Giáo sư Phạm Lợi Vũ: Niềm vui đến muộn
Con đường đến với khoa học không thật sự bằng phẳng, cũng không có nhiều người đồng hành nhưng với giáo sư Phạm Lợi Vũ, không gì có thể ngăn cản ông tiếp tục cuộc hành trình của mình và trở thành một trong những chuyên gia quốc tế về phương pháp bài toán ngược. Ở tuổi 86, dồn nhiều tâm huyết và công sức xuất bản một cuốn sách chuyên khảo tại nhà xuất bản uy tín CRC Press Taylor Francis Groups - “không nhiều nhà khoa học Việt Nam có được” như nhận xét của giáo sư Phạm Đức Chính, đồng nghiệp ở Viện Cơ học - ông chỉ hi vọng “xếp được một viên gạch để những người đi sau có thể xây thêm những viên gạch khác”.
Giáo sư Phạm Lợi Vũ và cuốn sách chuyên khảo “Inverse Scattering Problems and Their Application to Nonlinear Integrable Equations”
Với những người nghiên cứu thuần túy lý thuyết, đặc biệt là toán học, sự nở rộ của tài năng thông qua những công trình nghiên cứu thường đến sớm hơn so với đồng nghiệp ở những ngành và lĩnh vực thiên về thực nghiệm, vốn đòi hỏi những tích lũy dày dặn về kinh nghiệm thực tế. Tuy nhiên điều đó dường như không hẳn đúng với giáo sư Phạm Lợi Vũ, người dành cả đời theo đuổi các bài toán ngược – những vấn đề tính toán các nhân tố nhân quả (causal factors) dựa theo tập hợp các quan sát những đại lượng do chúng gây ra – và những ứng dụng của nó trong lĩnh vực toán lý. Một phần vì những truân chuyên mà giáo sư Phạm Lợi Vũ gặp phải sau ba lần đi học ở Liên Xô trở về liên quan tới đơn vị nghiên cứu mà ông làm việc khiến “ở độ tuổi 60 – 70, ông mới đạt tới đỉnh cao lao động sáng tạo, để cứ một hoặc hai năm công bố được một bài báo ở tạp chí khoa học quốc tế có uy tín, và phần lớn các công trình công bố quốc tế cho mình ông thực hiện ở Việt Nam”, giáo sư Phạm Đức Chính từng chia sẻ suy nghĩ về ông trên Tia Sáng cách đây cả chục năm.
Người tự bày một “mâm cỗ”
Ra đời vào tháng 11/2019, cuốn sách chuyên khảo “Inverse Scattering Problems and Their Application to Nonlinear Integrable Equations” (Những bài toán ngược tán xạ và những ứng dụng cho các phương trình khả tích phi tuyến) là tập hợp những công trình mà giáo sư Phạm Lợi Vũ đã thực hiện trong suốt sự nghiệp nghiên cứu của mình, “phản ảnh kết quả giải bài toán ngược tán xạ và mở rộng việc áp dụng kết quả của bài toán ngược tán xạ để giải một lớp các phương trình truyền sóng phi tuyến nổi tiếng”, ông giới thiệu như vậy về công trình tâm huyết.
Điểm khác biệt của cuốn sách này là giáo sư Phạm Lợi Vũ đứng tên một mình. “Thông thường, ít nhà nghiên cứu Việt Nam nào có đủ uy tín và chuyên sâu về nội dung để có thể đứng tên một mình trong xuất bản như vậy”, giáo sư Phạm Đức Chính cho biết.
