Đi chiến khu

LTS: Tia Sáng giới thiệu với bạn đọc một kỷ niệm về cuộc gặp mặt đầu tiên của cố giáo sư Đào Văn Tiến với cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào ngày 22/8/1945, tức là chỉ ba ngày sau sự kiện Cách mạng Tháng Tám lịch sử ở Hà Nội.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm giáo sư Đào Văn Tiến ở Phòng Bảo tàng động vật của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (19 Lê Thánh Tông) trong năm 1979. Đđằng sau là các giáo sư Ngụy Như Kon Tum và Nguyễn Đình Tứ… Nguồn: Tư liệu

Tháng 8 năm 1945, cuộc đảo chính ở Hà Nội đã được hai hôm. Trong thời gian đó, ủy ban cách mạng đóng ở Bắc bộ phủ, có vẻ chưa chuẩn bị xong bộ máy quản lý Chính phủ về các mặt, không xử lý hết các việc do nhân dân nội thành đề xuất lúc bấy giờ. Nhân dân cử người này, người kia tới Đông dương học xá, trụ sở của Tổng hội sinh viên, hỏi chủ trương này, chỉ thị nọ – họ cho Tổng hội cũng là một cấp chính quyền gi đó. Anh Lê Văn Giang, ủy viên đối ngoại của Tổng hội, nhiều lúc cũng phải lắc đầu vì quá mệt. Giáo sư Trần Văn Khang, tổng thư ký khu học xá, cho mời tôi lên, nhờ chuyển bức thư của Khu học xá, có chữ ký của giám đốc Ngụy Như Kontum, mang đề nghị của Tổng hội lên chiến khu Thái Nguyên để báo cáo tình hình khẩn cấp ở Hà Nội. Lúc đó, tôi có một anh bạn là Lưu Công Hạt, người Thái Nguyên, đang công tác tại Hà Nội. Tôi dẫn anh Lưu tới gặp giáo sư Trần, anh cho biết qua là anh Văn (tức Võ Nguyên Giáp) đang chỉ đạo trận đánh lô cốt của Nhật ở trong thị xã, anh có thể dẫn tôi tới gặp anh Văn. Giáo sư Trần mừng quá, bố trí xe ô tô của khu, giao cho tôi khẩu súng lục để phòng thân và bức thư.

Sáng ngày 22/8, chúng tôi lên đường, cùng đi có các anh Nghiêm Xuân Yêm và Quản Xuân Nam. Tới Phủ Lỗ, cách Hà Nội khoảng 28km, nước lên quá to, gần ngập đường quốc lộ. Mặt nước mênh mông, ngồi lên xe, mà chúng tôi có cảm giác đang bình bồng trên cái phà nhỏ, nhận thấy rõ ràng, con người còn quá bất lực trước thiên nhiên.

Không có phà. Xe phải chuyển sang đường đi Bắc Ninh. Dọc đường thỉnh thoảng gặp các trạm gác của chính quyền cách mạng địa phương kiểm soát giấy tờ. Và trên đường nhỏ xa xa có dòng người biểu tình tuần hành sau ngọn cờ đỏ sao vàng, đố đây văn vẳng tiếng ca bài “Diệt phát xít” hay “Tiến quân ca”.

Trên đường nghỉ chân, chờ phà, ngồi trên bãi cỏ, tôi rút súng ra – đây là lần đầu tôi được biết súng ngắn – tìm hiểu và cho là anh Lưu đã có chiến đấu, nên giao súng cho anh giữ. Ngờ đâu, chú lái xe cùng tò mò mượn súng xem. Anh Lưu vừa giao, định dặn dò thì nghe “pằng”, một tiếng nổi xé tai: anh này đã táy máy bóp cò súng. Chúng tôi sờ năn tứ chi xem có chỗ nào bị thương không, vô sự.

Ngủ tại Lũ Yên, cách Thái Nguyên khoảng 30km và sáng tới thị xã vào lúc khoảng 8 giờ. Anh Lưu dẫn chúng tôi tới bản doanh của anh Văn – đóng ở trụ sở Ca-dát cũ. Tôi gặp anh Hồng Kỳ, thư ký của ban tác chiến. Anh Hồng, học sinh cũ của Hà Nội, người mảnh khảnh, mặc bộ quần áo chàm rộng tay, cài khuy vải như người Tày. Tôi viết mảnh giấy này kèm thư giới thiệu yêu cầu gặp anh Văn nhờ anh Hồng chuyển. Sau vài phút, anh Hồng dẫn tôi vào phòng trong. Anh Văn đã ngồi sẵn ở cái bàn mộc nhỏ cũ – lần đầu tiên, tôi biết mặt anh – Anh người thấp, trán rộng, tóc chải lật, mắt sắc, miệng tươi, mặc áo vét tông tôpican cũ, cổ sơ mi bẻ ngoài ve áo.

