Cửa biển Việt Nam thế kỷ XV: Những khúc xạ địa lý học lịch sử

(Chú giải lại “Nghiên cứu bản đồ các cửa sông, hải cảng Việt Nam thế kỷ XV” của Dumoutier).


Tranh vẽ thuyền Nhật Bản khi đến Việt Nam vào thế kỷ 17. http://www.archives.go.jp/event/jp_vn45/english/ch02.html

“Nghiên cứu bản đồ các cửa sông, hải cảng Việt Nam thế kỷ XV” là một ấn phẩm sớm nhất hiện biết về địa lý học lịch sử, bản đồ học lịch sử, và lịch sử giao thông Việt Nam thời cổ của học giả người Pháp Gustave Dumoutier xuất bản năm 1895 chắc chắn đã là một tư liệu quan trọng, tham khảo đầu giường cho nhiều thế hệ học giả trong một thế kỷ qua. Nhưng phải đến lần xuất bản này vào năm 2020, lần đầu tiên chuyên luận này mới được dịch sang tiếng Việt và xuất bản một cách chính thức ở Việt Nam. Như tôi biết, đã có rất nhiều bạn đọc ở Việt Nam háo hức chờ đợi bản dịch tiếng Việt của cuốn sách. Bởi lẽ, tác phẩm này là một nghiên cứu về bản đồ cổ viết bằng Hán Nôm, được công bố bằng tiếng Pháp – thứ tiếng mà các bạn trẻ ham Anh ngữ ngày nay cũng không nhiều người đọc được, trong đó có tôi. Tuy nhiên, công trình này có một số lỗ hổng về văn bản học và sử liệu mà tôi nghĩ rằng cần phải thảo luận và chú giải lại để độc giả có sự phân tích, cẩn trọng khi sử dụng. 

Như cái tên của nghiên cứu, tác giả đã bắt vít đích xác thời điểm biên soạn của cuốn Bản đồ mà ông có trong tay vào thế kỷ 15, ông xác quyết đây là một tập bản đồ được biên soạn vào thời vua Lê Thánh Tông, với lời trích sử liệu trong Đại Việt sử ký toàn thư (Toàn thư). Ông dựa vào Toàn thư mà khẳng định chắc rằng người vẽ bản đồ là thổ dân Nguyễn Vũ được vua Lê Thánh Tông sai vẽ sau năm 1471 (Ngô Sĩ Liên 1479/1998 T2: 448). Thế nhưng, nghiên cứu này không thấy có mô tả hiện trạng thư tịch, giám định niên đại biên soạn, giám định niên đại định bản, hệ thống truyền bản của văn bản được sử dụng. 25 trang văn và 25 trang bản đồ không có thông tin nào về tên bản đồ, người soạn, người vẽ, người chép. Thực chất đây là các bản đồ đã vẽ lại của Dumoutier trên một bản đồ cổ nào đó mà ta không biết được lai lịch. Tức là về mặt văn bản học người đọc ở thời điểm hiện tại hoàn toàn bị đóng sập cánh cửa để tìm hiểu về văn bản này. Và như chúng tôi sẽ chỉ ra, dù cố gắng sao chép nguyên xi với nỗ lực lớn nhất, tác giả cũng đã chép nhầm sao nhầm nhiều địa danh, nhiều văn tự nhầm lẫn, và các lỗi phiên âm, ấy là chưa kể cái sai vốn có của các bản đồ này, bởi như ta biết mỗi một bản đồ là tù nhân của thời đại sinh ra nó. Chúng tôi tạm đặt tên cho bản đồ này là Bản đồ Dumoutier (theo cách đánh số La Mã từ I đến XXV, các chữ số của địa danh đánh theo Dumoutier) để tiện kiểm chứng:

1. Cửa biển không được ghi tên thứ nhất trong bản đồ số IV. Phía trong cửa biển này có ghi “Ngã ba Non Nước” (我??渃) có vẽ hình ba ngọn núi. Thực ra, đây chính là cửa sông Đáy đổ ra biển, nổi tiếng với các tên Đại Nha hải khẩu (大鴉海口). Năm 1044, vua Lý Thái Tông đổi thành cửa Đại An. Thế kỷ XIX, cửa biển có các tên cửa Liêu, Liêu Hải. Nay cửa tên là Cửa Đáy thuộc hệ sông Đáy, là ranh giới giữa tỉnh Ninh Bình và tỉnh Nam Định.


