Chuột: không tự nhiên sinh ra và không tự nhiên mất đi

Năm 1963, Douglas Engelbart cộng tác với một kỹ sư giúp việc ông là Bill English thiết kế được con chuột. Hiện nay hằng năm, hàng tỷ chuột đã bán ra. Ngày nay độ phân giải của màn hình cao nhất là cỡ 800ppi (của Sony Xperia XZ), Còn độ phân giải của sensor chuột laser là trên 2000dpi. Như vậy thì độ phân giải của chuột (trường hợp chuôt thì ppi và dpi tương ứng 1:1) vượt xa của màn hình, nghĩa là chuột ngày nay không hề bị lạc hậu dù trong thời đại 4.0.


Douglas Engelbart, cha đẻ của chuột máy tính. 

Giao diện đồ họa người dùng (GUI) 

Ai cũng biết Bill Gates và Steve Jobs đã xây dựng hai trong số những tên tuổi lớn nhất trong công nghệ hiện nay: Microsoft và Apple.
Cả hai công ty đều được coi là những người tiên phong trong ngành, tạo ra phần mềm và phần cứng cách mạng hóa cách chúng ta sống, giao tiếp và kinh doanh.
Bill Gates và Steve Jobs, cả hai đều sinh năm 1955, có mối quan hệ yêu-ghét nhau lẫn lộn. Và không quá khi nói rằng hai ông trùm là đối thủ nhiều hơn là bạn bè.
Mặc dù họ có mối quan hệ khá thân thiện từ rất sớm, Jobs đã trở nên giận dữ khi Microsoft phát hành phiên bản Windows đầu tiên vào năm 1985, cáo buộc Gates đã chép trộm máy tính Macintosh của mình.
Thường thì Jobs và Gate rất tôn trọng nhau, nhưng lần đó Jobs đã nổi khùng hét lên trong một cuộc hội thảo tại trụ sở Apple:
“Tôi đã tin tưởng cậu, thế mà giờ cậu lại giở trò đánh cắp của chúng tôi”.
Gates đã cười trả lời: “Chà, Steve, tôi nghĩ có nhiều cách nhìn khác nhau đấy. Theo tôi, chuyện giống như thế này này, rằng cả hai chúng ta có biết một người hàng xóm giàu có tên là Xerox và tôi đã đột nhập vào nhà ông ấy để ăn cắp TV và khi vào nhà thì phát hiện ra rằng cậu đã đánh cắp nó rồi”.
Có thật là họ đánh cắp TV không và cái TV gì quý hiếm đến mức mà hai tỷ phú phải ăn trộm?
Trong một cuộc giao lưu có người đã hỏi thẳng Bill Gate: “Ông  đã sao chép công nghệ và ý tưởng Steve Jobs hay ông ta đã sao chép của ông?”
Gates đáp:
“Cả hai chúng tôi đều có học theo Xerox PARC trong việc tạo giao diện đồ họa, cái này không phải của Xerox, nhưng họ làm việc này rất tốt – Steve đã thuê Bob Belville. Tôi đã thuê Charles Simonyi thiết kế. Chúng tôi đã không vi phạm bất kỳ bản quyền IP nào mà Xerox nắm giữ, nhưng quả thật công trình đã làm được của Xerox đã chỉ ra con đường dẫn đến Mac và Windows”.
Vâng, cái TV mà họ “đánh cắp và cãi nhau” đấy là cái mà giới chuyên môn gọi là giao diện đồ họa người dùng (GUI – Graphical Use Interface) với “chú chuột” bé tẹo đấy. Khi bạn mở bất kỳ máy tính nào bạn đều thấy hiện trên màn hình các biểu tượng (icons), một con trỏ. Khi đưa con trỏ chỉ vào biểu tượng và bạn nhấp (click) chuột, bạn sẽ có được những gì mà bạn mong muốn hiện ra, và bạn làm việc tiếp… Đấy chính là giao diện đồ họa người dùng. 
Còn Xerox là ai? Đó là một gã khổng lồ, nơi sáng chế ra Xerocopy (tức máy photocopy ngày nay), phim ảnh màu, máy ảnh số…(nay thì Xerox gần như chết rồi). Nói giao diện đồ họa người dùng và chuột là của Xerox cũng đúng mà cũng không đúng. 

