Gánh nặng nam tính trên vai người đàn ông Việt

Lâu nay các nghiên cứu về khuôn mẫu giới, bất bình đẳng giới, thúc đẩy cơ hội tham gia của giới yếu thế... chỉ tập trung vào phụ nữ mà đã lãng quên một vế còn lại. Điều đó không chỉ khiến các chiến lược thúc đẩy mối quan hệ bình đẳng nam – nữ, cải thiện cơ hội của phụ nữ trở nên thiếu hiệu quả mà còn khiến xã hội không có hiểu biết về một nửa của mình - nam giới. Cuộc khảo sát đầu tiên[1] về Nam giới và Nam tính của Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) [2], do TS. Khuất Thu Hồng chủ trì đã đem lại những hiểu biết bước đầu.

TS Khuất Thu Hồng trong buổi gặp mặt các nhà khoa học do Tia Sáng tổ chức đầu năm 2020. Ảnh: Hoàng Nam.  
 

Hẳn nhiên, nhiều người vẫn nghĩ đàn ông là phái mạnh, nhiều ưu thế trong gia đình và xã hội. Như thế có cần phải nghiên cứu nam giới và nam tính nữa không?

Đúng là lâu nay người ta vẫn nghĩ vậy! Và trong khoảng hai thập niên vừa qua, các nghiên cứu về giới ở Việt Nam vẫn chỉ tập trung chủ yếu vào phụ nữ, vô hình trung, nam giới bị gạt ra và bị coi là không cần phải quan tâm. Nhưng nếu chỉ nghiên cứu về phụ nữ sẽ là thiếu hụt, vì phụ nữ là gì? Khái niệm phụ nữ sẽ không có ý nghĩa nếu không được đặt trong cặp phạm trù “phụ nữ và nam giới”.

Chưa nói tới lý do thứ hai là khi xét đến các mục đích phát triển, muốn thúc đẩy bình đẳng giới thì phải hiểu biết cả hai giới (và các giới khác). Bởi vì, nếu muốn can thiệp, nâng cao địa vị của phụ nữ lên mà không biết vế còn lại đang tương tác với phụ nữ, đang cản trở hoặc thúc đẩy tiến bộ của họ như thế nào thì những nỗ lực của mình sẽ kém hiệu quả và lại tạo ra sự bất bình đẳng khác. Thật vậy, ít người nhận ra rằng bất bình đẳng giới gây thiệt thòi cho phụ nữ và trẻ em gái, nhưng nó cũng có tác động tiêu cực đối với nam giới và trẻ em trai.

Chúng ta thử nhìn lại, nghiên cứu về giới bấy lâu nay chủ yếu tập trung tìm hiểu, phân tích những sự thua thiệt của phụ nữ so với nam giới. Nam giới thường bị che khuất đằng sau những thiệt thòi của phụ nữ và thường bị nhìn nhận như là những người (vô tình hoặc cố ý) khiến phụ nữ bị thiệt thòi. Nam giới hay bị “kết tội” là “gia trưởng,” là “độc đoán,”  là vô tâm”, … Và tội vạ đâu thì gán cho truyền thống và Khổng giáo chứ không mấy ai nghĩ đến chuyện hỏi nam giới vì cớ làm sao mà các vị lại hành xử như thế?

Lý do thứ ba để phải nghiên cứu về nam giới là trong những năm qua phụ nữ Việt Nam đã tiến bộ rất nhiều so với nam giới. Một số nghiên cứu trên thế giới đã kết luận rằng nam giới cảm thấy phải chịu áp lực nhiều hơn, thậm chí bị đe doạ vì thấy phụ nữ đang tiến bộ rất nhanh trong nhiều khía cạnh. Tuy nhiên, nam giới cảm thấy áp lực như thế nào? Sự đe doạ mà họ đang phải đối mặt là gì? Họ đã làm thế nào để sống với/hoặc vượt qua những áp lực hay mối đe doạ đó? Ở Việt Nam có lẽ chưa có ai trả lời câu hỏi đó.

Ồ, vậy là người đàn ông chịu áp lực trong một bối cảnh mới mà vô hình trung họ cũng không nhận ra, và cũng chưa được ai nghiên cứu.