Bản đồ Thanh Hóa tỉnh, Đại Nam nhất thống chí. Nguồn: VNL-VNPF.

2. Biện sơn 汴山: bản đồ số VI vẽ sai vị trí đảo này. Bản đồ vẽ Biện Sơn nằm ngoài khơi của xã Du Xuyên, phía Đông Bắc của cửa Lạch Bạng nay. Hoàng Lê Cảnh Hưng bản đồ cũng vẽ ghi đảo Biện Sơn nằm ngay ngoài Du Hải môn (瑜海門), cách vẽ này là sai nhầm. Thực ra, Biện Sơn (nay là bán đảo) nằm ở phía Nam của cửa Lạch Bạng. Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư không vẽ cửa biển và đảo Biện Sơn. Bản đồ Thanh Hóa tỉnh trong Đại Nam nhất thống chí ghi vẽ Biện tấn hải khẩu (汴汛海口). Đại Nam nhất thống chí ghi có ba pháo đài ở Biện Sơn.

3. Cửa Lạch Bạng: bản đồ số VI không ghi tên cửa biển này. Thế kỷ 15 cửa này tên là cửa Du. Bài số 8 trong Chinh Tây kỷ hành ghi đó là cửa biển Điển Du (典臾海口) [Viện Nghiên cứu Hán Nôm 2003]. So sánh với bản đồ số VII, có ghi hai địa danh xã Chu Bàn, và xã Như Áng. Như vậy, thế kỷ XV, cửa Lạch Bạch có tên là Du hoặc Điển Du.

4. Bản đồ số X ghi cửa biển được Dumoutier ghi là , phần chú thích số 193 phiên là Phi môn (?門). Thực tế chưa từng thấy cửa nào ở Nghệ An có tên như vậy. Có lẽ Dumoutier chép nhầm tên chữ Hán cả ở bản đồ lẫn chú thích. Xét, bản đồ X vẽ cửa này nằm phía ngoài Cầu Cấm. Cấm giang- sông Cấm đổ ra cửa Xá, là ranh giới tự nhiên giữa huyện Nghi Lộc và thị xã Cửa Lò. Thế kỷ XIX cửa sông Cấm đổ ra biển gọi là cửa Xá (舍門) [Quốc sử quán triều Nguyễn 1910 Q13; 2012 T1: 808] .

5. Bản đồ XI ghi cửa Luật (224律門) nằm ở phía Nam của Hội Thống.  Dumoutier phiên “luật” là không đúng, đây là Cửa Sót,  cửa của hệ sông Hạ Vàng (với hai chi lưu chính là sông Nghèn và sông Rào Cái). Ngày nay, Cửa Sót và dòng Hạ Vàng là ranh giới giữa huyện Lộc Hà và huyện Thạch Hà của tỉnh Hà Tĩnh.

6. Cửa Tiến (312:荐門) được ghi trong bản đồ số XIV, phía trong có Cầu Tiến (306:梂荐), ghi chép này của Dumoutier là sai, đó phải là Cửa Ròn và Cầu Ròn. Do đây là chữ Nôm {艹thảo +存 tồn} trùng hình với chữ tiến giản thể (薦>荐). Bản đồ Quảng Bình tỉnh trong Đại Nam nhất thống chí ghi là Ròn giang tấn (洊江汛). Hoàng Lê Cảnh Hưng bản đồ ghi và vẽ là  存門, trong có Cầu Ròn (求存) và Chợ Ròn (存市).Cửa Ròn thuộc huyện Quảng Trạch, cửa Gianh của sông Gianh (ranh giới giữa Quảng Trạch và huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình). 

