Dịch tả và virus corona: Những sai lầm không được phép lặp lại

Dịch tả gần như đã bị đánh bại ở phương Tây nhưng mỗi năm nó vẫn giết chết hàng chục ngàn người ở những nước nghèo. Và những bài học từ dịch tả thực sự có giá trị khi chúng ta tìm kiếm một phương cách chữa trị virus corona.


Một đứa bé Yemen đang kiên nhẫn chờ lấy nước sạch. Yemen là một trong những quốc gia bùng phát dịch tả vào những năm 2016-2017. Ảnh: AFP.

Chúng tôi đăng nhập hằng ngày lúc 7:45 sáng. Lần lượt từng người, chúng tôi tham gia cùng hàng loạt những gương mặt trên màn hình. Bác sĩ chúng tôi chưa quen với những cuộc họp qua video như thế này, vẫn hớn hở vẫy tay chào nhau. Kể từ khi cuộc khủng hoảng virus corona bắt đầu, những cuộc gặp trực tuyến hằng ngày này đã chứng tỏ là một cách thức vô giá để chúng tôi chạy theo kịp những hướng dẫn lâm sàng, quy trình bệnh viện và tình trạng đội ngũ cán bộ nhân viên của mình – tất cả đều thay đổi hằng ngày.

Nhưng những cuộc họp này còn đem đến những thông tin ảnh hưởng trực tiếp đến từng cá nhân: Bao nhiêu bệnh nhân của mình có triệu chứng? Bao nhiêu đã có kết quả xét nghiệm dương tính? Bao nhiêu đã tử vong? Đây đương nhiên đều là những câu hỏi quan trọng, nhưng nền tảng được đào tạo về y tế công cộng còn nhắc nhở tôi phải tư duy ở mức toàn cầu. Trong năm tới chúng ta sẽ thấy những bước phát triển cho phép kiểm soát virus này ở phương Tây, nhưng còn những nước khác thì sao? Tôi không khỏi nghĩ về họ hàng của mình ở Ấn Độ và cơn đại dịch này có tác động ra sao đối với họ – không chỉ trước mắt mà còn trong tương lai. Câu hỏi thực sự quan trọng không phải là ai sẽ chết vì virus corona ngày mai mà là trong 200 năm tới.

Những thảm họa như đại dịch không bao giờ chỉ có phá hủy, chúng còn đưa đến những thay đổi, và thường sẽ tạo ra những bước phát triển khoa học và cải cách xã hội.

Bởi vì virus corona không phải là cơn đại dịch duy nhất thế giới đang đối mặt. Còn một cơn đại dịch khác hiện đang hoành hành. Kể từ khi dịch tả lan ra khắp toàn cầu cách nay hai thế kỷ, nó đã giết chết 50 triệu người. Trong khoảng thời gian độc giả đọc từ đầu đến hết bài viết này thì thêm 5 người đã chết vì nó. Ngày nay, dịch tả hầu như bị bỏ qua ở phương Tây, nhưng nó chưa bao giờ biến mất ở những nơi khác trên thế giới.

 

Dịch tả – cái chết xanh

 

Để đến được nhà ông bà tôi ở bang Bihar, Đông Bắc Ấn Độ, ta phải đi xe hơi từ sân bay Patna băng qua một trong những cây cầu vượt sông dài nhất thế giới, cầu Mahatma Gandhi. Cây cầu này đưa ta qua sông Hằng đi lên phía Bắc, vượt qua Hajipur – thành phố nổi tiếng có loại chuối thơm – rồi đến Darbhanga gần biên giới với Nepal. Khi tôi còn nhỏ, con đường này bị những cơn mưa lũ theo mùa thường xuyên làm hư hại đến mức phải mất đến 7 giờ đồng hồ gập ghềnh qua những ổ gà xóc hết cả ruột chúng tôi mới đến nơi – trong khi một quãng đường tương tự ở Anh quốc thì chỉ cần 2 giờ. Ngày nay, con đường này đã trơn tru, được nâng cao, và cho ta ngắm nhìn cảnh quan ngoạn mục của những bãi bồi xanh tốt trong vùng. Đây là điều kiện lý tưởng để trồng các loại cây trái – xoài, vải, ổi – mà mùi hương vẫn thoang thoảng trong trí nhớ những chuyến tôi về thăm ông bà.


