Hàng triệu lọ vaccine bị bỏ phí

Trên thế giới có tới hàng triệu lọ vaccine bị vứt bỏ vì quá hạn sử dụng trong khi đó nhiều nước khác lại không có vaccine để tiêm chủng cho người dân. Tại sao việc phân phối vaccine lại tệ như vậy và phải làm gì để cải thiện tình hình?


Các nước giầu vứt bỏ vaccine vào thùng rác trong khi các nước nghèo Châu Phi lại trông ngóng viện trợ vaccine.

Khi làn sóng thứ ba quét qua đất nước vào cuối tháng 4, Marco Blanker đã sẵn sàng làm nhiệm vụ chống đại dịch của mình. Vị bác sĩ người Hà Lan tham gia tổ chức tiêm chủng cho 250 bệnh nhân lớn tuổi đến tiêm nhưng chỉ có 72 người trong số đó đến tiêm. Cuối cùng hàng chục lọ vaccine đã bị đổ bỏ. Ở Hà Lan, mức độ sẵn sàng tiêm chủng của người dân đã giảm nhanh chóng, theo nhận xét của bác sĩ – đặc biệt là với vaccine  AstraZeneca. Ông nói: “Tôi nghĩ chỉ riêng bác sĩ đa khoa và nhà thuốc vẫn lưu trữ tới 200.000 liều vắc xin AstraZeneca trong tủ lạnh của họ”.

Cùng với một số đồng nghiệp, bác sỹ Blanker khởi động  “Prullenbak Vaccine”  Vào website này, người Hà lan có thể biết ở đâu đang có vaccine. Bản đồ này hoạt động tốt đến mức ông và các đồng nghiệp có thể hỗ trợ những người muốn tiêm chủng ở nước ngoài .Ông nói “nếu dây chuyền lạnh hoạt động tốt thì có thể thu gom các lọ vaccine chưa tiêm, bảo quản lạnh và gửi cho Châu Phi để sử dụng tiếp.”

Đã có một doanh nghiệp vận tải ngỏ ý giúp vào việc vận chuyển  – tuy nhiên theo bác sỹ thì chính phủ Hà lan không tán thành dự án này vì có một số vấn đề liên quan đến pháp lý và hậu cần. Ông bác sỹ buồn bã nói “do đó các lọ vaccine chưa sử dụng vị vứt bỏ”. Nhưng ông không cam chịu: “Tiêm chủng cũng là quyền con người”. 

Câu chuyện ở Hà Lan đã khái quát phần nào tình hình hiện tại – trên thế giới có tới hàng triệu lọ vaccine bị vứt bỏ trong khi các nước khác lại không có để sử dụng. Hiện không có một ngân hàng dữ liệu của cả thế giới thống kê để lượng vaccine bị hủy bỏ, nhưng số liệu của từng quốc gia thì có và đó là những con số đáng báo động.

Theo WHO tính đến cuối tháng 8 có khoảng 1 triệu lọ AstraZeneca hết hạn sử dụng phải loại bỏ. Riêng trong năm nay tiểu bang Georgia của Mỹ đã đổ bỏ 700 nghìn lọ vaccine; các chuyên gia cảnh báo riêng ở Mỹ số vaccine bị đổ bỏ có thể đủ dùng cho 13 triệu người. Tại Ba lan, tính đến cuối tháng 7 đã phải đổ bỏ 73 nghìn lọ vaccine các hãng khác nhau. Ở Hồng Kông, số lọ vaccine dư thừa của các nhãn hiệu Sinovac và Biontech/Pfizer cũng chất đống có nguy cơ bị đổ bỏ. Tại Đức khoảng 1/10 vaccine của bác sỹ gia đình cũng bị tồn đọng, tổng cộng lên tới  3,2 triệu lọ.

Theo dữ liệu của “Our World in Data” khoảng 1/3 dân số thế giới đã được tiêm chủng 1 lần vaccine chống Covid-19 – tuy nhiên ở các nước nghèo số người đã tiêm một lần mới đạt 1,4%. Tại Nigeria mới có khoảng 0,7% dân số được tiêm chủng đầy đủ, ở Haiti thậm chí không tới 0,01%.

Chương trình COVAX của WHO cũng như Sáng kiến tiêm chủng toàn cầu GAVI và  CEPI đã không thể xây dựng một hệ thống tiêm chủng toàn cầu công bằng. Phần lớn trong số gần 5 tỷ liều được tiêm ở các nước giàu có, nhiều nước đàm phán trực tiếp với các nhà sản xuất để mua vaccine đã bỏ qua COVAX và ký kết các thỏa thuận song phương. Chiến dịch tiêm chủng toàn cầu dự kiến đến cuối năm 2021 tài trợ hai tỷ liều cho những nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình – cho đến nay mới  có khoảng 209 triệu liều được chuyển giao. 