7. Đảo môn (裊門384) được ghi trong bản đồ số XV, phía nam của cửa Thuận Cô, phía trong bờ Nam có vẽ Đảo lũy (376裊壘). Dumoutier đọc sai, do nhầm với chữ 島, phải là Niểu môn và Niểu lũy. Hoàng Lê Cảnh Hưng bản đồ cũng ghi tương tự. Giao châu chí ghi An Niểu môn (安裊門). Đại Nam nhất thống chí ghi: Cửa An Niểu là cửa của sông Chính Hòa (còn gọi sông Dinh/ sông Doanh) nằm ở phía Nam của huyện Bố Trạch tỉnh Quảng Bình, cách huyện lị 5 dặm. [Quốc sử quán triều Nguyễn, 1910 Q7; 2012 T1: 499.] 


Bản đồ số XIX vẽ và ghi Đại Chiêm môn (541大占門). Nguồn: Nguyễn Văn Trường, Thông tin KHXH, số 12.2015.

8. Yêu Tiền môn (504腰前門) được ghi trong bản đồ số XVII, phía Nam của huyện Vũ Xương, phía Bắc của Tư Dung môn. Bình Nam đồ ghi Nhuyễn hải môn trung thâm (渜海門中深). Giao châu chí ghi Yêu môn (腰門). Hoàng Lê Cảnh Hưng bản đồ ghi Eo Gió môn (腰門), bờ bắc là huyện Hải Lăng. Thế kỷ XV chưa rõ tư liệu. Ô Châu cận lục (1555) ghi: “Cửa Eo ở huyện Kim Trà, do nước từ các nguồn Kim Trà và Đan Điền đổ về. Xưa kia, từ Cửa Việt đến Tư Khách (liền một dải) gọi là Đại Trường Sa. Đến năm Khai Đại 1 (1403) Cửa Eo mới vỡ thành cửa biển. Vua xuống chiếu sai quân từ kinh vào đắp lấp, nhưng hễ đến khoảng tháng 8 tháng 9 là bị úng lụt. Đến năm Cảnh Thống (1498-1504) cửa vỡ hẳn, từ đó có tên là Tiểu Trường Sa.” [2009: 29]. 

9. Trên bản đồ số XVIII có cửa biển không được vẽ nhưng không được ghi tên, bờ Nam là quán Bảy At (521館?溢), bờ Bắc là Tứ Chánh quán (520四政館), phía Nam của cửa Cảnh Dương. Hoàng Lê Cảnh Hưng bản đồ có vẽ nhưng không ghi tên, có ghi Tứ Chánh quán và ghi  舘罢隘, là điểm trú chân ngày 32 trên hải trình Bắc- Nam. Tôi cho quán Bảy At1 mà Dumoutier phiên là nhầm từ quán Bãi Ải. Giao Châu chí ghi Độ Ải môn (渡隘門). Bình Nam đồ ghi Độ Ải hải môn (渡隘海門), phía trên là Ải Vân sơn (隘雲山). Bản đồ XVIII ghi nguồn của cửa này là Khe Cây Mít (溪核櫗). Khe Cây Mít tức suối Hói Mít ngày nay, suối này từ sườn Hải Vân đổ xuống vũng Lăng Cô. Tất cả các bản đồ đều không vẽ vũng Lăng Cô, mà chỉ thể hiện bằng một dòng khe. Vũng Lăng Cô thời cổ được gọi là đầm An Cư. Thế kỷ XV, Lê Thánh Tông trong bài  Hải Vân hải môn lữ thứ có câu: “Gộp mối xa thư một dải liền, Hải Vân ngang lối vượt trời Nam” (混一車書共幅絹、海雲橫界越南天), phần nguyên chú ghi thêm: sau khi Chiêm Thành nhập bản đồ, lần đầu tiên đặt cửa quan Hải Vân để kiểm soát người ra vào (2003: 262), có thể hiểu cửa quan gồm lộ trình và hải trình. Đại Nam nhất thống chí ghi: cửa Hải Vân ở đông nam huyện Phú Lộc 95 dặm. Rộng 27 trượng, triều lên sâu 6 thước 5 tấc, triều rặc sâu 4 thước 5 tấc. Nam là chân núi Hải Vân, Bắc là bãi An Cư. Vốn có đặt Thủ sở để quản lý hành khách và tuần phòng bờ biển. Sau lại bỏ. [Quốc sử quán triều Nguyễn 1910 Q2; 2012 T1: 144]. Cảng này có bến đò An Cư nối hai bờ tả hữu đều thuộc ấp An Cư, và nối sang bờ chân núi Hải Vân, tục gọi là Đò Tuần. [Quốc sử quán triều Nguyễn 1910 Q2; 2012 T1: 150]. 


