Chuyến về nước đầu tiên

Lời tựa: GS. Lê Dũng Tráng bảo vệ bằng tiến sĩ khoa học tại Paris năm 1971 và là người có học vị này trẻ nhất ở Pháp thời bấy giờ. Ngay khi có những đồng lương đầu tiên năm 1972, ông quyết định về thăm Việt Nam khi đó còn đang trong chiến tranh. Bài viết này kể lại những trải nghiệm của chuyến đi này. Ông đã dùng toàn bộ tiền tiết kiệm của mình để tiếp tục về Việt Nam trong những năm sau đó để giúp toán học Việt Nam tiếp cận với toán học phương Tây. Ông đã giúp Hội Toán học Việt Nam gia nhập Hội Toán học thế giới và đưa nhiều nhà toán học Pháp đến Việt Nam trong những năm 1970.


Giáo sư Tạ Quang Bửu, giáo sư Lê Dũng Tráng ((thứ hai và thứ ba từ trái sang) trong đoàn đi thăm rừng Cúc Phương. Nguồn: Viện Toán học. 

Chuyến đi từ Pháp của tôi tới Việt Nam vào năm 1972 là một trong những chuyến đi dài nhất thời bấy giờ. 

Khi đó, có nhiều lựa chọn khác ngoài tàu. Đi máy bay là một lựa chọn khó khăn bởi đang có chiến tranh. Tôi có thể đi tới Bangkok hoặc Vientiane rồi đi máy bay tới Hà Nội. Thời đó, sân bay ở Gia Lâm. Tôi chọn đi máy bay tới Moscow rồi đi tàu hỏa từ Moscow tới Hà Nội. Bây giờ, người ta quên mất là chiến tranh Việt Nam còn gắn liền với Chiến tranh Lạnh. Điều này làm cho các chuyến đi về phía “phe xã hội chủ nghĩa” trở nên phức tạp. Tôi quyết định sẽ bay tới Copenhagen trước, nơi tôi có vài người bạn. Một trong số họ, Knud Lønsted1, quen biết Yuri Manin, một nhà toán học Nga có tiếng. Ông đã nhờ tôi gặp Manin và gửi cho ông ấy một món quà và một lá thư.

Tôi ở lại Copenhagen vài ngày. Tôi mua một chiếc xe đạp cũ. Đó hẳn phải là chiếc xe đạp duy nhất loại đó ở Việt Nam. Để phanh thì cần phải đạp ngược lại và khóa chiếc xe là khóa số. Tôi bay tới Moscow vài ngày sau đó. Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam đón tôi. Người ta cho tôi ở trong một trong những nơi mà người Việt nối chuyến bay qua Moscow ở đó.

Tôi gặp Manin tại quán cà phê National tại Quảng trường Đỏ. Chúng tôi đợi vợ tương lai của ông tới từ Leningrad. Chúng tôi làm quen với nhau trong khi ăn bánh blini và trứng cá hồi mà chúng tôi có thể gọi được ở quán National. Tôi hỏi Manin là có sinh viên Việt Nam ở đây không. Ông cười và bảo tôi rằng sinh viên Việt Nam là các sinh viên thuộc dạng hữu nghị và chỉ có các giáo sư muốn được Đảng đánh giá tốt thì mới nhận những sinh viên đó thôi. Chúng tôi đã tranh luận về chủ đề đó. Tôi đã thuyết phục ông nhận một sinh viên nếu như tôi tìm được một người mà tôi cho là tốt. Ông đã nhận lời.

Vài ngày sau, tôi đi tới Bắc Kinh trên chuyến tàu xuyên Siberia. Đến nửa tàu là người Việt. Hành trình kéo dài bảy ngày. Tôi có thời gian để làm quen với vài người bạn mới trong chuyến đi. Rất nhanh, tôi được giới thiệu với Tạ Quốc Quang đến từ Đông Đức, con trai của Tạ Quang Bửu, người mà tôi đúng ra phải biết bởi ông là Bộ trưởng chịu trách nhiệm về việc mời tôi về. Tạ Quốc Quang rất dễ chịu và chúng tôi nhanh chóng trở thành bạn bè. Tất nhiên tôi không dám hỏi bố cậu ta là ai. Với sự thiếu hiểu biết của một người Việt Nam học tại Pháp, tôi không hề biết rằng Tạ Quang Bửu từng là thư ký của Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng của Võ Nguyên Giáp, người ký hiệp định Genève năm 1954 và vào thời điểm mà tôi trở về Việt Nam, ông là Bộ trưởng Bộ Đại học. Và thế giới thật nhỏ bé, Tạ Quang Bửu biết rõ Hoàng Xuân Hãn, cùng khóa với tướng Mahieu, người đã giúp tôi bỏ trường Bách khoa dễ dàng hơn.