Một bản sao phục dựng trụ bơm nước được John Snow xác định là nguồn làm bùng phát dịch tả ở khu Soho, London năm 1854. (Nguồn: Alicia Canter/Observer).

Cũng chính điều kiện ẩm ướt, bán nhiệt đới của đồng bằng sông Hằng khiến nơi đây trở thành điểm nóng cho các loại bệnh tật lây lan qua nước. Người ta cho rằng miền Bắc Ấn Độ là nơi dịch tả khởi đầu cách đây nhiều ngàn năm do nơi đây có nhiều vùng nước tù đọng cùng các nghi lễ Ấn giáo mà tín đồ phải trầm mình dưới sông. Hàng chữ khắc 2.000 năm tuổi tại một ngôi đền ở bang Gujarat mô tả chi tiết hình ảnh lâm sàng của bệnh nhân mắc dịch tả nặng: “Môi thâm xanh, mặt hốc hác, mắt trũng sâu, bụng lép kẹp, chân tay co quắp như bị cháy” 1,2.

Trong hàng thế kỷ, dịch tả chỉ gây ra những cơn dịch cục bộ ở Đông Bắc Ấn Độ. Rồi đến năm 1817, một cơn bùng phát dịch tả từ Bengal đã lan ra khắp thế giới, khởi đầu trận đại dịch đầu tiên trong tổng số 7 cơn đại dịch tả cho đến nay. Nhưng cũng như Vũ Hán với Covid-19, ta không thể buộc khu vực này chịu trách nhiệm cho việc để dịch tả lây lan, hay buộc Bắc Mỹ nhận lỗi cho cơn đại dịch cúm lợn H1N1 năm 2009 bắt nguồn từ những con lợn nuôi trong các trang trại công nghiệp3. Tất cả những trận lây lan này đều có chung một điểm là thương mại quốc tế cùng những con người và súc vật di chuyển theo những chuyến giao thương.

Trong quyển sách “Dịch bệnh và các dân tộc” (Plagues and peoples) của mình, nhà sử học William Hardy McNeill mô tả việc lục quân Anh mang dịch tả bằng đường bộ đến Nepal và Afghanistan, còn hải quân và tàu buôn Anh mang dịch tả vượt Ấn Độ Dương. Đó là lý do vì sao trận đại dịch đầu tiên từ vịnh Bengal đã lây đến Đông Nam Á, Trung Đông, Đông Phi, và rồi châu Âu vào đầu những năm 1820.

Năm 1831, dịch tả vươn đến Đông Bắc xứ Anh (England), là nơi sau này tôi lớn lên. Một trong những nạn nhân đầu tiên là cô bé Isabella Hazard 12 tuổi ở Sunderland4. Bệnh tình của cô bé tiến triển nhanh, đặc trưng cho dịch tả: cô bé hoàn toàn khỏe mạnh vào tối hôm trước nhưng đến chiều hôm sau đã tử vong. Cô bé là một nạn nhân trong giai đoạn đầu của một trong nhiều đợt dịch gây hỗn loạn ở châu Âu thế kỷ XIX. Những thành phố cảng vốn đóng vai trò then chốt trong giao thương là đối tượng đặc biệt bị ảnh hưởng nặng nề.

Khó có thể tưởng tượng ra nỗi hoang mang gieo rắc bởi “cái chết xanh” (tiếng Anh gọi là “blue death”), cách người ta thường gọi dịch tả, vì lúc đó nó là một thứ hoàn toàn bí ẩn. Giả thuyết phổ biến nhất bấy giờ là bệnh này do “chướng khí” (hay “miasma”) gây ra, từ đây nhiều thử nghiệm đã được tiến hành nhằm kiểm soát bệnh dịch. Như ở Kingston, Jamaica, các quan chức chính quyền thực dân Anh cố gắng tống khứ bệnh dịch bằng cách bắn đại bác trên phố “để tiêu diệt quyền năng sinh bệnh lẩn khuất trong những ngõ tối”.


