Chính sách về đất của Brazil ảnh hưởng đến đa dạng sinh học và văn hóa bản địa

Trong công bố “Rapidly escalating threats to the biodiversity and ethnocultural capital of Brazilian Indigenous Lands” đăng trên tạp chí Land Use Policy, các nhà nghiên cứu của Đại học East Anglia (UEA) tại Vương quốc Anh đã chỉ ra, một số thay đổi về lập pháp đang được quốc hội Brazil cân nhắc và nhận được sự ủng hộ từ các nhóm vận động hành lang về khai thác mỏ và nông nghiệp, cùng với chính sách chống bản địa của cơ quan hành chính tối cao, sẽ tác động đến sự tồn tại lâu dài của môi trường và văn hóa dân tộc ở những vùng đất bản địa.


Các vùng đất rừng ở Brazil là nơi cư trú của gần 1/5 động thực vật vùng Amazon. Nguồn: laselvajunglelodge.com

Các vùng đất bản địa ở Brazil chiếm 13,5% diện tích lãnh thổ quốc gia và có khoảng 515.000 người Anh điêng nói 280 ngôn ngữ khác nhau đang sinh sống tại đây. Đây cũng là nơi cư trú của gần 1/5 động thực vật vùng Amazon, đồng thời cũng là nơi lưu giữ khoảng 25,5% tổng trữ lượng carbon của Brazil và có vai trò then chốt trong giảm thiểu biến đổi khí hậu.

Gần 90% các vùng lãnh thổ bản địa đều có tỉ lệ che phủ thực vật tự nhiên lớn hơn các vùng lân cận, đây là nơi bảo vệ khoảng 100 triệu hecta rừng, thảo nguyên và đồng cỏ. Không chỉ vậy, những vùng đất tương đối nguyên sơ này còn là nơi sinh sống của gần 54% dân tộc Anh điêng.

Tuy nhiên, theo Rodrigo Begotti và Carlos Peres ở Trường Khoa học môi trường UAE, ngay cả trước khi dịch Covid-19 nguy hiểm lây lan đến những vùng đất này thì họ cũng đã phải đối mặt với những áp lực chưa từng có trước đây. Đó là sự xâm phạm đất đai của những kẻ khai thác vàng, khai thác gỗ và cư trú bất hợp pháp. Mức độ nghiêm trọng và tần suất diễn ra của những xâm phạm này ngày càng tăng lên, tuy nhiên chúng lại liên tục bị các cơ quan chính phủ bỏ qua, theo một cách mà các tác giả gọi là “sự bành trướng ranh giới bừa bãi” và “sử dụng đất có được bằng thủ đoạn hèn hạ”.

Bình luận về những kết quả nghiên cứu được công bố, giáo sư Peres nói: “Các kết quả đã chỉ ra tầm quan trọng của việc bảo vệ các vùng lãnh thổ bản địa rộng lớn bằng luật pháp. Ngoài việc là nơi sinh sống chủ yếu của cư dân Anh điêng, các vùng đất này còn đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện các cam kết quốc tế của Brazil về bảo vệ đa dạng sinh học nhiệt đới và giảm thiểu biến đổi khí hậu.

“Các phát hiện của chúng tôi bác bỏ lập luận ‘số đất như thế là quá nhiều với số lượng người bản địa ít ỏi’ vốn được nhiều người sử dụng như một cách biện hộ nhằm chống lại sự phân chia ranh giới mới ở các vùng đất bản địa. Chúng tôi cũng phát hiện ra rằng những sinh kế truyền thống của người Brazil bản địa có liên quan sâu sắc với điều kiện môi trường lành mạnh. Và những vùng đất này cũng vẫn hiệu quả trong việc ngăn chặn nạn phá rừng”.

Khi so sánh mật độ dân số bên trong và bên ngoài các vùng bản địa, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra gần một nửa các vùng lãnh thổ có phân chia ranh giới tự nhiên (295 vùng) có mật độ dân số ở bên trong cao hơn so với ở bên ngoài. Các kết quả cũng cho thấy chỉ có 208 vùng đất bản địa Brazil có mật độ dân số tương đối thấp, tuy nhiên những vùng này là nơi sống của những người săn bắt – hái lượm truyền thống và các cộng đồng bán du mục và làm vườn.

Mật độ dân cư bản địa Anh điêng hơn 50 lần ở những nơi có độ che phủ thực vật giảm khoảng 30% diện tích lãnh thổ trở xuống. Bởi vậy, để duy trì được sự đa dạng các văn hóa dân tộc của tất cả gần 300 nhóm bản địa ở Brazil sẽ cần phải có các vùng đất rộng lớn và thưa thớt người, được chính phủ liên bang phân định ranh giới và phê chuẩn.

Các tác giả cũng bày tỏ sự lo ngại về hiệu quả của Fundação Nacional do Índio (FUNAI), cơ quan liên bang chịu trách nhiệm phân chia ranh giới mới và bảo vệ các vùng đất bản địa (bao gồm các nhóm cách biệt và hoàn toàn cô lập). Tổ chức này đã trải qua những đợt cắt giảm ngân sách nghiêm trọng và gần đây còn dỡ bỏ những hoạt động quản lý của mình như một sự thay đổi ý thức hệ để chuyển sang chính sách chống bản địa.□

Mỹ Hạnh dịch
Nguồn: https://phys.org/news/2020-05-rights-essential-biodiversity-indigenous-cultures.html

Tác giả