Tôi đã quen rất nhiều người Việt Nam trong chuyến đi này, mặc dù tôi nói một thứ tiếng Việt rất tệ. Tôi vẫn còn giữ lại được từ thời thơ ấu khả năng hiểu tiếng Việt, nhưng tôi gặp rất nhiều khó khăn để nhớ từ mới và nhất là phát âm. Nhưng tôi vẫn giữ niềm tin là dù có thế nào thì tôi vẫn có thể giao tiếp được. Thêm vào đó là thời gian này, vẫn còn những người biết một chút tiếng Pháp.

Chúng tôi tới Bắc Kinh, nơi có một bí thư thứ nhất Đại sứ quán đón tôi. Tôi không biết rằng Trung Quốc vẫn đang trong thời kỳ Cách mạng văn hóa. Người ta đang chuẩn bị cho chuyến thăm của Tổng thống Bhutto của Pakistan, người sẽ đến đây trong tuần khi tôi qua Bắc Kinh. Tôi chỉ biết tới ông ta qua đài vô tuyến đặt tại khách sạn và ngày ông ta tới, quảng trường Thiên An Môn đối diện với cổng vào Tử Cấm Thành sẽ đóng cửa đối với những người hiếu kỳ, và ở Bắc Kinh thì có rất nhiều người như vậy. Chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Nixon được dự kiến vào cuối tháng hai.

Tôi không quên lời hứa với Rene Thom2 tìm một người Trung Quốc mà ông biết, Ngô Văn Tuấn (Wu Wen Tsun). Do người này là viện sĩ Viện Hàn lâm nên tôi nghĩ rằng sẽ dễ tìm. Tôi xin Đại sứ quán Việt Nam tổ chức cho tôi một cuộc gặp với nhà toán học Ngô Văn Tuấn, người nổi tiếng với khái niệm lớp đặc trưng Wu trong Tôpô đại số. Trong khi chờ đợi, Đại sứ quán đưa tôi đi thăm Tử Cấm Thành và Vạn Lý Trường Thành.

Tôi gặp Ngô Văn Tuấn vài ngày sau trong những gì còn sót lại của tòa nhà của Viện Hàn lâm Khoa học. Ngô Văn Tuấn được hộ tống bởi một “phiên dịch”, người dường như kiểm soát những gì mà Ngô Văn Tuấn nói với tôi. Viện Hàn lâm Khoa học đã từng chịu cơn thịnh nộ của Hồng vệ binh. Các viện sĩ đã bỏ trốn hết, nhưng phía Trung Quốc vẫn muốn rằng cuộc gặp diễn ra tại địa điểm gần như bị phá hủy này. Trong cuộc gặp, do không có cửa, một người đàn ông có vẻ là nông dân đang nấu ăn tại căn phòng bên cạnh, đi vào, ngửi ngửi Ngô Văn Tuấn, phiên dịch, và chính tôi rồi lại đi ra. Điều này giống như trong một bộ phim siêu thực vậy. Chúng tôi nói về tất cả mọi thứ với Ngô Văn Tuấn. Ông hỏi tôi tin tức về Thom, hỏi xem có gì mới trong Toán học ở phương Tây. Tôi cho rằng phần lớn cuộc nói chuyện của chúng tôi là để làm cho phiên dịch kia yên tâm. Đặc biệt là dù Ngô Văn Tuấn nói tiếng Pháp rất tốt, chúng tôi nói chuyện bằng tiếng Anh.

Chuyến thăm quan Tử Cấm Thành của tôi cũng có vài điều siêu thực. Chỉ có tôi, bí thư thứ nhất Đại sứ quán và hướng dẫn viên. Chúng tôi có hẳn hai giờ để thăm thú cung điện khổng lồ đó. Khi tôi nghĩ tới việc hàng nghìn người chen lấn để vào và ra khỏi Tử Cấm Thành ngày nay, tôi coi chuyến thăm này như một kỷ niệm quý giá. Chuyến thăm Vạn Lý Trường Thành cũng vắng bóng khách du lịch y như vậy.