Một hồ chứa nước bị nhiễm dịch tả ở Nam Phi năm 2001 (Nguồn: Schalk/EPA).

Rồi dịch tả cứ thế diễn ra, hết đợt dịch này đến đợt dịch khác suốt thế kỷ XIX làm hàng triệu người chết, chủ yếu là trong những khu dân nghèo. Giai cấp lao động nổi loạn khắp châu Âu do nghi ngờ bệnh này là một âm mưu của giới tinh hoa cầm quyền muốn hạ độc họ. Vào thập niên 1830, trong kế hoạch lật đổ hoàng tộc Bourbon, nhà cách mạng Mario Adorno buộc tội họ đã bày ra “một mưu đồ quỷ quyệt quyết đầu độc nhân dân” Sicilia bằng dịch tả5.

Nhưng những thảm họa như đại dịch không bao giờ chỉ có phá hủy, chúng còn đưa đến những thay đổi, và thường sẽ tạo ra những bước phát triển khoa học và cải cách xã hội. Các thế lực đế quốc châu Âu cuối cùng cũng đổ nguồn lực vào việc khám phá lý do thực sự của bệnh dịch, chủ yếu là để ngăn ngừa những cơn khủng hoảng kinh tế thảm họa cứ xảy ra sau mỗi đợt dịch mới. Sự đầu tư này đã đưa đến ba chuyển biến giúp kết thúc dịch tả ở phương Tây: cải thiện y tế công cộng để ngăn ngừa dân chúng nhiễm bệnh ngay từ đầu; khám phá các phương thuốc mới để ngừa và trị bệnh; và hợp tác quốc tế để đoàn kết chống lại một kẻ thù chung.

 

Lược sử nguyên nhân và cách chữa trị dịch tả

 

Năm 1813, bà Frances Snow sinh ra con trai đầu lòng tên là John ở thành phố York (Anh). Bà cùng chồng là William Snow, một thợ mỏ than địa phương, nuôi dạy John ở một trong những khu nghèo nhất thành phố. Cũng như bang Bihar ở Ấn Độ, khu vực mà John lớn lên thường xuyên bị ngập mỗi khi con sông Ouse tràn bờ.

Sau này khi John Snow trở thành bác sĩ, ông nghi ngờ cái ý tưởng cho rằng “chướng khí” gây ra dịch tả, mà nghĩ chắc nó phải liên quan đến nước. Trong một trận dịch tả làm 616 người chết ở Soho (một khu nội thành thủ đô London) năm 1854, ông đã chứng minh giả thuyết của mình một cách cừ khôi. Snow lập một bản đồ có các điểm đánh dấu toàn bộ trường hợp dịch tả trong khu vực, đồng thời nói chuyện với gia đình để tìm hiểu thói quen hằng ngày của họ – nói theo cách ngày nay thì ông đã tỉ mỉ truy vết tiếp xúc (contact tracing). Ông phát hiện ra rằng hầu hết những người nhiễm đều dùng chung trụ bơm nước công cộng trên phố Broad. Snow yêu cầu dỡ bỏ tay cầm của trụ bơm khiến người ta không thể lấy nước ở đó được, từ đó số trường hợp nhiễm dịch tả ở Soho giảm mạnh. Sau này người ta mới biết giếng nước bên dưới trụ bơm này là giếng cạn và đã bị nhiễm nước từ một hố nước thải gần đó. Chỉ bằng một thí nghiệm tài tình, Snow đã làm sáng tỏ bóng ma dịch tả đã ám ảnh ông suốt từ thời thơ ấu: nguyên nhân đơn giản chỉ là nước bẩn6.