Đúng vậy, những lý do ở trên mới là đặt ra trong mối quan hệ giữa phụ nữ và nam giới. Một động lực khác nữa thúc đẩy chúng tôi làm nghiên cứu này chính là trong nền văn hóa Việt Nam, có quá nhiều trông đợi vào vai trò trụ cột của đàn ông. Ở  cấp độ gia đình, đàn ông phải là trụ cột, ở cấp độ quốc gia họ phải là người trị quốc, phải là rường cột của đất nước. Những người tự nghĩ là mình chẳng đóng được vai trò trụ cột thì thường xuyên bị ám ảnh với suy nghĩ rằng mình thất bại trong vai trò của một người đàn ông “đích thực”. Áp lực gắn với một vai trò như vậy gây ra nhiều vấn đề cho họ về mặt sức khỏe tinh thần. Trong những năm vừa qua, các thống kê cho thấy nam giới thực hiện những hành vi mang lại nguy cơ cho mình nhiều hơn như lạm dụng rượu bia, hút thuốc, sử dụng ma tuý, đua xe, đánh nhau…3. Một điều đáng lo ngại nữa là so với phụ nữ, tỉ lệ nam giới muốn tự tử cao hơn…

Tỷ lệ nam giới trải nghiệm cảm xúc tiêu cực trong 12 tháng trước nghiên cứu chia theo khu vực (số mẫu=2,567). Ngoài ra, cứ 100 nam giới tham gia nghiên cứu thì có 3 người cho biết từng có ý định tự sát. Đáng chú ý, cứ 100 thanh niên (trong độ tuổi 18-29) thì có 5,43 người cho biết từng có ý định tự sát. Trước đây, khảo sát quốc gia năm 2010 về thanh thiếu niên và thanh niên Việt Nam, 4,1/100 thanh thiếu niên trong độ tuổi 14-25 đã từng nghĩ về việc tự tử. Đánh giá của WHO vào năm 2000 về sức khỏe và sự phát triển của trẻ vị thành niên cũng cho thấy, nhìn chung, trẻ em trai và thanh niên có tỷ lệ tử vong cao hơn trẻ em gái và phụ nữ trẻ do bạo lực, tai nạn và tự tử. Nguồn: ISDS.

Thực trạng này đặt ra nhiều câu hỏi cần phải được giải đáp: tại sao nam giới có xu hướng lái xe không an toàn, sử dụng ma túy, lạm dụng rượu bia và hành xử tiêu cực gây hại tới bản thân và cộng đồng? Có phải nam giới được sinh ra với tính bạo lực hay trấn áp người khác? Có phải đó là bản tính tự nhiên của nam giới?

Trở lại với nghiên cứu giới, chúng ta đã có hiểu biết khá nhiều về việc phụ nữ bị chi phối, bị bó buộc bởi những ý niệm và khuôn mẫu về nữ tính như thế nào nhưng lại biết quá ít về những quá trình tương tự xảy ra với nam giới.

Để lấp đi khoảng trống trong hiểu biết của chúng ta về người đàn ông trong xã hội Việt Nam đương đại, bà đã tiến hành nghiên cứu này như thế nào?

Trước hết tôi tìm hiểu các nghiên cứu về nam giới trên thế giới, qua đó tôi mới thấy rằng họ cũng có vấn đề, trước đây họ cũng đi con đường giống như chúng ta thôi – mới đầu họ nghĩ nam giới là giới “thượng đẳng” nên không có vấn đề gì cả mà chỉ cần tìm hiểu và nâng đỡ phụ nữ. Cuối cùng họ thấy nghiên cứu về phụ nữ sẽ là không đủ nếu không nghiên cứu về nam giới. Mặt khác, giới nghiên cứu quốc tế cũng thấy nam giới ngày càng gặp nhiều thách thức trong xã hội hiện đại.

Về mặt lý thuyết, nghiên cứu của chúng tôi dựa trên hai trụ cột chính:

Thứ nhất là quan điểm kiến tạo xã hội – chúng ta sinh ra với cơ thể là nam hay nữ nhưng chúng ta trở nên một người đàn ông hay đàn bà như thế nào là do môi trường xã hội. Quan điểm này khác với quan điểm mà đến bây giờ vẫn rất phổ biến ở Việt Nam rằng sinh học quyết định nam tính và nữ tính.