Douglas Engelbart, cha đẻ của chuột máy tính

Câu chuyện bắt đầu từ một anh chàng kỹ sư nhút nhát, không biết kinh doanh, vốn là một lính radar tên là Douglas Engelbart, phải bỏ dở Đại học Oregan để nhập ngũ năm 1942. Chiến tranh kết thúc giải ngũ về đi học tiếp trở thành kỹ sư điện, làm kỹ sư một thời gian cho NASA. Thời đó máy tính còn rất hiếm hoi, ít nơi dạy. Vì đam mê máy tính, Engelbart bỏ việc để tiếp tục học lấy bằng thạc sĩ vào năm 1953 và lấy bằng tiến sĩ điện toán năm 1955 tại Đại học Berkeley, California. Vốn là lính radar quen với màn hình hiển thị, trong khi mọi người thời đó chỉ có cách nhập dữ liệu vào máy tính bằng thẻ đục lỗ, Engelbart nẩy ra ý tưởng và thực hiện việc nhập xuất dữ liệu (data input-output) bằng bàn phím với màn hình. Ông làm việc cho Viện nghiên cứu Standfort (SRI-Stand fort Reseach Institute), thành lập Trung tâm nghiên cứu gia tăng (ARC-Augmentation Reseach Center) trong SRI. Cái tên kỳ lạ của Trung tâm nghiên cứu chính là ý tưởng cho rằng máy tính có thể gia tăng trí thông minh của con người. Ông đã phác thảo những cách sáng tạo để thu thập, xử lý và xem thông tin, sau đó chia sẻ thông tin qua mạng để mọi người có thể làm việc cùng nhau, ngay từ những năm 1960!
ARC trở thành động lực thúc đẩy thiết kế và phát triển Hệ thống on-Line (NLS). 
Tại đây Engelbart đã phác thảo ra toàn bộ hệ thống APARNET (mạng máy tính dùng trong quân sự), tiền thân của INTERNET sau này. Ông và nhóm của mình đã phát triển các yếu tố giao diện máy tính như Ánh xạ điểm màn hình (bitmapped Screen), chuột (mouse), siêu văn bản (hypertext – là nền móng của Internet), bộ công cụ đồng sử dụng và (tiền thân của) giao diện người dùng đồ họa (GUI – Graphical User Interface). Ông đã sáng tạo và phát triển nhiều ý tưởng giao diện người dùng vào giữa những năm 1960, rất lâu trước cuộc cách mạng máy tính cá nhân, vào thời điểm mà Bill Gate và Steve Jobs mới 12, 13 tuổi, chưa hề có và chưa ai dám nghĩ tới là sẽ có  máy tính cá nhân cả! Quá giàu ý tưởng sáng tạo và phát minh đi trước thời đại cùng phong cách làm việc không giống ai cả nên ông gặp nhiều trắc trở. Khi xây dựng ARC, ông tuyển dụng khá nhiều nhân viên là phái nữ vì ông cho rằng phụ nữ sẽ làm việc tốt hơn, dễ xây dựng một văn hóa làm việc hỗ trợ nhau trong cộng đồng nối mạng máy tính. Các nhà tài trợ nghi ngờ ý tưởng đó, lo rằng ông sẽ thất bại, và nhà tài trợ chính là APARNET (Bộ Quốc phòng) đã cắt kinh phí. Hoàn cảnh khó khăn, những cộng sự tài năng của ông lần lượt rời phòng thí nghiệm, kéo nhau sang làm cho Trung tâm Nghiên cứu rất hiện đại và giàu có của Công ty Xerox ở Palo Alto (Xerox PARC – Xerox Palo Alto Research Center) gần ngay ARC của ông. Nhờ đó, XEROX có được GUI và kèm theo đó là một cái hộp gỗ nhỏ cầm tay. Khi thiết bị nhỏ lăn, một chấm trên màn hình lăn cùng với nó. Nó được Douglas Engelbart cộng tác với một kỹ sư giúp việc ông là Bill English thiết kế năm 1963. Engelbart kể lại rằng, “tôi không biết vì sao chúng tôi gọi nó là con chuột. Có thể cái dây điện nối với nó giống cái đuôi. Đôi khi một cái tên được ngẫu nhiên gọi lên như thế đó và rồi không bao giờ thay đổi nó được nữa!”
Năm 1979, Xerox cho phép Steve Jobs và các giám đốc điều hành khác của Apple tham quan phòng thí nghiệm của mình hai lần, để đổi lấy quyền mua 100.000 cổ phiếu của Apple. Jobs đã biết được GUI và CHUỘT nhờ vào hai lần tham quan đó. Rõ ràng cả hai thứ đó hoạt động ở Xerox nhưng không phải sở hữu của Xerox. Vậy là Gate đã nói đúng. Cho nên GUI thì Jobs (và Gate) bắt chước, còn chuột thì phải mua bản quyền của SRI, nơi đã thuê Engelbart làm việc.
Nghịch lý là, so với kho tàng khổng lồ các ý tưởng và phát minh sáng tạo của mình thì con chuột là một phát minh nhỏ bé nhất của Engelbart lại làm cho ông nổi tiếng nhất, hàng tỷ chuột đã bán ra hằng năm, mặc dù vậy trong vụ này cá nhân Engelbart không kiếm nổi quá 10000 USD. Nghe đâu Apple đã chỉ cần phải trả cho SRI 40000 USD để mua quyền sử dụng sáng chế chuột này. Nhân loại phải cảm ơn Engelbart không phải vì con chuột, mà vì bộ óc vĩ đại này. Ngay từ khi Bill Gate và Steven Jobs mới hơn 10 tuổi, ông đã tạo ra những ý tưởng, phát minh, sáng chế cùng với những bước đi đầu tiên cho mọi thứ mà Microsoft, Apple và bao nhiêu các hãng công nghệ sau này đã tạo ra cho chúng ta sử dụng ngày nay. Người ta đã từng than rằng, không biết Thung lũng Silicon sẽ làm gì khi hết ý tưởng của Douglas Engelbart. Vào năm 2006 khi được hỏi là kho ý tưởng sáng tạo của ông đã sử dụng được bao nhiêu, Engelbart trả lời khoảng 2,8%! Những ý tưởng của ông ấy đã đi trước thời đại đến nỗi không có ngôn ngữ để mô tả nó.

Mặc dù ông đã được trao hơn 40 giải thưởng, bao gồm cả Huân chương Công nghệ và Sáng tạo Quốc gia, Giải thưởng Lemelson-MIT trị giá 500.000 USD và một số bằng tiến sĩ danh dự, ông Engelbart thường cảm thấy không thật hài lòng với chính mình. Ông qua đời năm 2013, ở tuổi 88, sau khi bị suy thận. Nhưng giấc mơ của ông ấy vẫn đang truyền cảm hứng cho chúng ta, ngay cả cái ý tưởng bé nhất đã sinh ra con chuột. 

 

Tác giả

(Visited 9 times, 1 visits today)