Anh hỏi tỉ mỉ chuyện Hà Nội tuần vừa qua, nhất là từ lúc chiếm Bắc bộ phủ. Tôi trình bày cặn kẽ tình hình phố phường, tình trạng lúng túng của ủy ban cách mạng ở Hà Nội trong khi tiếp xúc dân, tình hình Tổng hội sinh viên, làm nhiều việc không đúng chức năng, anh hỏi thêm: “Anh Dương Đức Hiền vẫn là chủ tịch Tổng hội, anh Phan Mĩ vẫn là ủy viên chấp hành chứ?”. Tôi gật đầu. Anh tiếp: “Anh Phan lên chiến khu chậm hơn các anh em khác, nhưng chúng tôi vẫn chấp nhận vào hàng ngũ” và anh kể tên, ngoài anh Dương, một số người sau này là ủy viên chấp hành của đảng Dân chủ: Hoàng Văn Đức, Đỗ Đức Dục… Vừa nói chuyện anh vừa ghi chép vào sổ, tôi có cảm giác anh viết cái gì khác với nội dung câu chuyện. Cũng có linh tính về cảm giác của tôi, anh xin lỗi: “Ấy tôi phải tập làm hai việc một lúc, vừa trao đổi với anh, vừa ghi một số việc sẽ làm khi tới Hà Nội, anh đừng để ý”, và anh hẹn 8 giờ sáng mai lên đường về Thủ đô.

Chiều hôm đó, anh Lưu dẫn tôi đi thăm mấy khu phố còn tiếp diễn chiến sự. Quân Nhật chia thành tổ nhỏ, tự vệ phân tán trong vài nhà ở khu phố, quân ta nấp ở ngoài bắn tỉa vào trong. Địch thỉnh thoảng vứt lựu đạn ra ngoài đường. Tình hình chiến đấu của quân Nhật, có vẻ cầm chừng. Anh Lưu nói: “Ta đã vận động cho chúng yên tâm ra hàng và được đối xử tử tế. Chúng rất sợ là bị giết nếu bị bắt” – và anh thêm: “Ngày mai là cùng sẽ chấm dứt tiếng súng, đúng ngày anh Văn về Hà Nội”.

Sáng hôm sau, chúng tôi tới trụ sở, ở đây tôi thấy thêm các anh Lê Văn Chánh, bác sĩ và Vũ Công Thuyết dược sĩ… Hóa ra đã có nhiều trí thức đã lên chiến khu từ trước.

Chúng tôi đi xe của khu học xá. Đoàn anh Văn gồm các anh Phan Tử Nghĩa, Vũ Đình Huỳnh, Nguyễn Việt Dũng, Lê Văn Chánh… đi xe của ủy ban Thái Nguyên. Chúng tôi nghỉ ở Thị Cầu và đêm đi đò qua sông Đuống – xe phải để lại. Đi bộ tới Phù Đổng, chúng tôi nghỉ ăn cơm trưa ở ủy ban cách mạng địa phương – Sau đó, các anh có xe của ủy ban Hà Nội sang đón.

Lúc chia tay, anh Văn dặn tôi và anh Lưu “Dăm bữa nửa tháng, các anh tới gặp tôi”. Sau đấy một tuần, tôi thấy chính phủ lâm thời ra mắt quốc dân và anh Văn giữ chức Bộ trưởng Nội vụ. Ít hôm sau đó, chúng tôi tới gặp anh ở Bắc Bộ phủ (nhà khách chính phủ bấy giờ). Nhẹ nhàng trong bộ tôpican mới, anh tươi cười hỏi anh Lưu về nguyện vọng công tác. Anh Lưu trả lời xin về Thái Nguyên. Với tôi, anh đề nghị nếu thích ở bộ đội, anh sẽ giới thiệu sang làm chính trị viên ở chi đội quân giải phóng (lúc đó anh Quang Trung làm chi đội trưởng), tôi nói “Trước cách mạng, tôi đã công tác ở trường đại học, anh cho tôi trở lại giáo dục như cũ”. Nghĩ một lúc, anh gật đầu “Tôi sẽ giới thiệu anh với anh Vũ Đình Hòe, Bộ trưởng giáo dục của chính phủ lâm thời”. Dường như tôi có duyên với bộ đội nên ở trường đại học được ít lâu, sau toàn quốc kháng chiến, từ ngày mồng một tháng Giêng năm 1947, tôi lại có mặt trong quân ngũ.    

Tác giả

(Visited 10 times, 1 visits today)