Yêu Tiền môn (504腰前門) được ghi trong bản đồ số XVII. Nguồn: Nguyễn Văn Trường, Thông tin KHXH, số 12.2015.

10. Cửa vô danh (không ghi tên) được vẽ trên bản đồ số XVIII, bờ Nam là Bảy Hòn Hàn (523几寒), và Túc Khố (524粟庫), Trà Nhiễu môn (525 茶繞門) và Đà Triển môn (526沱展門), bờ Bắc là thiển thâm (522). Có nhiều sự sai lầm ở đây. Đà Triển môn ghi nhầm từ Đà Nẵng Môn (沱曩門), Dumoutier đã sửa được lỗi này trong phần chú thích (1895: 30). Trà Nhiễu ghi nhầm từ Trà Nhiêu (茶饒). Riêng địa danh Bảy Hòn Hàn được ghi chữ Hán là “丸寒”, chưa rõ là gì, chờ khảo cứu sau. Nhưng Trà Nhiêu không phải là cửa biển mà chỉ là tên đầm thuộc hệ sông Thu Bồn và cửa biển Đại Chiêm. Cái sai lớn nhất của bản đồ là chú sai địa danh giữa Trà Nhiêu và Đà Nẵng môn. Đà Nẵng môn chính là cửa vô danh không được chú trên bản đồ, nằm ở phía bắc của bãi Cơ Hàn. Vịnh Đà Nẵng được vẽ quá nhỏ, phía trong có chợ Hàn, phía Nam có Ngũ Hành sơn, nhưng sông Hàn không được ghi tên, và sông Cu Đê hoàn toàn biến mất. Tóm lại, cửa vô danh và bị vẽ sai lệch này là vịnh Đà Nẵng, cửa sông Hàn và sông Cu Đê.

11. Đà Triển môn (526沱展門) được vẽ trên bản đồ số XVIII, như đã nêu ở trên không phải là cửa Đà Nẵng, mà là một cửa nhỏ của cửa Đại Chiêm. Bản đồ ngay sau (là bản đồ số XIX) vẽ và ghi Đại Chiêm môn (541大占門) ở phía Nam của  Trà Nhiễu môn (525 茶繞門, sic) và Đà Triển môn (526沱展門, sic). Trà Nhiêu môn (525 茶繞門) được ghi tên trên bản đồ số XVIII, bờ Bắc là Bãi Kỉ Hàn (523几寒), và Túc Khố (524粟庫). Vũng Trà Nhiêu đáng ra phải ghi ở phía trong, còn cửa Đại Chiêm ở bản đổ XX phải trám thay vị trí của Đà Nẵng môn ở bản đồ XIX. 

12. Tụng Đàn môn (543誦?門) được vẽ trong bản đồ số XIX, phía Bắc là Đại Chiêm môn, Hòa Hợp môn (和合門), phía Nam là Sa Kỳ môn (沙淇門). Dumoutier đọc là Tụng Đần môn (誦壇門). Hoàng Lê Cảnh Hưng bản đồ ghi phía Nam cửa Hợp Hòa là Chiên Đàn môn (旜?門). Như vậy bản đồ của Dumoutier nhầm Chiên Đàn thành Tụng Đần (旜>誦).