Phát hiện của John Snow đưa đến việc thành lập các “quỹ cải thiện” (improvement trust) và ủy ban y tế công cộng ở các thành phố lớn trên khắp Ấn Độ. Những tổ chức này thực sự đã cải thiện điều kiện vệ sinh nhưng chủ yếu là cho dân Anh và quan chức chế độ thực dân ở Ấn Độ. Đến cuối thời kỳ thuộc Anh, hầu hết mọi người Anh ở Ấn Độ đều có nước sạch, nhưng chỉ có 1% người Ấn bên ngoài những khu vực dành riêng cho giới chức thực dân được hưởng điều kiện này7.

Ngày nay, hơn một nửa hộ gia đình Ấn Độ không được tiếp cận với bất kỳ phương thức vệ sinh đúng quy cách nào, tức là họ phải phóng uế lộ thiên và 70% lượng nước thải không được xử lý mà cứ thế đổ vào sông ngòi8. Kết quả là có đến 30.000 người Ấn Độ chết vì dịch tả hằng năm. Những người có khả năng thì tự đào giếng thật sâu. Ông bà tôi phải bỏ ra nhiều công sức để đào giếng, nhưng ông bà vẫn rất buồn vì sự thật là uống nước đó thì tôi vẫn đau bụng và mỗi lần thăm ông bà tôi phải uống nước đóng chai. Nhưng đây đâu phải lỗi của ông bà; cá nhân chỉ có thể cố gắng đến một mức nào đó thôi nếu chính quyền không đầu tư đủ vào việc đảm bảo nước sạch đến với mọi người dân.

Khám phá của John Snow là bước đầu tiên trên con đường chặn đứng dịch tả. Nhưng khi đại dịch này tiếp tục tàn phá châu Âu, người ta cần thuốc chữa trị hiệu quả để phòng chống bệnh. Và những loại thuốc này chỉ có thể được tạo ra một khi các nhà khoa học hiểu được rằng nước bẩn làm ta bệnh.

Ở Firenze (Italia), một người cùng thời với Snow đã ngày qua ngày cặm cụi áp mặt mình vào mắt kính lạnh lẽo của kính hiển vi tự chế. Đó là Filipo Pacini, giáo sư bệnh lý học và một người tiên phong trong tìm hiểu thế giới những sinh vật tí hon. Ông có năng khiếu trong lĩnh vực kính hiển vi mới thời bấy giờ và từ năm 19 tuổi đã đặt tên cho những bộ phận trong cơ thể người mà trước đó chưa ai biết. Ông ta tin chắc rằng nguyên nhân của nhiều bí ẩn y khoa, như những thứ bệnh đã gây đau khổ cả đời hai người em gái của ông, có thể được tìm ra bằng cách dùng công cụ mới có hiệu lực cao này để quan sát tỉ mỉ.

Pacini nghiên cứu nội tạng của bốn bệnh nhân chết vì dịch tả9. Ông mày mò quan sát ruột của họ bằng kính hiển vi và nhận thấy rằng mỗi bệnh nhân đều có vấn đề ở ruột. Thành ruột của họ rất bất thường: không phải màu hồng và mềm như cao su như thông thường, mà nhợt nhạt và bở rời thành từng mảng như tờ báo ướt. Khi ông tách một mảnh nhỏ thành ruột của bệnh nhân ra, ông quan sát thấy trong mô có rất nhiều chấm nhỏ hình dạng như nòng nọc.

Pacini nhận ra rằng dịch tả là do những cái chấm nhỏ này – ông gọi chúng là “vibrio” (dấu phẩy) từ hình dạng của chúng. Ông là người đầu tiên quan sát thấy một cách chắc chắn điều mà người ta đã đặt giả thuyết qua mấy thế kỷ: rằng bệnh tật là do những thứ vô cùng nhỏ bé mắt thường không nhìn thấy được. Tuy nhiên, cộng đồng khoa học bấy giờ không đánh giá đúng giá trị nghiên cứu của Pacini, và những khám phá của ông rơi vào quên lãng, hầu như bị bỏ qua trong 3 thập kỷ sau đó.