Trụ cột thứ hai là lý thuyết nữ quyền, theo đó nam giới không phải là một nhóm đồng nhất hay nam tính chỉ có một phiên bản duy nhất. Trong đàn ông có nhiều nhóm đàn ông, có rất nhiều phiên bản khác nhau của nam tính – nam tính không phải là bất biến trong suốt cuộc đời của một người đàn ông mà sẽ thay đổi tùy theo các giai đoạn khác nhau cũng như những thay đổi trong các bối cảnh xã hội khác nhau. Ví dụ như bạn nhớ lại truyện Kiều kinh điển của chúng ta thì thấy, những người đàn ông khác nhau trong cuộc đời của nàng Kiều. Từ Kim Trọng đến Thúc Sinh, Từ Hải, Hồ Tôn Hiến… Mỗi người trong số họ đều là một dạng nam tính điển hình. Người thì nho nhã, hào hoa, kẻ thì phong lưu, hào phóng, người thì anh hùng, bất khuất, nhưng lại có kẻ sắt đá, tàn nhẫn …Càng ngẫm về chuyện của nàng Kiều tôi càng tò mò muốn biết đàn ông Việt Nam ở thế kỷ 21 này là những người như thế nào.

Những phát hiện quan trọng nhất trong nghiên cứu này là gì?

Nghiên cứu này đưa ra một phác thảo đầu tiên về nam giới Việt Nam và có nhiều phát hiện trong đó, nhưng có lẽ đáng lưu ý nhất là đàn ông Việt Nam có rất nhiều áp lực. Họ phải là trụ cột cả theo nghĩa đen và nghĩa bóng, vừa phải là chỗ dựa về mặt vật chất, kinh tế cho gia đình, nuôi vợ con, chỗ nương tựa cho bố mẹ khi về già, về tinh thần anh ta phải là biểu tượng của dòng giống trường tồn,  mang lại vinh dự cho tổ tiên, là niềm tự hào của quê hương. Còn trong xã hội, anh ta vẫn bị ám ảnh bởi áp lực “phải có danh gì với núi sông” hay nói cách khác là phải có một “chỗ đứng” trong xã hội. Đó là những gánh nặng của người đàn ông.

Trong thời buổi xã hội đang cạnh tranh khốc liệt như hiện nay thì có thể áp lực ấy càng lớn. Đàn ông thì luôn cạnh tranh, phải nhìn sang anh em như thế nào, nên áp lực lại càng nhân lên. Tất cả những điều đó có thể dẫn tới những hành vi nguy cơ như hút thuốc, uống rượu, sử dụng ma túy … và hậu quả là những vấn đề về sức khỏe tinh thần như stress, chán nản, cảm giác cô đơn… và thậm chí là muốn tự tử. Trong những năm gần đây ở Việt Nam tỉ lệ nam giới tự tử đều cao hơn so với phụ nữ. Phụ nữ Việt Nam rất vất vả nhưng tỉ lệ phụ nữ tự tử lại thấp hơn nam giới. Không phải phụ nữ có ít áp lực hơn nam giới nhưng cách phụ nữ đối diện với áp lực và vượt qua nó chắc chắn khác với nam giới. Nhưng chưa có ai tìm hiểu nam giới có những áp lực gì và đối mặt với nó như thế nào. Báo chí thì lại hay đưa tin về phụ nữ tự tử hơn là đưa tin nam giới tự tử. Có rất nhiều những sự thực bị che khuất như vậy nên xã hội không nhìn ra để suy ngẫm và tìm cách giải quyết.

Tỷ lệ thỉnh thoảng/ thường xuyên kiểm soát hành vi đối phương (%) (số mẫu=2,406). Nguồn ISDS.

Một phát hiện nữa rất thú vị về mặt khoa học và thực tiễn là quan niệm thế nào là một người đàn ông “đích thực.” Kết quả phân tích số liệu nghiên cứu đã cho phép chúng tôi dựng nên chân dung “người đàn ông đích thực”. Về sự nghiệp, người đàn ông đích thực có vị trí trong cơ quan nhà nước, có bằng cấp cao, lãnh đạo, làm việc có chuyên môn cao, coi sự nghiệp là ưu tiên hàng đầu. Về năng lực và tính cách thì người đàn ông đích thực biết chấp nhận mạo hiểm thử thách, mạnh mẽ, không yếu mềm, biết sử dụng công nghệ hiện đại, có cơ thể khỏe mạnh, quan hệ rộng, có phong thái dứt khoát, phấn đấu để mình và gia đình không thua kém người khác; về thể chất thì là người có khả năng tình dục cao, có nhiều kinh nghiệm tình trường, luôn dẫn dắt trong quan hệ tình dục, có khả năng uống rượu bia, luôn hào phóng và che chở phụ nữ, sẵn sàng thể hiện sức mạnh khi cần để bảo vệ danh dự của mình. Có một số chi tiết thú vị là người đàn ông đích thực phấn đấu trở thành Đảng viên. Khi có kết quả này tôi ngạc nhiên vô cùng, rà soát đi rà soát lại và thấy không sai sót. Có thể lý giải cho điều này rằng ở Việt Nam, nếu muốn có vị thế xã hội thì phải làm trong cơ quan nhà nước và là Đảng viên thì cơ hội để thăng tiến sẽ cao hơn.