13. Sa Kỳ môn (545沙淇門) được vẽ trong bản đồ số XIX, phía Bắc là Chiên Đàn môn, phía Nam là Cửa Tiểu (546小門), Cửa Đại (547大門), phía Đông ngoài khơi là Du Ái sơn (550油藹山) và Bãi Cát Vàng (550?葛鐄). Dumoutier không biết Bãi Cát Vàng là gì, và nhận đọc là Bãi Ô Hoàng “??鐄”, và bỏ trống không chú thích (1885: 31). Du Ái sơn thực ra là Du Trường sơn (油塲山) còn Bãi Cát Vàng chính là quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

14. Nước Muối môn (渃?門) được vẽ trong bản đồ số XXI, chắn ngoài cửa là cù lao Nước Kích (592,劬勞渃激 sic), bờ phía Bắc là Làng Giáo Cư (588廊教居), núi Yêu Giếc (587腰?山), Duy Sơn (590維山), Khổng Lộ Câu (591孔路山), phía trong vịnh là Bãi Ông Tô (582?翁蘇), phía tây sâu trong đất liền là Nước Muối (576渃?) và Đồ Bàn thành (闍槃城), phía Nam là Na sơn (583梛山), Phù Ly huyện (579符離縣, sic), Phật Tỉnh (578佛井), bờ phía Nam là Rau Câu Đàm (593蔞勾潭) núi Vũng Giếc (584淎?山), Vũng Giếc (594淎?). Cù lao Nước Kích thực là phải là cù lao Nước mặn (劬勞渃{氵敏}, {氵敏} nhầm thành 激), tức đảo Thanh Châu thế kỷ XIX, nay là Cù lao Xanh. Núi Eo Giếc vào thế kỷ XIX gọi là núi Triều Châu (hay núi Cố Hỷ), nay đều là thuộc bán đảo Phương Mai.


Khu vực thành Thăng Long và phụ cận thế kỷ XV. Nguồn: Nguyễn Văn Trường, Thông tin KHXH, số 12.2015.

15. Lai Hành môn (621来行門) được ghi trong bản đồ số XXII,  phía Bắc là Đàn Di môn (617彈 㹫門), Bãi Mây Nước, Nhật Dạ môn, ngoài khơi có Cù lao Mây Nước và (619??府灵), phía Nam có Vụng Lăn Lăn (620淎粦粦). Vụng Lăn Lăn mà Dumoutier phiên âm chính là Vụng Ran Ran, cái tên Ran Ran còn thấy trong bản đồ của Rhodes (1650) chỉ cả vùng đất Phú Yên. Năm 1621, Cristoforo Borri gọi phủ Phú Yên là dinh Renran (Borri 1631: 8). Thế thì bản đồ của Dumoutier đặt nhầm vũng Ran Ran của cửa Đà Rằng vào Vũng Ô Loan, mà cửa của vũng này chính là Mây Nước hải môn như Bình Nam đồ và Hoàng Lê Cảnh Hưng bản đồ đã ghi. 

