Không có rừng nhiệt đới, nhiệt độ trái đất sẽ cao hơn 1 độ C
Một nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí Frontiers in Forests and Global Change với những bằng chứng chi tiết và toàn diện nhất từ trước đến nay đã cho thấy, các cánh rừng có vai trò quan trọng đối với khí hậu hơn những gì chúng ta tưởng.
Các đai rừng mưa nhiệt đới trải dài khắp Châu Mỹ Latinh, Trung Phi và Đông Nam Á có vai trò rất quan trọng đối với khí hậu trái đất. Ảnh: Unsplash/CC0 Public Domain
Nghiên cứu mới phát hiện ra, khi chúng ta tính đến các hiệu ứng lý sinh – từ hiệu ứng của các hợp chất hóa học cho đến sự hỗn loạn và phản xạ ánh sáng, thì kết quả cho thấy các khu rừng đã giữ cho nhiệt độ của trái đất thấp hơn hơn ít nhất 0,5°C. Chỉ riêng những tác động này ở vùng nhiệt đới cũng đã làm cho địa cầu giảm đi 1/3°C; và khi kết hợp với carbon dioxide, hiệu quả làm mát lên đến hơn 1°C.
Theo nghiên cứu, “ở quy mô địa phương, tại tất cả các vĩ độ, tác động lý sinh của rừng vượt xa tác động về carbon. Nó giúp thúc đẩy sự ổn định của khí hậu ở địa phương bằng cách làm giảm hiện tượng nhiệt độ cực đoan ở tất cả các mùa và thời gian trong ngày. Các nghiên cứu lấy khả năng lưu trữ carbon của rừng làm thước đo từ trước đến nay đã không ghi nhận đầy đủ tầm quan trọng của rừng đối với cả việc giảm thiểu biến đổi khí hậu toàn cầu và khả năng thích ứng với sự biến đổi ấy của con người và các sinh vật khác, đặc biệt là trong bối cảnh trái đất ngày càng ấm lên”.
Trước đây, các nhà khoa học đã biết, nạn phá rừng nhiệt đới tác động mạnh đến sự thay đổi khí hậu toàn cầu. Tuy nhiên, đây là nghiên cứu mới nhất và toàn diện nhất cung cấp một loạt các bằng chứng cho thấy, việc phá rừng nhiệt đới có ảnh hưởng cụ thể như thế nào đến khí hậu ngoài vấn đề về carbon. Nghiên cứu cũng chỉ ra, toàn thế giới đã nhận được nhiều lợi ích nhất từ các đai rừng mưa nhiệt đới trải dài khắp Châu Mỹ Latinh, Trung Phi và Đông Nam Á.
Các tác giả đã xem xét các tài liệu hiện có và xác định, các khu rừng nằm ở dưới 50 độ vĩ Bắc sẽ đem lại lợi ích về khí hậu trên quy mô toàn cầu và giúp giữ cho toàn bộ trái đất mát hơn 1°C. Điều này cho thấy bất kỳ nỗ lực bảo vệ hoặc phục hồi rừng nào được thực hiện ở trong khoảng 40 độ vĩ nam và 50 độ vĩ bắc sẽ hữu ích cả ở cấp độ địa phương cũng như cấp độ toàn cầu. Chẳng hạn, việc khôi phục các khu rừng ở dải 10 độ ngay phía bắc của đường xích đạo sẽ có thể làm mát trái đất nhiều hơn 25% so với việc chỉ dựa vào khả năng hấp thụ CO2. Ngay cả đối với những khu rừng nằm ngoài dải này, nghiên cứu cũng cho thấy việc bảo vệ chúng đem lại nhiều lợi ích.
Cụ thể, rừng có khả năng làm mát nhờ một loạt các tác động về sinh lý. Tất cả các khu rừng đều thải ra các chất hóa học được gọi là hợp chất hữu cơ sinh học dễ bay hơi (BVOCs), giúp tạo ra các sol khí có khả năng phản xạ năng lượng đi đến và hình thành nên các đám mây – hai hoạt động đều có tác dụng làm mát. Mặt khác, các hợp chất này cũng dẫn đến sự tích tụ của ozone và metan – hai loại khí gây hiệu ứng nhà kính, khiến nhiệt độ trái đất nóng lên. Do khả năng làm mát của rừng lớn hơn hiệu ứng còn lại, những hợp chất hóa học phức tạp do rừng thải ra đã giữ cho bầu khí quyển trên khắp trái đất mát mẻ.
Ở các khía cạnh khác, rừng cũng giúp giảm thiểu hạn hán do thời tiết cực đoan nhờ vào bộ rễ sâu, có hiệu quả sử dụng nước và “độ nhám” bề mặt cao. Những đặc điểm này giúp cho các loài cây trong rừng tản nhiệt và di chuyển độ ẩm lên cao hơn trong khí quyển, từ đó trực tiếp làm mát ngay tại địa phương, cũng như tác động đến sự hình thành mây và lượng mưa – những yếu tố có ảnh hưởng đến cả những khu vực xa xôi.
“Các nghiên cứu ngày càng cho thấy rõ, rừng thậm chí còn phức tạp hơn những gì chúng ta đã biết trước đây. Do đó, việc bảo tồn nguyên vẹn rừng có lợi ích rất rõ ràng, và chúng ta bắt buộc phải ưu tiên bảo vệ chúng”, Wayne Walker, giám đốc chương trình carbon tại Trung tâm Nghiên cứu Khí hậu Woodwell và là một trong những đồng tác giả của nghiên cứu, nói.
Mỹ Hạnh dịch
(Visited 34 times, 1 visits today)