Một phát hiện khác có ý nghĩa quan trọng về quan hệ giữa nam giới và phụ nữ. Đó là những trông đợi của nam giới đối với phụ nữ vẫn xưa cũ trong khi phụ nữ đã thay đổi rất nhiều. Còn những trông đợi của đàn ông về chính họ lại nhốt họ trong cái khung chật chội cứng nhắc, cản trở sự thay đổi của họ và của cả phụ nữ.

Dường như phụ nữ được giải phóng nhiều hơn, còn với đàn ông, có vẻ là khuôn mẫu nam tính, cái khung “nhốt” họ suốt hàng trăm năm nay gần như không suy suyển.

Chính xác, cái đó chính là bất hạnh của người đàn ông Việt Nam. Phụ nữ được giải phóng tương đối nhiều rồi. Xã hội đã có rất nhiều thay đổi trong quan niệm về vai trò, về sự thể hiện của người phụ nữ, còn về đàn ông thì hầu như vẫn chưa có thay đổi gì cả. Đàn ông vẫn luôn bị chỉ trích là “bảo thủ,” là ‘gia trưởng” nhưng đã ai làm gì cho họ? Họ vẫn luôn bị/ được nghĩ là rất ổn, là phái mạnh thành ra cuối cùng thì họ vẫn quanh quẩn trong cái khung cũ rích như thế. Thế nhưng chúng ta cứ mặc định rằng làm đàn ông thì dễ dàng hơn, thoải mái hơn.

Đứng trước một núi áp lực như thế, để giải tỏa cảm giác bất lực, nhiều người đàn ông trút những bẽ bàng, cay đắng dồn nén xuồng đầu người phụ nữ vì dù sao họ vẫn có lợi hơn phụ nữ ở chỗ trong xã hội này, giới nam vẫn được coi là bề trên. Chúng ta ít nghĩ về điều đó khi tìm cách lý giải nguyên nhân khiến nam giới bạo hành phụ nữ. Nhưng làm đàn ông càng ngày càng không dễ dàng, nhất là tới đây, tất cả được cơ khí hóa, tự động hóa rồi, xã hội càng phát triển thì cơ bắp của người đàn ông sẽ chẳng phải là ưu thế, lúc ấy không khéo đàn ông lại rơi vào tình cảnh bất lợi hơn, vì phụ nữ cũng làm được những việc ấy mà thậm chí còn làm khéo hơn. Rõ ràng đàn ông phải đối diện với nhiều áp lực, mà không được giải tỏa thì họ có thể trở nên bạo lực hoặc tự hủy hoại mình.

Tại sao đàn ông cứ bị ràng buộc trong cái khung cứng nhắc đó mà xã hội chưa bao giờ thách thức cái khung ấy cả?

Sâu xa mà nói, xã hội này vẫn được lãnh đạo và cầm trịch bởi nam giới, nam giới đâu muốn thừa nhận vấn đề của họ? họ vẫn cho là họ ở vị trí cao hơn, là phụ nữ mới cần nâng đỡ. Tôi hay được mời đi nói chuyện ngày 8/3 hoặc 20/10 thì thấy lãnh đạo nam giới thường có thái độ như vậy, các anh ấy đến phát biểu úy lạo chị em vài câu, đại loại họ rất quan tâm đến chị em, thông cảm với chị em chịu nhiều thiệt thòi, đã, đang và sẽ tạo điều kiện cho chị em phát triển. Họ chẳng bao giờ nhìn sự việc theo cách phụ nữ và nam giới phải là “đôi bạn cùng tiến.” Phụ nữ Việt Nam vẫn chưa được nhìn nhận như một đối tác, mà như một đối tượng được nâng đỡ. Nhiều nam giới vẫn nghĩ là đàn ông ban ơn huệ cho phụ nữ, nếu họ không nâng đỡ thì phụ nữ không thể vươn dậy được.