Giáo sư Lê Dũng Tráng chụp ảnh học sinh đi học khi trở về thăm quê.

Tôi dành thời gian còn lại của chuyến đi để đi dạo ở Bắc Kinh. Trời đẹp nhưng lạnh. Không khí rất trong lành và khác với tình hình hiện nay. Ở đó, có một loại chợ trời nơi người ta bán những chiếc bình cổ và những vật dụng linh tinh khác mà người ta muốn bỏ đi vì sợ Cách mạng văn hóa. Có những chiếc bình thời Minh, những chiếc ấn ngọc, đồ trang sức cổ mà chắc chắn là bây giờ đáng giá cả một gia tài. Tôi không có tiền trong người, chứ nếu tôi tận dụng được cơ hội hiếm có đó thì tôi đã giàu rồi.

Tôi cũng mua vài thứ để đem về cho dì tôi, em của mẹ tôi sống ở Việt Nam. Tôi không biết nên mua gì, nhưng tôi cho rằng những thứ hữu ích nhưng khó kiếm là tốt hơn cả. Trái ngược với những gì ta tưởng tượng về Cách mạng văn hóa, vẫn còn các cửa hàng tại Bắc Kinh. Tôi mua bát đĩa sứ Trung Quốc, chăn len và một chiếc va li. Các cô bán hàng của cửa hàng đồ sứ rất phấn khởi. Tôi cho rằng đó là vì Cách mạng văn hóa đã đuổi hết khách hàng của họ đi. Dù sao thì tôi cũng ra khỏi cửa hàng với cảm giác rằng những người bán hàng Trung Quốc tốt hơn là những người đồng nghiệp Xô Viết của họ.

Vài ngày sau, tôi lên tàu về Hà Nội với chiếc xe đạp và những thứ mà tôi đã mua cho gia đình người dì ruột của tôi. Chuyến đi này chỉ kéo dài ba ngày. Tôi nhớ rằng, tôi đã đi dọc tàu để thăm thú giống như trên tàu xuyên Siberia. Tôi nhận ra rằng phía đuôi tàu chỉ dành cho người Trung Quốc. Tôi đi qua một toa, rồi hai toa, nhưng tới toa thứ ba, người gác tàu hiểu rằng tôi không phải người Trung Quốc và đã hét lên với tôi bằng tiếng Trung rằng tôi phải đi về toa của mình. Để chắc chắn rằng tôi đã hiểu, anh ta dí khẩu súng tiểu liên của anh ta vào bụng tôi để đẩy tôi đi. Tôi không học được mấy thứ khi còn ở trường Bách khoa, nhưng tôi cũng học được là một khẩu tiểu liên thường cướp cò, cho nên tôi chuồn đi nhanh nhất có thể mà không cố hiểu tiếng Trung làm gì.

Khi tới biên giới Lạng Sơn, khổ đường sắt giữa Trung Quốc và Việt Nam thu hẹp lại nên chúng tôi phải đổi tàu. Tất cả hành lý của sinh viên hay những người Việt Nam khác mang về từ nước ngoài được chuyển từ tàu này sang tàu khác. Những người Việt Nam giúp đỡ nhau và việc này diễn ra khá nhanh chóng. Nhưng đó là vào buổi đêm và tôi rất mệt. Tôi lả đi trên đống đồ đạc. Tàu bắt đầu chuyển bánh. Tới Lạng Sơn, các hành khách mới lên tàu. Điều này làm tôi thức giấc. Những từ tiếng Việt đầu tiên mà tôi nghe thấy khi trở về Việt Nam là tiếng của hai bà già chửi nhau.

