Biến đổi khí hậu khiến mùa đông nhiều muỗi hơn

Ở nhiều nơi trên thế giới, muỗi là nỗi phiền toái thường trực vào mùa hè. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu mới của Đại học Florida (Hoa Kỳ), tại những khu vực chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, những loài côn trùng truyền bệnh này có thể trở thành vấn đề quanh năm.

“Ở những vùng nhiệt đới, muỗi hoạt động quanh năm, nhưng phần còn lại thì khác. Ở những nơi lạnh hơn, nhiệt độ mùa đông khiến loài muỗi chuyển sang trạng thái ngủ đông (diapause). Chúng tôi gọi là muỗi “giới hạn lạnh” vì hoạt động của chúng bị hạn chế do nhiệt độ thấp”, Brett Scheffers, tác giả chính của nghiên cứu và là trợ lý giáo sư ở Phòng Bảo tồn và sinh thái động vật hoang dã ở Viện KH nông nghiệp và Thực phẩm của ĐH Florida (UF/IFAS) cho biết.

“Tuy nhiên, do biến đổi khí hậu, chúng tôi dự đoán mùa hè sẽ kéo dài hơn và mùa đông ngắn hơn, ấm hơn. Điều này có ý nghĩa gì với những con muỗi ở những vùng lạnh giá kia? Chúng sẽ phản ứng như thế nào?” Scheffers đặt câu hỏi.

Để tìm câu trả lời, các tác giả nghiên cứu đã thực hiện các thí nghiệm với những con muỗi thu thập ở trong và quanh thành phố Gainesville, nằm ở trung tâm phía Đông của Florida, thuộc vùng ranh giới giữa khí hậu cận nhiệt đới và ôn đới. Họ đã so sánh các con muỗi được thu thập ở các thời điểm khác nhau trong năm để xem chúng phản ứng với sự thay đổi nhiệt độ như thế nào.

Vào mùa xuân, khi nhiệt độ buổi tối vẫn còn lạnh và nhiệt độ ban ngày bắt đầu ấm lên, muỗi có thể chịu đựng được giới hạn nhiệt độ lớn hơn. Đến mùa hè, nhiệt độ hằng ngày ấm áp, giới hạn đó giảm xuống. Vào mùa thu, nhiệt độ lạnh dần, giới hạn này tăng trở lại, Scheffers giải thích.

“Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy để hiểu rõ hơn về việc các quần thể và các loài có thể chịu được biến đổi khí hậu hiện nay như thế nào, chúng ta cần đánh giá phản ứng nhiệt của chúng tại các thời điểm khác nhau trong năm”, theo Brunno Oliveira, tác giả thứ nhất bài báo. “Thông tin này có thể giúp chúng tôi tìm ra khoảng giới hạn nhiệt độ mà mỗi loài có thể chịu đựng chính xác hơn”.

Trong thí nghiệm này, các nhà nghiên cứu đã thu thập muỗi ở hơn 70 địa điểm xung quanh Gainesville và Trạm sinh học Ordway-Swisher (UF/IFAS) gần đó – một khu vực nghiên cứu và bảo tồn có diện tích 9500 mẫu Anh và nằm cách thành phố 20 dặm về phía Đông.

Họ dụ muỗi bằng những chiếc bẫy đặc biệt tỏa ra khí CO2, loại khí mà con người và động vật thải ra khi hít thở. Với loài muỗi, một luồng khí CO2 mạnh đồng nghĩa với việc có một bữa ăn ở gần đó. Họ đã bắt hơn 28 000 con muỗi đại diện cho 18 loài, trong số đó, họ đã lấy mẫu ngẫu nhiên khoảng 1000 con muỗi để kiểm tra trong phòng thí nghiệm. Mỗi con muỗi được cho vào một lọ, sau đó đặt trong một chậu nước. Theo thời gian, các nhà nghiên cứu sẽ điều chỉnh nhiệt độ nước, nhằm tăng hoặc giảm nhiệt độ bên trong lọ. “Thật ngạc nhiên khi thấy những sinh vật bé nhỏ này có thể chịu đựng nhiệt độ cao như vậy trong suốt quá trình thí nghiệm, thường cao hơn nhiệt độ trung bình của môi trường xung quanh mà các trạm thời tiết đo được”, Gécica Yogo, một trong các tác giả nghiên cứu, cho biết

Những hiểu biết sâu sắc từ nghiên cứu này có thể giúp các cộng đồng chuẩn bị tốt hơn trước những tác động của biến đổi khí hậu, nhất là khi liên quan đến một loài có thể truyền nhiễm bệnh tật cho động vật và con người như muỗi.

Ngoài việc cung cấp thông tin phục vụ việc ra quyết định, các nghiên cứu như thế này còn tập trung vào một khía cạnh của biến đổi khí hậu hiện đang ngày càng được chú ý. “Khi chúng ta đề cập đến ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tới động thực vật, chúng ta thường nói về việc các loài di cư đến các khu vực mới vì điều kiện môi trường đang thay đổi. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu còn ảnh hưởng đến những loài ngay cạnh chúng ta, giống như muỗi với độ linh hoạt cao, đây là khía cạnh cần xem xét”, Scheffers cho biết.□

Thanh An dịch
Nguồn: https://phys.org/news/2021-06-climates-mosquitoes-winter.htm

Tác giả