Dường như việc “đơn thương độc mã” như vậy đã gắn liền với sự nghiệp nghiên cứu của giáo sư Phạm Lợi Vũ, ngay từ lúc công bố các công trình nghiên cứu trên những tạp chí quốc tế chuyên ngành. Trên thực tế, không có nhiều nhà nghiên cứu ở Việt Nam quan tâm đến bài toán ngược, dù đây được coi là một trong số những bài toán quan trọng trong khoa học, có thể cho chúng ta biết về những tham số mà chúng ta không thể trực tiếp quan sát và theo giáo sư Phạm Lợi Vũ, “các phương trình giải được theo phương pháp này ‘bắt rễ’ rộng khắp trong cơ học thủy khí, lý thuyết trường lượng tử, vật lý plasma, quang học phi tuyến, v.v…” Ngay cả khi đã yên tâm làm việc tại Viện Cơ học (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), nơi ông gắn bó đến khi về hưu vào năm 2000, thì hầu như ông chỉ làm việc một mình. “Người ta cứ bảo tôi là ‘ông chỉ bày ra một mâm cỗ chỉ để cho ông ăn một mình thôi, đề tài hay công trình của ông chẳng có ai khác đứng tên cả’. Tôi không biết nói thế nào vì tôi không có ê kíp, tôi không có quyền lấy người để tạo nhóm được nghiên cứu cho mình”, ông kể.
“Mâm cỗ” bài toán ngược ấy được ông chăm chút ngay cả khi phải làm những công việc mà hướng của nó không hề trùng khớp như xác định chấn tiêu động đất, xác định hiệu chỉnh động số liệu thăm dò dầu khí, thăm dò nước ngầm…, và cả những lúc bị gián đoạn công bố. “Tôi luôn nhất quán về bài toán ngược và coi đó là công việc quan trọng nhất trong nghiên cứu của mình”, ông đề cập đến lựa chọn của bản thân trong những hoàn cảnh không thuận lợi theo đuổi hướng nghiên cứu này một cách nhất quán. Điều ngạc nhiên là dù lầm lụi làm việc và cuối cùng cũng đến được điểm mốc nhưng ông lại không hề tự hào về tinh thần “tự lực cánh sinh” này. Trái lại, ông không khỏi ngậm ngùi: “Nếu tôi có điều kiện làm việc thuận lợi hơn, có được nhóm nghiên cứu thì tôi đã có sách này từ lâu rồi, có thể cách đây cả chục năm, trước khi tôi về hưu”.
Nỗi ưu tư về việc hình thành nhóm nghiên cứu đeo đẳng ông suốt quá trình nghiên cứu. Hơn ai hết, ông hiểu “muốn thành công và tiết kiệm thời gian thì phải có nhóm nghiên cứu. Lúc nào cũng cần có người phản biện mình, nghi ngờ mình. Nhiều nghi ngờ về cái sai mới như thế mới dẫn đến cái đúng chứ”, tuy nhiên những rào cản về biên chế và chế độ đãi ngộ đã khiến ông không thể thực hiện mong muốn của mình. Mặt khác, những đấu tranh vì khoa học của ông ở Viện Cơ học thời đó, cũng giống như trường hợp đồng nghiệp vong niên Phạm Đức Chính, khiến những đề xuất của ông không được đoái hoài. “Giáo sư Vũ nằm trong số ít nhà khoa học tâm huyết làm việc ở Việt Nam vẫn có thể vươn tới trình độ quốc tế nhưng không nhận được sự tôn trọng và hỗ trợ thích đáng từ hệ thống quản lý yếu và một số – như ông nói – quyền chức khoa học tham lam, ích kỷ và giả dối”, giáo sư Phạm Đức Chính ngậm ngùi viết như vậy trên Tia Sáng năm 2007.
Nhẫn nại theo đuổi đến cùng công việc
Giáo sư Phạm Lợi Vũ trình bày nội dung cuốn sách trong một seminar tổ chức tại Viện Cơ học (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam)
Xuất bản sách tưởng chừng là niềm vui không chỉ của riêng ông mà còn của cả gia đình, những người tạo điều kiện để ông toàn tâm toàn ý với công việc. “Thực ra ban đầu gia đình cũng muốn tôi hoàn thành cuốn sách nhưng sau ai cũng phản đối, không muốn cho tôi tiếp tục vì công việc kéo dài quá, năm này qua năm khác không xong. Tôi cũng thấy vất vả thật, ngại lắm nhưng bao nhiêu sức lực mình đã bỏ ra rồi, mình muốn kết thúc trọn vẹn”, ông kể về những khó khăn trong quá trình hoàn thiện bản thảo.