Pacici đã phát hiện ra “mầm bệnh”, nhưng phải chờ đến khi bác sĩ người Đức Robert Koch tự phát hiện ra phẩy khuẩn vào năm 1883 ở Ai Cập thì lý thuyết mầm bệnh mới được phổ biến. Trong một thế kỷ sau đó, các nghiên cứu xa hơn đã xác định được hai liệu pháp đích then chốt dựa trên những đột phá của giới khoa học từ tiểu lục địa Ấn Độ không lâu sau khi giành độc lập. Năm 1953, Hermanda Nath Chatterjee phát triển một hỗn hợp đơn giản gồm muối và đường có thể được hòa trộn với nước để thay thế một cách an toàn lượng nước bệnh nhân mất do tiêu chảy. Công thức cơ bản này vẫn được sử dụng cho đến ngày nay.

Sau đó 6 năm, Sambhu Nath De phát hiện ra rằng dịch tả tiết ra một loại độc tố đáng để mọi người quan tâm không kém phần bản thân vi khuẩn gây bệnh. Chỉ bằng những thiết bị khiêm tốn trong phòng thí nghiệm ở Kolkata, ông chứng minh rằng không cần có vi khuẩn thì nạn nhân vẫn bị bệnh. Nếu cho vi khuẩn sinh sôi trong một dịch canh rồi loại bỏ hết vi khuẩn đi – như hớt bỏ hoa lá gia vị ra khỏi nồi nước dùng – thì cái phần nước còn lại cũng đủ gây tổn thương ruột, có thể làm nguy hiểm đến tính mạng với đủ triệu chứng của người bị dịch tả.

Những khám phá này làm thay đổi hiểu biết và cách chữa trị dịch tả. Chúng là nền tảng cho 2 loại thuốc mới: liệu pháp bù nước qua đường miệng để thay thế lượng muối đã mất, và một loại vaccine dịch tả để tạo đáp ứng miễn dịch chống lại vi khuẩn cùng độc tố của nó. □ (Còn nữa)

 

Nguyễn Trịnh Đôn dịch

Nguồn: https://www.theguardian.com/society/2020/may/01/cholera-and-coronavirus-why-we-must-not-repeat-the-same-mistakes

—-

Neil Singh là bác sĩ gia đình và cán bộ giảng dạy chăm sóc y tế ban đầu và y tế công cộng tại Trường y Brighton & Sussex (chương trình đào tạo y khoa chung giữa Đại học Brighton và Đại học Sussex, Anh).

Bác sĩ Singh viết bài này cho tờ The Guardian ngày 1/5/2020.
 

Chú thích

1 Why we haven’t stopped cholera (2015). https://mosaicscience.com/story/cholera-haiti/

2 Cholera. History of vaccines. College of Physicians of Philadelphia. https://www.historyofvaccines.org/content/articles/cholera

3 Origin of 2009 H1N1 flu (swin flu). Center for Disease Control and Prevention. https://www.cdc.gov/h1n1flu/information_h1n1_virus_qa.htm

4 Isabella Hazard, the blue girl. Co-Curate. https://co-curate.ncl.ac.uk/resources/view/34622/

5 Cholera revolts: a class struggle we may not like (2017). Social History. https://doi.org/10.1080/03071022.2017.1290365

6 John Snow’s pump (1854). British Society for Immunology. https://www.immunology.org/john-snows-pump-1854

7 India@70: A brief colonial history of sanitation in India (2017). NDTV. https://swachhindia.ndtv.com/india70-a-brief-colonial-history-of-sanitation-in-india-10602/

8 India sanitation story (2014). Pragati. http://pragati.nationalinterest.in/2014/08/indias-sanitation-story/

9 Original observations of Filippo Pacini on Vibrio cholera (1978). Bulletin of the Indian Institute of History of Medicine. http://ccras.nic.in/sites/default/files/viewpdf/jimh/BIIHM_1978/32%20to%2038.pdf

Tác giả