Trở lại truyện Kiều mà tôi vẫn muốn lấy làm ví dụ về những khuôn mẫu giới điển hình ở Việt Nam. Nguyễn Du mô tả Kiều trong thân phận đàn bà bị cuộc đời vùi dập, trải qua vô vàn sóng gió trong một xã hội mà đàn ông là bóng tùng quân còn đàn bà là phận bồ liễu mong manh. Nguyễn Du đã đưa những trang nam tử điển hình của thời đại đến với nàng trong những giai đoạn khác nhau của cuộc đời. Nhưng chừng ấy người đàn ông có người nào “che chở” được cho Kiều? Lúc nào cũng là Kiều tự quyết định số phận của mình, từ việc bán mình chuộc cha, gửi gắm tình duyên cho em gái, cắn răng chấp nhận kiếp lầu xanh, liều mạng trốn theo Sở Khanh, trốn khỏi bàn tay Hoạn Thư, “làm loạn” cùng Từ Hải hay gieo mình xuống sông Tiền Đường vì không cam tâm làm lẽ mọn cho một thổ quan và cuối cùng là từ chối đời sống vợ chồng với Kim Trọng để được ngẩng cao đầu. Tất cả những trang nam tử đó, có ai dám “thách thức” số phận được như Kiều? Phải chăng họ ở vị thế cao hơn mà sinh ra là đàn ông họ đã mặc nhiên có được nên chẳng  thấy cần phải thử thách bản thân. Vì thế, cuối cùng, dưới ngòi bút tài tình của Nguyễn Du, tất cả những trang nam tử đó chẳng ai sánh được với Kiều, cả về tính cách, tài năng, phẩm hạnh và sự quật cường.  Nói theo ngôn ngữ thời nay thì có nghĩa là đàn ông mặc nhiên được cho là ưu việt hơn, hoặc có nhiều đặc quyền hơn phụ nữ nên họ không cần được quan tâm, không cần thay đổi. Nhưng bây giờ không phải là thời đại của Nguyễn Du nữa, do vậy, nếu không thay đổi thì đàn ông, có thể sẽ mãi bị cầm tù trong ngôi tháp cao nhưng ngột ngạt của mình.

Cứ “cũ kỹ” như vậy thì nam giới có khả năng thay đổi không?

Nghiên cứu này cũng chỉ ra, nam giới Việt Nam không phải là một nhóm đồng nhất và nam tính không phải là bất di bất dịch. Nhìn vào đó sẽ thấy được tại sao có những nhóm nam giới này, nhóm nam giới khác, và sự khác biệt của họ là cơ sở cho chúng ta tin rằng họ có thể thay đổi được. Đúng thế, chúng tôi rất mừng là khảo sát cho thấy những người đàn ông trẻ tuổi, ở thành phố, chịu ảnh hưởng của toàn cầu hóa (như dùng internet nhiều, đi du lịch nhiều, học vấn cao…) có tư tưởng thoáng hơn, ít bị ràng buộc bởi các khuôn mẫu truyền thống, họ ít kiểm soát, ít bạo hành phụ nữ hơn, sẵn sàng chia sẻ công việc nhà với phụ nữ, không cho rằng đàn ông ưu việt hơn phụ nữ… Những thay đổi xã hội như vậy đang bắt đầu từ đô thị và hy vọng rằng chúng sẽ khuếch tán rộng hơn và nhanh hơn trong thời gian tới.

Dù khai phá ra một lãnh địa mới trong nghiên cứu về giới ở Việt Nam, nhưng là một nghiên cứu mang tính tiên phong thì nó có những hạn chế gì thưa bà?

Thứ nhất đây là nghiên cứu đầu tiên và hầu như mới chỉ mang tính mô tả. Tuy nhiên, chúng tôi tâm đắc với việc đã dựng nên được chân dung “người đàn ông đích thực” trong xã hội Việt Nam đương đại và tìm ra mối quan hệ giữa hình mẫu “người đàn ông đích thực” với một số thái độ và hành vi tiêu cực của nam giới. Chúng tôi cũng hài lòng với việc đã chỉ ra rằng ý thức của nam giới về vai trò “trụ cột” trong gia đình gây nhiều áp lực cho họ… Tuy nhiên, nghiên cứu này đặt ra nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời. Còn nhiều vấn đề chúng tôi chưa giải quyết được đến nơi đến chốn. Ví dụ, chúng tôi chưa đo được mối quan hệ nhân quả giữa mức độ ý thức về vai trò trụ cột và mức độ áp lực mà đàn ông phải đối mặt và mối liên hệ giữa chúng với sức khỏe tâm thần của họ. Chúng tôi cũng chưa khai thác được những mức độ “lệch chuẩn” khác nhau ra khỏi hình mẫu “người đàn ông đích thực” và mối quan hệ của những phương án lệch chuẩn đó với những biến số khác nhau… Dù sao, kết quả nghiên cứu cũng mang lại cho chúng tôi rất nhiều cảm hứng.