Đoàn tàu tới Hà Nội lúc 10 giờ. Tôi nhìn thấy chú và dì tôi tìm tôi giữa các hành khách. Do tôi rất cao đối với một người Việt Nam, 1m80, họ nhanh chóng nhìn thấy tôi. Sau ba tuần di chuyển, cuối cùng tôi cũng tới nơi. Hà Nội với những căn biệt thự nhỏ với tôi giống như một thành phố biển ở Pháp vậy. Ga thì giống như một nhà ga tỉnh lẻ ở Pháp. Trên phố, chỉ có xe đạp. Chính phủ đã mời tôi, tôi cũng chưa rõ là Ủy ban Khoa học nhà nước hay là Bộ Đại học, gửi cho tôi một chiếc xe ô tô, một thứ xa xỉ vào thời đó. Thứ xa xỉ đó vốn chỉ được dành cho các cán bộ từ thứ trưởng trở lên. Giáo sư (chỉ có hai giáo sư toán3) có cấp bậc ngang với thứ trưởng. Do vậy, chiếc xe có thể là của Lê Văn Thiêm. Điều này đã xảy ra quá lâu rồi đến nỗi tôi không thể nhớ được nữa. Chiếc xe chở tôi về khách sạn Thống Nhất, ngày nay tên là Métropole. Đó là khách sạn tốt nhất Hà Nội. Các phòng rất rộng. Trong phòng có một phòng tắm với bồn tắm. Dưới tầng có một nhà hàng nơi tôi dùng bữa. Và còn có cả một quầy bar nhỏ, nơi tôi đã quen với những người hay lui tới. Tôi vừa bước vào một thế giới khác với những gì tôi quen thuộc và tôi sẽ phải học cách quen.

Những ngày đầu tiên để lại cho tôi một cảm giác lẫn lộn. Tôi vui mừng vì được biết gia đình dì tôi. Dì Kim, em gái của mẹ tôi, đã kết hôn vào năm 1956 trước khi trở về Việt Nam. Tôi đã dự đám cưới đó khi còn nhỏ. Điều này đã để lại trong tôi một ký ức sâu đậm bởi vì tôi thấy chú tôi, chồng của dì, yêu dì rất nhiều. Mẹ tôi đã rất lo lắng cho người em sẽ sống dưới bom đạn Mỹ này.

Tôi có ba người anh chị em họ, hai nữ và một nam. Người em trai họ của tôi có vấn đề về gan và tôi đã thử thuyết phục một người em của mẹ tôi để đem cậu ấy sang Pháp phẫu thuật. Tôi có, như người ta nói, những cảm giác gần gũi với gia đình mới của mình. Nhưng gia đình này giữ với tôi một kiểu cư xử lẩn tránh. Do tôi không quen việc mọi người cư xử vừa nồng nhiệt lại vừa dè dặt, tôi cảm thấy không thoải mái. Cái cảm giác không thoải mái đó chỉ càng tăng thêm vào những ngày sau đó.

Sau ngày tôi về một hôm, tôi gặp Bộ trưởng Tạ Quang Bửu. Khi tôi tới, ông vừa cười vừa nói với tôi rằng ông đón tiếp tôi không phải với tư cách Bộ trưởng mà với tư cách là cha của Tạ Quốc Quang, người mà tôi đã quen trên chuyến tàu xuyên Siberia. Còn vài ngày nữa là đến Tết, cho nên tất cả các gia đình Việt Nam đều cố gắng để sum họp. Ở đó có ông Bộ trưởng, vợ ông, Tạ Quốc Quang, một người em trai của Quang mặc quân phục và em gái của cậu, Mai. Tôi nhớ rằng Tạ Quang Bửu nói với tôi rằng ông còn một người con trai nữa không có nhà do nghĩa vụ quân sự.

Chúng tôi nói với nhau nửa tiếng Việt, nửa tiếng Pháp, thứ tiếng mà Tạ Quang Bửu nói rất tốt. Tôi nhớ rằng ông đã nói tới Noam Chomsky3 và Grothendieck4. Thực tế là hiện giờ những kỷ niệm của tôi đã lẫn lộn và trở lại trong trí nhớ của tôi là những mẩu đối thoại khác mà tôi có với Tạ Quang Bửu. Nhưng dù gì thì tôi cũng nhớ rằng ông đã thông báo rằng tôi sẽ là nhân vật chính trong một cuộc gặp Hội Toán học Việt Nam một hai ngày sau đó và có một vấn đề về phiên dịch. Ông vừa cười vừa nói với tôi rằng nếu không thể tìm được người khác, ông sẽ làm phiên dịch.

Hai ngày sau, tức là ba hoặc bốn ngày sau khi tôi về, đúng là đã có một cuộc gặp với Hội Toán học Việt Nam trong một căn phòng lớn của Ủy ban Khoa học nhà nước. Khán phòng chật kín. Có hai hoặc ba trăm người, hình như tất cả đều là các nhà toán học. Tôi nghĩ rằng Hoàng Tụy và Phan Đình Diệu cũng có ở đó. Tôi biết đến cái tên Phan Đình Diệu từ Paris, bởi ông đã viết một cuốn sách về logic được Viện Steklhov ở Moscow xuất bản và đã được dịch sang tiếng Anh. Giáo sư Lê Văn Thiêm là chủ tịch Hội. Tôi biết Lê Văn Thiêm là cựu học sinh trường Sư Phạm Paris, đã bảo vệ luận án tiến sĩ nhà nước tại Paris. Ông quen Rolf Nevanlinna5 tại Zurich, nơi ông này giảng dạy sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Sau đó ông đã tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp vào năm 1949.