Có được sách chuyên khảo in ở nhà xuất bản quốc tế uy tín là điều mơ ước của nhiều nhà nghiên cứu nhưng thuyết phục nhà xuất bản không phải chuyện dễ. “Từ ý tưởng ban đầu đến khi ra đời cuốn sách, tôi cũng phải mất gần chục năm. Tác giả phải trả lời được một số câu hỏi của nhà xuất bản: nội dung sách của anh dựa vào đâu? phục vụ ai? mới ở chỗ nào? khác những cuốn sách khác cùng chủ đề như thế nào? có nhất quán theo cùng một chủ đề không? Tất cả phải được trả lời rất rành mạch và tường minh”, giáo sư Phạm Lợi Vũ kể lại quá trình ông “thư đi, thư lại” với các nhà xuất bản cho đến khi cuốn sách ra đời.
Việc xuất bản sách của giáo sư Phạm Lợi Vũ khởi đầu từ năm 2009, khi ông chủ động gửi thư đề xuất ý tưởng với nhà xuất bản Springer. Qua trao đổi trong gần 4 năm về nội dung và đề cương cuốn sách, hai trong ba phản biện của Springer cho biết, do nội dung của cuốn sách này đều là những công trình xuất bản trên các tạp chí có uy tín như Inversre Problems, Journal of Nonlinear Mathematical Physics nên họ thấy không có vấn đề gì về mặt toán học nhưng “phản biện thứ ba bảo anh viết sai nhiều tiếng Anh, nhiều lỗi ngữ pháp nên bản thảo này chưa sẵn sàng cho Springer xuất bản”. Do đó, họ gợi ý cho ông hai nhà xuất bản là Taylor & Francis Group và SIAM, nơi có cả một đội ngũ riêng chuyên giúp sửa chữa lỗi tiếng Anh, có thể giúp ông được vấn đề này.
Ông bắt đầu một cuộc trao đổi mới với Taylor & Francis Group, nơi ông nhận được những chia sẻ hết sức quý báu. “Đầu tiên họ bảo về toán thì giống như Springer là không có vấn đề gì về mặt toán học cả nhưng nội dung vẫn còn chưa đủ tỉ mỉ, vẫn cần so sánh với những vấn đề cùng chủ đề. Do đó, họ yêu cầu tôi viết thêm một chương, tôi phải viết thêm một chương và mất nửa năm nữa”, giáo sư Phạm Lợi Vũ không dấu nổi niềm vui khi có được người phản biện và giúp mình khai thác mở rộng vấn đề sâu sắc hơn.