Mặt khác, nếu có thể so sánh nam giới và phụ nữ trong cùng một nghiên cứu thì kết quả có thể thú vị hơn nhiều nhưng nghiên cứu này không làm được điều đó vì kinh phí hạn chế. Tôi muốn có nghiên cứu ở cấp độ quốc gia để khái quát được cho đàn ông Việt Nam, nhưng khoản tài trợ của Nafosted chỉ đủ khảo sát khoảng hơn 1000 mẫu nam giới, tôi phải tìm kiếm thêm nguồn tài trợ khác mới tăng số mẫu lên được 2567 người. Với cỡ mẫu này cũng chưa thể nói là đại diện cho tất cả nam giới Việt Nam cho dù chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ của chuyên gia chọn mẫu để có được một mẫu khả dĩ nhất, áp dụng khung chọn mẫu của các cuộc khảo sát quốc gia, kết hợp với nghiên cứu định tính. Cuộc nghiên cứu được thực hiện ở Hà Nội, TP HCM là hai đô thị lớn nhất ở miền Bắc và miền Nam, Khánh Hòa ở duyên hải miền Trung và Hòa Bình ở khu vực miền núi-trung du phía Bắc. Nghiên cứu cũng vấp phải một vấn đề là khi triển khai thu thập dữ liệu thì khó tiếp cận nam giới ở độ tuổi từ 15 đến 29 vì nhiều người đi làm ăn xa, vì thế tỉ lệ phỏng vấn được ở nhóm này thấp hơn tỉ lệ trong dân cư.

Mặc dù không thể đại diện cho toàn bộ nam giới Việt Nam nhưng dữ liệu đã cung cấp một số phát hiện quan trọng, cho phép một phác thảo chân dung đầu tiên về người đàn ông Việt Nam trong một xã hội đang đổi thay nhanh chóng.

Trân trọng cảm ơn bà về cuộc trao đổi!

Thu Quỳnh thực hiện

———-

Chú thích:

1 Đọc toàn văn nghiên cứu tại đây: http://isds.org.vn/en/an-pham/men-and-masculinities-in-a-globalising-viet-nam/

2 Với tài trợ của Quỹ Nafosted, Autralian Aid, Investing in Women.

3 Một số ví dụ: Ở Việt Nam, cứ hai nam giới trưởng thành, có một người (45,3%) hút thuốc lá (theo WHO vào năm 2018); có tới 70% đàn ông Việt Nam uống rượu và/hoặc bia và cứ một trong bốn người sử dụng rượu ở mức độ có hại; đàn ông chiếm 70% trong số 215.000 người nhiễm HIV trên toàn quốc; báo cáo quý I năm 2018 của UB An toàn giao thông quốc gia cho thấy 85% tổng số 2800 vụ tai nạn giao thông do nam giới.

Uống rượu và hút thuốc là hai hành vi nguy cơ đứng đầu của nam giới. Cứ hai người thực hiện hành vi nguy cơ “uống rượu bia” thì một người cho biết đã bị ép uống. Lý do chính được đưa ra phải uống là “sợ làm cho mọi người không vui” (73,62%) và “sợ mất các mối quan hệ” (26,60%). Sử dụng rượu bia là một biểu tượng của sự mạnh mẽ và nam tính ở hầu hết các quốc gia trong nhiều thế kỷ. Nghiên cứu này cũng cho thấy, cho thấy có bốn hoạt động phổ biến nhất mà nam giới thường làm khi gặp nhau: uống bia rượu (77%), hút thuốc lá / thuốc lào (51,2%) , đi hát karaoke hoặc đi quán bar / vũ trường (28,2%) và chơi trò chơi điện tử (10,7%). Nguồn: ISDS.

Tác giả

(Visited 251 times, 2 visits today)