Các nhà sản xuất như Moderna thông báo sẽ hết sức tăng cường sản xuất và nhiều nước muốn tặng lượng vaccine dư thừa cho các nước nghèo. Nhưng một khi vaccine đã được phân phối đến các địa phương trong một nước thì việc thu gom lượng dư thừa để tập trung trở lại vừa khó khăn, vừa tốn kém. 
Hoa Kỳ đã tuyên bố sẽ quyên tặng tổng cộng 500 triệu lọ vaccine. Chính phủ Hoa Kỳ đã sáng tạo bằng cách cho Canada và Mexico“vay” để tiêm chủng. Israel cũng cho Hàn Quốc “mượn” 700.000 lọ Biontech/Pfizer và Seoul sẽ hoàn trả sau.

Chính phủ Đức dự kiến đến cuối năm nay sẽ quyên tặng 30 triệu lọ từ kho dự trữ và chủ yếu dành cho các nước đang phát triển; 80% trong số này thông qua Covax. Số còn lại qua các thỏa thuận song phương cho một số nước như Namibia, Ukraina và Armenia …. Nước Anh cũng tuyên bố quyên góp 9 triệu lọ và đã thực hiện cung cấp. 

Việc quyên tặng này cũng không đơn giản vì có trường hợp khi vaccine đến sân bay nước nhận cứu trợ đã sắp hết hạn sử dụng gây nhiều khó nhăn cho các nước này vì phần lớn hạ tầng cơ sở giao thông và y tế của các nước này đều yếu kém. 

Tính đến đầu tháng 8 Châu Phi đã phải hủy 470.000 lọ vaccine vì quá hạn sử dụng. Thí dụ khác là khi vaccine đến Liberia chỉ còn hạn sử dụng là 15 ngày mà số lượng lên đến hàng vạn lọ do đó nước này buộc phải hủy bỏ 27 nghìn lọ.  

Javier Guzman, giám đốc chính sách y tế toàn cầu tại Trung tâm phát triển toàn cầu của Hoa Kỳ cảnh báo. “Năng lực của các nhà sản xuất chỉ có thể tăng lên đến một mức độ nhất định, số lượng vaccine quá ít để đáp ứng nhu cầu của các nước đang phát triển”. Và cuộc tranh luận về việc tiêm chủng bổ sung khiến các chuyên gia càng thêm lo lắng. Ông cho rằng: “Các quốc gia giàu sẽ chủ yếu sử dụng nguồn cung cấp của họ để tiêm tăng cường cho dân của họ và cũng sẽ tiêm chủng cho trẻ em. Vì thế tình hình không những không được cải thiện mà có xu hướng xấu đi”.

Theo Guzman, để giải quyết lâu dài những ách tắc vaccine hiện nay phải tác động vào khâu sản xuất. Các chính phủ và Tổ chức quốc tế phải tác động vào các hãng sản xuất vaccine để tăng cường sản xuất, phải có các biện pháp khuyến khích các nhà sản xuất ký hợp đồng bản quyền với các đối tác ở các nước đang phát triển và mới nổi sản xuất vaccine tại chỗ. 

Các tập đoàn  dược phẩm và nhiều quốc gia công nghiệp phát triển cho đến nay vẫn chống lại đề xuất của một liên minh do Ấn Độ và Nam Phi dẫn đầu về việc đình chỉ bảo hộ bằng sáng chế đối với vaccine corona. 

Trước mắt, theo Javier Guzman, điều quan trọng là phải sử dụng các cơ sở sản xuất hiện có, phù hợp để sản xuất vaccine – như trường hợp của công ty dược phẩm Merck của Mỹ, tập đoàn này đã không thành công trong việc tự phát triển vaccine , nhưng hiện đã trang bị thêm các cơ sở để sản xuất đối với vaccine Janssen. Guzmann cũng cho rằng việc thành lập Trung tâm Chuyển giao Công nghệ ở Nam Phi như đã được công bố, nhằm thúc đẩy sản xuất vaccine mRNA tại địa phương, là một bước đi đúng hướng. Ông nói: “Mọi người phải giúp một tay. “Bởi vì đại dịch sẽ khiến chúng ta bận rộn trong nhiều năm và biến thể tiếp theo chắc chắn sẽ sớm xuất hiện”. 

Xuân Hoài dịch
Nguồn bài và ảnh: https://www.spiegel.de/ausland/corona-impfungen-warum-weltweit-millionen-impfstoff-dosen-im-muell-landen-a-d4392aed-d013-40f5-87e7-1b373fe2c6e

 

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)