16. Bản đồ số XXIII là bản đồ có nhiều sai sót nhất. Bản đồ này vẽ 6 cửa biển nhưng chỉ có cửa biển thứ hai từ phải sang được ghi tên là cửa Tắc Cú (643塞句門). Sang đến bản đồ XXIV thấy có cửa biển Cam Ranh (甘冷門) và đầm Cam Ranh (甘冷潭). Theo địa lý hiện đại, tỉnh Khánh Hòa có tám cửa biển gồm: 1/ Cửa biển Hải Triều thuộc sông Tu Bông đổ ra vịnh Văn Phong huyện Vạn Ninh. 2/ Cửa Chà Là, sông Chà Là, đổ ra vịnh Văn Phong, thuộc huyện Vạn Ninh. 3/ Cửa Hiền Lương, sông Hiền Lương, đổ ra vịnh Vân Phong, thuộc huyện Vạn Ninh. 4/ Cửa vịnh Vân Phong, huyện Vạn Ninh (gồm cửa lớn và cửa bé); 5/ Các cửa Hà Liên, thuộc sông Cầu Lam/ Tân Lâm, đổ ra vịnh Nha Phu, huyện Ninh Hòa; 6/ Cửa lớn Nha Trang, sông Cái, thành phố Nha Trang.  7/ Cửa bé Nha Trang, sông Cửa Bé, thành phố Nha Trang. 8/ Cửa Cam Ranh (cửa Hẹp ở trong và Cửa Lớn ở ngoài) thành phố Cam Ranh [Trần Trọng Dương 2019: 361].  Còn theo bản đồ Khánh Hòa tỉnh trong Đại Nam nhất thống chí thì tỉnh Khánh Hòa có 6 cửa biển sau: 1/ Vân Phong tiểu tấn khẩu (雲峰小汛口); 2/ Vân Phong đại tấn khẩu (雲峰小汛口); 3/ Nha Phu tấn khẩu (芽敷汛口); 4/ Cù Huân đại tấn khẩu (虬勳大汛口); 5/ Cù Huân tiểu tấn khẩu (虬勳小汛口); 6/ Cam Ranh tấn khẩu (柑欞汛口).  

17. Vũng Diên (665 淎涎) được vẽ trên bản đồ số XXIV, phía hữu là cửa Cam Ranh và Hy môn (Vĩnh Hy). Hoàng Lê Cảnh Hưng bản đồ vẽ ghi Vũng Diên (淎延), phía nam là Diên sơn (延山) và cửa Nhật Đường (日堂, sic: Cam Đường). và Giao Châu chí ghi là Cam Hàm môn (甘酣門) chắc cũng sai. Đại Nam thực lục ghi địa danh này là núi Mũi Diên (Diên Chủy). Núi này cách phía Đông Nam của huyện Tuy Phong (trấn Bình Thuận xưa gồm cả Ninh Thuận nay) khoảng 58 dặm (29-30km) lên bắc. Núi này có chín đoạn, đều gối ngang lên bờ biển. Nước biển ở đây chia theo hai ngả, một luồng chảy vào Nam, một luồng chảy ra Bắc. Thế nước chảy xiết rất đáng sợ, tầu thuyền qua đây thường phải rất cảnh giác dè chừng. Phía đông của núi Mũi Diên, có đầm Vĩnh Diên. Khi gió nồm nam thổi mạnh thì tàu thuyền qua lại đều táp vào vịnh này mà trú yên ổn. Năm 1850, núi Mũi Diên được ghi vào tự điển. [Quốc sử quán triều Nguyễn 1910 Q11; 2012 T1: 668]. Diên Chủy (mũi Diên) hay Diên Sơn là một, núi này đâm ngang ra biển, tạo nện vụng biển ở phía bắc, đó chính là Vũng Diên. Khảo trên không ảnh thì xưa có một dòng sông đổ ra vũng, nhưng nay đã cạn gần hết do hạn hán và phá rừng. Cửa Vũng Diên nay thuộc thôn Sơn Hải xã Phước Diên huyện Ninh Phước tỉnh Ninh Thuận. Chiếu lại bản đồ XXIV mà so với bản đồ 2004, thì thấy cái sai trầm trọng của bản đồ XXIV và Hoàng Lê Cảnh Hưng bản đồ là ghi Vũng Diên ở phía hữu của cửa Cam Đường (Ninh Chữ). Trong khi thực tế, Vũng Diên nằm trên tuyến hải trình từ Ninh Chữ đến Cà Ná. Vũng Diên ngày nay đã mất tên, Mũi Diên bị đổi thành Mũi Dinh (hay Mũi Cà Ná), nằm trên địa bàn Phước Dinh của huyện Ninh Phước tỉnh Ninh Thuận.


