấy được các thanh nhiên liệu khỏi lõi lò phản ứng và mang nó ra khỏi Việt Nam thì chúng tôi sẽ phải làm cách nào đó để không ai có thể vào được lò và đổ bê tông lên lò. Việc đưa bê tông và đưa nó lên cao 20 feet trong không trung rồi đổ nó vào lõi lò là điều không thể”. 

Trong trường hợp các giải pháp này không thể thực hiện được, cần phải nổ tung lò phản ứng hạt nhân, và đó sẽ là một tội ác chiến tranh. Đối với hai nhà khoa học, về mặt nhân đạo thì không thể chấp nhận được phương án cuối cùng. Đại tá Rich Miller cũng tiết lộ với NHK “vào đầu cuộc thảo luận về ý tưởng nổ tung lò phản ứng đã được đề cập và tôi còn thực hiện một số tính toán về việc cần bao nhiêu thuốc nổ TNT…”

Theo thói quen, John Horan ghi chép cẩn thận chi tiết nhiệm vụ này trong một cuốn sổ công tác. Thông tin trong cuốn sổ cho biết, ông và Hendrikson đã hạ cánh xuống sân bay Cam Ly gần Đà Lạt vào 10giờ45 sáng ngày 30/3, trong cảnh hỗn loạn bởi lực lượng quân giải phóng Bắc Việt đang tiến gần đến thành phố. 

Hai người và một nhóm hỗ trợ vào được lò phản ứng để thực hiện nhiệm vụ. Chuyến bay đưa họ trở về Sài Gòn sẽ cất cánh vào một giờ chiều hôm sau. Thật may mắn là ý tưởng nổ tung lò phản ứng đã bị loại bỏ. Đại tá Miller nói, các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ đã quyết định như vậy sau khi nhận thấy, nếu vụ nổ lò phản ứng xảy ra sẽ dẫn đến “sự phát tán phóng xạ và đó không phải là một ý tưởng hay. Tôi nghĩ thậm chí nó sẽ là một công cụ tuyên truyền cho những người cộng sản. Ý tưởng đó đã bị loại vì không hợp lý”.

Tuy nhiên công việc của nhóm Hendrikson và Haron khá nguy hiểm vì các thanh nhiên liệu cháy dở trong lò phản ứng có phóng xạ. Những người trong nhóm đã phải tạo ra một bức tường bảo vệ mình khỏi ảnh hưởng của phóng xạ. Để giới hạn phơi nhiễm, họ làm việc theo thành từng nhóm 4 người một kíp. Trong khi một thành viên  nhấc các thanh nhiên liệu khỏi lõi lò, những người khác nấp sau bức tường bảo vệ để che chắn bản thân trước phóng xạ. Thay vì một thiết bị chuyên dụng có thể mất thời gian, những người này phải sử dụng chính đôi tay mình. Từ đỉnh lò phản ứng, họ hạ một cái móc vào lõi lò và dùng nó nhấc các thanh nhiên liệu, từng thanh từng thanh một.

Trong buổi sáng hôm đó, quân đội miền Bắc chỉ còn cách Đà Lạt 8 dặm.

Cả nhóm làm việc đến tận đêm. Không rõ họ bị phơi nhiễm bao nhiêu lượng phóng xạ nữa. Rốt cuộc vào hai giờ sáng ngày 31/3, họ hoàn tất nhiệm vụ. Cùng ngày, một chuyến máy bay đã đưa hai chuyên gia hạt nhân rời Việt Nam như kế hoạch dự kiến. Họ có mang theo bó nhiên liệu không? Dường như là không bởi theo một nguồn tin khác thì sau đó, nhiên liệu được chuyển từ Việt Nam sang hạm đội Mỹ ở Philippines và sau hai tháng mới chuyển bằng tàu về đến Mỹ.  

Khi quân giải phóng vào tới thành phố, lõi lò phản ứng hạt nhân đã trống rỗng. Tuy nhiên, đây không phải là điểm kết thúc vòng đời của lò phản ứng này mà lại là nơi bắt đầu giai đoạn chuyển tiếp để trở thành lò phản ứng độc nhất vô nhị trên thế giới “vỏ Mỹ, ruột Nga”. Nhưng đó là câu chuyện của nhiều năm sau, với sự hỗ trợ của Liên Xô, các nhà khoa học Việt Nam đã chính thức tái vận hành lò phản ứng và đưa nó trở thành một trong những lò phản ứng nghiên cứu hoạt động hiệu quả nhất như lời nhận xét của đại sứ Nga tại Việt Nam Konstantin Vnukov tại hội thảo “Trung tâm KH&CN hạt nhân quốc gia (CNEST): Các khía cạnh KT-XH và KH-KT” do Bộ KH&CN và Rosatom phối hợp tổ chức ngày 10/2/2017.□
——
* Cám ơn PGS. TS Nguyễn Nhị Điền đã tư vấn và góp ý nhiều thông tin quý báu cho bài viết này. 
 
Tài liệu tham khảo:
https://deepblue.lib.umich.edu/handle/2027.42/116113
https://www.tandfonline.com/doi/abs/ 10.1080/01402390600766148? journalCode=fjss20
https://rootsaction.org/news-a-views/962-vietnam-war-nuclear-missiona
https://www.vietnamfulldisclosure.org/us-almost-blew-up-a-nuclear-plant-in-vietnam/
https://www.nytimes.com/1997/01/16/world/now-it-can-be-told-plutonium-and- a-do-or-die-vietnam-foray.html

 

Tác giả

(Visited 114 times, 1 visits today)