Cuốn sách của ông dày gần 390 trang, được chia làm 9 chương, tất cả đều được trình bày một cách tường minh, chặt chẽ và nhất quán, ví dụ chương 1 và 3 giải các bài toán ngược tán xạ đối với hệ hai phương trình vi phân cấp 1 trên nửa trục cho nhiều trường hợp khác nhau với ma trận thế năng không tự liên hợp và giảm theo tốc độ của hàm mũ và cho trường hợp ma trận thế năng tự liên hợp và giảm theo tốc độ của hàm lũy thừa. Các chương 2, 3, 4, 6 và 7 sử dụng kết quả của các bài toán ngược tán xạ ở chương 1 và 3 để giải các bài toán biên và bài toán Cauchy đối với một lớp các phương trình phi tuyến trên nửa trục như phương trình phi tuyến Schrȍdinger đẩy và hút, phương trình phi tuyến bậc 3, modified KdV, sine-Gordon, sinh-Gordon.&nbs
Một điểm đáng chú ý là dù cuốn sách được tập hợp trên cơ sở nhiều bài báo ông thực hiện trước khi nghỉ hưu vào năm 2000 nhưng cũng có tới 11 bài báo là sản phẩm của các công trình nghiên cứu sau thời gian này, trong đó nhiều bài là sản phẩm của đề tài do Quỹ NAFOSTED tài trợ. “Giáo sư Phạm Lợi Vũ là một trong những chủ trì đề tài cao tuổi nhất của NAFOSTED. Sau do không đủ sức khỏe để có thể cáng đáng được công việc của chủ trì đề tài nữa, ông vẫn tiếp tục làm việc với tư cách là thành viên của một nhóm nghiên cứu ở Viện Cơ học”, giáo sư Phạm Đức Chính cho biết. Năm 2015, giáo sư Phạm Lợi Vũ tham gia với phó giáo sư Trần Thu Hà (Viện Cơ học) đề tài “Nghiên cứu thủy động lực học trong dòng chảy”, dù sau đề tài phải gia hạn thời gian nhưng cũng góp phần đem lại cho ông hai bài báo lần lượt xuất bản vào năm 2018, 2019 và đều có mặt kịp thời trong cuốn sách chuyên khảo này.
Nhìn lại cả cuốn sách, giáo sư Phạm Lợi Vũ không khỏi vui mừng về những nội dung được bổ sung vào cuốn sách, điều mà ông còn đắn đo khi bắt tay vào biên soạn. “Theo gợi ý của nhà xuất bản mà tôi có điều kiện thực hiện một bước nâng cao nội dung của mình, đó là trình bày về mối quan hệ giữa phương pháp ngược tán xạ với những phương pháp khác có liên quan ở chương 9. Để so sánh và liên hệ phương pháp mà mình phát triển với những phương pháp khác, tôi phải mất thêm nửa năm để đọc lại các tài liệu cũng như công bố mới về các phương pháp này. Tuy vất vả nhưng tôi lại càng thấm thía điều này: nó cho mình thấy phương pháp của mình có cái hay nhưng phương pháp khác mà người ta dày công phát triển cũng có cái hay không kém. Thế giới khoa học thực sự muôn hình muôn vẻ, điều mình làm ra rất cơ bản nhưng không phải là cuối cùng, mỗi người chỉ có thể giải quyết được một tí thôi, không nên quan niệm bài báo của mình là ‘to đùng vĩ đại’, làm gì có chuyện đấy”, ông nói.
***
Vào đầu năm 2020, Hội đồng khoa học Viện Cơ học tổ chức seminar giới thiệu nó với sự tham gia của nhiều đồng nghiệp trong và ngoài viện. Ông vui vì có cơ hội để nhiều người biết đến và sử dụng cuốn sách làm công cụ nghiên cứu. Ông kể, “ông viện trưởng Viện Cơ học đến dự và hỏi ‘sách của anh có phục vụ thực tế không?’, tôi bảo ‘sách của tôi nó rất có ý nghĩa cho các phương trình vật lý toán quan trọng nhưng để nó ứng dụng ngay bây giờ thì không thể”.
Những phương pháp tán xạ ngược chưa thể ứng dụng trong thực tế nhưng điều đẹp nhất mà nó để lại trong cuộc đời làm khoa học của giáo sư Phạm Lợi Vũ, đó là cho ông một cuốn sách, sự tôn trọng của đồng nghiệp và cả niềm tin vào khoa học mà ông đã truyền cho cả những người thân trong gia đình. Bà Nguyễn Thị Huyền, người bạn đời của ông, im lặng trong suốt thời gian ông kể về cuốn sách, mỉm cười ấm áp vào cuối câu chuyện “say mê khoa học thì làm thôi phải không cháu” như một cách xác quyết về điều ông đã chọn. □