Thuyền bè của người Đàng Trong ở Hội An – Cửa Đại – sông Thu Bồn/ John Barrow. Nguồn: https://archive.org/stream/voyagetocochinch00barr#page/320/mode/1up

Như đã trình bày sơ lược ở trên, những sai lầm được nhặt ra ngẫu nhiên, nếu khảo sát cụ thể và toàn diện, có lẽ số lượng các sai sót này còn nhiều hơn nữa. Và như đã nói ở đầu bài viết, đây là khảo cứu đầu tiên về địa lý và bản đồ cổ thực hiện cách nay 125 năm, đó là điều dễ hiểu. Khoảng thời gian ấy đã có bao nhiêu biến đổi trong nhận thức và khoa học, khiến cho nhiều thứ trong công trình mở đầu này đã trở nên lỗi thời. Điều đó khiến cho các học giả như PGS.TS Liam C. Kelley từng băn khoăn rằng việc dịch những công trình như thế này ra tiếng Việt liệu có nghĩa gì về khoa học. Theo tôi, dù thế nào đi chăng nữa, tập bản đồ này vẫn đáng được chờ đợi ít nhất ở tính tư liệu lịch sử của nó. Vì thế, tôi mới mạo muội đọc lại toàn bộ cuốn sách này, để nhìn lại công trình của tác giả từ cả hai phía: từ thời điểm nó được biên soạn, và từ thời điểm hiện tại. Nhưng do thời gian hạn hẹp, tôi sẽ không bàn và không khen những gì tác giả đã làm được, mà chỉ tập trung ở đây những nhận thức và chú thích nhanh về những sai sót mà tôi nhặt được khi đọc cuốn sách, nhằm phụ giúp cho bạn đọc. Dĩ nhiên, tôi có thể cũng sẽ sai lầm khi chữa lợn lành thành lợn què, nhưng điều đó là chuyện bình thường của việc làm khoa học, một khi sử liệu và phương pháp thay đổi, và hiểu rằng nghiên cứu địa lý học lịch sử giống như đi vào một khu rừng miên viễn của quá khứ!

Công trình Nghiên cứu bản đồ các cửa sông, hải cảng Việt Nam thế kỷ XV được Gustave Dumoutier viết bằng tiếng Pháp, đăng trên tạp chí Địa lý lịch sử và mô tả (Bulletin de géographie historique et descriptive), số 2 năm 1896. Công trình  gồm một tập 25 tờ chú thích và 24 tấm bản đồ nối tiếp từ Kinh thành Thăng Long đến cố đô Vương quốc Champa cùng với các phụ lục là hai Hành trình đường bộ và Hành trình đường thủy mà tác giả cho biết: “Đây là một tài liệu quân sự, được thiết lập dựa trên các thông tin thu thập được khoảng cuối thế kỷ XV của các phái viên do vua Lê Thánh Tông cử đi mật thám để vẽ chuẩn bị cho việc thôn tính Champa được thuận lợi.” Với 24 tấm bản đồ và phụ lục kèm theo viết bằng chữ Hán hoặc Nôm, G. Dumoutier đã thực hiện: sao, chụp lại các tấm bản đồ; đọc và phiên âm các địa danh, các chỉ dẫn ra chữ Quốc ngữ và giải nghĩa bằng tiếng Pháp, đánh số ngay sát các chữ Hán, hoặc Nôm trên bản đồ những con số tương ứng để người đọc dễ đối chiếu; chuyển ngữ từ Hán, hoặc Nôm ra chữ Quốc ngữ và giải nghĩa bằng tiếng Pháp cả hai Hành trình đường bộ và Hành trình đường thủy (sông, biển); cuối cùng, nghiên cứu, phụ bổ các chú giải địa lý, lịch sử và khảo cổ trên các vùng đất mà G. Dumoutier đã đi qua trên hai hành trình bằng việc đối chiếu Tập Hải đồ với các bản đồ cuối thế kỷ XIX. Qua việc nghiên cứu bằng phép đối chiếu bản đồ và đi thực tế, tác giả đã nêu lên những thay đổi khá quan trọng từ ba thế kỷ tại một số điểm miền duyên hải Trung kỳ và Bắc kỳ.

Tác giả

(Visited 99 times, 1 visits today)