Giáo sư Lê Văn Thiêm bắt đầu bằng một bài giới thiệu tôi, một dạng sơ yếu lý lịch kiểu Việt Nam. Ông giải thích rằng gia đình tôi đến từ Thanh Hóa, rằng cậu tôi là một trong những người cộng sản đầu tiên6. Cậu tôi đã cắm lá cờ của Đảng cộng sản lên mái Trường trung học Vinh để kỷ niệm Cách mạng tháng Mười trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh năm 1930. Ông bị quân Pháp bắt và giết hai năm sau đó tại nhà tù Quy Nhơn. Bố tôi sang Pháp năm 1949 cùng với mẹ tôi và tôi lúc đó còn nhỏ với một học bổng để học sinh học. Tôi im lặng và mỉm cười trong suốt bài giới thiệu. Tôi biết những sự kiện đó, bởi vì bố tôi đã kể cho tôi. Tôi bối rối bởi vì không bao giờ người ta nhắc tới mẹ tôi. Đó là một sự đối lập, mẹ tôi đến từ một gia đình giàu có và danh giá của Việt Nam ngày xưa và bà mới chính là người giữ gìn ngọn lửa bảo vệ Tổ quốc. Mẹ tôi học Dược, điều hiếm có vào thời đó. Tôi cho rằng, em gái của bà ở Việt Nam cũng đã làm như vậy để theo gương chị mình.

Tôi trình bày về các siêu mặt phức. Về sau, tôi mới hiểu rằng đó không phải là cái mà tôi nên làm. Tuy nhiên, các khán giả không tỏ ra không có ấn tượng xấu về bài giảng. Ông Trần Văn Nhung, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục, luôn nhắc lại với tôi cái ngày mà ông Tạ Quang Bửu làm phiên dịch cho tôi. Ông Nhung nói rằng ấn tượng về ngày đó là một kỷ niệm tuyệt vời. Cuối cùng, cái gì còn đọng lại mới là quan trọng nhất.

Nhìn chung, cuộc gặp gỡ của tôi với Bộ trưởng Tạ Quang Bửu không mang tính nghi thức. Điều này có tầm quan trọng rất lớn về sau. Cảm giác không thoải mái vốn làm cho tôi lo lắng ngày càng nhiều không hề rời bỏ tôi mặc cho sự thấu hiểu giữa tôi và Tạ Quang Bửu. Tôi có hỏi chú tôi. Tôi thường xuyên đến nhà chú và dì tôi. Tôi mang về một chiếc xe đạp từ Đan Mạch. Điều này giúp tôi có thể di chuyển tại Hà Nội mà không cần đến một chiếc xe ô tô công vụ. Chú tôi thú nhận rằng, mỗi lần tôi đến thăm là họ phải khai báo với bên an ninh. Tôi nhận ra rằng lần nào tôi ra ngoài, tôi cũng bị theo dõi. Ngay khi có cơ hội, tôi đã nói cảm giác của tôi với Bộ trưởng Tạ Quang Bửu. Thật kì diệu, sau đó, cảm giác không thoải mái của tôi đã biến mất.□

(Còn nữa)

 

PGS. TS Nguyễn Việt Dũng Viện Toán học dịch

GS. Ngô Việt Trung Viết lời tựa và hiệu đính

——-

1. Nhà toán học Đan Mạch.

Nhà toán học Pháp, giải Fields 1958, đến thăm miền Bắc Việt Nam năm 1967.

3. GS Lê Văn Thiêm và GS Tạ Quang Bửu.

4.  Nhà bác học Mỹ nổi tiếng về việc dùng toán học phân tích ngôn ngữ, đến thăm miền Bắc Việt Nam năm 1970.

5. Nhà toán học Phần Lan nổi tiếng về các công trình trong lĩnh vực Giải tích phức.

6. Ông Lê Văn Bảo, đảng viên Đảng cộng sản năm 1930.

Tác giả

(Visited 48 times, 1 visits today)